Cần hơn 1 tỷ USD cứu trợ Ukraine trong 3 tháng tới
Ngày 25/2, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) phụ trách cứu trợ nhân đạo, ông Martin Griffiths, cho biết thế giới sẽ cần có hơn 1 tỷ USD để tiến hành các hoạt động hỗ trợ nhân đạo Ukraine trong 3 tháng tới khi hàng trăm nghìn người dân nước này đã và đang phải tìm cách di tản.
Người dân Ukraine vượt biên sang Hungary để tránh xung đột, ngày 25/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại LHQ cho biết ông Griffiths đã đưa ra con số trên khi phát biểu trước báo giới tại trụ sở của cơ quan này ở New York (Mỹ). Ông nói rõ LHQ cần tiền mặt để thực hiện công tác cứu trợ do lệnh trừng phạt của các nước đối với Nga sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới luân chuyển dòng tiền. LHQ sẽ kêu gọi cộng đồng quốc tế đóng góp cho quỹ cứu trợ Ukraine tại Hội nghị nhân quyền ở Geneva (Thụy Sĩ) trong vài ngày tới.
Cũng theo Phó Tổng thư ký Griffiths, LHQ ước tính sẽ có thêm khoảng 1,8 triệu người Ukraine đi di tản, ngoài con số hơn 100.000 người đã rời khỏi nơi ở theo thống kê tới thời điểm hiện tại.
Video đang HOT
Đối với các nhân viên cứu trợ LHQ, ông Griffiths nhấn mạnh họ cần được các bên liên quan bảo đảm an toàn và không bị cản trở khi thực hiện nhiệm vụ ở các khu vực có chiến sự tại Ukraine. Hiện tại, nhiều nhân viên cứu trợ LHQ vẫn đang bám trụ tại Ukraine, trừ một số nhân viên ở các bộ phận không thiết yếu và gia đình của họ đã được chuyển khỏi vùng chiến sự.
Cùng ngày, Cao ủy LHQ về người tị nạn Filippo Grandi cho biết trong số những người Ukraine rời khỏi đất nước trong 48 giờ qua, phần lớn là tới Ba Lan và Moldova. Hiện dòng người tản cư vẫn tiếp tục di chuyển về biên giới với các nước. Ông Grandi khẳng định LHQ sẽ cố gắng hết sức để hỗ trợ người dân Ukraine, đồng thời cảm ơn chính phủ và nhân dân các nước láng giềng của Ukraine đã cho phép người tị nạn được tới lánh nạn.
Thổ Nhĩ Kỳ bác đề nghị của Ukraine ngăn tàu chiến Nga vào Biển Đen
Đáp lại yêu cầu của Kiev về đóng cửa eo biển Dardanelles, Ankara nói rằng luật pháp quốc tế cho phép các tàu Hải quân Nga đi qua eo biển này để trở về căn cứ.
Một tàu tuần tra của Nga đi qua Địa Trung Hải đến Biển Đen, ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 16/2/2022. Ảnh: AFP
Theo đài RT (Nga), Thổ Nhĩ Kỳ cho biết trong một số điều kiện nhất định, tàu hải quân Nga vẫn được phép đi qua eo biển Bosphorus và Dardanelles ngay cả khi tuyến đường thủy chiến lược bị đóng cửa trong cuộc xung đột với Ukraine.
Trước đó, hôm 24/2, đặc phái viên Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông Vasyl Bondar đã yêu cầu Ankara đóng cửa eo biển Dardanelles - tuyến đường thuỷ nối Địa Trung Hải và Biển Đen - với các tàu của Hải quân Nga. Lời kêu gọi được đưa ra vài giờ sau khi Moskva tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, với lý do cần phải bảo vệ người dân ở hai nước cộng hòa tự xưng tại Donbass, miền đông Ukraine.
"Chúng tôi yêu cầu đóng cửa eo Dardanelles. Chúng tôi muốn có các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga", ông Vasyl Bondar nói.
Theo Công ước Montreux năm 1936, Thổ Nhĩ Kỳ có quyền đóng cửa eo biển Bosphorus và eo Dardanelles đối với tàu chiến nước ngoài trong một cuộc xung đột và đối với tàu thương mại của các nước có chiến tranh với Ankara.
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu ngày 25/2 xác nhận rằng Ankara đã nhận được yêu cầu chính thức từ Ukraine về việc cấm các tàu Nga đi qua eo biển. "Các quy định của Công ước Montreux rất rõ ràng và chính xác", ông Cavusoglu nói.
"Thổ Nhĩ Kỳ có thể ngăn chặn việc tàu chiến đi qua eo biển. Nhưng Công ước Montreux còn có quy định khác. Nếu có yêu cầu [để] tàu của các quốc gia có chiến tranh quay trở lại căn cứ của họ, thì điều đó phải được cho phép", Ngoại trưởng Cavusoglu giải thích thêm. Ông bổ sung Ankara đang xem xét vấn đề này.
Nga cho biết bắt đã đầu tấn công các mục tiêu quân sự ở Ukraine vào sáng sớm 24/2, sau khi có các báo cáo về những cuộc pháo kích dọc theo ranh giới liên lạc giữa quân đội Chính phủ Ukraine và khu vực do Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk (DPR và LPR) tự xưng kiểm soát ở Donbass.
Hôm 21/2, Moskva đã công nhận nền độc lập của hai khu vực đòi độc lập ở miền đông Ukraine này. Hai bên cũng thông qua hiệp ước về quan hệ hữu nghị và hỗ trợ lẫn nhau. Tổng thống Vladimir Putin cho biết Nga không có kế hoạch chiếm bất kỳ vùng đất nào của Ukraine. Tuy nhiên, ông nói rằng Nga đang tìm cách "phi quân sự hóa" Ukraine.
Kiev đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga ngay sau khi bắt đầu các cuộc xung đột vào ngày 24/2. Ukraine cũng phủ nhận việc vi phạm thỏa thuận ngừng bắn với DPR và LPR và nói rằng hành động của Moskva là hoàn toàn vô cớ. Một số quốc gia, trong đó có Mỹ và Anh, đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga.
Chuyên gia dự báo tác động của khủng hoảng Ukraine đối với kinh tế Mexico Cuộc khủng hoảng Ukraine sẽ để lại những hậu quả địa chính trị và kinh tế to lớn trên toàn thế giới, đó là điều không phải bàn cãi. Mặc dù Mexico nằm cách xa "tâm bão", giới chuyên gia cảnh báo những tác động này có thể nhanh chóng vượt qua Đại Tây Dương. Một trạm xăng tại Mexico City, Mexico, này...