Cần tăng mức phạt người say rượu bia lái xe
Thực hiện cao điểm của Bộ Công an, lực lượng CSGT TP.HCM đang tổ chức đợt tuyên truyền đến các chủ nhà hàng, quán ăn, khuyên, nhắc khách không lái xe sau khi uống rượu bia.
Nhiều bạn đọc ủng hộ việc này, trước hết tác động vào ý thức, sau đó xử phạt thật nghiêm.
Đội CSGT-TT Công an Q.1 (TP.HCM) vừa phối hợp công an các phường trên địa bàn, gặp 20 chủ nhà hàng, quán nhậu để tuyên truyền luật Phòng, chống tác hại rượu bia. Trong buổi làm việc, CSGT mong chủ nhà hàng, quán nhậu tuyên truyền về tác hại của rượu bia, khuyên, nhắc khách không lái xe về sau khi uống rượu bia.
Đội CSGT Hàng Xanh thuộc Phòng CSGT đường bộ – đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) phối hợp Công an P.13, Q.Bình Thạnh cũng vừa gặp các chủ quán nhậu trên đường Phạm Văn Đồng, cung cấp sổ tay an toàn giao thông, mức phạt nồng độ cồn để chủ quán, nhân viên tham khảo.
Khách uống bia tại một nhà hàng ở Q.1, TP.HCM được nhân viên gọi giúp taxi để về nhà. Ảnh CAO AN BIÊN
Theo ghi nhận của PV Thanh Niên, chủ các quán nhậu bất ngờ khi thấy CSGT, công an phường đến tuyên truyền. Một chủ quán ốc ở Q.Bình Thạnh cho biết thông thường khách nhậu quá say, anh khuyến khích khách để xe lại, đặt xe ôm hoặc taxi cho khách về an toàn.
Trong khi đó, một quản lý nhà hàng ở Q.1 khẳng định: “Trường hợp khách cố tình lái xe về khi có cồn trong người để quán báo cho CSGT chắc chắn sẽ không xảy ra vì quán cam kết không để khách lái xe về sau khi uống bia rượu”.
Đã uống rượu bia không nên tự lái xe
Trong bối cảnh liên tục xảy ra nhiều vụ tai nạn gây thương vong do lái xe say rượu bia, nhiều bạn đọc (BĐ) nhận xét việc tuyên truyền sâu sát về phòng chống tác hại của rượu bia là cần thiết.
BĐ anquoc1402 nhận xét: “Tôi thấy cách tuyên truyền này cũng hay, nên thực hiện mạnh mẽ hơn. Đi nhậu ở khu vực có xe công nghệ, các anh nên đón xe về là an toàn nhất. Một lần nhậu tốn vài trăm đến vài triệu đồng, lẽ nào lại tiếc vài chục hay trăm nghìn đồng tiền đi xe. Đâu ai lường được rủi ro bất ngờ, tính mạng là trên hết”.
BĐ cũng đề nghị CSGT lập chốt xử phạt gần nhà hàng, quán nhậu như ý kiến của BĐ Phong Ng: “Nếu thực sự lực lượng CSGT muốn xử phạt những người đã nhậu mà vẫn lái xe thì việc thực hiện cũng đơn giản. Cần bố trí lực lượng tập trung trên một số tuyến đường gần các khu vực có quán nhậu thì chắc chắn xử lý được”.
Đồng tình với chủ trương này, BĐ Helen nêu quan điểm: “Theo tôi, ngoài việc xử phạt thì biện pháp vận động người dân tuân thủ luật Phòng chống tác hại của rượu bia cũng mang tinh thần xây dựng, là một cách thức bảo vệ cộng đồng”.
Đánh vào ý thức, tăng mức xử phạt
Uống rượu bia là việc cá nhân, nhưng trong người có nồng độ cồn vượt mức mà lái xe thì không còn là chuyện riêng. Do đó, nhiều BĐ nhìn nhận ý thức của người uống rượu bia là yếu tố quyết định. “Đây là câu chuyện ý thức. Quý ông ăn nhậu muốn không bị ngậm ống thổi đo nồng độ cồn thì đi xe ôm công nghệ, đi taxi, CSGT đâu có phạt được. Bỏ ra bao nhiêu tiền nhậu không tiếc mà tiếc cuốc xe ôm đi và về”, BĐ Anh Bảy nêu ý kiến.
BĐ Hai Lúa nhận định việc tuyên truyền sẽ không hiệu quả nếu người dân thiếu ý thức: “Chẳng quán nào đủ nhân lực để biết, kiểm tra khách nhậu đi về bằng phương tiện gì. Ý thức mới là điều quan trọng. Tính mạng của mình không lo thì ai lo cho mình?”
Nhà hàng cam kết đưa khách về khi nhậu xỉn: “Mình làm vì cái tâm”
Bên cạnh đó, BĐ đề nghị tăng mức chế tài đối với “ma men” lái xe, như BĐ 63819: “Cứ đánh vào tài chính thật mạnh, không khoan nhượng. Tịch thu xe, tước bằng lái triệt để. Phải mạnh tay thì người nhậu mới biết sợ, tránh tai nạn cho bản thân và cho người đi đường. Chứ chỉ cứ vận động, hình thức e không hiệu quả”.
“Tuyên truyền kết hợp phạt tiền đã bị nhờn đối với các “bợm” bia rượu. Nên cần có điều luật thật nghiêm khắc, chẳng hạn bỏ tù đối với các trường hợp đã có hơi men vẫn cố tình lái xe. Nếu không may gây tai nạn cho người khác khi lái xe trong tình trạng vượt mức nồng độ cồn thì sẽ bị kết tội chủ ý giết người”, BĐ Trịnh Thị Chiên kiến nghị.
* Chỉ cần CSGT làm đúng, nghiêm khắc, phạt đúng, kịch khung là chừa hết. Cứ luật mà làm là người vi phạm phải sợ. Bao Water
* Có thể có người chê cách làm này thụ động. Nhưng đã có nhiều vụ lái xe ô tô xỉn quắc cần câu băng càn vào tiệm, quán, gây chết người đi đường… Không cảnh báo thì làm sao hạn chế được rủi ro. NCTN
* Việc không lái xe sau khi uống rượu bia phụ thuộc vào ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Mọi cá nhân vi phạm nồng độ cồn sẽ bị xử lý, nếu không thực hiện, lực lượng chức năng ở đây là CSGT sẽ kiểm tra, xử phạt. Thanh Hung Le
Nhiều nhà hàng TP.HCM: 'Không có chuyện quán báo CSGT khách uống rượu bia tự lái xe'
Một quản lý nhà hàng ở Q.1, TP.HCM cho biết: 'Trường hợp khách cố tình lái xe về khi có cồn trong người để quán báo cho CSGT chắc chắn sẽ không xảy ra vì... quán cam kết không để khách lái xe về sau khi uống bia rượu'.
Tối 8.7, đội CSGT - TT Công an Q.1 phối hợp công an các phường trên địa bàn đã gặp 20 chủ nhà hàng, quán nhậu tuyên truyền về Luật Phòng, chống tác hại rượu bia. Lực lượng chức năng đã phát cho các chủ quán băng rôn: "Vì an toàn của chính bạn, không lái xe sau khi đã uống rượu bia" để treo ở quán.
Trong buổi làm việc, CSGT mong các nhà hàng, quán nhậu tuyên truyền bằng nhiều cách khác nhau như phát tờ rơi, chiếu các đoạn phim về tác hại rượu bia cũng như khuyên khách không lái xe về sau khi uống rượu bia, nhắc khách không lái xe sau khi đã uống rượu bia.
"Quán có báo CSGT khi lái xe về sau khi uống rượu bia?"
Theo chân lực lượng chức năng, PV đã đặt câu hỏi trên với đại diện các nhà hàng, quán nhậu ký cam kết. Tại Hàng Dương Quán (số 32 - 34 đường Ngô Đức Kế, Q.1), trong lúc làm việc với quản lý quán, CSGT nói: "Trong trường hợp khách có rượu bia trong người, quán có thể gọi người thân đến rước hoặc hỗ trợ họ đón xe... để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, tính mạng của khách cũng như không vi phạm luật giao thông".
Lực lượng chức năng tuyên truyền tại nhà hàng Phố 79 trên đường Sương Nguyệt Anh (Q.1). Ảnh CAO AN BIÊN
Anh Phạm Tuân (quản lý quán) cho biết sẽ chấp hành đầy đủ, tuyệt đối các vấn đề nói trên, tất cả vì sự an toàn của khách hàng. Anh cho hay, đa phần khách hàng đến quán của mình đều có tài xế riêng hoặc đi bằng taxi, xe ôm công nghệ. Trong trường hợp khách đến bằng xe riêng và có uống rượu bia, nhà hàng đã thường xuyên nhắc nhở, nhờ nhân viên gọi taxi cho khách thay vì để khách tự lái xe về.
"Trường hợp khách cố tình lái xe về khi có cồn trong người để quán báo CSGT chắc chắn sẽ không xảy ra, vì... quán cam kết sẽ không để khách lái xe về khi có men. Bằng nhiều cách khác nhau, quán sẽ giải thích cho khách hiểu về vấn đề này. Sự an toàn của khách, chúng tôi luôn đặt lên hàng đầu", quản lý quán chia sẻ.
Nhân viên nhà hàng Phố 79 bắt taxi cho khách về an toàn. Ảnh CAO AN BIÊN
Tương tự, ông Văn Thuận, Tổng quản lý nhà hàng Phố 79 trên đường Sương Nguyệt Anh (Q.1), cũng ủng hộ công tác tuyên truyền của CSGT. Theo ông, vì quan tâm tới khách hàng, quán cũng không để khách lái xe về khi có bia rượu trong người.
"Việc khách đến ăn, uống rượu bia là điều không thể tránh khỏi. Với khách có cồn trong người, chúng tôi có nhiều cách xử lý khác nhau, hoặc là nhờ người thân tới rước, hoặc gọi taxi. Nhân viên quán cũng có thể lấy xe của khách đưa khách về tới tận nhà, rồi sau đó bắt xe về lại quán. Do đó trường hợp khách say xỉn rồi tự lái xe về không xảy ra tại quán", ông Thuận nói.
Quản lý Hàng Dương Quán ủng hộ công tác tuyên truyền của CSGT. Ảnh CAO AN BIÊN
Anh Tuân cam đoan sẽ không để khách tự lái xe về khi có rượu bia trong người. Ảnh CAO AN BIÊN
Khách ủng hộ
Vừa rời khỏi Hàng Dương Quán sau chuyến đi ăn cùng vợ và 2 con, ông Nguyễn Văn Tuấn (43 tuổi, ngụ Q.3) thể hiện sự ủng hộ khi thấy lực lượng chức năng đến đây tuyên truyền về tác hại rượu bia cho chủ quán. Ông Tuấn nói hôm nay, vì tự lái xe chở vợ con nên ông không đụng tới một giọt bia nào.
"Tôi ủng hộ CSGT tuyên truyền tới tận quán như thế này, vì quán nhậu là nơi khởi nguồn cho nhiều người tự lái xe về sau khi say xỉn, vi phạm luật giao thông. Việc làm đó không chỉ gây nguy hiểm cho mọi người mà còn cho chính bản thân mình, cho người thân mình. Riêng tôi bữa nào uống bia rồi là để vợ con ở nhà, đi taxi về hoặc đặt xe công nghệ", ông quả quyết.
Nhà hàng, quán nhậu sẽ tuyên truyền về tác hại của rượu bia cho khách bằng nhiều hình thức khác nhau. Ảnh CAO AN BIÊN
Băng rôn được treo tại các quán. Ảnh CAO AN BIÊN
Cùng nâng ly với bạn bè tại nhà hàng Dìn Ký trên đường Lê Lai (P.Bến Thành, Q.1), nhóm anh Trần Trung Đảm (38 tuổi) bất ngờ khi thấy quán dán băng rôn "Vì an toàn của chính bạn, không lái xe sau khi đã uống rượu bia".
CSGT đến bàn anh gửi tờ rơi tuyên truyền về việc không lái xe sau khi uống rượu bia. Một người trong nhóm cho biết hôm nay có đến quán để uống rượu và cũng đã chuẩn bị sẵn kế hoạch đi về bằng taxi.
"Đó là cách để đảm bảo an toàn cho mình cũng như mọi người. Nếu không may gây ra tai nạn, hay bị phạt nồng độ cồn, thì người thiệt nhất vẫn là mình. Nên chúng tôi tuân thủ luật 100% và ủng hộ những chiến dịch tuyên truyền như thế này để thay đổi nhận thức của mọi người", anh nói.
Khách đến ăn, uống cũng ủng hộ công tác tuyên truyền và cam đoan thực hiện đúng. Ảnh CAO AN BIÊN
Trước đó, CSGT các đội Bến Thành, Nam Sài Gòn, Hàng Xanh, Chợ Lớn, Tân Sơn Nhất, Cát Lái, Bàn Cờ, trạm CSGT Tân Túc... (thuộc PC08) cùng các đội CSGT - TT Công an quận, huyện và công an phường đến các quán nhậu, nhà hàng, karaoke vận động ký cam kết về Luật Phòng, chống tác hại rượu bia.
Theo CSGT, việc này nằm trong kế hoạch ra quân cao điểm từ 20.6 - 20.9.2022 nhằm tập trung xử lý các hành vi là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Cụ thể, thời gian trên, CSGT sẽ tập trung lực lượng, phương tiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn, chất kích thích, chất ma túy; trong quá trình thực hiện chủ động phòng ngừa hành vi chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng. Đối với các trường hợp vi phạm là Đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang... gửi thông báo nội dung vi phạm về cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý theo quy định.
Các hàng quán ủng hộ chiến dịch tuyên truyền của CSGT. Ảnh CAO AN BIÊN
Bên cạnh đó, CSGT sẽ tổ chức tuyên truyền, vận động các bến xe, bến cảng, chủ nhà hàng, quán bar, vũ trường... tuyên truyền, nhắc nhở khách hàng đến ăn uống chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, không điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu, bia. Treo các băng rôn "Không lái xe sau khi uống rượu bia" tại các cơ sở kinh doanh ăn uống, quán ăn có phục vụ rượu bia. Đề nghị cơ sở kinh doanh ăn uống thông báo lực lượng CSGT biết xử lý các trường hợp đã sử dụng rượu bia cố tình điều khiển phương tiện.
Nội dung này được nhiều người bàn luận rôm rả, tuy nhiên, khi các vụ tai nạn giao thông liên quan nồng độ cồn gần đây để lại hậu quả nghiêm trọng, nhiều người mong rằng tất cả người tham gia giao thông đã uống rượu bia thì không lái xe để đảm bảo an toàn tính mạng cho mình và cả người đi đường.
CSGT TP.HCM mong chủ quán nhậu báo tin khách xỉn lái xe: Quán nào sẽ báo? Thông tin CSGT TP.HCM mong chủ quán nhậu báo tin khách say xỉn vẫn tự lái xe nhận nhiều ý kiến tranh luận trên mạng xã hội. Nhiều người đặt câu hỏi: liệu có chủ quán nào báo tin? Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TP.HCM) cho biết, điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu...