Cần thêm nhiều trợ lực cho doanh nghiệp phục hồi phát triển bền vững
Thích ứng an toàn, đảm bảo các biện pháp phòng dịch COVID-19 và khôi phục kinh tế, các doanh nghiệp ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang từng bước phục hồi và tăng tốc sản xuất kinh doanh, đáp ứng các đơn hàng cuối năm 2021 và đầu năm mới 2022.
Không chỉ nhận diện rõ các thách thức, chủ động, linh hoạt vượt khó, các doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long vẫn cần thêm nhiều trợ lực để có thể sớm hồi phục và phát triển bền vững.
Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất vào Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN
Khó khăn còn nhiều
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, đợt bùng phát dịch COVID -19 lần thứ 4 đã gây nhiều thiệt hại nặng cho cộng đồng doanh nghiệp. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, năm 2021 là một năm rất nhiều khó khăn đối với nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam do tác động của đại dịch COVID-19.
Dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê, ông Lộc cho biết có tới 94% doanh nghiệp gặp khó khăn. Mỗi tháng có khoảng 10.000 doanh nghiệp rút khỏi thị trường, kéo theo đó là hàng triệu người lao động mất việc làm; trong đó, tại các tỉnh thành khu vực phía Nam, có tới 98% các doanh nghiệp đã bị thiệt hại do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Sau khi trở về trạng thái bình thường mới, cùng với đảm bảo an toàn phòng dịch, hầu hết các doanh nghiệp đã từng bước khôi phục sản xuất trở lại. Song nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn do thiếu hụt nguồn lao động, các chi phí hoạt động sản xuất tăng cao vì phải đầu tư, trang bị đáp ứng các điều kiện kiểm soát, phòng chống dịch bệnh,…
Ông Võ Quốc Thắng – đồng Chủ tịch Hội đồng các Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Long An chia sẻ: Đến thời điểm đầu tháng 12, hầu hết các doanh nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long đã quay trở lại hoạt động. Riêng tại Long An, số doanh nghiệp hoạt động trở lại hiện đã đạt gần 100%. Năng suất đạt khoảng 70-80% so với thời điểm trước dịch và tỉ lệ thiếu hụt lao động là khoảng 10-20%.
Theo ông Võ Quốc Thắng, hiện nay độ bao phủ vaccine của các địa phương trong khu vực đã tăng lên rõ rệt. Người lao động vì vậy yên tâm hơn rất nhiều, không còn tâm lý hoảng sợ, hoang mang khi nghe đến F0, mà đã bình tĩnh, tự tin cùng doanh nghiệp sẵn sàng thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch.
Thế nhưng, do đây cũng là thời điểm cuối năm, sắp đến Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, nhiều lao động có tâm lý nghỉ ngơi, chờ sau Tết mới đi làm trở lại. Ngoài ra, theo ông Thắng, chi phí “đầu vào” cho sản xuất của doanh nghiệp tăng; các chi phí đảm bảo cho vận hành sản xuất kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới gắn với kiểm soát dịch bệnh cũng tăng cao khiến nhiều doanh nghiệp thực sự khó khăn.
Video đang HOT
Ông Eric Chen, Giám đốc Công ty TNHH Tainan Enterprises (Việt Nam) ở Khu Công nghiệp cửa khẩu Bình Hiệp, Long An cho biết: Công ty sản xuất, kinh doanh ngành hàng dệt may, hiện có trên 1.000 lao động và đã có đơn hàng đến tháng 3 năm sau. Diện tích thuê đất trong khu công nghiệp còn rộng nhưng một số dây chuyền của doanh nghiệp vẫn thiếu lao động. Công ty đang có nhu cầu tuyển thêm 300 – 500 công nhân để nhanh chóng “lấp đầy” các vị trí sản xuất còn trống. Nếu có đủ nguồn nhân lực và hạ tầng khu công nghiệp, hạ tầng giao thông thuận lợi, đáp ứng yêu cầu, công ty chắc chắn sẽ mở rộng nhà máy.
Cần thêm nhiều trợ lực
Mặc dù Nhà nước đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, cùng với sự nỗ lực, thích ứng trong tình hình mới, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng đổi mới cơ cấu, mô hình sản xuất, kinh doanh, quay trở lại hoạt động mạnh mẽ hơn nhưng các doanh nghiệp vẫn cần có thêm nhiều trợ lực để thúc đẩy cho quá trình hồi phục này được nhanh hơn, bền vững hơn.
Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng: Đại dịch COVID-19 thực sự là cuộc “sàng lọc đau đớn” đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Nhà nước và các doanh nghiệp đã rất nỗ lực để sớm phục hồi nền kinh tế, nhưng thời gian tới, Nhà nước vẫn cần tiếp tục có những hỗ trợ mạnh mẽ hơn để các doanh nghiệp có thể phục hồi nhanh, sớm phát triển sản xuất.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, do yêu cầu đảm bảo kinh tế vĩ mô và khả năng của ngân sách Nhà nước, nên các gói hỗ trợ về chính sách tài khóa tiền tệ mặc dù rất quan trọng nhưng cũng chỉ là hữu hạn so với khả năng hấp thu của nền kinh tế. Do đó, gói hỗ trợ quan trọng nhất cho cộng đồng doanh nghiệp lúc này chính là cải cách thể chế, cắt giảm mạnh mẽ về thủ tục hành chính.
Ông Vũ Tiến Lộc đề xuất: Hiện nay Quốc hội đã quyết định xây dựng cơ chế đặc thù cho các địa phương, vậy đề nghị Quốc hội cũng sẽ có những cơ chế đặc thù về cải cách hành chính cho giai đoạn phục hồi kinh tế giai đoạn 2022-2023, ban hành nghị quyết tương tự như Nghị quyết 30/2021/QH15, cho phép Chính phủ “ứng xử” linh hoạt, được triển khai những biện pháp không có trong tiền lệ để có thể thúc đẩy phục hồi kinh tế, cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa, tích hợp các thủ tục.
Bà Võ Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Chi nhánh tại Cần Thơ cho biết, qua khảo sát các doanh nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho thấy các doanh nghiệp quy mô nhỏ, dưới 100 lao động quan tâm nhiều đến các chính sách về khoa học công nghệ làm sao để họ có thể đổi mới mô hình kinh doanh hiệu quả hơn. Trong khi đó, các doanh nghiệp lớn lại mong muốn các cơ quan chức năng có những chính sách hỗ trợ liên quan đến cung cấp lao động, tạo điều kiện về chính sách để họ tiếp cận thị trường nguồn nguyên liệu cũng như tiêu thụ hàng hóa tốt hơn trong thời gian tới.
Về phía các doanh nghiệp FDI, các doanh nghiệp này rất lạc quan với dự báo tình hình năm 2022, tin tưởng vào sự linh hoạt điều hành chính sách của Chính phủ Việt Nam; đồng thời tin tưởng trong vòng 5 năm tới, nguồn tài nguyên, nguồn lao động ở Đồng bằng sông Cửu Long đủ khả năng đáp ứng trình độ công nghệ mà các doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại khu vực này. Đại diện nhiều doanh nghiệp FDI bày tỏ mong muốn và cho rằng quan trọng nhất là cần đẩy mạnh thực hiện số hóa hoá liên quan đến các thủ tục hành chính, bà Hương chia sẻ.
Góp ý về giải pháp đối với từng doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, bên cạnh việc cần thiết hỗ trợ, tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thời gian tới đại dịch có thể qua đi những vẫn còn những khó khăn khác như biến đổi khí hậu, chiến tranh thương mại, các doanh nghiệp sẽ kinh doanh trong môi trường biến đổi, không có gì là cố định. Vì vậy, để có thể phát triển bền vững, các doanh nghiệp cũng cần có mô hình quản trị, mô hình kinh doanh có khả năng chống chịu, có khả năng quản trị rủi ro, có khả năng phòng ngừa và xử lý tốt các tranh chấp.
Phục hồi sản xuất phải cần giữ chân được người lao động
Tình trạng thiếu hụt lao động và đứt gãy chuỗi cung ứng vẫn đang diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, do một bộ phận người lao động dịch chuyển về các tỉnh, thành và nhiều địa phương tăng cường kiểm soát phương tiện vận chuyển.
Tuy vậy, với sự nỗ lực của chính quyền TP Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố đã cải thiện đáng kể, cũng như đang trên đà phục hồi sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội.
Doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư sản xuất vào Khu chế xuất Tân Thuận, TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN
Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 23,6%
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 10/2021 của TP Hồ Chí Minh tăng 23,6% so với tháng 9/2021. Trong đó, ngành công nghiệp khai khoáng tăng 1,5%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 25,4%; sản xuất và phân phối điện tăng 0,9%; cung cấp nước và xử lý rác thải tăng 3,2%...
Cùng đó, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 10/2021 tăng 19,7% so với tháng 9/2021 và giảm 46,8% so với cùng kỳ năm trước. Còn tình hình lao động làm việc tại doanh nghiệp trên địa bàn TP Hồ Chí Minh trong tháng 10/2021 tăng 59% so với tháng 9/2021 và giảm 33,4% so với cùng kỳ năm 2020.
Mặc dù đã mở cửa cho sản xuất trở lại nhưng tác động của dịch COVID-19 vẫn còn rất lớn khiến tất cả ngành công nghiệp của TP Hồ Chí Minh đều giảm so với cùng kỳ. Tính chung 10 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.
Theo đại diện Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố trong tháng 10/2021 đã được cải thiện, nhưng thời gian giãn cách kéo dài, nhất là tình trạng thiếu hụt lao động khiến doanh nghiệp gặp nhiều thách thức khi tổ chức sản xuất trong điều kiện "bình thường mới". Chính quyền TP Hồ Chí Minh cùng với sở, ngành thành phố đã và đang đẩy mạnh tiêm chủng vaccine cho công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Bên cạnh đó, chính quyền TP Hồ Chí Minh không ngừng thực hiện các gói an sinh hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 để đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ người lao động an tâm sản xuất. Riêng đối với doanh nghiệp, các sở, ngành phối hợp liên ngành trong tăng cường giải pháp tạo điều kiện giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn như: triển khai cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; miễn, giảm thuế, giãn thuế, giảm lãi suất cho vay...
Ở góc độ doanh nghiệp, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Rynan Technologies cho biết, khó khăn lớn với doanh nghiệp giai đoạn vừa qua, cũng như hiện nay là phải kiên trì để theo dõi tình hình và sự thay đổi của chính sách để có thể bám sát quy trình; duy trì sản xuất cho doanh nghiệp, không làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Ngoài ra, cuộc đua chống dịch cần có những chặng nghỉ ở giữa, nhằm lấy sức và tái cấu trúc doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường trong và ngoài nước.
"Doanh nghiệp cần điều chỉnh tốc độ và có kế hoạch lâu dài hơn, hay nói cách khác là không chỉ phản ứng theo thị trường mà phải có kế hoạch đặc thù 5 năm, 10 năm với lộ trình điều chỉnh tốc độ. Doanh nghiệp cũng nên chuẩn bị sẵn sàng, đầu tư vào công cụ giám sát, ứng dụng khoa học và công nghệ...", Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ thêm.
Cùng quan điểm, một số doanh nghiệp khác nhận định, yếu tố "tốc độ" đi kèm với "tỉnh táo" ở thời điểm này quan trọng hơn bao giờ hết. Đặc biệt, doanh nghiệp bắt buộc đảm bảo yêu cầu nhanh chóng xoay chuyển tình thế thích nghi kịp thời và có những kịch bản khác nhau trong linh hoạt đối phó tình huống. Đồng thời, doanh nghiệp nên tự rút ra bài học về quản trị rủi ro, từ đó nâng cao năng lực trong những cơn biến động thị trường.
Yêu cầu thay đổi quản trị doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, tình hình kinh doanh hiện nay là chưa từng có tiền lệ, nên nếu muốn tái thiết lại như thời điểm trước, điều mà các doanh nghiệp nên làm ngay chính là thay đổi chính mình. Cụ thể, trong 4 tháng giãn cách xã vừa qua có thể thấy, có doanh nghiệp phải chật vật với "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến"... và đơn vị nào không đáp ứng được thì "tê liệt" hoàn toàn.
Còn hiện nay, ngay khi đã được tạo điều kiện khôi phục lại hoạt động sản xuất, nhiều doanh nghiệp vẫn còn loay hoay giải quyết bài toán thiếu hụt lao động và xây dựng hệ thống phòng thủ trong bảo vệ nguồn lực và tái cấu trúc công ty trước những nguy cơ dịch COVID-19 có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Đặc biệt, muốn thích nghi với tình hình mới thì doanh nghiệp không thể không giải bài toán làm mới mô hình sản xuất kinh doanh và kiến tạo văn hóa trong nhà máy, công xưởng...
Bà Nguyễn Hà Trang, Giám đốc Nhân sự Công ty Pepsico Foods Việt Nam chỉ ra rằng, bằng sự thấu cảm và quan tâm mà công ty đã có thể bảo toàn được hoạt động sản xuất kinh doanh không bị gián đoạn. Tại Pepsico Foods luôn dành sự quan tâm cho người lao động để mọi người không cảm thấy bị bỏ rơi trong đại dịch, có điều kiện tốt nhất, an tâm làm việc và chăm lo cho gia đình.
Điển hình, Pepsico Foods thiết lập những đường dây nóng về sức khỏe, trao tặng những món quà an sinh... đến tận nhà người lao động. Tất cả hoạt động này, không chỉ giúp người lao động vượt qua khó khăn, mà còn thể hiện văn hóa doanh nghiệp đoàn kết, gắn bó và hỗ trợ lẫn nhau trong quản trị, vận hành công ty.
Liên quan đến kinh nghiệm giữ chân người lao động và tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Nhân sự khu vực Đông Nam Á, Công ty Avery Dennison RBIS chia sẻ, với kinh nghiệm thực hiện phương án "3 tại chỗ" ở nhà máy sản xuất của Avery Dennison có thể nhận thấy, thách thức lớn nhất của doanh nghiệp là người lao động bắt đầu không ở lại nhà máy. Đồng thời, người lao động nhận ra sự bất tiện khi không được về nhà, thiếu thốn điều kiện so với bên ngoài... nên sự thấu hiểu từ người lãnh đạo có vai trò quan trọng trong tiếp thêm động lực rất lớn cho người lao động.
Trong tương lai gần, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng giám đốc Công ty Talentnet cho rằng, các doanh nghiệp sẽ không còn vận hành như một cỗ máy, mà sẽ tổ chức linh hoạt như một "thực thể sống". Trong doanh nghiệp, người lãnh đạo cần đóng vai trò trung tâm để đưa ra định hướng và tạo điều kiện cho nhân viên thực hiện.
Đáp ứng được những yêu cầu này có thể kể đến phương thức quản trị doanh nghiệp theo mô hình vòng tròn, với ưu điểm là người lãnh đạo sẽ dễ dàng bao quát mọi hoạt động của doanh nghiệp. Còn đội ngũ nhân viên cũng sẽ được thúc đẩy hơn nhờ sự tương tác, hỗ trợ lẫn nhau trong công việc, xóa bỏ những ranh giới không cần thiết giữa cấp lãnh đạo và người lao động.
TP Hồ Chí Minh nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9 để khôi phục kinh tế Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, Thành phố đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15/9 để khôi phục phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, đang được Trung ương cho phép thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành...