Căn hầm bí mật dưới chiếc tủ gỗ ở Sài Gòn
Sau khi lật tấm gỗ dưới đáy tủ và đẩy miếng chắn sang một bên, cầu thang tối sẽ hiện ra, dẫn du khách xuống căn hầm bí mật trong lòng đất.
Nằm trong con hẻm nhỏ đường Ngô Gia Tự, quận 10, căn nhà số 122/351 giờ đây là di tích lịch sử văn hóa quốc gia với tấm biển báo “Cấm xâm phạm”. Ít ai có cơ hội được vào ngôi nhà này bởi phải có sự cho phép của Phòng Thông tin – cổ động và Nhà truyền thống quận 10. Nơi đây ghi dấu những năm tháng hào hùng cho tinh thần chiến đấu của người dân Việt Nam nên được gìn giữ cẩn thận.
Tủ quần áo hai ngăn với hầm bí mật bên dưới đáy tủ.
Ngôi nhà trước đây được gọi là Minh Mạng, ban đầu làm bằng gỗ, vách ván, diện tích 62 m2 (6,2 x 10m). Nhà được ngăn đôi với một bên để ở và đào hầm bí mật phục vụ in tài liệu của Hội Ủng hộ Vệ quốc đoàn. Bên còn lại là cơ sở sản xuất đàn để ngụy trang. Toàn bộ khuôn viên nhà được bao quanh bởi hàng rào và cổng tre.
Phía dưới ngôi nhà nhỏ này là căn hầm bí mật. Lối xuống hầm thông qua một ngăn tủ gỗ, ngụy trang bằng quần áo treo bên trong. Chỉ cần mở tủ, lật tấm gỗ dưới đáy và đẩy miếng chắn sang bên, một cầu thang tối sẽ hiện ra, dẫn xuống lòng đất.
Cầu thang gỗ dẫn xuống hầm.
Đường hầm bí mật được đào từ ngày 3/2/1952 và hoàn tất ngày 19/5 năm đó. Bước xuống cầu thang gỗ, bạn sẽ vào một đường dẫn dài 2 m đến cánh cửa bí mật, ngụy trang như kệ sách.
Xuyên qua kệ sách, du khách sẽ tiếp tục một đoạn dài 2,5 m nữa dẫn tới căn hầm chính rộng chừng 10 mét vuông, chiều cao 1,7 mét. Hầm có đường thông hơi ra giếng nước giả trước sân nhà nhưng nay đã bị lấp và đặt một chậu mai thay thế.
Các chiến sĩ hoạt động cách mạng đã ngụy trang căn nhà thành một nơi làm đàn để tránh quân địch nghi ngờ việc người ra vào đông đúc. Tín hiệu các chiến sĩ dùng để nhận biết địch – ta lúc đó là chiếc đèn dầu chớp tắt.
Để đào căn hầm bí mật dưới nền nhà, tránh các con mắt dòm ngó, các chiến sĩ bố trí một chiếc xe kín đáo chở đất ra ngoài, các cán bộ quản lý di tích cho biết. Căn hầm cũng chính là nơi in, truyền đơn, họp bí mật và kết nạp các thành viên cốt cán vào tổ chức.
Đường hầm dẫn đến căn phòng, nơi các chiến sĩ soạn thảo truyền đơn, in ấn và hoạt động cách mạng. Ảnh: Thảo Nghi
Hiện nay, căn nhà được chỉnh trang lại nhưng cấu trúc vẫn giữ nguyên. Vào ngày 20/11/1988, nơi này chính thức được Bộ Văn hóa công nhận trở thành Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
Hình ảnh bên trong hầm bí mật:
Căn nhà nay đã khác xưa, nhưng cấu trúc vẫn giữ y nguyên thời quá khứ.
Tủ, giường đơn sơ trong nhà vẫn được bảo quản đến ngày nay.
Video đang HOT
Bằng mắt thường, chiếc tủ trông không có gì khác biệt với miếng gỗ đậy phía trên.
Ngay khi kéo miếng gỗ và ván chắn, một đường hầm sẽ xuất hiện.
Cầu thang gỗ dẫn xuống hầm. Khi xuống, bạn sẽ cảm thấy không khí lạnh và có phần ngột ngạt.
Nhìn từ xa, bóng dáng hình nộm đánh máy nhằm tái hiện lại hình ảnh những chiến sĩ hoạt động xưa.
Truyền đơn được in ấn ở đây và sau đó rải bí mật.
Một đường hầm phụ bên cạnh hầm chính.
Trước đây, căn nhà này có phối cảnh tổng thể như trong bức họa tái hiện trên, gồm hai gian và dùng để làm xưởng đàn.
Quang Dũng (Tổng Hợp)
Theo Dantri
Thăm kho chứa 3 tấn vũ khí bí mật của Biệt động Sài Gòn
Nhiều người không hề biết rằng căn nhà gác lửng ở số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu (phường 5, quận 3, TPHCM) rất đỗi bình dị lại từng là nơi chứa gần 3 tấn vũ khí của quân ta chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Nhìn căn nhà rất đỗi bình thường này không ai nghĩ rằng đây từng là nơi chứa vũ khí của quân ta chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Ông Trần Văn Lai (tức Năm Lai) đã mua căn nhà này theo sự thống nhất với người chỉ huy đơn vị để làm cơ sở giấu vũ khí phục vụ cho các trận đánh vào đầu não của Ngụy - Dinh Độc Lập.
Sau khi mua xong căn nhà, ông Năm Lai tiến hành sửa sang, xây hầm bí mật chứa vũ khí.
Sơ đồ tổ chức ngôi nhà bên dưới có hầm chứa vũ khí.
Miệng hầm và nắp hầm do chính ông Năm Lai tự tay lắp đặt. Để làm công việc quan trọng này, ông phải đợi đến lúc nửa đêm khi mọi người yên giấc mới bí mật tiến hành.
Điểm đặt miệng hầm được chọn gần cầu thang và nắp đậy được cấu tạo bằng 6 miếng gạch 0,4m x 0,6m dính liền có chốt vặn.
Nắp hầm nguyên bản rất nặng, hiện đang được trưng bày bên dưới đường hầm.
Hầm có kích thước dài hơn 8m, ngang 2m, cao 2,5m, trát xi măng dày để chống thấm.
Trong hầm có 4 cửa thông qua các nhà bên cạnh đề phòng trường hợp bị địch tập kích
Bên trong hầm luôn có sẵn mặt nạ phòng độc
Hầm xây xong, tổ chức bố trí cho ông tiếp nhận vũ khí.
Để đưa vũ khí về hầm, các chiến sĩ Biệt động thành khéo léo che giấu vũ khí trong bộ ván nhằm qua mắt địch.
Ngoài ra, để tránh sự chú ý của hàng xóm, xe chở vũ khí từ Củ Chi đến căn nhà này thường đi vào những lúc nhá nhem tối, khi đi cửa trước, lúc đi cửa sau để vào nhà bốc dỡ. Vũ khí được chuyển xuống hầm lúc đó trên 3 tấn gồm: súng AK, súng ngắn, đầu đạn B40, bộc phá, lựu đạn, đạn các loại...
Ngoài hầm bí mật dưới lòng đất, căn nhà này còn có một hầm nổi.
Cửa hầm nổi thông lên mái nhà để các chiến sĩ thoát ra ngoài bằng một sợi dây thừng.
Xe gắn máy đội 5 Biệt động Sài Gòn sử dụng trong trận tấn công Dinh Độc Lập được trưng bày trong căn nhà.
Đêm mồng 1, rạng sáng mồng 2 Tết Mậu Thân, 15 chiến sĩ đội 5 Biệt động tập trung tại căn hầm nhận vũ khí. Dưới sự chỉ huy của đồng chí Tô Hoài Thanh (Ba Thanh), cả đội đã thực hiện trận đánh táo bạo, vang dội trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968. Sau khi các chiến sĩ biệt động bị bắt, địch cho người đến bắn phá căn nhà này vì nghi ngờ đây là nơi trú ngụ của đội Biệt động. Trong ảnh cửa chính của ngôi nhà chi chít vết đạn do địch bắn.
Nhiều kỷ vật của các chiến sĩ được trưng bày trong ngôi nhà.
Căn hầm chứa vũ khí năm xưa mà đội 5 Biệt động thành đã sử dụng đánh mục tiêu Dinh Độc Lập vẫn mang con số 287/70 thuộc đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3 và được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia.
Gia đình đồng chí Trần Văn Lai nhận bằng công nhận di tích tại Dinh Độc Lập năm 1989
Đội 5 Biệt động Sài Gòn nhận cờ đơn vị anh hùng.
Đình Thảo
Theo Dantri
Phá "cánh cửa thép" trên đèo Phượng Hoàng tiến về giải phóng Nha Trang Sau khi phá "cánh cửa thép" của địch trên đèo Phượng Hoàng - nối Tây Nguyên và đồng bằng, quân ta tiến về giải phóng Nha Trang, Cam Ranh và toàn tỉnh Khánh Hòa. Một trong những người trực tiếp chỉ huy, tham gia giải phóng Nha Trang, Khánh Hòa là Đại tá Nguyễn Quang Lâm, nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 24,...