Cần tới 25.000 tỉ đồng để đáp ứng đầu tư điện cho nông thôn, miền núi, hải đảo
Theo Bộ Công Thương, trong thời gian tới cần khoảng 25.000 tỷ đồng để đầu tư cấp điện vùng sâu, vùng xa nên rất cần có sự tham gia của các tổ chức tín dụng, tài chính quốc tế.
Sáng 18/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị tham vấn huy động nguồn vốn đầu tư dự án cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2021 – 2025, vốn vay ngân hàng thế giới.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, điện khí hóa nông thôn Việt Nam thời gian qua đã đạt được những kết quả. Tỷ lệ hộ sử dụng điện tăng theo các mốc thời gian và từng bước, từ việc được sử dụng điện với giá hợp lý đến giá điện thống nhất theo quy định của Chính phủ và chất lượng dịch vụ ngày càng cao.
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Trần Việt/TTXVN.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, giai đoạn 2016 – 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo, theo đó nguồn lực đầu tư lớn khoảng 30.116 tỷ đồng để thực hiện mục tiêu hầu hết số hộ dân được sử dụng điện.
Tuy nhiên, do ngân sách nhà nước còn thiếu, các nguồn tín dụng ưu đãi hạn chế, nên đến nay tổng vốn được giao cho giai đoạn 2016 – 2020 là 4.743 tỷ đồng, mới đạt tỷ lệ 18,5%. Chỉ tiêu số hộ dân được cấp điện đạt thấp 19%, tương đương 204.737 hộ dân nông thôn; số xã được cấp điện hoàn thành 100%; cấp điện trạm bơm 89/2.727 trạm, đạt 3,26 %; cấp điện cho 3/3 đảo (Đảo Bạch Long Vỹ; đảo Nhơn Châu; đảo Trần) có điện.
Theo kế hoạch đến năm 2025, hầu hết số hộ dân nông thôn, miền núi và hải đảo có điện, tương ứng cấp điện cho khoảng 871.263 hộ dân của 6.811 thôn, bản trên địa bản 2.197 xã; cấp điện cho 2.638 trạm bơm quy mô vừa và nhỏ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long kết hợp cấp điện cho nhân dân.
Video đang HOT
Đồng thời, cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn năng lượng tái tạo cho các đảo còn lại như: Đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), Thổ Chu, An Sơn và Nam Du (Kiên Giang); các thôn đảo Ninh Tân, Ninh Đảo, Điệp Sơn, Bích Đầm ( Khánh Hòa) và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phương án cấp điện Côn Đảo…
Theo đại diện Bộ Công Thương, để đạt được mục tiêu đó, tổng vốn đầu tư ngân sách Trung ương vào khoảng 21.143 tỷ đồng. Nếu được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư cấp điện đảo Côn Đảo bằng lưới điện quốc gia, vốn sẽ tăng thêm khoảng 4.800 tỷ đồng. Đây là số vốn rất lớn và do vậy, một trong những giải pháp quan trọng là thu hút vốn từ nguồn quốc tế.
Thứ trưởng Đặng Hoàng An cũng cho biết, Bộ Công Thương đã làm việc với Ngân hàng thế giới (WB) và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) để vay khoản tính dụng; trong đó vay của WB khoảng 360 triệu USD (Bộ đã trình Bộ Kế hoạch đầu tư vào ngày 31/12/2019) và của ADB là 400 triệu USD cũng đã trình Bộ Kế hoạch đầu tư (từ 31/12/2019). Bộ đang thiết kế tiếp một khoản vay của Chương trình phát triển chuyển đổi năng lượng bền vững với EU là 141 triệu USD, dự kiến dành riêng cho chương trình phát triển điện nông thôn miền núi, hải đảo là 71 triệu USD.
Ông Rahul Kitchlu, Quyền Giám đốc Ngân hàng WB cho biết, WB đã huy động khoảng 2 tỷ USD trong cam kết 5 tỷ USD của WB cho chương trình điện khí hóa ở Việt Nam và khẳng định, điện khí hóa là một trong những ưu tiên của WB dành cho Việt Nam. WB hoan nghênh sáng kiến của Bộ Công Thương, Chính phủ Việt Nam trong việc huy động các nguồn lực để thực hiện chương trình này. Đồng thời, WB sẽ đồng hành cùng với Việt Nam thực hiện những chương trình tiếp theo trong thời gian tới.
Để thực hiện được, Việt Nam cần cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ ngành và các đơn vị liên quan và đây là yếu tố quyết định sự thành công. Bởi, đây là công việc đòi hỏi có sự tham gia của rất nhiều bên, của các địa phương và cơ quan chức năng chính vì thế phải có những quy chế để đảm bảo có sự điều phối, phối hợp chặt chẽ…
Chính sách tài khóa của Bộ Tài chính nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế
Việt Nam đã kiểm soát tốt dịch COVID-19 nhưng sự suy giảm của kinh tế toàn cầu, sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu vẫn gây tác động tiêu cực mạnh mẽ đến các hoạt động của nền kinh tế.
Dây chuyền sản xuất cà phê xuất khẩu của Công ty cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên tại Bắc Giang. Ảnh: Danh Lam
Điều này đòi hỏi chúng ta phải nâng dần khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp, đồng thời phải đa dạng hóa các thị trường, kể cả xuất khẩu và nhập khẩu để giảm thiểu các rủi ro khi một mắt xích trong chuỗi cung ứng không đáp ứng được yêu cầu.
Tạo dư địa tài khóa để chống đỡ các "cú sốc" kinh tế
Theo các chuyên gia, Việt Nam là một nền kinh tế có độ mở lớn nên đại dịch COVID-19 đã tác động sâu, rộng tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của nước ta. Tuy nhiên, với những kết quả đạt được đến thời điểm này, có thể khẳng định các chính sách của Chính phủ đã đi đúng hướng, phát huy hiệu quả, kịp thời động viên cộng đồng doanh nghiệp.
Trong đó, một trong những gói chính sách quan trọng nhất được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao là các chính sách về tài khóa. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, từ thực tế nghiên cứu, xây dựng và triển khai các giải pháp tài chính để ứng phó trong mùa COVID-19, Bộ Tài chính đã rút ra một số bài học quan trọng nhằm nâng dần khả năng độc lập tự chủ của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp, đồng thời phải đa dạng hóa các thị trường, kể cả xuất khẩu và nhập khẩu để giảm thiểu các rủi ro khi một mắt xích trong chuỗi cung ứng không đáp ứng được yêu cầu.
Trong đó, để ứng phó với các "cú sốc", củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, việc tăng cường sự phối hợp giữa các chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt sự phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ là rất quan trọng. Theo đó, cần phải thực hiện chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt để vừa đối phó với dịch bệnh vừa hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chính sách tài khóa an toàn, thận trọng cùng với việc thực hiện chủ trương cơ cấu lại ngân sách Nhà nước và nợ công từ trước khi đại dịch xảy ra cũng đã góp phần củng cố khả năng chống chịu của ngân sách Nhà nước, của nền kinh tế trước đại dịch...
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, sau 5 năm thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, dư địa tài khóa của Việt Nam đã được củng cố và tăng cao. Đến hết năm 2019, nhiều mục tiêu đề ra cho cả giai đoạn 5 năm về tài chính ngân sách đã cơ bản hoàn thành như thu ngân sách Nhà nước đã đạt 25,5% GDP, chi ngân sách Nhà nước bằng gần 28% GDP; bội chi ngân sách Nhà nước bằng 3,36% GDP và nợ công ở mức 54,7% GDP.
Do đó, dù năm 2020, thu ngân sách giảm mạnh so với dự toán, nhưng nhờ tiết kiệm chi chúng ta vẫn có dư địa tài khóa để chi cho đầu tư phát triển, phòng chống dịch và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Bộ Tài chính cho rằng, với dư địa tài khóa rộng như vậy, Việt Nam vẫn có thể xem xét gia hạn các giải pháp giảm thuế, phí, gia hạn nộp thuế... cho doanh nghiệp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khó khăn, nuôi dưỡng nguồn thu để có thị trường tài chính ổn định, bền vững.
Cơ cấu lại nguồn thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước
Cũng theo lãnh đạo Bộ Tài chính, thị trường thế giới gián đoạn, sản xuất gặp khó khăn đã, đang và sẽ ảnh hưởng đến các nguồn thu ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, kích thích nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường mới sẽ gây áp lực lên ngân sách và nợ công.
Do vậy, chúng ta cần phải tập trung đẩy mạnh các biện pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, thực hiện cắt giảm chi thường xuyên, nâng cao tính tiết kiệm, hiệu quả, kỷ luật trong chi ngân sách; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, tập trung giải ngân vào đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu.
Bộ Tài chính đã đề xuất, trình Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, công tác phí và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên chưa cấp thiết còn lại năm 2020. Cùng với việc lùi thời hạn tăng lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang nhân dân để chia sẻ khó khăn với Nhà nước và nhân dân, Bộ Tài chính ước tổng kinh phí tiết kiệm năm nay khoảng 14,7 nghìn tỷ đồng.
Về nguồn thu, theo Bộ Tài chính, giải pháp quan trọng mà Bộ đã và đang thực hiện là cơ cấu lại nguồn thu, theo đó, tăng tỷ trọng thu nội địa, bao quát các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, đặc biệt là nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế; đảm bảo tỷ trọng giữa thuế thực thu và thuế gián thu ở mức hợp lý. Cùng với đó, nghiên cứu để ban hành và khai thác tốt thuế tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường...
Tăng cường quản lý thu, hiện đại hóa toàn diện công tác quản lý thu, chống thất thu, chuyên gia, gian lân thương mai. Đồng thời, cần tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ vay theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả nguồn vốn vay cho đầu tư phát triển, đặc biệt chú trọng quản lý chặt chẽ nợ công, đảm bảo các rủi ro liên quan đến nợ công, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài quốc gia và các rủi ro tài khóa được quản lý, giám sát chặt chẽ trong bối cảnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp./.
Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công: Tạo đà cho phát triển kinh tế Đến hết tháng 11/2020, cả nước giải ngân vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2020 ước đạt 62,9%, bao gồm cả phần vốn các địa phương cân đối bổ sung ngoài số vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Trụ sở công trình vốn đầu tư công gần Trung tâm hành chính công tỉnh Bình Dương được gấp rút hoàn thành...