Cần tăng liều lượng giải pháp tài khóa hỗ trợ doanh nghiệp
Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do dịch Covid-19, các chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất đang được triển khai. Một số giải pháp ưu đãi thuế bổ sung cũng sắp được trình Quốc hội. Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, cần gia tăng liều lượng của các biện pháp hỗ trợ để doanh nghiệp có thể vực dậy sau giai đoạn hết sức khó khăn.
Công đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ sẽ bổ sung các giải pháp miễn, giảm thuế, phí để giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch. Ảnh: Tường Lâm
Mới đây, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký văn bản trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội cho phép bổ sung Dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, cho phép xây dựng Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn và thông qua theo quy trình 1 kỳ họp để có thể áp dụng ngay.
Nội dung chính của các giải pháp tại Dự thảo Nghị quyết gồm: áp dụng thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) 15% đối với doanh nghiệp siêu nhỏ, thuế suất 17% đối với doanh nghiệp nhỏ, miễn sắc thuế này 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế đối với doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh. Việc thực hiện Dự án Nghị quyết này sẽ có tác động giảm nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp đồng thời với tác động giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 15.500 tỷ đồng mỗi năm.
Bộ Tài chính cũng kiến nghị tăng mức giảm trừ gia cảnh khi tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên mức 11 triệu đồng/tháng, cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên mức 4,4 triệu đồng/tháng. Qua đó, sẽ có khoảng 6,8 triệu người nộp thuế được hưởng lợi, tương ứng số thuế TNCN giảm là khoảng 10.300 tỷ đồng/năm.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các chính sách tài khóa đang áp dụng để hỗ trợ doanh nghiệp là hoãn, giãn tiến độ nộp các khoản nghĩa vụ như thuế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm xã hội, nợ phải trả ngân hàng. Trong khi đó, các biện pháp miễn, giảm các khoản phải nộp như thuế, phí hầu như chưa có; các đề xuất bổ sung về thuế là chưa đủ với khó khăn hiện nay.
Video đang HOT
Do đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, VCCI đã kiến nghị Chính phủ bổ sung các giải pháp về thuế, phí thiết thực hơn nữa. Cụ thể, ngoài chính sách giãn thời hạn nộp, đề nghị Chính phủ trình Quốc hội cho phép giảm 50% thuế giá trị gia tăng (GTGT), 50% thuế TNDN trong năm 2020, giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong 2 năm 2020 và 2021 nhằm hỗ trợ, vực dậy các doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn sau dịch bệnh.
Cùng quan điểm, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HaSME) kiến nghị Chính phủ tăng liều lượng việc hoãn, giãn, giảm thuế TNDN, thuế GTGT trong năm 2020; giảm 50% tiền thuế đất đến hết năm 2020.
Đó cũng là một phần trong số các kiến nghị vừa được Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA) gửi đến Chính phủ. Theo đó, VEIA kiến nghị giảm 50% tiền thuê đất trong 2 năm là 2020 và 2021. Hiệp hội này cho biết, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đang phải chịu một “gánh nặng” là chi phí tiền thuê đất cao. Đây cũng là bất cập khiến các doanh nghiệp Việt Nam phải “cạnh tranh không cân sức” với các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam vốn có tiềm lực rất mạnh lại đang được thụ hưởng các chính sách ưu đãi từ phía Nhà nước về miễn tiền thuê đất… Đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phải chịu thêm sự ảnh hưởng vô cùng nặng nề từ dịch Covid-19 làm suy giảm doanh thu.
Bên cạnh đó, theo VEIA, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu miễn, giảm thuế đất đai, thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN để giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng, giúp doanh nghiệp phục hồi sau đại dịch.
Nên có thêm các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp?
Các giải pháp về tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục khó khăn do dịch Covid-19 được cho là hợp lý trong thời điểm hiện nay dù có ý kiến cho là chưa đủ mạnh so với khó khăn của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc áp dụng các "liều thuốc" mạnh hơn lại cần phải tính toán thận trọng trong cân đối với nguồn lực của quốc gia.
Hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là cần thiết, song phải cân đối để bảo đảm vận hành hiệu quả các hoạt động của nền kinh tế. Ảnh: Nhã Chi
Giải pháp đúng và trúng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư Quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Ngay sau khi văn bản này được ban hành, NHNN nước tiếp tục có quyết định giảm một loạt các lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện giúp các ngân hàng thương mại (NHTM) có thêm nguồn lực để hỗ trợ các doanh nghiệp cầm cự qua giai đoạn khó khăn hiện tại.
Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, phía trước còn nhiều khó khăn, chính vì vậy, các NHTM phải hành động quyết liệt, khẩn trương hơn nữa, tích cực triển khai nhiều gói giải pháp, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Về phía chính sách tài khóa, Bộ Tài chính cho biết đang hoàn tất Dự thảo Nghị định quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn do dịch Covid-19.
Đây là hai giải pháp chủ yếu và được kỳ vọng giúp doanh nghiệp khắc phục khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh. Tác dụng đầu tiên được nhìn nhận rõ trên thị trường là hầu hết các NHTM đều giảm lãi suất huy động kỳ hạn 1 đến dưới 6 tháng từ mức trần cũ 5%/năm xuống mức trần mới 4,75%/năm. Các kỳ hạn dài hơn cũng được điều chỉnh giảm ở nhiều ngân hàng. Hiện tại, kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng nằm phổ biến trong khoảng 5,3 - 6,8%/năm và kỳ hạn 12 - 13 tháng là từ 6,4 - 7,3%/năm. Nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay với một số đối tượng thuộc diện cần hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.
Cân nhắc liều lượng
Phản hồi về các giải pháp hỗ trợ, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội (HaSME) cho biết, doanh nghiệp trong Hiệp hội đã nhận được hướng dẫn của các NHTM về việc làm hồ sơ để thực hiện giãn nợ và giảm lãi suất cho vay, trong khi các giải pháp giãn thuế và tiền thuê đất vẫn còn "trên giấy".
"Thực tế, những hỗ trợ về tín dụng và tài khóa như vậy là chưa đủ thấm so với khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải. Về phía doanh nghiệp, khoản nợ tại ngân hàng vẫn là nợ, họ chưa quan tâm đến việc trả nợ bằng việc phải sản xuất và bán được hàng, tức là bài toán cung cầu thị trường. Trong khi đó, vẫn chưa thấy rõ việc thực thi các giải pháp thị trường nào", ông Quốc Anh nói.
Do đó, theo ông Quốc Anh, cần có những giải pháp mạnh mẽ hơn như giảm thuế GTGT và kéo dài các gói hỗ trợ tín dụng đến sau khi hết dịch để doanh nghiệp đủ sức hồi phục và phát triển. "Bên cạnh đó, có thể đẩy mạnh việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực có chi tiêu công của Nhà nước", ông Quốc Anh nhấn mạnh.
Từ góc độ khác, Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho biết, nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực cầm cự, cắt giảm chi tiêu để "sống sót" qua giai đoạn khó khăn này. Đó là cách làm tốt thay vì trông chờ quá nhiều vào sự hỗ trợ của Chính phủ.
"Thực tế, Chính phủ đang tập trung rất nhiều nguồn lực để chống dịch Covid-19. Việc hỗ trợ doanh nghiệp là cần thiết, song phải cân đối để bảo đảm vận hành hiệu quả các hoạt động của quốc gia và nền kinh tế. Việc tính đến các gói kích thích kinh tế như các nước khác cần hết sức cân nhắc. Bởi nếu áp dụng, Chính phủ có thể phải vay nợ dẫn đến những rủi ro đáng ngại cho ngân sách nhà nước trong trung và dài hạn", ông Minh nhấn mạnh.
Xuân Yến
8,195 triệu tỷ đồng vốn vay đã ký trước Covid-19 Cách giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn trước Covid-19 đã khác dần so với trước đây. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tính đến 31/12/2019 là 8.195.393 tỷ đồng. Ảnh: báo Đấu thầu Theo chỉ thị Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành, có khoảng 280.000 tỷ đồng gói hỗ trợ doanh nghiệp trước ảnh...