Cẩn thận với những nguy hiểm tiềm ẩn khi cố gắng trì hoãn ngày “đèn đỏ” để đón Tết
Dù bằng cách nào, việc cố gắng đẩy nhanh hay trì hoãn ngày “đèn đỏ” nhằm tránh những ngày Tết vẫn có thể gây ra nguy hiểm cho sức khoẻ của bạn gái.
Uống thuốc để làm chậm chu kỳ kinh nguyệt có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ, ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ sinh sản
Vào những ngày giáp Tết thế này, bên cạnh việc chuẩn bị váy áo thật xinh đẹp thì các chị em còn rất lo lắng tới vấn đề… “đèn đỏ”. Vào mấy ngày Tết mà “dính” thì mệt lắm! Có lẽ bởi thế mà những ai có chu kỳ rơi vào khoảng thời gian này thường lo lắng tìm cách để đẩy nhanh hoặc trì hoãn ngày “đèn đỏ” (làm chậm lại chu kỳ).
Để làm được điều này, cách phổ biến nhất là sử dụng thuốc nội tiết để làm chu kỳ chậm lại vài ngày, mà một trong những loại thuốc hay được bạn gái dùng là thuốc tránh thai. Loại thuốc này có tác dụng làm tạm ngưng ngày “đèn đỏ”, sau khi dừng uống 2 – 3 ngày là kinh nguyệt sẽ có trở lại.
Tuy nhiên, cần phải khẳng định ngay, đây chỉ là một giải pháp chữa cháy tạm thời và các bác sĩ cũng không khuyến khích chúng ta sử dụng. Việc áp dụng cách này cần tuyệt đối tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ, bởi nếu dùng sai có thể sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ sinh sản. Những người mới dậy thì (chu kì kinh nguyệt chưa ổn định), người bị bệnh về gan, rối loạn tăng đông máu, cao huyết áp… càng cần cẩn trọng bởi có thể dẫn đến các biến chứng khôn lường. Đặc biệt, cách làm này càng không nên lạm dụng bởi có thể gây rong kinh, rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, kéo theo đó là hàng loạt vấn đề về sức khoẻ sinh sản khác.
Những giải pháp dành cho bạn gái khi “dính” kinh nguyệt vào những ngày Tết
Video đang HOT
Việc gặp “đèn đỏ” vào những ngày Tết chẳng dễ chịu gì, tuy nhiên, nếu đã tránh không được thì chi bằng chúng ta hãy “sống chung với lũ”. Với những cách dưới đây, bạn hoàn toàn có thể giảm bớt sự khó chịu và bất tiện của “đèn đỏ” trong những ngày này:
- Sử dụng loại băng vệ sinh khác tiện lợi hơn như cốc nguyệt san, tampon…- Tăng cường các thực phẩm có lợi cho ngày “đèn đỏ”: trà gừng, đậu que, cần tây, các loại cá, hạt lanh, quả óc chó, dầu đậu nành, đậu phụ… sẽ tốt hơn cho con gái trong những ngày này.
- Không ăn đồ lạnh, hạn chế đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ… để tránh gây đau bụng, mọc mụn và làm những ngày “đèn đỏ” trở nên tồi tệ hơn.
- Massage bụng nhẹ nhàng, chườm ấm để làm giảm cơn đau bụng, đau lưng, mang lại cảm giác thoải mái, dễ chịu hơn.
- Những việc làm cần tránh: vệ sinh vùng kín bằng sữa tắm hay nước quá nóng, đấm lưng hay tác động mạnh vào bụng và lưng… bởi những điều này không tốt cho sức khoẻ vùng kín nói riêng và cơ thể nói chung.
- Các bạn có thể tập luyện các động tác gập bụng nhẹ nhàng, như vậy vừa giúp cơ thể thả lỏng, vừa giúp kì kinh trôi qua nhanh chóng hơn.
Theo trí thức trẻ
Mùi hạt tiêu của mẹ những ngày giáp Tết
Vì cuộc sống và theo đuổi đam mê, tôi đã lập nghiệp trên thành phố, mùi hạt tiêu rang cay nồng mỗi tối chỉ còn trong ký ức vì tôi về quê đón Tết cũng là phiên chợ cuối cùng của mẹ, tức 29 Tết âm lịch.
Những ngày tháng Chạp, Hà Nội lạnh lắm! Cái lạnh làm người ta co rúm lại nhưng cũng thật vội vã, nhộn nhịp bởi sự bận rộn của những ngày giáp Tết. Trên đường về nhà đã tối muộn, thoáng thấy ánh lửa bập bùng cuối phố, thì ra là một vài người nhóm lửa để sưởi ấm cùng nhau. Lửa củi rực hồng bỗng làm tôi thấy nhớ quê nhà, nhớ Tết năm xưa, nhớ mùi khói bếp, hơn cả là mùi hạt tiêu mẹ rang thơm nồng.
Những chiếc xe đạp chở đầy hoa tươi rong ruổi khắp phố phường Hà Nội. Ảnh: IT.
Hạt tiêu, thứ gia vị cay nồng trong góc bếp hẳn ai trong chúng ta cũng từng biết. Ở vùng quê tôi, mọi người chỉ dùng hạt tiêu vào dịp cỗ bàn, lễ, Tết. Bởi món ăn hàng ngày thường mộc mạc, giản dị, không có thói quen nêm tiêu. Mâm cơm ngày Tết miền Bắc không thể không có đĩa bánh chưng xanh, lát giò xào, đĩa nem rán vàng ròn rụm và điểm nhấn giữa mâm là bát nước chấm pha chua ngọt thơm mùi tiêu và ớt. Những món ngon ngày Tết đó sẽ không thể trọn vị, ấm nồng nếu thiếu đi thứ gia vị "nhỏ mà có võ": hạt tiêu.
Với tôi, đó không chỉ là một loại gia vị, hơn cả là một ký ức của sự háo hức đón Tết, của việc mưu sinh cho bữa cơm đầu xuân đong đầy, là sự nhắc nhở về thời gian vì bận rộn tôi đã quên: Tết sắp đến rồi!
Vào những ngày tháng 12 Âm lịch, mẹ tôi lại mua hạt tiêu sống về rang chín và xay bán. Bà con lối xóm mỗi nhà đều mua lấy năm, mười nghìn hạt tiêu xay để gói bánh chưng, gói giò xào, nêm nếm ăn Tết. Tôi không nhớ mẹ bán tiêu từ bao giờ, tôi chỉ nhớ từ khi tôi còn bé lắm, thời mà còn đi chân đất chạy quanh xóm làng, mẹ tôi đã bán hạt tiêu rồi. Cho đến bây giờ, áp Tết năm nào cũng vậy, mẹ vẫn duy trì bán thứ gia vị cay nồng này vào mỗi dịp cuối năm.
Hạt tiêu mẹ tôi mua của người quen trong Tây Nguyên. Bà rất có kinh nghiệm trong việc lựa tiêu thế nào là ngon, là chuẩn. Sau khi mua hạt tiêu sống về, mẹ tôi trải nó ra một chiếc mẹt tre, nhặt sạch vụn cành, lá khô còn sót, sàng sảy cho bay hết tạp bụi một cách cẩn thận. Chúng tôi xúm lại giúp mẹ, mấy đứa lấy tay xoa xoa hạt tiêu đầy thích thú. Tiêu đã nhặt sạch, trên bếp củi vừa nấu cơm tối xong, mẹ tôi đặt một chiếc chảo lên, gạt bỏ bớt củi, chỉ để lại những viên than rực hồng, mẹ bắt đầu rang hạt tiêu. Mẹ tôi không cho quá nhiều, cũng không cho quá ít một mẻ rang. Bà bảo, cho ít thì không bõ công mà lại nhanh cháy, cho nhiều thì không chín đều, mà tiêu cháy thì khét, tiêu sống thì không thơm đủ độ, nên cho vừa phải để tiêu được chín đều và mùi thơm nồng nhất.
Người dân Hà Nội tấp nập mua đào về chơi Tết. Ảnh: IT.
Ba chị em tôi chăm chú nhìn mẹ tôi rang hạt tiêu và vui đùa bên nhau. Tiếng đảo hạt tiêu qua lại nghe rất vui tai trong gian bếp nhỏ. Tiêu sống vốn đã thơm, nhưng khi rang lên, mùi thơm bắt đầu mạnh và xộc lên. Mùi hạt tiêu cay xè, bện cùng mùi khói bếp làm mẹ và chị em chúng tôi chảy cả nước mắt. Chúng tôi nghịch ngợm trong bếp, nhưng mẹ vẫn tập trung đảo tiêu thật đều tay, vì chỉ lơ là chút thôi sẽ hỏng cả mẻ. Đảo tay liên tục, chắc mẹ tôi cũng mỏi tay rồi, thế rồi bà nói to lên: "Xong rồi, chín thơm đủ độ rồi", nói rồi bà nhanh tay bắc chảo xuống đợi hạt tiêu nguội.
Mùa đông miền Bắc lạnh lắm, nên chảo hạt tiêu chỉ ba mươi phút đã nguội rồi. Mẹ tôi lấy chiếc cối xay hạt tiêu thủ công có tuổi chắc cũng gần bằng tuổi tôi ra. Bà bọc kín từ năm trước để tránh bụi bẩn, sau vài lớp túi, cối xay vẫn sạch sẽ và lưu hương hạt tiêu từ năm trước. Mỗi lần xay chỉ được hơn một nắm tay hạt tiêu và dùng một chiếc cần trên cối quay theo chiều kim đồng hồ, quay lâu rất mỏi tay và ra một thứ bột mảnh gọi là tiêu xay. Mùi tiêu khi xay thật thơm và ấm, có gì đó cay xé đọng lại trong khoang mũi. Mùi hương ấm nóng trong cái tiết trời lạnh cắt da cắt thịt làm mặt mẹ và ba chị em tôi đỏ bừng lên. Ánh mắt sáng lên rạng rỡ, mẹ tôi tiếp tục xay tiêu để chuẩn bị cho phiên chợ sớm mai. Tiếng xay hạt tiêu đều đều, tiếng lửa bập bùng, tiếng rắc rắc của những thớ gỗ đang cháy lẫn cùng những tiếng gió rít đêm đông.
Tuổi thơ và thời niên thiếu tôi quen mùi hạt tiêu mẹ rang mỗi tối vào những ngày cuối năm, đó cũng là thứ mùi báo hiệu cho tôi biết Tết thật gần. Giờ đây, vì cuộc sống và theo đuổi đam mê, tôi đã lập nghiệp trên thành phố, mùi hạt tiêu rang cay nồng mỗi tối chỉ còn trong ký ức vì tôi về quê đón Tết cũng là phiên chợ cuối cùng của mẹ, tức 29 Tết âm lịch.
Cuộc sống hiện đại, hạt tiêu xay sẵn trong những chiếc lọ nhỏ giờ phổ biến tại các cửa hàng tạp hóa quê tôi, nhưng mẹ tôi vẫn bán hạt tiêu dịp Tết và người mua vẫn nhiều như nhắc nhau một nỗi nhớ, một thói quen đón Tết vậy.
MINH TÂM
Theo thegioitiepthi.vn
Ngất ngây hoa Mận Mộc Châu Lên Mộc Châu mà không đi vào mùa hoa Mận thì coi như bạn chưa hiểu hết về mảnh đất này. Bởi, đến Mộc Châu vào mùa hoa Mận nở trắng rừng, khi đất trời giao mùa những ngày giáp Tết, bạn sẽ ngỡ như được lạc vào xứ sở thần tiên. Chỉ cách Hà Nội 200km về phía Tây, Mộc Châu rất...