Cần Thơ: Rác thải ùn ứ trên nhiều tuyến đường
Từ đầu tháng 9/2022 đến nay, rác thải sinh hoạt thường xuyên bị ùn ứ trên nhiều tuyến đường, trong các con hẻm trên địa bàn quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Không chỉ gây mất mỹ quan, những đống rác này còn phát sinh nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe của người dân.
Rác chất đống trong một con hẻm trên đường Phạm Ngọc Hưng, phường An Thới.
Theo phản ánh của người dân, gần đây, các phường An Thới, Long Hòa, Bình Thủy, Long Tuyền, Trà Nóc… thuộc quận Bình Thủy xuất hiện tình trạng rác thải sinh hoạt chất thành đống dọc theo các tuyến đường, ngõ hẻm.
Bà Phạm Thị Hồng Hoa có một tủ bán vé số ở đầu đường Nguyễn Việt Dũng, phường An Thới. Đối diện chỗ ngồi của bà Hoa ở bên kia đường là nhiều túi rác to có, nhỏ có đang chất thành đống, dù ngay phía trên có biển “Cấm đổ rác” ghi chi tiết mức phạt tiền đối với hành vi vứt rác bừa bãi.
Theo bà Hoa, những túi rác trên không phải từ các hộ dân tại đó mà do người từ nơi khác đem lại bỏ. “Có người đi xe máy, có người chở hẳn trên xe ba gác đem lại đây đổ. Không biết nhà họ ở đâu mà ngày nào cũng đem rác lại đây bỏ như vậy”, bà Hoa nói.
Tuyến đường này, trước cổng Trường Mầm non Phong Lan cũng tồn tại hai đống rác sinh hoạt trên vỉa hè. Lãnh đạo Nhà trường đã báo cáo tình trạng này đến chính quyền địa phương và quận Bình Thủy để nhờ can thiệp, yêu cầu đơn vị thu gom vận chuyển rác đến nơi xử lý.
Ông Khổng Đức Vĩnh, nhà trên đường Nguyễn Việt Dũng, phường An Thới, cho biết: Từ tháng 8 trở về trước, tình hình thu gom rác thải sinh hoạt trong dân rất tốt. Các xe nhỏ đi vào tận hẻm nhỏ, nhà dân thu gom rác. Được biết đầu tháng 9/2022, địa bàn quận Bình Thủy chuyển đổi đơn vị thu gom, xử lý rác. Đơn vị mới không tổ chức thu gom rác trong các ngõ hẻm, nhà dân. Người dân trong các hẻm phải đem rác tập trung tại một số điểm ở tuyến đường chính, đầu hẻm để xe tải đến lấy.
Video đang HOT
“Nhiều lúc, đơn vị thu gom không kịp thời, rác tồn đọng, gây ô nhiễm, ảnh hưởng mỹ quan đô thị. Rất mong chính quyền địa phương chấn chỉnh tình trạng này, nhất là ở các điểm đông dân cư, trước trường học, nhằm hạn chế ô nhiễm, bảo vệ sức khỏe cho các cháu nhỏ”, ông Vĩnh nêu ý kiến.
Tuyến đường Phạm Ngọc Hưng tiếp giáp với đường Võ Văn Kiệt (quận Bình Thủy), cũng tồn tại nhiều đống rác thải sinh hoạt lớn, xuất hiện hằng ngày ở vỉa hè điểm giao nhau này. Theo nhiều hộ dân, do đơn vị thu gom không vào các hẻm thu gom rác, người dân trong các hẻm mang rác ra khoảng đất trống cập đường chính tập kết để đơn vị thu gom đến lấy. Tuy nhiên, đơn vị thu gom đến lấy rác, sau đó tại khu vực này tiếp tục xuất hiện rác mới chất thành đống.
Trong các con hẻm của đường Phạm Ngọc Hưng, rác ùn ứ càng nghiêm trọng hơn. Đầu hẻm 9/2 có một đống rác tồn tại nhiều ngày, mùi hôi thối bốc. Không chỉ ô nhiễm môi trường, người dân còn lo ngại về nguy cơ phát sinh dịch bệnh từ các đống rác thải này.
Lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thủy cho biết, hiện nay, trên địa bàn quận, tổng lượng rác sinh hoạt thải ra hằng ngày từ 90-95 tấn. Địa phương tổ chức thu gom trên 95% lượng rác được thải ra, phần còn lại do người dân tự đốt, chôn lấp…
Về vấn đề rác thải ứ đọng trong những ngày qua, ông Lương Sĩ Nam, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thủy cho biết, từ ngày 1/9/2022, Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ trúng thầu thực hiện dịch vụ vệ sinh đô thị trên địa bàn quận, thời gian thực hiện đến hết năm 2024. Đơn vị trúng thầu sẽ thực hiện các công việc gồm: quét gom rác đường phố, thu gom vận chuyển rác thùng công cộng, rác tổng vệ sinh, vận chuyển rác hộ dân đến bãi rác để xử lý…
Lý giải cho việc rác thải tồn tại nhiều ngày trên đường, chậm được thu gom, ông Nguyễn Phúc Như, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ cho biết, Công ty nhận bàn giao thu gom rác vào đầu tháng 9/2022 là các ngày nghỉ lễ 2/9 nên lượng rác trong dân, rác tại các điểm công cộng lớn. Đơn vị tập trung thu gom rác tại các tuyến đường lớn sau đó sẽ thu gom tại các vùng ven của quận Bình Thủy, đồng thời cố gắng phối hợp cùng địa phương xử lý rác tồn đọng trước đây…
Đối với phản ánh của người dân sống trong các hẻm, đường nhỏ về việc họ được yêu cầu đem rác ra các tuyến đường lớn, đầu hẻm trung tập để đơn vị thu gom, ông Như cho biết do công ty hiện thu gom rác bằng phương tiện cơ giới (xe ép rác) nên không vào trong hẻm nhỏ được. Do đó, đơn vị phối hợp cùng chính quyền địa phương yêu cầu người dân mang rác ra đầu hẻm để tiện việc lấy rác. Thời gian tới, đơn vị sẽ tổ chức thu gom rác thủ công để vào các con hẻm thu gom rác sinh hoạt cho người dân.
Tại Thông báo số 938/TB-PTNMT ngày 5/9/2022 của Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thủy gửi UBND 8 phường trên địa bàn và Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ thông báo về việc thay đổi nhà thầu thực hiện công tác vệ sinh đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thủy đề nghị Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ bố trí đầy đủ nhân sự, phương tiện thực hiện hàng ngày công tác quét rác đường phố, vỉa hè, dải phân cách; vận chuyển rác của các hộ dân từ điểm tập kết đến bãi rác, thu gom rác thùng công cộng và các công tác khác theo dự toán được phê duyệt, không để tồn đọng rác trên đường phố, khu dân cư…
Trong quá trình thực hiện, Công ty Cổ phần Đô thị Cần Thơ phải đảm bảo vệ sinh môi trường, việc tập kết xe rác phải gọn gàng, đảm bảo an toàn giao thông, không để rác ứ đọng, tràn lan trên đường và vỉa hè. Rác thu gom phải được vận chuyển đến bãi rác để xử lý, không để rơi vãi rác xuống lòng đường. Sau khi sử dụng các điểm tập kết rác để chuyển rác lên xe ép chuyên dụng xong, phải vệ sinh điểm tập kết rác sạch sẽ hằng ngày, không để mùi hôi, ứ đọng nước.
Ông Lương Sĩ Nam, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Bình Thủy thừa nhận, việc huy động lực lượng bố trí thu gom rác ở các tuyến hẻm vẫn còn sai sót. Phòng đã thông tin cho đơn vị, xử lý đối với các trường hợp người dân phản ánh. Thời gian tới, Phòng Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường phối hợp với UBND các phường tiếp thu ghi nhận ý kiến bà con, đồng thời sẽ xử lý triệt để đối với những trường hợp đơn vị không thực hiện nghiêm việc thu gom vận chuyển trên địa bàn, lập biên bản xử phạt theo hợp đồng quy định.
Phòng sẽ tăng cường phối hợp với UBND các phường tiếp thu ghi nhận ý kiến người dân; xử lý triệt để đối với những trường hợp đơn vị trúng thầu không thực hiện nghiêm việc thu gom vận chuyển trên địa bàn; lập biên bản xử phạt theo hợp đồng quy định.
Xỷ lý rác đô thị là vấn đề “đau đầu” của các thành phố lớn, trong đó có Cần Thơ. Người dân mong muốn chính quyền địa phương có giải pháp hiệu quả đối với công tác thu gom, xử lý rác thải, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân, công tác vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị trên địa bàn.
Nan giải tình trạng ô nhiễm rác thải ở nhiều địa phương ven biển Quảng Ngãi
Nhiều địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ngãi có tình trạng rác thải tràn lan trên các bãi biển dọc theo khu dân cư, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và cảnh quan môi trường, hệ sinh thái biển.
Dọc bờ biển thôn An Vĩnh, xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi rác tràn ngập mọi nơi, từ trên bờ xuống dưới biển. Theo người dân địa phương, sóng lớn và triều cường mạnh đã cuốn theo các lớp rác nằm dưới đáy sông Bài Ca (Cửa Sa Kỳ) rồi đẩy vào Bãi Sau ở thôn An Vĩnh. Cùng với đó, dòng nước từ các nhánh sông, luồng lạch tại các xã: Tịnh Khê, Tịnh Thiện, Tịnh Hòa (thành phố Quảng Ngãi), Bình Châu (huyện Bình Sơn) mang theo một lượng rác lớn rồi tấp vào, biến khu vực trên thành bãi rác.
Ông Nguyễn Cư (thôn An Vĩnh) cho hay, năm nào cũng vậy, cứ sau mỗi lần mưa lũ, rác thải sinh hoạt theo các con sông trôi về biển rồi lại bị tấp vào bờ. Ngoài rác thải nhựa khó phân hủy còn có cả xác chết động vật nên mùi hôi thối rất khó chịu. Nhiều nhà dân khu vực này phải đóng cửa cả ngày để tránh mùi hôi thối từ bờ biển xộc vào.
Cũng giống như vùng biển Tịnh Kỳ, ven biển xã Bình Đông (huyện Bình Sơn) đâu đâu cũng thấy rác. Rác không chỉ tràn ngập khu dân cư dọc theo bờ biển mà ngay trên đường đi. Khi triều cường lên, sóng biển cuốn những bãi rác này ra khơi. Sau đó, rác lại theo con sóng tấp ngược vào bờ và các khu dân cư dọc biển. Bên cạnh rác từ thượng nguồn các con sông đổ về còn có rác do người dân địa phương đổ ra.
Theo ông Nguyễn Văn Cư, Trưởng thôn Sơn Trà, xã Bình Đông, để hạn chế rác thải tràn ngập khắp nơi, người dân của thôn thường xuyên thu gom rác để đốt. Rác thải chủ yếu là các loại túi ni-lông, nhựa nên khi đốt sẽ có mùi hôi, khét, không tốt cho sức khỏe. Nhưng nếu không đốt thì không còn cách nào khác vì các tuyến đường xuống bãi biển ở đây rất hẹp, các loại xe chở rác không thể đến để thu gom.
Tại các địa phương ven biển khác như xã Bình Châu (huyện Bình Sơn), phường Phổ Thạnh (thị xã Đức Phổ), trên nhiều tuyến đường, bờ biển, bờ kênh cảng cá cũng ngập rác thải. Dù các đơn vị chức năng, địa phương đã nhiều lần tổ chức thu gom, song chưa xử lý dứt điểm được tình trạng ô nhiễm rác thải dọc bờ biển. Tình trạng rác thải ứ đọng dọc bờ biển ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe người dân.
Ông Phan Văn Đông, Chủ tịch UBND xã Bình Đông cho biết, từ cầu Trà Bồng đến cuối bãi biển thôn Sơn Trà có chiều dài khoảng 1,5 km. Địa phương nằm ở hạ lưu sông Trà Bồng nên rác theo dòng nước đổ ra biển, triều cường cuốn rác tập kết vào các bãi biển. UBND xã đã chỉ đạo các hội, đoàn thể thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không vứt rác, xả rác, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường; đồng thời nhiều lần tổ chức ra quân thu gom, xử lý rác. Tuy nhiên, đến nay Bình Đông vẫn chưa thể xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm dọc bãi biển.
Ông Nguyễn Hoài Thanh, Chủ tịch UBND xã Tịnh Kỳ, thành phố Quảng Ngãi, cho rằng để xảy ra tình trạng rác thải gây ô nhiễm môi trường trước hết là trách nhiệm của UBND xã. Tuy vậy, để xử lý dứt điểm tình trạng trên, xã không đủ kinh phí. Xã đề nghị chính quyền các cấp thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân khu vực thượng nguồn các dòng sông không vứt rác bừa bãi, tăng cường nhân lực, tăng số lượng xe và tần suất thu gom rác, cho người dân ký cam kết không đổ rác bừa bãi, tổ chức các đợt ra quân thu gom rác thải.
Với 130 km chiều dài bờ biển, tỉnh Quảng Ngãi có lợi thế rất lớn để phát triển kinh tế biển, trong đó có hoạt động khai thác hải sản. Thế nhưng, lợi thế ấy đang ngày càng bị ảnh hưởng bởi rác thải. Những thứ rác thải, nhất là các loại túi nilon, chai nhựa... đang khiến một số loài sinh vật biển như cá, tôm, cua và nhiều loại hải sản khác không thể sinh trưởng phát triển bình thường, làm giảm nguồn lợi thủy sản.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trần Phước Hiền cho rằng, để giải quyết tình trạng trên, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã có nhiều văn bản chỉ đạo các địa phương phải tăng cường ra quân, xử lý thu gom rác trên biển, nhất là rác thải nhựa, góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường. Đồng thời, tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân về bảo vệ môi trường; làm sao cho người dân ý thức được việc bảo vệ môi trường chính là bảo vệ chính mình, gia đình, quê hương, đất nước mình. Ý thức bảo vệ môi trường của mỗi người dân bắt đầu từ những việc bình thường nhất trong sinh hoạt hằng ngày như: Sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, nguồn nước; không vì mục đích kinh tế mà đánh đổi môi trường; thực hiện sản xuất nông nghiệp sạch, giảm dần việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật; hạn chế thải chất thải rắn, nước thải, chất thải ô nhiễm ra môi trường đất, nước, không khí. Tỉnh tiếp tục phát động và triển khai thực hiện có hiệu quả các phong trào dọn vệ sinh, môi trường, nhất là các khu vực công cộng, khu du lịch, môi trường biển, bãi biển, trồng thêm nhiều cây xanh, bồn hoa, cây cảnh; có chính sách khen thưởng hợp lý đối với những người làm tốt công tác bảo vệ môi trường; đồng thời mỗi người dân đều là người giám sát, lên án, phản ánh các hành vi gây ô nhiễm môi trường...
Hà Nội: 'Ám ảnh' mùi hôi thối từ những xe gom, chở rác thải lộ thiên Rác thải không phân loại, vứt bừa bãi trên đường phố Hà Nội hiện nay là chuyện "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" và sẽ không có hồi kết, nếu ý thức tự giác quản lý rác thải tại nguồn của người dân không được nâng cao. Điều đáng nói, từ những điểm tập kết rác thải chất đống như núi trên hầu...