Cần quy định công tác hậu kiểm đối với doanh nghiệp
Ngày 28-5, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Đại biểu Nguyễn Đức Chung- Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội đã đóng góp ý kiến về hoạt động của các doanh nghiệp hiện nay. Đây cũng là những vấn đề được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm.
Đại biểu Nguyễn Đức Chung – Giám đốc CATP Hà Nội phát biểu trong buổithảo luận ở tổ về Dự án Luật Doanh nghiệp (28-5)
Về nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được quy định ở điều 30 (Dự thảo), Đại biểu Nguyễn Đức Chung nhất trí với ý kiến chỉ ghi nội dung ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật vào giấy Chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp. Điểm mới này sẽ giúp cho các doanh nghiệp không cần phải kê khai những lĩnh vực mà họ được phép kinh doanh trong giấy phép, giảm được rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, luật cũng nên quy định trong giấy phép kinh doanh của mỗi doanh nghiệp cần đăng ký cụ thể các ngành nghề kinh doanh, đồng thời chủ doanh nghiệp phải có chuyên môn, trình độ về ngành nghề mình đã đăng ký. Điều này giúp cơ quan quản lý có thể kiểm tra, giám sát cụ thể tình hình hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mỗi ngành nghề kinh doanh cần quy định số vốn pháp định nhất định, đảm bảo điều kiện tối thiểu, tương ứng với tỷ lệ hoạt động của doanh nghiệp như đầu tư về nhà xưởng, trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất kinh doanh. Trên cơ sở vốn pháp định này doanh nghiệp sẽ được vay vốn ngân hàng với tỉ lệ tương ứng, tránh tình trạng nhiều doanh nghiệp lập ra hoạt động không hiệu quả, thực chất chỉ là những doanh nghiệp “ma”.
Qua quá trình kiểm tra thực tế hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô thời gian qua, lực lượng CA thành phố đã phát hiện nhiều doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở của Luật Doanh nghiệp để thực hiện những hành vi trái pháp luật. Cụ thể, Luật Doanh nghiệp 2005 có quy định, các doanh nghiệp khi đăng ký kinh doanh không cần phải đăng ký vốn pháp định đối với loại hình doanh nghiệp. Chính vì vậy, có không ít doanh nghiệp kê khai số vốn pháp định “ảo” lên đến vài chục tỷ đồng nhưng trên thực tế họ lại không hề có vốn để kinh doanh. Do vậy, hàng năm nếu chỉ dựa trên số vốn mà các doanh nghiệp đã đăng ký để đưa vào hoạt động đầu tư thì sẽ không chính xác, phản ánh không thực chất hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp.
Thực tế nắm tình hình địa bàn, lực lượng CATP Hà Nội đã phát hiện, điều tra nhiều doanh nghiệp “ma” được lập ra nhằm mục đích mua bán trái phép hoá đơn giá trị gia tăng (GTGT) kiếm lời. Trong một vài ngày tới, CATP Hà Nội sẽ công bố vụ việc liên quan đến những doanh nghiệp “ma” trên địa bàn Thành phố, mà mục đích của chúng được lập ra để mua bán hàng nghìn quyển hoá đơn, tổng giá trị lên tới hàng trăm tỷ đồng nhằm chiếm đoạt tiền giá trị gia tăng và hợp pháp hoá các loại chứng từ liên quan đến việc chi tiêu của doanh nghiệp. Vụ việc gần đây nhất mà CATP Hà Nội phát hiện đó là, bằng thủ đoạn mượn chứng minh nhân dân của nhiều người rồi thông qua các tổ chức tư vấn, dịch vụ, đối tượng đã làm đăng ký kinh doanh cho 13 công ty, sau đó in hoá đơn GTGT với số lượng gần 1500 quyển, thu hàng nghìn tỉ đồng, tiếp tay cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội và toàn quốc trốn thuế, tham nhũng.
Video đang HOT
Về nội dung đăng ký thành lập doanh nghiệp tại Chương II (dự thảo), Đại biểu Nguyễn Đức Chung đề nghị, cần quy định rõ về vấn đề hậu kiểm, trách nhiệm hậu kiểm doanh nghiệp trong Dự thảo để đảm bảo những doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh có tồn tại và hoạt động, tránh tình trạng thành lập công ty “ma” để mua bán hoá đơn, lừa đảo.
Cũng theo đại biểu Nguyễn Đức Chung, thực tế hoạt động của các doanh nghiệp trong những năm qua theo Luật Doanh nghiệp 2005 có nhiều kẽ hở. Cụ thể, khi thành lập, doanh nghiệp chỉ cần xuất trình việc thuê trụ sở tại một địa chỉ nào đó. Quá trình hoạt động, những công ty này chuyển địa điểm, hay có bất kỳ thay đổi nào họ đều mặc nhiên không thông báo với cơ quan quản lý và cũng không có ai kiểm soát vấn đề này. Chính vì vậy, tình trạng các doanh nghiệp thành lập được một thời gian ngắn rồi bỏ trốn khỏi khu vực, địa bàn kinh doanh, không thực hiện việc nộp thuế và các thủ tục khác dẫn đến thiệt hại không nhỏ cho ngân sách Nhà nước. Ngay tại Hà Nội, con số doanh nghiệp bỏ trốn cũng lên tới vài nghìn doanh nghiệp.
Vì vậy, Đại biểu Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Cần đưa vào dự thảo quy định rõ công tác hậu kiểm sau khi các doanh nghiệp đăng ký thành lập, tránh tình trạng các doanh nghiệp hoạt động để phục vụ cho các hành vi lừa đảo hoặc những hoạt động không minh bạch, bất hợp pháp”.
Theo ANTD
Sửa Luật Doanh nghiệp để môi trường đầu tư hấp dẫn hơn
Sáng nay, 26-5, tại hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Trong Tờ trình dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã liệt kê những hạn chế, bất cập của Luật Doanh nghiệp hiện hành đang gây khó khăn cho doanh nghiệp và làm mất sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Theo đó, hạn chế chủ yếu của Luật Doanh nghiệp hiện hành là thủ tục thành lập doanh nghiệp và khởi sự kinh doanh vẫn còn phức tạp, tốn kém về thời gian và chi phí.
Đáng chú ý là vẫn còn có sự khác biệt giữa nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về thủ tục thành lập doanh nghiệp, mua cổ phần, phần vốn góp, chuyển nhượng vốn, mở chi nhánh, văn phòng đại diện, thay đổi địa điểm trụ sở chính...
Bên cạnh đó, quy định về việc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp chỉ áp dụng cho doanh nghiệp cùng loại đã không còn phù hợp với thực tế và đang hạn chế, cản trở việc thay đổi hoặc mở rộng kinh doanh theo cách thức sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp.
Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất của sửa đổi Luật doanh nghiệp là làm cho doanh nghiệp trở thành công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư
Việc giải thể doanh nghiệp cũng còn quá khó khăn, thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan có liên quan gây tốn kém và kéo dài trong giải thể doanh nghiệp...
Những bất cập nói trên đã và đang làm cho môi trường kinh doanh ở nước ta luôn bị đánh giá ở mức không cao trong các bảng xếp hạng về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh. Vì vậy, theo Bộ trưởng Vinh việc bổ sung, sửa đổi Luật nhằm khắc phục các khiếm khuyết trong nội dung các quy định có liên quan của Luật Doanh nghiệp 2005 là nhu cầu thực tiễn cần thiết.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh, mục tiêu cao nhất của sửa đổi Luật Doanh nghiệp là làm cho doanh nghiệp trở thành một công cụ kinh doanh rẻ hơn, an toàn hơn và hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư, qua đó tăng cường thu hút và huy động các nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất và kinh doanh.
Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, khi Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực sẽ tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hơn, thông thoáng, minh bạch và công bằng hơn. Riêng về chất lượng môi trường kinh doanh, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, chỉ số gia nhập thị trường của Việt Nam nếu áp dụng theo luật này dự báo sẽ tăng khoảng 50 bậc và sẽ xếp hạng khoảng 60/189 quốc gia.
Trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ nhiệm Uỷ ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, đa số ý kiến trong Uỷ ban đề nghị cụ thể hóa những ngành, nghề cấm kinh doanh và ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo tinh thần của Hiến pháp về quyền của mọi người tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm và chỉ bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Để bảo đảm sự thống nhất và minh bạch, cần tập hợp để quy định thành những danh mục cụ thể kèm theo dự án Luật này trên cơ sở xem xét tính hợp lý và khả thi; đồng thời, quy định rõ hơn trong dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nguyên tắc xác định các ngành, nghề cấm kinh doanh.
Theo ANTD
Nâng cao nhận thức cho đội ngũ làm công tác chính trị - tư tưởng Đó là mục tiêu đặt ra thông qua buổi nói chuyện thời sự chuyên đề "Những nhân tố tác động đến an ninh quốc gia Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế và tình hình thời sự ở Biển Đông", được tổ chức hôm qua, 26-5. Tham dự buổi nói chuyện thời sự là CBCS làm công tác chính trị -...