Cần minh bạch giá bán lẻ điện sinh hoạt
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, một số bộ ngành liên quan đang phối hợp kiểm tra việc điều chỉnh giá bán điện, phương pháp tính giá và việc thu tiền điện của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN).
Bộ Công thương cũng vừa lập 3 đoàn kiểm tra về quy định giá bán điện và việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.
Theo TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học công nghệ & Quản lý TP Hồ Chí Minh, Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học, nguồn cội dẫn tới sự bức xúc của nhiều người thật ra bắt nguồn từ việc giá thành sản xuất, phân phối điện không được minh bạch, kèm theo đó là một số bất hợp lý khác. Còn chuyện tăng giá bán lẻ điện thêm 8,36% vừa rồi chỉ giống như “giọt nước làm tràn ly”…
Theo TS Nguyễn Bách Phúc, từ lâu, dư luận đã chia thành 2 luồng ý kiến. Luồng thứ nhất cho rằng EVN tính giá điện cao, cần phải giảm giá điện. Luồng còn lại cho rằng EVN tính giá điện thấp, cần phải tiếp tục tính đúng, tính đủ.
Trong giới khoa học và chuyên gia kinh tế, cũng đã có nhiều ý kiến đề nghị EVN cần minh bạch giá điện, nghĩa là phải công khai phương pháp tính giá điện của mình.
TS Nguyễn Bách Phúc cho biết giá điện bình quân theo quy định hiện nay là 1.864 đồng/KWh, chỉ tương đương với 9 cents, trong khi giá điện trung bình ở nước ngoài là 20 cents. Điều này có nghĩa, giá bán lẻ điện trong nước chưa bằng một nửa giá điện các nước khác mà lẽ ra giá điện Việt Nam phải đắt hơn thế giới.
Với giá bán lẻ điện sinh hoạt 6 bậc, chỉ những hộ khó khăn dùng ít điện mới được hưởng lợi.
Lý do, thiết bị, vật tư chủ chốt của ngành điện như turbin, máy phát, thiết bị tự động hóa… đều phải nhập khẩu, đắt hơn nhiều so với ở nước ngoài. Giá vật tư, thiết bị cao hơn, dẫn đến giá điện trong nước buộc phải cao hơn.
Trình độ quản lý trong nước đối với ngành điện còn thấp hơn so với nước ngoài cũng là nguyên nhân khiến giá điện trong nước phải cao hơn.
Cùng lúc, tổn hao kỹ thuật và thất thoát quản lý của hệ thống điện năng trong nước đều cao hơn mức tổn hao và thất thoát của nước ngoài cũng là lý do khiến giá điện trong nước không thể rẻ hơn so với nước ngoài. Đây là điều bất hợp lý khiến giới chuyên gia, nhà khoa học từ lâu đã muốn EVN phải minh bạch giá thành, từ đầu vào cho sản xuất đến khâu truyền tải, phân phối điện.
Video đang HOT
Về giá bán lẻ điện sinh hoạt theo bậc thang, TS Nguyễn Bách Phúc cho rằng, không có nước nào áp dụng giá điện bậc thang theo như cách tính của EVN.
Bởi mục đích của bậc thang giá điện là người nghèo dùng ít, ở mức dưới 100 kWh/tháng nhưng được bù nhiều, trả tiền điện ít theo giá bậc thang đang thấp hơn giá bán điện bình quân. Còn người khá giả dùng điện nhiều nhưng được bù ít, trả tiền điện nhiều theo giá bậc thang tăng cao.
Điều này phù hợp với mục tiêu hỗ trợ đối tượng thu nhập thấp, nhưng lại đi ngược với quy luật kinh doanh chung là khách hàng dùng nhiều điện nhưng không được hưởng ưu đãi, trả tiền điện với giá thấp. Ít nhất là cũng được tính theo giá điện giờ bình thường, giờ thấp điểm như EVN đang áp dụng với các ngành sản xuất kinh doanh.
Chẳng hạn, giá điện cho các ngành sản xuất giờ thấp điểm chỉ từ 970 – 1.100 đồng kWh; giờ bình thường giá điện từ 1.536 – 1.685 đồng/kWh, tùy cấp điện áp.
Mỗi ngày, khối sản xuất kinh doanh chỉ phải trả 2 tiếng tiền điện trong khung giờ cao điểm buổi sáng, còn giờ cao điểm buổi chiều từ 17h đến 20h30 hầu hết DN đã nghỉ làm việc. Ngay cả với nhóm các ngành nghề sử dụng điện cho kinh doanh, giờ thấp điểm cũng chỉ phải trả từ 1.361 – 1.622 đồng/kWh, tùy cấp điện áp.
Nguyên nhân dẫn đến hóa đơn tiền điện của các hộ gia đình dùng vài trăm số điện mỗi tháng tăng cao trong khi giá điện chỉ tăng bình quân hơn 8% là do giá điện đã tăng đồng loạt ở cả 6 bậc. Từ đó, những hộ gia đình sử dụng từ 400 kWh/tháng trở lên sẽ phải gánh đủ cả mức tăng giá điện lũy tiến của 6 bậc này.
Trong đó, chênh lệch giá điện cao nhất thuộc về bậc 3 sang bậc 4 với mức chênh gần 26%; mức chênh từ bậc 2 sang bậc 3 là hơn 16% và mức chênh từ bậc 4 sang bậc 5 là hơn 11,7%.
So với giá bán điện bình quân theo quy định là 1.864 đồng/kWh, thì giá bán lẻ điện sinh hoạt ở các bậc 4, 5 và 6 có mức chênh rất lớn, lần lượt từ 772 đồng đến 970 đồng và 1063 đồng/kWh.
Với xu thế đun nấu bằng điện và sử dụng nhiều thiết bị làm mát (như máy lạnh tủ lạnh và những thiết bị điện phục vụ sinh hoạt khác) của người dân đô thị hiện nay, mức trên dưới 300 kWh điện/tháng là khá phổ biến.
Thông tin được đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) công bố cho thấy, trong khoảng 25 triệu khách hàng sử dụng điện sinh hoạt của EVN, số hộ sử dụng ở mức dưới 100kWh/tháng chỉ chiếm hơn 35%, còn lại là số hộ dùng trên 300 kWh và trên 400 kWh/tháng cùng với hàng triệu hộ dùng điện cho sản xuất, kinh doanh.
Như vậy với giá điện bậc thang 6 bậc EVN được phép áp dụng những năm vừa qua, 65% số hộ dùng điện sinh hoạt đang phải trả tiền điện với giá cao để EVN lấy một phần bù đắp cho số hộ sử dụng từ 100 kWh/tháng và dùng phần lớn để bù đắp cho việc bán điện cho DN với giá rẻ.
Thông tin của đại diện EVN đã xác nhận điều này: Việc tăng giá bán lẻ điện lần này sẽ giúp EVN thu thêm được hơn 20.000 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được dùng để thanh toán một loạt các chi phí đầu vào tăng thêm hàng năm như chi phí cho giá than, chi phí chênh lệch tỷ giá khí và thanh toán chênh lệch tỉ giá cho các nhà đầu tư ngoài EVN…
Bảo Sơn
Theo CAND
Bộ Công Thương đề xuất 2 kịch bản tính giá điện bậc thang
Theo biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện nay thì khách hàng càng mua nhiều điện thì càng phải trả giá cao hơn. Hay nói cách khác, hiện nay khách hàng sử dụng điện sinh hoạt chưa được khuyến khích tiêu thụ nhiều điện năng. Các chuyên gia cho rằng, cũng cần áp mức giá cao với những hộ sử dụng nhiều điện.
Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho hay, việc điều chỉnh biểu giá điện bậc thang trong thời gian tới là việc phải làm. Thực tế, từ cuối 2017, Bộ Công Thương đã lấy ý kiến các chuyên gia, tổ chức nhiều hội thảo ở cả ba miền để ghi nhận các ý kiến khác nhau liên quan đến việc điều chỉnh giá điện bậc thang sau khi hóa đơn tiền điện của người dân ở các thành phố lớn tăng vọt sau khi điều chỉnh giá điện.
Theo các chuyên gia, sửa biểu giá điện bậc thang vẫn phải chú ý đến tác động với người nghèo và người dùng điện nhiều vẫn sẽ phải trả nhiều tiền điện
Cũng như các nước khác trên thế giới, việc xây dựng biểu giá điện bậc thang ở Việt Nam cũng được Bộ Công Thương xây dựng theo hướng càng dùng nhiều điện càng trả tiền nhiều. Việc này thể hiện chính sách kinh tế của Chính phủ, nhằm hướng người dân đến việc sử dụng điện hiệu quả, góp phần bảo vệ tài nguyên (than, khí,...) và phù hợp với bối cảnh đất nước đang đối diện tình trạng thiếu điện.
Nguyên tắc xây dựng biểu giá điện bậc thang, theo Bộ Công Thương, việc duy trì biểu giá điện với bậc thang đầu tiên có mức giá thấp là nhằm bảo vệ, hỗ trợ những người có thu nhập thấp, giúp họ có thể tiếp cận điện năng và sử dụng điện.
Về ý kiến cho rằng biểu giá điện bán lẻ gồm 6 bậc thang với cách tính càng dùng nhiều càng phải trả giá cao và là nguyên nhân khiến khách hàng phải chi trả nhiều tiền điện, trả lời báo chí, Phó tổng giám đốc EVN Đinh Quang Tri cũng cho hay, từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, Bộ Công Thương đã nhiều lần sửa đổi và đưa ra tổng cộng 5 dự thảo các phương án giá bán lẻ điện và lấy ý kiến của nhiều hộ tiêu thụ điện ở cả ba miền.
Sau khi được hội thảo, được chuyên gia, các đơn vị đóng góp ý kiến, rốt cuộc biểu giá bán lẻ điện bậc tháng gồm 6 bậc như hiện hành được lựa chọn. Theo đó, biểu giá điện bậc thang áp dụng cách tính càng sử dụng nhiều điện càng phải trả giá cao.
Thực tế, từ năm 2015 đến nay, Bộ Công Thương đã 2 lần chính thức đưa ra lấy ý kiến đóng góp về sửa đổi biểu giá điện bậc thang. Như tại thời điểm đưa ra dự thảo lần thứ 4 hồi năm 2018 để lấy ý kiến các bộ ngành, đơn vị chức năng vừa sửa đổi biểu giá điện bậc thang, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng nhiều kịch bản về rút ngắn các bậc của giá điện.
Theo kịch bản 1 là rút từ 6 bậc còn 3 bậc, trong đó bậc thấp nhất giữ nguyên là từ 50 kWh đầu tiên (áp mức giá điện 1.484 đồng/kWh). Bậc 2 là từ 51 kWh đến 300 kWh với mức giá 1.768 đồng/số. Bậc 3 là từ 301 kWh trở lên chịu mức giá 2.559 đồng/kWh.
Theo phân tích của Bộ Công Thương, ưu điểm phương án này là đơn giản, người dân dễ hiểu. Nhược điểm là có tới 14 triệu hộ trong diện sử dụng từ 51-100 kWh/tháng và hộ dùng 101-200 kWh/tháng sẽ phải trả tăng thêm khoảng từ 10.000-12.000 đồng/tháng.
Kịch bản 2 là giảm từ 6 bậc còn 4 bậc. Trong đó, bậc thấp nhất vẫn là 50 kWh đầu tiên có giá 1.484 đồng. Bậc 2 từ 51-200 kWh có mức giá 1.668 đồng. Bậc 3 là từ 201-400 kWh với giá 2.327 đồng. Bậc 4 là từ 401 kWh trở lên chịu giá 2.587 đồng.
Kịch bản 2 có nhiều thay đổi hướng với việc tăng mức hỗ trợ giá điện cho người nghèo, người thu nhập thấp khi bậc thấp nhất là cho 100 kWh đầu tiên (tăng thêm 50 kWh như hiện nay). Mức giá cho 100 kWh đầu tiên sẽ tính ở mức 1.506 đồng/ kWh. Mức giá điện cao nhất sẽ được áp với hộ sử dụng từ 401 kWh/tháng trở lên với giá 2.587 đồng/kWh.
Với phương án này, sau khi tham khảo ý kiến của các đơn vị và chuyên gia, Bộ Công Thương cho hay, ngân sách sẽ phải tăng thêm khoảng 258 tỷ đồng/năm để hỗ trợ các hộ nghèo và hộ chính sách trên cả nước khi áp dụng.
Trả lời Tiền Phong, về việc điều chỉnh biểu giá điện bậc thang, theo lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cho rằng, cần chú ý đến cả yếu tố tác động đến người người nghèo, hiện đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong sử dụng điện. Hiện người nghèo chỉ được hỗ trợ tiền điện cho 30kWh ở bậc thang đầu tiên. Nếu giờ tăng giá điện bậc thang để rút biểu giá, ngoài việc người nghèo sẽ phải trả thêm tiền, ngân sách nhà nước sẽ phải chi thêm một số tiền không nhỏ tương ứng.
Về việc thay đổi biểu giá điện bậc thang thế nào, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Trần Viết Ngãi cho rằng, trong các năm tới Việt Nam vẫn sẽ phải dùng giá điện bậc thang để hướng tới việc các hộ tiêu thụ điện buộc phải tiết kiệm. Theo ông Ngãi, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới dùng giá điện bậc thang. Mức biểu giá luỹ tiến đang được hầu hết các nước áp dụng do điện là loại hàng hoá đặc biệt, sản xuất và tiêu thụ không cùng thời điểm, không thể dự trữ nên cần sử dụng tiết kiệm.
"Sau 5 năm áp dụng biểu giá điện bậc thang, đã tới lúc cần sửa để phù hợp với điều kiện thực tế tỷ trọng dùng điện giữa các hộ. Đến nay, đời sống xã hội đã tốt hơn và số hộ dùng dưới 50 kWh/tháng đã ít hơn nên việc điều chỉnh giá điện bậc thang cũng là phù hợp", ông Ngãi nói.
Ông Ngãi cũng cho rằng, việc rút gọn số bậc hay tăng thêm và chia nhỏ số bậc theo sát từng nhu cầu người dùng điện cần phải được tính toán kỹ lưỡng và vẫn phải đảm bảo nguyên tắc càng dùng nhiều điện thì càng phải trả nhiều tiền cho các bậc thang cao.
Theo Phó chủ tịch Hội Điện lực Việt Nam Trần Đình Long, cũng phải thừa nhận các bước chênh lệch giá trong biểu giá điện hiện nay chưa hợp lý, cần có sự sửa đổi. Cụ thể, với biểu giá hiện nay, người dùng ở 2 bậc thang đầu (dưới 100 kWh) được hưởng giá thấp trong khi những người dùng ở mức trung bình 200-300 kWh phải chịu mức cao hơn. Nhóm khách hàng dùng trên 400 kWh/tháng đang trả tiền ở mức cao nhất.
Vấn đề duy nhất là khoảng cách giữa các bậc giá hiện nay không nhiều, đặc biệt ở hai bậc đầu tiên. Còn các bậc 3, 4 và 5 mức chênh khá lớn. "Giá điện ở bậc 4 cao hơn bậc 3 là 522 đồng, trong khi bậc 6 cao nhất chỉ chênh với bậc liền kề trước đó 93 đồng/kWh. Mức phân bổ chênh lệch giữa các bước giá cần cách xa hơn", ông Long nêu ý kiến.
Theo TPO
Bộ Công Thương lập 3 đoàn kiểm tra thực hiện quy định giá bán điện Ba đoàn kiểm tra về giá điện do lãnh đạo Cục điều tiết Điện lực làm Trưởng đoàn, có sự tham gia của đại diện Bộ Tài chính, Hội bảo vệ Người tiêu dùng, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... Nhân viên EVN Hà Nội tuyên truyền sử dụng điện an toàn, tiết kiệm. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam ) Bộ trưởng Bộ Công Thương...