Can thiệp vào Libya, Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng chính sách Địa Trung Hải?
Tham vọng chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ là một chính sách Địa Trung Hải có khả năng cạnh tranh với chính sách của châu Âu.
Một cuộc can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ tại Libya không còn là viễn cảnh sau khi Chính phủ đoàn kết dân tộc được quốc tế công nhận của Libya hôm qua (19/12) chính thức phê chuẩn thỏa thuận hợp tác an ninh và quân sự giữa hai nước. Với thỏa thuận này, Thổ Nhĩ Kỳ có thể ngay lập tức triển khai binh sĩ và khí tài tới Libya một khi được yêu cầu. Sau Syria, mặt trận mới này được dự báo sẽ đẩy mối quan hệ căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các đồng minh châu Âu trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ( NATO) lên cao trào.
Chiến sự ở Libya. Ảnh: Reuters
Libya vẫn đang trong tình trạng chia rẽ chính trị và bạo lực leo thang kể từ sau cuộc chính biến năm 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Moamer Gadhafi. Hiện nước này tồn tại hai chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, một được quốc tế công nhận hoạt động ở thủ đô Tripoli và một ở miền Đông do tướng Khalifa Haftar dẫn đầu. Chính phủ ở Tripoli được Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ, trong khi chính quyền ở miền Đông được Ai Cập và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hỗ trợ và nhận được sự ủng hộ chính trị từ Mỹ, Nga và Pháp.
Video đang HOT
Với bức tranh chính trị và quân sự như vậy, một cuộc can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ nếu xảy ra được dự báo sẽ làm gia tăng nguy cơ bất ổn tại quốc gia Bắc Phi này và đẩy Thổ Nhĩ Kỳ tới bờ vực đối đầu với chính các đồng minh trong Tổ chức quân sự Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Và kịch bản Syria thứ 2 lại trở nên hiện hữu.
Cuộc xung đột tại Libya đang bước vào giai đoạn then chốt sau khi Tướng Haftar hồi giữa tuần trước ra lệnh cho quân đội hướng về trung tâm Tripoli nhằm chuẩn bị cho trận đánh cuối cùng. Việc chính phủ đoàn kết dân tộc Libya thông qua thỏa thuận diễn ra chỉ hơn 1 tuần sau tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan sẵn sàng điều quân tới Libya một khi có yêu cầu:
“Nếu Libya đưa ra yêu cầu, Thổ Nhĩ Kỳ có thể cử một số lượng phù hợp các binh sĩ tới quốc gia này. Điều này càng trở nên có ý nghĩa sau khi chúng tôi đạt được thỏa thuận an ninh và quân sự với Libya”.
Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al- Sissi đã ngay lập tức có phản ứng, cảnh báo mọi nỗ lực kiểm soát quốc gia láng giềng Libya. Theo ông, đây cũng là vấn đề an ninh quốc gia của Ai Cập.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thì kêu gọi các bên xung đột tại Libya tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại: “Chính phủ Nga vẫn thường xuyên liên lạc với các bên xung đột tại Libya, với các đối tác của mình, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, các nước châu Âu và các quốc gia khác. Giải pháp tốt nhất là thúc đẩy một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột và theo tôi đây cũng là điều mà người dân Libya mong muốn”.
Dù khẳng định cam kết quân sự đối với Libya chủ yếu xuất phát từ mong muốn khôi phục trật tự hiến pháp tại quốc gia Bắc Phi, song trên thực tế, mối quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Libya không phải chỉ bây giờ mới xuất hiện. Theo chuyên gia Barah Mikail thuộc Đại học Saint Louis, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ tìm cách phát triển chính sách gây ảnh hưởng ngay sau khi chính quyền của cựu Tổng thống Libya Mouammar Kadhafi sụp đổ năm 2011.
Tham vọng chiến lược của Thổ Nhĩ Kỳ là một chính sách Địa Trung Hải có khả năng cạnh tranh với chính sách của châu Âu. Điều đáng chú ý, Thổ Nhĩ Kỳ và Libya ký thỏa thuận quân sự cùng thời điểm với thỏa thuận hàng hải, được cho là sẽ giúp hai nước “tăng phần lãnh thổ có chủ quyền trên Địa Trung Hải lên mức tối đa”. Động thái này đã khiến Hy Lạp tức giận. Theo Thứ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Miltiadis Varvitsiotis, Thổ Nhĩ Kỳ phải lựa chọn giữa việc tiếp tục tự cô lập mình hoặc hành xử như một nước láng giềng tốt. Tuy nhiên, chuyên gia Barah Mikail cũng nhận định, phản ứng của Liên minh châu Âu sẽ là hạn chế trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ điều quân tới Libya bởi Liên minh châu Âu vẫn cần đến Thổ Nhĩ Kỳ trong giải quyết vấn đề người nhập cư./.
Theo Thu Hoài/VOV1
Tổng hợp
Hy Lạp, Cyprus chỉ trích thỏa thuận hợp tác hàng hải giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya
Bộ Ngoại giao Hy Lạp triệu tập Đại sứ Libya và Thổ Nhĩ Kỳ còn Bộ Ngoại giao Cyprus ra tuyên bố phản đối Bản ghi nhó (MOU) được ký kết giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya về việc thiết lập các ranh giới trên biển Địa Trung Hải.
Thỏa thuận giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya gây ra sự phẫn nộ giữa các nước láng giềng ở Địa Trung Hải. (Nguồn: Twitter)
Ngoại trưởng Hy Lạp Nikos Dendias đã triệu tập Đại sứ Libya tại Hy Lạp hôm 29/11 để bày tỏ sự phản đối của Athens và yêu cầu quan chức này giải trình về Hiệp định ký kết tại Istanbul hôm 27/11. Ngoài ra, Đại sứ Libya sẽ trở thành "người không được chào đón" và sẽ bị trục xuất khỏi Athens.
Trước đó, ngày 28/11, ông Dendias cũng triệu tập Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Hy Lạp để bày tỏ sự phản đối tương tự đối với MOU giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Libya về hợp tác an ninh và hàng hải. Mặc dù nội dung của MOU nói trên chưa được công bố, Hy Lạp quan ngại rằng, thỏa thuận này có thể vi phạm quyền chủ quyền của các đảo Hy Lạp ở Địa Trung Hải.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Cyprus cũng đã ra tuyên bố cho rằng, ý định của Thổ Nhĩ Kỳ về việc phân định "quyền tài phán trên biển" với Libya đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và sẽ không tạo ra bất kỳ hiệu lực pháp lý nào.
Tối ngày 27/11, Thổ Nhĩ Kỳ đã ký MOU với Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc công nhận, trong khuôn khổ cuộc gặp giữa Thủ tướng GNA Fayed al-Sarraj và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tại thành phố Istanbul, để phân định các khu vực hàng hải giữa hai nước.
Thỏa thuận trên được ký kết bất chấp Liên đoàn Arab (AL), trong đó có Libya, kêu gọi chấm dứt hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ nhằm phản đối Ankara tiến hành chiến dịch quân sự chống người Kurd tại miền Bắc Syria từ tháng trước.
Theo baoquocte.vn/THX
Giáo hoàng lên án tình trạng "tra tấn, nô lệ" trong các trại tị nạn Libya Hôm (19/12), Giáo hoàng Francis đã kêu gọi đóng cửa các trại tị nạn ở Libya vì ở đây đầy rẫy những cực hình và nô lệ. Đức Giáo Hoàng Francis đã có bài phát biểu trong buổi tiếp xúc với những người tị nạn đến từ Lesbos tại Vatican, ngày 19 tháng 12 năm 2019. Hôm nay, đức Giáo hoàng Francis, người...