Cẩn thận vàng da bệnh lý ở trẻ sơ sinh
Bệnh lý vàng da diễn tiến nhanh và gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ sơ sinh.
Cần thường xuyên theo dõi các biểu hiện sức khỏe của trẻ sơ sinh để tránh những hậu quả không đáng có – Ảnh: Shutterstock
Ở trẻ sơ sinh, trong vòng 3 đến 5 ngày sau sinh thì hồng cầu thai nhi vỡ sinh ra sắc tố vàng làm trẻ bị vàng da. Nhiều trường hợp sẽ tự hết sau 7 đến 10 ngày và không ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Võ Đức Trí, Phó khoa Sơ sinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), phụ huynh không nên chủ quan khi thấy trẻ bị vàng da. Đã có rất nhiều phụ huynh nghĩ vàng da ở trẻ sơ sinh là bình thường và sẽ tự hết. Tuy nhiên, sau khoảng 10 ngày chưa hết họ mới đưa trẻ đi khám.
“Lúc này, có những trẻ đã trong tình trạng nặng tổn thương nhân xám, bại não. Cũng không loại trừ nhiều trường hợp do giới hạn sinh lý và bệnh lý của vàng da không rõ ràng nên cha mẹ khó nhận biết”, bác sĩ Trí cho biết.
Đối với vàng da bệnh lý thì mức độ hồng cầu bị vỡ nhiều hơn. Ở những trẻ bị xuất huyết ở bụng, não, hoặc trẻ tăng chu trình ruột gan, thiếu men, bất đồng nhóm máu mẹ con sẽ làm mức độ vàng da nặng nề hơn.
Nếu vàng da xuất hiện ngày thứ nhất, hai sau sinh thì diễn tiến thường nhanh và trẻ dễ lâm vào tình trạng nặng. Có những trẻ ngày đầu mới vàng ở mặt nhưng đến ngày sau đã vàng qua bàn chân, bàn tay.
Bệnh vàng da ở trẻ nếu để quá một tuần sẽ nguy hiểm đến tính mạng trẻ, dễ gây ra các biến chứng do chất bilirubin tăng xâm nhập vào nhân xám não làm tổn thương não dẫn tới nguy cơ tàn tật, bại não ở trẻ. Do vậy, với vàng da sơ sinh nếu can thiệp trước khi tổn thương não thì bé sẽ hồi phục sức khỏe nhanh.
Theo dõi chặt chẽ hằng ngày
Video đang HOT
Bác sĩ Trí dẫn một trường hợp bé 6 ngày tuổi (nhà ở TP.HCM) bị vàng da khắp vùng bụng ra phía cẳng chân, tay. Khi trẻ nhập viện đã gồng cứng, co giật do biến chứng bệnh vàng da gây ra tổn thương não. Khi khai thác bệnh sử phụ huynh mới cho biết do không phát hiện trẻ bị vàng da nên khi xảy ra biến chứng mới đưa trẻ đi bệnh viện.
Do đó, bác sĩ Trí lưu ý, việc phát hiện vàng da sớm ở trẻ sơ sinh sẽ giúp hạn chế nhiều biến chứng của bệnh, cần theo dõi vàng da hằng ngày khi trẻ vừa sinh ra.
Phụ huynh cần theo dõi vàng da ở trẻ dưới ánh sáng mặt trời hằng ngày. Dùng tay ấn vào vùng trán, mặt, ngực, bụng, trên rốn, dưới rốn, đùi, cẳng chân, bàn chân, bàn tay của trẻ để xác định trẻ bị vàng da. Một số em bé da đỏ nên khó thấy, nên khi ấn vào sẽ thấy để lại màu vàng của da phía dưới chỗ ấn, đây là cách nhận biết vàng da dễ nhất mà phụ huynh có thể lưu ý để theo dõi trẻ.
“Bệnh lý vàng da sẽ nặng dần theo phạm vi ảnh hưởng lên cơ thể trẻ. Cụ thể, nếu trẻ bị vùng đầu mặt cổ thì tình trạng nhẹ hơn còn nếu vàng da đến rốn, qua rốn hay vàng đến cả bàn chân, tay thì trẻ đã bị vàng da rất nặng. Có những trường hợp vàng da kèm sốt, lừ đừ, co giật, gồng cứng… và nặng nhất là trẻ sẽ tử vong”, bác sĩ Trí nói.
Nhiều cha mẹ tự tắm nắng để chữa vàng da cho con bằng cách che phần đầu đến cổ của bé và để phần ngực bụng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Tuy nhiên cách làm này theo bác sĩ Trí là ít hiệu quả. Cách tốt nhất là đưa trẻ đến bệnh viện để được nhân viên y tế theo dõi chiếu đèn cho trẻ.
Theo TNO
Cẩn trọng với bệnh lý vàng da ở trẻ sơ sinh
Vàng da là một hiện tượng nhiều trẻ sơ sinh gặp phải. Nếu là vàng da sinh lý, bé sẽ tự khỏi sau một thời gian ngắn, song có nhiều trường hợp vàng da biểu hiện bệnh lý của bé.
Chất bilirubin chính là nguyên nhân gây ra bệnh vàng da. Trong cơ thể con người, các tế bào máu mới luôn được hình thành và các tế bào cũ bị phá hủy. Bilirubin là chất nằm trong nhóm các tế bào cũ bị phá hủy. Bình thường, chất này qua gan và được đào thải ra ngoài. Tuy nhiên, với cơ thể non nớt của bé sơ sinh, gan hoạt động chưa tốt, điều này khiến chất này tích tụ trong cơ thể trẻ.
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên vàng da song chủ yếu là: vàng da sinh lý, vàng da do nhiễm khuẩn, vàng da do giang mai, vàng da do virus, vàng da tan máu do bất đồng yếu tố Rh, vàng da nhân, vàng da tan máu do bất đồng nhóm máu A, B, O, vàng da do tắc mật bẩm sinh.
Vàng da sinh lý
Đây là hiện tượng rất nhiều trẻ sơ sinh gặp phải, chứng này xuất hiện từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 3 sau khi bé ra đời và bình thường sẽ tự khỏi trong vòng 1 tuần đầu tiên. Biểu hiện của bệnh là da trẻ có màu vàng nhạt và không kèm theo bất kỳ một dấu hiệu nào khác. Vàng da sinh lý thường chỉ thoáng qua và tự khỏi, khác hoàn toàn với những trường hợp vàng da bệnh lý khác (được nêu dưới đây). Nếu như hiện tượng này là bình thường thì vàng da bệnh lý lại có thể khiến trẻ bị nhiễm độc thần kinh hoặc tử vong rất nhanh.
Nếu sau 3 tuần, da bé vẫn bị vàng thì chứng tỏ đây là bệnh lý chứ không phải do sinh lý. Cha mẹ nên theo dõi và đưa trẻ ngay tới bệnh viện để khám.
Vàng da là một hiện tượng nhiều trẻ sơ sinh gặp phải, thường là vàng da sinh lý, bé sẽ tự khỏi sau một thời gian ngắn, song có nhiều trường hợp vàng da biểu hiện bệnh lý của bé. (Ảnh minh họa: Chí Toàn)
Vàng da do bé bị nhiễm khuẩn
Đây là một dạng bệnh lý mà không ít trẻ gặp phải. Bé bị vàng da do sau khi sinh ra, da hoặc rốn của bé bị nhiễm khuẩn. Phần lớn là do sự chăm sóc không đúng cách của cha mẹ. Biểu hiện của bệnh xuất hiện có thể sớm mà cũng có thể muộn. Bé bị vàng da do nhiễm khuẩn thường vàng da kèm sốt, nước tiểu vàng, khóc chơi không nhiệt tình, ăn ít, nôn mửa tiêu chảy liên tục. Vì vậy, nếu bé gặp phải những triệu chứng trên, cha mẹ cần nhanh chóng đưa bé tới viện để điều trị, mẹ cần cho bé ăn càng nhiều càng tốt (đặc biệt là tăng cường bú mẹ).
Vàng da nhân
Bệnh nhi có các biểu hiện thần kinh như cứng hàm, cứng người, tím tái, vật vã, không chịu ăn, quấy khóc, hôn mê li bì, co giật, rối loạn thần kinh thực vật... Những trường hợp này thường nặng, dễ tử vong nếu không được theo dõi sớm, chẩn đoán kịp thời. Trẻ cần phải được điều trị tại các trung tâm nhi khoa chuyên sâu bằng nhiều phương pháp chăm sóc tích cực.
Vàng da nhân để lại di chứng thần kinh khá rõ nét. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện nêu trên, cha mẹ cần đưa bé tới bệnh viện để khám trực tiếp để đánh giá mức độ phát triển về tâm thần, vận động, phản xạ, trương lực cơ, đo thính lực...
Vàng da do bệnh giang mai mẹ truyền sang con
Sau sinh, bé bị vàng da tuy nhẹ, nhạt màu song kéo dài, khi khám bé sẽ có biểu hiện gan to. Bệnh này cần được chẩn đoán kịp thời để phát hiện ra bé bị bệnh vàng da do bệnh giang mai lây từ người mẹ. Bệnh này rất nguy hiểm, tuy nhiên nếu được phát hiện kịp thời, bé sẽ được hạn chế khả năng bệnh nặng lên. Tốt hơn cả, người mẹ nên khám sức khỏe kỹ trước khi có em bé.
Vàng da do bất đồng nhóm máu
Thường gặp ở những trường hợp người mẹ mang nhóm máu O, trẻ nhóm A hoặc B. Đây là tình trạng tán huyết đồng miễn dịch gây nên khi có bất đồng nhóm máu ABO giữa bà mẹ và trẻ. Biểu hiện bệnh đó là trẻ bỏ bú hoặc bú kém, xuất hiện những cơn co giật lạ. Nếu được điều trị sớm, bé có khả năng tránh được tình huống nguy hiểm.
Vàng da do tắc mật bẩm sinh
Đây là một bệnh bẩm sinh chưa rõ nguyên nhân. Trẻ sinh ra bị teo đường mật nếu không điều trị hoặc điều trị không kịp thời thì biểu hiện bệnh sẽ nặng dần, gây xơ gan, tăng áp lực tĩnh mạch, dễ dẫn tới tử vong. Khi bị tắc mật, mật bị ứ lại và gây vàng da. Bệnh lý này có thể xảy ra trong thời kỳ phôi thai. Biểu hiện bệnh là: vàng da, mắt vàng, phân có màu xanh, vàng của mật ở những ngày đầu sau đẻ, nước tiểu màu vàng, gan to, cứng ở các mức độ khác nhau tùy thuộc vào độ nặng nhẹ của bệnh, các tĩnh mạch giãn nổi lên dưới da bụng, bụng chướng to. Cha mẹ nên để ý tới con và nếu có những triệu chứng trên cần đưa trẻ tới ngay bệnh viện để chẩn đoán, cần tiến hành xét nghiệm máu, phân, siêu âm.
Vàng da do virus viêm gan
Bệnh này là do bé bị lây từ người mẹ. Biểu hiện của bệnh là vàng da ít nhưng kéo dài, nước tiểu vàng đặc, gan to, phân bạc màu. Cha mẹ nên nhạy cảm và quan sát những biểu hiện bất thường của con để kịp thời đưa tới viện điều trị sớm. Vàng da do virus viêm gan gây ra nếu phát hiện sớm, có khả năng trị dứt bệnh.
Vàng da tan máu do bất đồng yếu tố Rh
Bệnh lý vàng da xảy ra khi người mẹ có yếu tố Rh (-), người bố có yếu tố Rh ( ), con sinh ra có yếu tố Rh ( ). Trong trường hợp này, khi người mẹ đang mang thai, một số hồng cầu của thai nhi Rh ( ) vào máu của mẹ Rh (-). Cơ thể người mẹ phản ứng lại bằng cách sinh ra những kháng thể chống Rh ( ). Các kháng thể này vào cơ thể của thai nhi và gây nên tan máu. Biểu hiện bệnh đó là trẻ ngoài bị vàng da còn bị thiếu máu, xuất huyết, gan to, lách to.
Trả lời về vấn đề vàng da ở trẻ sơ sinh, bác sĩ Lê Quang Lộc (bác sĩ Da liễu của Bệnh Viện Đa Khoa Xanh Pôn, Hà Nội) cho biết, khi phát hiện trẻ bị vàng da, cha mẹ nên báo cho nhân viên y tế và đưa trẻ đến bệnh viện khám trực tiếp. Bác sĩ sẽ khám và quyết định những trường hợp nào chỉ cần theo dõi, những trường hợp nào lại phải được điều trị. Nếu chỉ là vàng da sinh lý, bé chỉ cần theo dõi tại nhà, tắm nắng thường xuyên, cho bú mẹ nhiều. Tuy nhiên, nếu sau một thời gian mà hiện tượng này không hết thậm chí có biểu hiện lạ, trầm trọng hơn, cha mẹ cần đưa bé đến bệnh viện. Phòng còn hơn chữa, cha mẹ cần biết cách chăm sóc, vệ sinh em bé đúng cách để tránh trẻ bị vàng da do nhiễm trùng.
Theo VNE
ề phòng rối loạn tuần hoàn não Rối loạn tuần hoàn não là bệnh lý mạch máu não, do nhiều nguyên nhân gây ra Những bệnh mạn tính như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, béo phì, nghiện rượu, nghiện thuốc lá, thuốc lào, áp lực công việc... là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh này. Nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh Ở người khỏe...