Cần kiểm tra làm rõ sự thật vụ giảng viên mạo nhận Tiến sỹ
Đó là quan điểm của ông Phạm Quang Hưng – Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài khi trao đổi riêng với Dân trí xung quanh vụ việc trường ĐH Ngoại Thương ra thông báo khẳng định ông N.H.M chưa bảo vệ luận án Tiến sỹ và chưa được cấp bằng Tiến sỹ như đã kê khai.
Theo quy định, lưu học sinh (LHS) sau khi hoàn thành khóa học và có bằng về nước mới được bố trí việc làm. Ở đây LHS đã được Bộ GD-ĐT công nhận hoàn thành khóa học nghĩa là đã được cấp bằng. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng “lọt lưới” ở trường ĐH Ngoại Thương?
Cục trưởng Phạm Quang Hưng: Theo quy định, LHS được cấp học bổng NSNN sau khi kết thúc thời gian học ở nước ngoài theo quyết định cử đi học phải làm thủ tục báo cáo Bộ GD-ĐT. Ở nước ngoài cũng như ở Việt Nam, sinh viên sau khi hoàn thành khóa học, bảo vệ xong luận văn không được cấp bằng tốt nghiệp ngay mà phải chờ đến lễ trao bằng tốt nghiệp (thời gian chờ tùy từng trường có khi đến 6 tháng hoặc hơn).
Tháng 9/2008, ông N.H.M đã nộp hồ sơ báo cáo Bộ GD-ĐT, trong đó chưa có bằng tiến sỹ, hồ sơ gồm có: đơn trình bày nguyện vọng được tiếp tục trở về công tác tại Trường ĐH Ngoại thương, báo cáo kết quả học tập, báo cáo giải trình về các lần thay đổi lịch bảo vệ (có xác nhận của giáo sư Max Peyrard là giáo sư hướng dẫn), xác nhận của giáo sư hướng dẫn về việc đầu năm 2008-2009 ông M sẽ nhận được giấy triệu tập sang Pháp để hoàn thành nốt thủ tục hành chính và dự lễ phát bằng Tiến sĩ Khoa học Quản lý, bản tóm tắt luận án tiến sĩ, bản Sơ yếu lý lịch của ông N.H.M khai học vị Tiến sỹ có xác nhận của trường ĐH Ngoại thương.
Căn cứ những giấy tờ trong hồ sơ báo cáo của ông M, Bộ GD-ĐT đã giải quyết các thủ tục chuyển trả ông M về trường ĐH Ngoại Thương tiếp tục công tác trong thời gian chờ nhận giấy triệu tập sang Pháp. Trường ĐH Ngoại thương đã có Quyết định số 613/QĐ-TCHC ngày 15/10/2008 tiếp nhận ông M về công tác tại trường. Ông M có trách nhiệm báo cáo và nộp các giấy tờ liên quan cho trường ĐH Ngoại thương để được bố trí công việc cho phù hợp.
Thực tế cho thấy, nhiều nghiên cứu sinh sau khi nộp luận văn cho hội đồng phải chờ trường tổ chức hội đồng bảo vệ và sau khi bảo vệ, nghiên cứu sinh cần phải chỉnh sửa và nộp bản cuối cùng để hội đồng xem xét cấp bằng tốt nghiệp. Hiện nay có những người chờ nhiều tháng mới được xếp lịch bảo vệ.
Bộ GD-ĐT khi tiếp nhận lưu học sinh về nước đều gửi trả ngay lưu học sinh về cơ quan chủ quản để đảm bảo quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức cho dù lưu học sinh đó tốt nghiệp hay chưa tốt nghiệp, có bằng hay chưa có bằng. LHS có trách nhiệm báo cáo và nộp các giấy tờ liên quan để trường bố trí công việc phù hợp. Sau khi có văn bản trả về cơ quan chủ quản thì LHS chịu sự quản lý của cơ quan chủ quản. Lưu học sinh có trách nhiệm báo cáo với cơ quan chủ quản và cơ quan chủ quản báo cáo Bộ GD-ĐT.
Trách nhiệm của Cục Đào tạo với nước ngoài ở vụ việc này? Cục Đào tạo có tiến hành rà soát để tránh tình trạng tương tự xảy ra hay không?
Cục trưởng Phạm Quang Hưng: Đầu tư cho con người là đầu tư cho tương lai và hiệu quả đầu tư không thể cân do đong đếm ngay sau khi lưu học sinh tốt nghiệp được. Để đánh giá được hiệu quả của việc đào tạo còn phụ thuộc vào sự phấn đấu, cống hiến vươn lên của từng cá nhân cụ thể.
Hội nghị sơ kết 10 năm thực hiện Đề án 322 năm 2011 đã báo cáo trong tống số 3.017 người đã tốt nghiệp về nước thì 95% đã hoàn thành khóa học đúng hạn về nước. Có 2% số LHS chuyển tiếp lên bậc học cao hơn theo học bổng của nước ngoài cấp, học bổng ngân sách nhà nước hoặc được mời ở lại làm việc, thực tập để nâng cao trình độ chuyên môn và được cơ quan chủ quản cho phép. Số còn lại về nước chậm và chưa làm báo cáo tốt nghiệp, trong đó có một số lượng lớn LHS xin gia hạn (chủ yếu là đi học chương trình tiến sỹ).
Video đang HOT
Cục Đào tạo với nước ngoài (thành lập năm 2008) tiếp tục đảm nhiệm công việc của Ban Điều hành Đề án 322 với trách nhiệm quản lý lưu học sinh, quản lý ngân sách cấp học bổng cho LHS, thường xuyên rà soát, tập hợp danh sách và phối hợp với các cơ quan cử người đi học để yêu cầu lưu học sinh nhận học bổng thực hiện đúng quy định của nhà nước.
Theo quy định, các cơ quan cử người đi học có trách nhiệm quản lý, theo dõi việc thực hiện nghĩa vụ của LHS đã được Bộ GD-ĐT có văn bản gửi trả về cơ quan. Đối với những người đang học ở nước ngoài, Cục Đào tạo với nước ngoài phối hợp chặt chẽ với cơ quan cử đi học, quản lý, động viên lưu học sinh hoàn thành khóa học đúng hạn về nước. Những trường hợp phải gia hạn thời gian học tập mà không được nhà nước cấp kinh phí, Cục Đào tạo với nước ngoài tìm cách thương lượng với cơ sở đào tạo nước ngoài hỗ trợ tài chính để lưu học sinh an tâm học tập.
Là cơ quan quản lý giáo dục, Cục ĐTVNN phải có biện pháp hữu hiệu mang tính giáo dục và nhân văn để đảm bảo đầu tư của nhà nước không bị lãng phí và phối hợp với các bên để xử lý theo quy định những trường hợp LHS không hoàn thành nghĩa vụ học tập.
Trách nhiệm của Cục ĐTVNN là phải thường xuyên rà soát tình hình học tập của LHS chứ không chờ việc xảy ra rồi mới đi rà soát. Từ nhiều năm nay, Cục ĐTVNN đã tổng hợp dữ liệu, tập hợp hồ sơ để tiến hành khảo sát toàn bộ lưu học sinh đã đi học theo Đề án 322. Cho đến nay, Cục đã cơ bản có đầy đủ thông tin liên quan đến các LHS này. Thời gian tới, Cục sẽ liên hệ và làm việc với các cơ quan để đánh giá hiệu quả đào tạo LHS ở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước và các vấn đề tồn đọng nếu có.
Theo quy định, đối với LHS đang học ở nước ngoài bằng học bổng NSNN, lưu học sinh phải thực hiện định kỳ báo cáo 6 tháng/lần về kết quả học tập có xác nhận của cơ sở đào tạo gửi về Cục ĐTVNN qua hệ thống quản lý trực tuyến OMS. Trên cơ sở kết quả học lập của LHS, Cục ĐTVNN xem xét cấp tiếp kinh phí học tập cho thời gian tiếp theo. Đối với việc gia hạn học tập, căn cứ trên đề nghị của LHS, ý kiến của cơ sở đào tạo nước ngoài, đại sứ quán và cơ quan chủ quản, Bộ GD-ĐT ra quyết định gia hạn. Tuy nhiên, sau khi có văn bản trả về cơ quan chủ quản thì lưu học sinh chịu sự quản lý của cơ quan chủ quản.
Ngày 31/3/2015, Trường ĐH Ngoại thương có Công văn số 133/CV-ĐHNT-TCHC gửi Cục ĐTVNN báo cáo về trường hợp của ông M và đề nghị Cục ĐTVNN xác định mức đền bù chi phí đào tạo của ông M.
Ông N.H.M đã trúng tuyển học bổng NSNN và được Bộ GD-ĐT cử đi học chương trình tiến sĩ ngành Marketing tại Trường ĐH Paris I Cộng hòa Pháp theo các Quyết định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT số 3497/QĐ-BGD&ĐT-TCCB ngày 06/8/2002, số 2275/ QĐ-BGD&ĐT-TCCB ngày 27/4/2005 và số 3371/ QĐ-BGD&ĐT-TCCB ngày 04/7/2006. Trong quá trình học tập tại nước ngoài, ông M đã được cấp kinh phí theo đúng quy định.
Theo đề nghị của trường, Cục đã có Công văn số 491/ĐTVNN ngảy 13/4/2015 cung cấp số liệu kinh phí đã cấp cho ông M trong thời gian học ở nước ngoài và đề nghị Trường ĐH Ngoại thương căn cứ các quy định của Nhà nước thành lập Hội đồng xét bồi hoàn đối với trường hợp của ông M và báo cáo Bộ GD-ĐT.
Đối với tất cả các chương trình học bổng, chúng ta luôn kỳ vọng 100% LHS hoàn thành chương trình học tập và được cấp bằng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có những tỉ lệ rủi ro nhất định nằm ngoài khả năng kiểm soát của các cơ quan quản lý và bản thân LHS. Đối với Đề án 322 cũng vậy, tỉ lệ rủi ro rất thấp là 3% bao gồm cả những LHS phải gia hạn, chưa hoàn thành khóa học, bệnh tật, ốm đau, tai nạn và những trường hợp bất khả kháng khác.
Đối với vụ việc của ông M nói riêng, nếu sau một thời gian dài mà ông M không được cấp bằng tiến sỹ cần phải kiểm tra làm rõ sự thật để xác định trách nhiệm của các cá nhân và đơn vị có liên quan.
Được biết ĐH Ngoại thương đã gửi đầy đủ cơ sở pháp lý, thậm chí là có xác nhận của trường ĐH Paris I. Cục Đào tạo đánh giá như thế nào về cơ sở pháp lý này?
Cục trưởng Phạm Quang Hưng: Để cho minh bạch và khách quan, Cục ĐTVNN sẽ làm độc lập và xác minh riêng. Hiện Cục Đào tạo với nước ngoài đã liên hệ với Trương ĐH Paris I. Ông Lê Văn Cường, giáo sư danh dự tại Trường ĐH Paris I đã cho chúng tôi biết Trường ĐH Paris I, Cộng hòa Pháp sẽ có trả lời Cục về vấn đề này bằng văn bản chính thức. Khi có kết quả chúng tôi sẽ thông báo công khai để dư luận được biết.
Xin cảm ơn ông!
Bộ GD-ĐT đẩy trách nhiệm cho trường! Theo tìm hiểu của Dân trí, vào ngày 21/2/2012 Bộ trưởng Bộ GD-ĐT mới ký Quyết định 740/QĐ-BGDĐT ban hành Quy định thủ tục cử người đi học đại học và sau đại học ở nước ngoài, thủ tục gia hạn thời gian học tập ở nước ngoài và thủ tục tiếp nhận lưu học sinh về nước thay thế cho Quyết định 2368/QĐ-BGDĐT. Trong khi đó Quyết định 2368 được ký ngày 19/5/2007. Như vậy đối với trường hợp của ông M về nước năm 2008 sẽ phải đối chiếu với Quyết định 2368. Trong Quyết định 2368 có quy định rất rõ ràng về việc cử đi học, gia hạn, tiếp nhận cán bộ đi học cao học và nghiên cứu sinh tại nước ngoài (đi học theo Đề án 322). Cụ thể, về mặt hồ sơ đối với nghiên cứu sinh về nước bao gồm: Bản coppy Quyết định của Bộ GD-ĐT cử đi học, các Quyết định gia hạn (nếu có) (02 bản ); Báo cáo kết quả học tập (02 bản)- Yêu cầu có chữ ký trực tiếp của LHS; Nhận xét của Đại sứ quán Việt Nam tại nước LHS đến học – Yêu cầu bản chính, hoặc bản công chứng. Nếu Đại sứ quán có ý kiến trực tiếp vào Báo cáo kết quả học tập thì giấy này tương đương với 02 loại giấy: Báo cáo kết quả học tập Nhận xét của Đại sứ quán; Bằng, bảng điểm – Yêu cầu bản dịch có công chứng. Nếu chưa được cấp bằng (hoặc chưa tốt nghiệp) thì nộp bảng điểm, dịch có công chứng; Giấy biên nhận đã nộp Luận án vào Thư viện quốc gia (bản chính) So với những giấy tờ mà Cục trưởng Phạm Quang Hưng đề cập về trường hợp của ông M nói ở trên rõ ràng chưa tuân thủ đúng theo Quyết định 2368 (thiếu các giấy tờ quan trọng) nhưng chẳng hiểu sao lại vẫn được tiếp nhận hoàn thành về nước. Chưa dừng lại ở đó, Quyết định 2368 cũng nêu rõ 6 bước để tiếp nhận LHS về nước bao gồm: Bước 1: Văn phòng nhận hồ sơ từ lưu học sinh, biên nhận và hẹn ngày trả kết quả (mẫu 7). Bước 2: Chậm nhất 01 ngày kể từ khi nhận hồ sơ, Văn phòng gửi hồ sơ cho Vụ Tổ chức cán bộ. Bước 3: Trong thời hạn 03 ngày làm việc, Vụ Tổ chức cán bộ thẩm định hồ sơ xem hồ sơ đã hợp lệ chưa, nếu hợp lệ gửi xin ý kiến các đơn vị liên quan; nếu chưa hợp lệ thì báo cho đơn vị, cá nhân bổ sung hồ sơ, sau khi nhận hồ sơ bổ sung, Văn phòng viết giấy biên nhận, hẹn ngày trả kết quả và thực hiện như bước 2. Bước 4: Vụ Hợp tác Quốc tế (hoặc Đề án 322) gửi ý kiến đến Vụ Tổ chức cán bộ (tối đa trong 05 ngày). Bước 5: Vụ Tổ chức cán bộ thẩm định hồ sơ và ra Quyết định theo sự uỷ Quyền của Bộ trưởng, lấy số quyết định, lấy dấu và trao kết quả cho Văn phòng (tối đa trong 12 ngày). Bước 6: Văn phòng trả kết quả cho lưu học sinh. Như vậy, nếu tuân thủ theo 6 bước nói trên thì trách nhiệm thẩm định hồ sơ của LHS về nước phải là Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GD-ĐT). Điều này hoàn toàn phù hợp với thông báo của trường ĐH Ngoại thương: Ông N.H.M được tiếp nhận về tiếp tục công tác ở Trường ĐH Ngoại thương từ ngày 1/10/2008 theo Quyết định số 6909/QĐ-BGDĐT ngày 15/10/2008 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và Quyết định 613/QĐ-TCHC ngày 15/10/2008 của Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương. Theo một lãnh đạo Bộ GD-ĐT, trách nhiệm đầu tiên trong sự việc này phải là LHS bởi anh phải là người trung thực khai báo hồ sơ. Khi anh đã không trung thực thì dẫn đến kéo theo những người liên đới vi phạm theo. Chính vì thế ở vụ việc này cần phải rà soát lại các quy trình, thậm chí làm rõ có chuyện giả mạo hồ sơ hay không. Dân trí sẽ tiếp tục thông tin diễn biến tiếp theo của vụ việc này.
S.H (thực hiện)
Theo Dantri
An toàn thông tin - quản lý phải chặt như với... vũ khí
Sáng 6/4, UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật An toàn thông tin. Cả cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cùng thống nhất quan điểm, việc quản lý chặt chẽ thông tin phải áp dụng như đối với vũ khí.
Trình bày tờ trình về dự án luật An toàn thông tin, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son cho biết, dự thảo luật quy định về hoạt động an toàn thông tin bao gồm bảo đảm an toàn thông tin trên mạng; bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; mật mã dân sự; quản lý tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn thông tin; kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thông tin; phát triển nguồn nhân lực an toàn thông tin; quản lý nhà nước về an toàn thông tin; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động an toàn thông tin.
Đáng chú ý, dự luật quy định, việc gửi thông tin trên mạng phải bảo đảm không được giả mạo, làm sai lệch nguồn gốc gửi thông tin; không được gửi thông tin mang tính thương mại vào địa chỉ điện tử của người tiếp nhận khi chưa có sự đồng ý, yêu cầu của người nhận.
Về nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong việc ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng, dự luật quy định quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân ngoài việc phải thực hiện đầy đủ các nội dung ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng còn phải thực hiện chống lại việc phát tán thông tin sai lệch nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của tổ chức trong và ngoài nước hoặc gây nguy hại cho an ninh quốc gia; ngăn chặn phát tán vũ khí thông tin cho mục đích xung đột thông tin. Quy định về nguyên tắc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng; thu thập và sử dụng thông tin cá nhân; cập nhật sửa đổi và hủy bỏ thông tin cá nhân; đảm bảo an toàn thông tin cá nhân; trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ thông tin cá nhân.
Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son trình dự án luật trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân, dự luật quy định trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, đối với việc thu thập, sử dụng thông tin cá nhân, tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân có trách nhiệm thông báo cho chủ thể thông tin cá nhân biết để xin ý kiến chủ thể thông tin cá nhân về phạm vi, mục đích cụ thể của việc thu thập và sử dụng thông tin cá nhân trước khi tiến hành thu thập thông tin; thông báo cho chủ thể thông tin cá nhân biết để xin ý kiến trước khi sử dụng thông tin cá nhân đã thu thập vào mục đích khác mục đích ban đầu khi tiến hành thu thập thông tin; không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân thu thập, tiếp cận hoặc kiểm soát được cho bên thứ ba trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đó hoặc có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, chủ thể thông tin cá nhân còn có quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân cung cấp thông tin cá nhân của mình do tổ chức, cá nhân xử lý thông tin cá nhân đó thu thập, lưu trữ.
Dự thảo luật An toàn thông tin cũng quy định về sản xuất sản phẩm mật mã dân sự; tiêu thụ sản phẩm mật mã dân sự; sử dụng sản phẩm mật mã dân sự; an toàn, bảo mật mật mã dân sự; kiểm tra, đánh giá và giám sát mã dân sự.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng (Chủ tịch Hội đồng thẩm định luật của Bộ) cho rằng, để bảo đảm dự luật phù hợp với quy định về bảo vệ bí mật cá nhân trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị năm 1966 mà Việt Nam là thành viên, Hội đồng đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ về quy định ngoại trừ, không phải xin ý kiến chủ thể thông tin cá nhân khi thu thập, sử dụng thông tin cá nhân, tổ chức trong trường hợp để tính giá cước, lập hóa đơn, chứng từ, cung cấp sản phẩm, dịch vụ theo hợp đồng, ngăn chặn hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hoặc pháp luật có quy định khác.
Đối với các trường hợp phải xin ý kiến của chủ thể thông tin cá nhân, đề nghị bổ sung quy định xử lý trường hợp chủ thể thông tin cá nhân không cho phép thu thập, sử dụng thông tin.
Thứ trưởng Đinh Trung Tụng cũng thông tin, có ý kiến khác cho rằng, việc quy định chặt chẽ về việc lựa chọn đơn vị nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh sản phẩm mật mã dân sự là phù hợp với điều kiện thực tế đất nước và nhằm bảo đảm được an ninh, chủ quyền của quốc gia, tránh để kẻ xấu lợi dụng mật mã để hoạt động phi pháp chống lại nhà nước.
Ông Tụng nhấn mạnh, việc quản lý phải chặt chẽ thông tin phải tương đương như quy định áp dụng đối với vũ khí.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn nhận định, vấn đề quan trọng nhất của dự án luật này là vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh an ninh mạng.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng băn khoăn, báo chí cũng là thông tin, mạng xã hội, blog cũng là thông tin, những loại hình truyền thông này đưa thông tin tốt, an toàn, chính xác nhưng nếu bị đột nhập, lấy cắp, xuyên tạc thì trở thành không an toàn. Khi đó, các hoạt động tấn công vào người truyền tin, người nhận tin, luật phải làm rõ trách nhiệm.
Dự kiến luật An toàn thông tin sẽ được hoàn thiện để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 bắt đầu vào tháng 5 tới đây.
P.Thảo
Theo dantri
Tổng GĐ Jetstar nói gì về chuyên án trộm cắp xăng dầu máy bay? - Ông Lê Hồng Hà - Tổng giám đốc công ty CP hàng không Jetstar Pacific Airlines (gọi tắt là hãng Jetstar) trao đổi với P.V VietNamNet thông tin liên quan đến vụ việc 3 tài xế của Jetstar cấu kết với đối tượng ngoài xã hội trộm cắp xăng máy bay thuộc hãng này. Phóng viên: Hiện hãng Jetstar phối hợp với...