‘Cạn lời khi nói nhạc Vinh Sử dành cho người ít học’
Sau những chia sẻ về bolero, Bảo Yến cho rằng nhạc của Vinh Sử chỉ dành cho người bình dân, ít học. Phát ngôn của nữ ca sĩ đã gây thất vọng cho nhiều độc giả.
Trong cuộc trò chuyện với Zing.vn nhân dịp chị chuẩn bị tham gia đêm nhạc tôn vinh 3 nhạc sĩ cùng tên Phương (Trúc Phương, Lam Phương và Lê Uyên Phương) tại Hà Nội, Bảo Yến cho rằng nhạc Vinh Sử là người ăn theo và chỉ dành cho người bình dân, ít học.
Trước nhận định của nữ ca sĩ, nhiều fan tỏ rõ sự thất vọng khi bình luận: “Tôi từng rất mến mộ giọng ca của Bảo Yến, nhưng khi nghe chị nói về nhạc sĩ Vinh Sử thì tình yêu đối với chị đã biến mất”.
Bên cạnh đó, không ít bạn đọc ủng hộ giọng ca Ở hai đầu nỗi nhớ trước sự thẳng thắn của cô khi cho rằng tác phẩm của người được mệnh danh “ông vua nhạc sến” chỉ là dòng nhạc thị trường.
‘Làm gì có bà chúa, ông hoàng’
Là một giọng ca mang đậm phong cách trữ tình, nữ ca sĩ luôn từ chối hát nhạc Vinh Sử dù nhạc sĩ này được mệnh danh là “ông vua nhạc sến”.
Lý giải sự việc này, Bảo Yến nhận định nhạc của Vinh Sử không quá đặc biệt khi những ca từ chỉ xoay quanh vấn đề tình ái lứa đôi – “Uớc gì nhà mình chung vách, hai đứa mình thức trắng đêm nay…”.
Theo nữ ca sĩ, nhắc đến danh hiệu “ông vua nhạc bolero” phải kể đến Trúc Phương, Lam Phương. Còn nhạc của Vinh Sử chỉ ăn theo, ca khúc của ông dành cho người bình dân, ít học.
Nhiều độc giả khâm phục trước sự thẳng thắn của nữ ca sĩ Bảo Yến. Ảnh: NVCC.
Trước những chia sẻ của Bảo Yến, thành viên Vũ Phượng nhận định phát ngôn của giọng ca Ở hai đầu nỗi nhớ hoàn toàn hợp lý, ông hoàng, bà chúa nhạc Việt chỉ là ảo ảnh, tự phong.
Độc giả này bình luận: “Các tác phẩm của nhạc sĩ Vinh Sử chỉ nằm ở mức phổ thông. Ngôn từ chưa thực sự da diết, lay động lòng người, sao có thể coi là ông vua?”.
Đồng tình với quan điểm trên, bạn đọc Long Trịnh cho rằng Bảo Yến là người thẳng thắn, dám nói lên suy nghĩ của mình. Thành viên này cũng bày tỏ nhạc Vinh Sử không đặc sắc, ấn tượng, ông chỉ là người ăn theo dòng bolero.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên nữ ca sĩ gạo cội của làng âm nhạc Việt Nam thẳng thắn chia sẻ quan điểm của mình khi trước đó, cô từng chia sẻ trên báo giới về tình trạng “thảm họa” của nền âm nhạc hiện nay.
“Trời ban cho Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, Hồ Ngọc Hà… chút tài năng để họ bước lên sân khấu múa may quay cuồng như một con rối. Tên tuổi người nghệ sĩ phải trụ vững và tỏa sáng trên sân khấu 20 năm mới đạt đẳng cấp nghệ sĩ thực thụ!”, cô từng chia sẻ.
‘Thất vọng về Bảo Yến’
Không đồng tình với ý kiến trên, nhiều bạn đọc bày tỏ sự thất vọng trước quan điểm của Bảo Yến khi cho rằng nhạc của Vinh Sử chỉ dành cho người bình dân, ít học.
Video đang HOT
Là fan giọng ca Mưa trên phố Huế, độc giả Trần Văn Sỹ bày tỏ quan điểm: “Dù rất hâm mộ tài năng của chị nhưng mình không thể chấp nhận một ca sĩ gạo cội lại có những phát ngôn như vậy. Theo quan điểm của chị, ai nghe nhạc của Vinh Sử cũng là ít học hết sao?”.
“Tôi rất thích nghe chị hát, giọng của chị nghe như lời ru của mẹ dành cho con, ngọt ngào và sâu lắng. Nhưng chị cần xem lại suy nghĩ của mình. Dù chị từ chối hát nhạc của Vinh Sử cũng không nên đả kích đến vậy. Thiết nghĩ, chị nên học thêm 2 từ khiêm tốn”, thành viên Ngọc Nam chia sẻ.
Cộng đồng mạng bức xúc trước quan điểm của ca sĩ Bảo Yến về nhạc Vinh Sử. Ảnh: chụp màn hình.
Bên cạnh đó, độc giả Hoàng Nguyễn cho rằng Bảo Yến nổi tiếng bởi hát nhạc bình dân. Thành viên này thắc mắc về định nghĩa “nhạc cho người bình dân, ít học” mà nữ ca sĩ nhắc tới.
Âm nhạc không phân biệt giàu – nghèo. Bài hát hay, ý nghĩa sẽ được nhiều khán giả đón nhận. Chính bởi vậy, quan điểm Bảo Yến đưa ra đã vô tình chạm tới cái tôi của không ít người nghe nhạc hiện nay. Nhiều ý kiến khẳng định, cô đang ganh tỵ với nhạc sĩ Vinh Sử khi ông có nhiều người hâm mộ, yêu mến.
Trước nhận xét của giọng ca Mưa trên phố Huế, nhiều độc giả đặt ra câu hỏi: “Bảo Yến nhất thiết phải đưa ra ý kiến nhận định như vậy về nhạc Vinh Sử không? Trong khi đó nhiều độc giả đang nghe dòng nhạc của ông, không lẽ tất cả họ đều là người ít học?”.
Không ít bạn đọc cho rằng không có gì là tự nhiên khi nhạc sĩ Vinh Sử được gọi là “ông vua nhạc sến”. Với các ca khúc nổi tiếng của ông như: Gõ cửa trái tim, Đêm lang thang, Qua ngõ nhà em, Nối lại tình xưa… đã làm say đắm biết bao nhiêu thế hệ.
“Đã ngoài 50 tuổi, nhưng tất cả các bài hát ông sáng tác tôi đều nghe qua. Trong đó, bài gây ấn tượng mạnh nhất trong tôi là Nhẫn cỏ cho em, chỉ cần nghe giai điệu mọi ca từ như hiện ra trước mắt. Tôi luôn đón chờ những tác phẩm của ông”, độc giả Nguyễn Hùng bày tỏ lòng yêu mến.
Không chỉ người xưa mà nhiều thế hệ 8X, 9X cũng biết đến những bài hát của ông. Độc giả Nguyễn Thúy bình luận: “Thuộc tầng lớp trẻ nhưng mình không thể nào ‘thẩm thấu’ nổi dòng nhạc thị trường. Đối với tác phẩm của nhạc sĩ Vinh Sử hoàn toàn ngược lại, bài hát đi vào lòng người lúc nào không hay biết”.
Cũng phản ứng trước những nhận định mang phần gay gắt của Bảo Yến dành cho nhạc sĩ Vinh Sử nói riêng và những tên tuổi bolero khác nói chung, nhiều bạn đọc tỏ rõ thái độ không hài lòng khi cho rằng cô quá tự phụ.
“Trước khi chê trách bất cứ ai, mong ca sĩ Bảo Yến hãy suy nghĩ thấu đáo hơn. Dù chưa tâm phục, khẩu phục những nghệ sĩ khác, nhưng chê nhạc Vinh Sử thị trường và người nghe nhạc của ông là bình dân, ít học thì thật thiển cận. Cạn lời!”, độc giả Phương Anh viết.
Theo Zing
Bảo Yến: 'Ông hoàng, bà chúa nhạc Việt chỉ là ảo ảnh phù du'
"Danh xưng ông hoàng, bà chúa nhạc Việt chỉ là ảo ảnh, làm gì có thật. Con người sống 70 năm cũng như con muỗi sống 3 ngày, mọi thứ qua nhanh như giấc mộng" - Bảo Yến nhận định.
Giọng ca Ở hai đầu nỗi nhớ trò chuyện với Zing.vn nhân dịp chị chuẩn bị ra Hà Nội tham gia đêm nhạc tôn vinh 3 nhạc sĩ cùng tên Phương: Trúc Phương, Lam Phương và Lê Uyên Phương. Nữ danh ca thẳng thắn trả lời mọi câu hỏi, với những thông tin có phần đụng chạm đồng nghiệp, chị nhấn mạnh: "Trước mắt người đó, tôi cũng nói chứ không phải nói sau lưng".
Bảo Yến trở lại sân khấu để tôn vinh 3 nhạc sĩ gạo cội dòng nhạc trữ tình.
Mệt mỏi với showbiz
- Cách đây hơn một năm, chị tuyên bố live show "Đường xưa" sẽ là lần cuối cùng chị gặp gỡ khán giả Hà Nội trước khi khóa điện thoại, khóa cửa để chuyên tâm tu hành. Nhưng tới đây, chị sẽ trở lại thủ đô trong đêm nhạc "Tình ca của Phương", nhiều người cho rằng "Bảo Yến phá lời thề", chị nói gì?
- Tôi là người theo đạo Phật, tôi không nói dối. Nhiều người thắc mắc chuyện tôi vẫn đi hát dù tuyên bố giải nghệ. Thực ra là mọi người chưa đọc kỹ, trong một lần trả lời phỏng vấn, tôi đã nói rõ là đến năm 60 tuổi, tôi sẽ không đi hát xa nữa. Bây giờ, tôi mới có 59 tuổi, tôi còn một năm để hát.
Nhưng tôi cũng không nhận hát nhiều đâu. Ở Sài Gòn, tôi từ chối rất nhiều, Hà Nội cũng vậy. Đêm nhạc này là của 3 tác giả tôi rất quý mến và thấy mình thể hiện tốt, tôi mới nhận lời.
Đến năm 2018, tôi sẽ không đi hát ở đâu xa xôi nữa, chỉ nhận một số chương trình truyền hình, thu xong về. Và đến khi nào tôi thấy nhan sắc tệ và hát không còn hay nữa, tôi sẽ giải nghệ.
- Chị từng chia sẻ chuyện ăn chay trường, tụng kinh, gõ mõ. Vậy việc tham gia các chương trình âm nhạc có ảnh hưởng gì đến đời sống tu hành của chị?
- Tôi mệt mỏi với môi trường showbiz này. Không đi hát, đời sống của tôi như tiên vậy, an lạc, thoải mái nhưng cứ nhận sô là mệt. Chương trình thành công thì không sao, nếu thất bại là bầu sô lại than vãn. Nhận đi hát lại phải học lời, mình muốn hát bài này nhưng người ta lại muốn hát thêm bài kia.
Nói chung nghề này rất khổ cực, không sung sướng gì. Nhìn trên sân khấu, mọi người cứ tưởng phây phây nhưng không phải vậy. Mỗi lần nhận đi hát, tôi như mặt nước hồ thu, đang hạnh phúc thì bị vật gì đó rơi xuống. Ngoài ra, còn phải chuẩn bị quần áo vì mặc trang phục cũ sao được. Tôi như bị phá vỡ sự thanh tịnh.
- Người trong nghề vẫn đồn rằng chị rất thẳng tính và sẵn sàng từ chối tham gia một đêm nhạc nếu phải đứng chung sân khấu với những nghệ sĩ mà chị không thích. Thực hư thế nào?
- Tôi luôn phải chọn chương trình. Những chương trình tạp nham, mỗi người hát 4 bài, hát bài nào thì hát, không có chủ đề, tôi không bao giờ nhận lời. Những ông bầu ham tiền, dụ khán giả, tôi cũng thẳng thừng từ chối. Người quen biết và tin tưởng nhưng mời những đêm nhạc không thích hợp, tôi cũng không nhận.
Tôi là người khó tính nhưng chính tôi làm khó mình chứ không phải tôi chỉ làm khó người ta. Dạo trước, ngoài Hà Nội mời tôi tham gia đêm nhạc Ngô Thụy Miên nhưng tôi không đi vì nhạc Ngô Thụy Miên, tôi hát được chứ không có đặc sắc.
Chương trình của nhạc sĩ nào mà tôi thấy mình hát hay nhất, tôi mới nhất lời như Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Trúc Phương, Lam Phương. Còn nếu đêm nhạc của Lê Dinh hay Vinh Sử thì thôi luôn. Không phải ai tôi cũng hát. Tất nhiên, cũng có trường hợp vì những thành phần trong chương trình không phù hợp.
- Chị là một giọng ca bolero, tại sao chị lại từ chối hát nhạc Vinh Sử dù nhạc sĩ này được mệnh danh là "ông vua nhạc sến"?
- Tôi không coi Vinh Sử là ông vua nhạc bolero, vua phải là Trúc Phương, Lam Phương. Viết bolero không phải đơn giản, lời ca phải có chất văn.
Muốn viết được những ca từ như thế phải sống qua đau khổ, dày dạn gió sương, phải chắt lọc để tinh tế. Nhạc của Vinh Sử với những lời như "Ước gì nhà mình chung vách, hai đứa mình thức trắng đêm nay" thì sao có thể gọi là vua.
Vinh Sử chỉ là người ăn theo, có mặt ông ấy ở đây tôi cũng nói chứ không phải nói sau lưng. Nhạc của Vinh Sử chỉ dành cho người bình dân, ít học. Nhạc gì cũng có người tiên phong, Bolero cũng thế, có người đẳng cấp, có người bình thường, không thể đánh đồng được, giống như ca sĩ cũng có hạng A, hạng B, hạng C, hạng D.
- Như chị nhấn mạnh, bolero phải dạn dày gió sương, phải đau khổ. Vậy có mâu thuẫn gì không khi một người nhận mình đã an nhiên nhưng vẫn hát về những nỗi đau?
Đường đời và đường đạo là hai con đường khác nhau. Đời như con sâu còn đạo như con bướm đã thoát xác. Thực tâm, tôi không muốn làm ca sĩ, tôi chỉ muốn làm một nhà sư. Nhưng thôi, trời đã giao phó mình làm ca sĩ thì mình phải làm.
Đêm nhạc có sự tham gia của Bảo Yến sẽ diễn ra vào lúc 20h, ngày 4/12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: NVCC.
"Ai hám danh hám lợi chứ tôi không cần"
- Ngoài "vua nhạc sến", trong làng nhạc Việt có nhiều danh xưng kêu như chuông như "ông hoàng nhạc bolero", "nữ hoàng nhạc xưa", "ông hoàng nhạc Việt". Một số người khác lại được gọi là diva, divo. Bản thân chị không có danh xưng nào, chị lý giải sao về điều này?
- Tất cả danh xưng ông hoàng, bà chúa chỉ là phù du ảo ảnh, làm gì có thật. Con người sống 70 năm cũng như con muỗi sống 3 ngày. Con muỗi cũng cặp kè rồi sinh con đẻ cái, con muỗi tưởng đời mình dài lắm, ngờ đâu được vài ngày. Con người cũng vậy, lấy vợ, lấy chồng, sinh con đẻ cái, sống 70 năm cứ tưởng dài năm. Mọi thứ qua nhanh như giấc mộng thôi. Tất cả đều là giả hết.
Ai hám danh chứ tôi không ham. Sống được nghìn năm còn lấy danh, lấy vị chứ sống 70 năm nhận danh xưng, danh hiệu làm gì. Mới ngày nào người ta bảo tôi, em là ca sĩ trẻ nhất mà giờ đã lên hàng sư tỷ.
20 năm nữa chắc chả còn ai biết Bảo Yến là ai. Con người ai rồi cũng phải ra đi, chỉ là sớm hay muộn, cứ hám danh vào người, chết có mang đi được không.
- Chị vẫn được biết đến là một người không ngại nói điều mình suy nghĩ. Nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng chị cực đoan, chị nghĩ sao?
- Người khéo nói thì hay được lòng bạn bè. Ngược lại với họ, tôi thích nói thật. Ai khen tôi xinh đẹp tôi lại không thích bằng người ta bảo "Hôm nay mặt Bảo Yến hơi già, chắc hẳn có điều gì lo nghĩ".
Cuộc đời giả dối quá nhiều rồi, nói dối nhau làm gì nữa. Người đời vốn tích lời đường mật nhưng tôi lập dị. Người cứ hay nịnh hót, nói dối, tôi không tiếp chuyện.
- Sau ánh đèn sân khấu, cuộc sống của chị diễn ra như thế nào?
- Tôi không ló mặt ra đường. Tôi không đi siêu thị và cũng chẳng đi đâu cả. Nếu cần mua gì, tôi nhờ chồng con đi mua, tôi chỉ sang thăm bố mẹ. Không phải bây giờ mà từ ngày trước, tôi đã như thế rồi.
Tôi không thích giao tiếp với người khác. Cuộc sống của tôi ẩn dật như một thiền sư, không có bạn trai, bạn gái gì hết cả.
Sớm chiều, tôi tụng kinh, gõ mõ không màng danh hiệu, tiền tài. Giờ tôi cũng có khoản tiền gửi ngân hàng rồi, không phải bươn chải đi hát kiếm tiền, một đêm 9 show nữa.
Càng dấn thân vào đời, càng đau khổ, cứ ở nhà là vui nhất. Ngày hai bữa cơm đạm bạc, từ lâu tôi đã nói không với thịt, tôm, cá. Với tôi, quá khứ đã đoạn tận, tương lai thì chưa đến. Giờ tôi chỉ muốn cạo trọc đầu để sống đời thanh bạch, không mơ ước cao sang, không muộn phiền lo âu.
Kiếp này là kiếp người cuối cùng của tôi. Tôi sẽ chuyên tâm tu hành để giải thoát và quyết định giờ đi, ngày đi. Tôi cũng đang khuyên con cái tu hành, con trai lớn đã bắt đầu chuyên tu, con trai bé thì buổi đực, buổi cái, tôi sẽ huấn luyện thêm.
Theo Zing
So sánh tượng sáp và ảnh đời thường giống nhau đến khó tin của sao Việt Những bức tượng sáp giống người thật đến mức được fan hài hước ví như anh em sinh đôi của sao Việt. Xem loạt ảnh dưới đây để thấy sự giống nhau giữa tượng sáp và sao Việt. Để liveshow tiền tỷ của mình thêm phần hoành tráng, "Ông hoàng nhạc Việt" đã đặt làm một bức tượng sáp. Anh cũng là một...