Cần giám sát nợ xấu từ BOT
Nhu cầu vốn càng cao, càng dễ xảy ra rủi ro nợ xấu. Vậy làm thế nào để tránh “vết xe đổ” nợ xấu trong cho vay của một số dự án BOT giao thông, theo các chuyên gia rất cần một cơ chế giám sát chặt chẽ đi kèm cảnh báo sớm.
Tại hội nghị sơ kết 2 năm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) và tái cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 vừa diễn ra, NHNN cho biết, toàn hệ thống TCTD đã xử lý được 236.800 tỷ đồng nợ xấu. Mỗi tháng, toàn hệ thống xử lý được 9.600 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với giai đoạn trước khi có Nghị quyết 42 (về xử lý nợ xấu).
Tại hội nghị này, câu chuyện huy động vốn cho các dự án lớn trong thời gian tới và giải pháp tránh vết xe đổ nợ xấu được đề cập. Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, với việc hủy đấu thầu quốc tế dự án lớn cao tốc Bắc – Nam, nếu ngân hàng trong nước không hợp vốn thì sẽ không thực hiện được.
Để xử lý “cục máu đông” nợ xấu đang tồn tại và tránh phát sinh trong tương lai, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, giải pháp quan trọng là tăng cường hiệu lực, hiệu quả của hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng, cơ chế cảnh báo sớm. Chính phủ quy định, định kỳ 6 tháng NHNN phải báo cáo lên Thủ tướng, Phó Thủ tướng về kết quả thanh tra, kiểm tra.
“Không thể để kết quả thanh tra, kiểm tra ngành ngân hàng như “hộp đen”. Nếu có sai phạm, thanh tra NHNN không phát hiện, không cảnh báo sớm sẽ phải chịu trách nhiệm. Trước đây, Chính phủ không nhận được báo cáo thanh tra giám sát ngân hàng. Từ ngày tôi họp, tôi yêu cầu NHNN phải báo cáo định kỳ”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Du, quyền Chánh thanh tra, giám sát (NHNN) cũng cho biết, việc thanh tra, giám sát giúp kịp thời phát hiện, cảnh báo rủi ro, sai phạm trong hoạt động ngân hàng. Ông Du dẫn ví dụ, từ năm 2018 đến tháng 8/2019, với gần 2.300 cuộc thanh kiểm tra, NHNN đã yêu cầu tổ chức tín dụng khắc phục tồn tại sai phạm. NHNN cũng có gần 200 văn bản chấn chỉnh, cảnh báo nguy cơ rủi ro sai phạm gây mất an toàn hoạt động tổ chức tín dụng.
Video đang HOT
Ông Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam ( BIDV) cho rằng, để giải quyết nợ xấu, trong đó có nợ xấu từ BOT cần sự vào cuộc quyết liệt của bộ, ngành liên quan theo tinh thần Nghị quyết 42. Các vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 42 (hướng dẫn của bộ ngành, các bên có liên quan về tạo lập thị trường mua bán nợ, trong đó có cả nợ xấu) cần được thúc đẩy xử lý nhanh hơn.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng, cơ chế mua bán nợ xấu vẫn chưa được hoàn thiện. Theo ông Thịnh, tùy vào mức độ nợ xấu, khi bán phải giảm giá. Tuy nhiên, việc này rất có thể vướng vào lao lý, nên không ai dám làm. Ông Thịnh dẫn ví dụ, tài sản thế chấp phải bán 1 tỷ đồng nhưng hiện nay tài sản này xuống giá, chỉ bán được vài trăm triệu đồng. Cán bộ không dám ký để bán và tài sản này vẫn nằm đó. Thực tế về hình sự hóa các quan hệ kinh tế cũng gây trở ngại cho hoạt động thanh lý tài sản đảm bảo.
“Để giải quyết nợ xấu, trong đó có nợ xấu từ BOT cần sự vào cuộc quyết liệt của bộ, ngành liên quan theo tinh thần Nghị quyết 42. Các vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 42 cần được thúc đẩy xử lý nhanh hơn”.
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV
QUỲNH NGA
Theo tienphong.vn
Nợ xấu cũ chưa xong, lo nợ xấu mới phát sinh
Kết quả xử lý, thu hồi nợ xấu trong những năm qua đạt được nhiều kết quả tích cực, giúp tỷ lệ nợ xấu tại một số ngân hàng giảm nhiều. Tuy nhiên, rủi ro nợ xấu mới phát sinh nhanh trong giai đoạn nền kinh tế đối mặt với những khó khăn và thách thức mới cần phải được lường trước.
Kết quả xử lý, thu hồi nợ xấu trong những năm qua đạt được nhiều kết quả tích cực. Nguồn: internet
Nợ xấu cũ cần xử lý còn lớn
236,8 nghìn tỷ đồng là số nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 được xử lý từ ngày 15/8/2017 (thời điểm Nghị quyết 42 có hiệu lực) đến ngày 31/8/2019, đó là thông tin vừa được chia sẻ tại Hội nghị sơ kết 2 năm triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Tính trung bình, toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng/tháng, cao hơn 4,7 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình giai đoạn 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực.
Kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 cho thấy, ý thức trả nợ của khách hàng đã được cải thiện một bước quan trọng, góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng.
Nhờ kết quả tích cực trên, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn ngành xác định theo Thông tư 02 tiếp tục duy trì ở mức dưới 2% là 1,98%. Nếu tính cả khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) và các khoản nợ có khả năng thành nợ xấu, thì tỷ lệ nợ xấu tới hết tháng 8/2019 là 4,84%, vẫn giảm mạnh so với mức 7,36% năm 2017 và 5,85% năm 2018. Với tỷ lệ 4,84%, quy mô nợ cần xử lý nói trên đến cuối tháng 8/2019 vào khoảng 368,3 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, nỗi lo ngại khác là các món nợ xấu mới vẫn đang phát sinh với dấu hiệu nhanh hơn, khiến gánh nặng đè lên nền kinh tế nói chung và hệ thống các ngân hàng nói riêng đang gia tăng.
Theo báo cáo tài chính các ngân hàng, nợ xấu của hầu hết nhà băng đều gia tăng so với đầu năm, dù công tác thu hồi, xử lý nợ xấu vẫn được báo cáo đạt kết quả tích cực trong thời gian qua. Diễn biến này có thể đến từ việc các ngân hàng chủ động chuyển các khoản nợ đã tái cơ cấu trước đây theo Quyết định 780, cũng không loại trừ khả năng buộc phải chuyển nợ xấu từ những khoản cho vay mới gần đây.
Rủi ro phát sinh nợ xấu mới
Thực tế thời gian qua, đã phát sinh nhiều yếu tố có thể gây áp lực gia tăng nợ xấu tại các ngân hàng. Đầu tiên, ở mảng cho vay tiêu dùng đã tăng nóng suốt thời gian qua, nhưng việc thẩm định, phê duyệt dễ dãi kéo chất lượng các khoản vay xuống thấp, thậm chí không ít trường hợp thông tin khách hàng bị lấy cắp để làm giả các hồ sơ vay tiêu dùng. Những vụ việc ngân hàng cấp tín dụng sai đối tượng, quản lý thông tin khách hàng vay vốn không đúng, dẫn đến việc đòi nợ sai đối tượng, gây nhiều phiền hà cho khách hàng, khiến nhà điều hành phải có những cảnh báo nhắc nhở là minh chứng cụ thể.
Các khoản vay đối với dự án BOT, BT cũng đang gặp vấn đề sau thời kỳ tăng trưởng nóng trước đó, khi nhiều dự án phát hiện sai phạm, một số nhà đầu tư có nguồn vốn hạn chế nhưng vẫn "mượn đầu heo nấu cháo", điểm đặt sai vị trí gây bức xúc trong xã hội, tiềm ẩn rủi ro thất thu khi người dân không đồng thuận. Rủi ro từ cho vay BOT, BT quá lớn nên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) từ lâu đã sớm cảnh báo hạn chế cho vay ở lĩnh vực này. Dù vậy, những ngân hàng đã đẩy mạnh cho vay ở lĩnh vực này trước đây, hiện không dễ dàng gì để rút vốn hay yêu cầu khách hàng trả nợ trước hạn.
Bên cạnh đó, dù NHNN luôn yêu cầu thắt chặt dòng vốn cho vay vào lĩnh vực bất động sản, triển khai chính sách như nâng hệ số rủi ro đối với dư nợ cho vay bất động sản, nhưng thực tế nhiều ngân hàng vẫn tích cực cho vay trong lĩnh vực này và lách hệ số rủi ro bằng cách hạch toán vào cho vay tiêu dùng. Điều đó khiến NHNN phải dự thảo sửa đổi quy định bằng cách tăng hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay tiêu dùng có kỳ hạn từ ba năm trở lên. Việc thị trường bất động sản nóng sốt cục bộ trong những năm qua, rồi nhanh chóng nguội lạnh khiến không ít nguồn vốn bị mắc kẹt, trong đó không ít là vốn vay từ ngân hàng, dẫn đến rủi ro nợ xấu khi cho vay bất động sản cũng gia tăng.
Với tình hình kinh tế toàn cầu đang đối mặt với bất ổn, suy thoái, chiến tranh thương mại và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, khiến hoạt động của các doanh nghiệp sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng trong thời gian tới. Đây cũng là mối nguy có thể khiến các khoản vay cho doanh nghiệp sẽ thành nợ xấu.
Mới đây, ngày 16/10/2019, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra cảnh báo trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, một phần do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã làm gia tăng rủi ro đối với vấn đề vay nợ của doanh nghiệp, có thể gieo mầm cho một cuộc khủng hoảng toàn cầu mới.
Một điểm quan trọng nữa là thời gian qua, các ngân hàng đã đẩy mạnh rót vốn vào thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đang trong giai đoạn cực kỳ sôi động. Điều cần lưu ý, nhiều trái phiếu doanh nghiệp dù lãi suất cao nhưng thiếu tài sản bảo đảm, cũng có thể là các khoản nợ xấu tiềm năng trong tương lai nếu hoạt động của doanh nghiệp gặp khó khăn và rơi vào cảnh khốn đốn khi chi phí tài chính gia tăng.
Theo Anh Khoa/doanhnhansaigon.vn
Tín dụng bất động sản tăng mạnh, chiếm hơn 19% tổng dư nợ Từ đầu năm đến tháng 8/2019, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 14,58% so với cuối năm 2018, chiếm 19,14% tổng dư nợ nền kinh tế. Tín dụng cho bất động sản vẫn đang khá lớn ở các ngân hàng thương mại. Ảnh minh họa: H.Dịu Theo báo cáo vừa gửi đến Quốc hội, tại kỳ họp thứ 8...