Cần giám định lại kẻ chủ mưu truyền HIV con tình địch
TAND TP Vũng Tàu đang nghiên cứu về thẩm quyền xét xử, nếu cần thì sẽ xin ý kiến của tòa cấp trên.
Hiện trường phía cổng trường mầm non ở phường 8, TP Vũng Tàu, nơi cháu H. bị chích kim tiêm có máu của người bị nhiễm HIV. Ảnh: Song Nguyễn
Như Pháp Luật TP.HCM đã thông tin, Đào Thị Thu Thảo (giám đốc chi nhánh một công ty) đã thuê người cố ý truyền HIV cho cháu bé con của tình địch nhưng được đình chỉ điều tra nhờ có giấy chứng nhận bị bệnh tâm thần. Thảo là chủ mưu nhưng thoát tội, vụ án chỉ còn hai người mà Thảo thuê bị VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu truy tố về tội cố ý truyền HIV cho người khác theo khoản 2 Điều 149 BLHS 2015.
Chiều 5-12, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Thanh Sơn (Chánh án TAND TP Vũng Tàu) cho biết: Ngày 16-11, TAND TP Vũng Tàu đã tiếp nhận hồ sơ vụ án do VKSND tỉnh chuyển và ủy quyền cho VKSND TP Vũng Tàu thực hành quyền công tố. Hiện lãnh đạo tòa đã phân công thẩm phán nghiên cứu vụ án nhưng do còn một số vấn đề cần xem xét kỹ nên chưa xếp lịch xét xử.
Chưa rõ tòa nào xử
Theo ông Sơn, TAND TP Vũng Tàu đang nghiên cứu về mặt thẩm quyền xét xử vụ án này thuộc về TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu hay TAND TP Vũng Tàu, nếu cần thì TAND TP Vũng Tàu sẽ xin ý kiến của tòa cấp trên.
Ông Sơn cho biết tại thời điểm khởi tố (tháng 4-2016), các bị can bị khởi tố về tội cố ý truyền HIV cho người khác theo khoản 2 Điều 118 BLHS hiện hành với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân nên thuộc thẩm quyền xét xử của tòa cấp tỉnh. Nhưng tới giai đoạn truy tố là thời điểm chuyển giao giữa BLHS hiện hành và BLHS 2015. Trong BLHS 2015, trường hợp phạm tội của các bị can được quy định tại khoản 2 Điều 149. Theo điều khoản này thì khung hình phạt cao nhất chỉ là 15 năm tù nên VKSND tỉnh áp dụng quy định có lợi cho người phạm tội theo luật mới và cho rằng với khung hình phạt này thì thẩm quyền xét xử là của tòa cấp huyện. “Tuy nhiên, nếu xét tổng thể quy định của điều luật thì mức án của tội cố ý truyền HIV cho người khác ở luật mới không nhẹ hơn luật cũ” – ông Sơn nói.
Nếu có nghi ngờ, sẽ xem xét về giám định
Một vấn đề khác, cho tới trước khi bị bắt, Thảo vẫn làm việc bình thường, lãnh đạo, quản lý chi nhánh của công ty chủ quản, tham gia nhiều hoạt động của công ty chủ quản. Việc Thảo thuê người theo dõi gia đình tình địch, nhiều lần lên kế hoạch hại cháu bé con của tình địch diễn ra trong một thời gian dài (từ đầu năm 2014 cho đến tháng 6-2015). Vì thế, việc Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa (thuộc Bộ Y tế) có kết luận giám định “trước, trong và sau khi gây án đương sự bị bệnh trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần… Tại thời điểm gây án và hiện nay đương sự không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi” đang gây nhiều nghi ngờ.
Chưa kể, bệnh nặng đến mức “không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi” nhưng chỉ sau gần hai tháng chữa trị tại Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Thảo đã được kết luận tình trạng bệnh ổn định, không cần thiết điều trị bắt buộc nữa. Một ngày sau, VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có quyết định đình chỉ áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh với Thảo. Từ đó đến nay Thảo quay lại làm giám đốc chi nhánh, có lần còn đại diện công ty chủ quản tham gia hội nghị… Từ đó đã có những ý kiến cho rằng TAND TP Vũng Tàu cần phải trưng cầu giám định lại về tình trạng tâm thần của người chủ mưu này.
Video đang HOT
Về vấn đề này, ông Sơn cho biết: Về nguyên tắc, nếu trong quá trình nghiên cứu hồ sơ, tòa thấy kết luận giám định có sự nghi ngờ, mâu thuẫn hoặc người bị hại có yêu cầu, tòa sẽ ra quyết định trả hồ sơ để yêu cầu làm rõ, giám định lại hoặc giám định bổ sung. Nếu giám định lại thì hội đồng giám định cũ sẽ không được trưng cầu nữa mà phải là một hội đồng giám định khác.
Trong một diễn tiến khác, để xác định Thảo có thật sự bị bệnh như kết luận giám định thể hiện và có chữa bệnh hay không, từ ngày 2-12, PVPháp Luật TP.HCM đã đến Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa tìm hiểu thông tin. Ông Nguyễn Văn Đức (Trưởng phòng Hành chính – Quản trị) hướng dẫn PV viết yêu cầu, sau đó lãnh đạo viện sẽ trả lời bằng văn bản cho báo. Chiều 5-12, ông Đức cho biết giữa tuần này Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa sẽ có văn bản hồi đáp.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.
Tòa tỉnh xử sơ thẩm mới đúng luật Việc VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chuyển hồ sơ vụ án đến TAND TP Vũng Tàu để xét xử sơ thẩm, theo tôi là hiểu sai luật. Đúng là khoản 2 Điều 118 BLHS hiện hành có khung hình phạt đến tù chung thân, còn khoản 2 Điều 149 BLHS 2015 có khung hình phạt đến 15 năm tù nhưng không vì thế mà cho rằng tội cố ý truyền HIV cho người khác trong BLHS 2015 nhẹ hơn BLHS hiện hành vì khoản 3 Điều 149 BLHS 2015 vẫn quy định hình phạt tù chung thân. Chỉ có điều trong BLHS 2015, nhà làm luật chia tội này ra thành bốn khoản thay vì ba khoản như BLHS hiện hành. BLHS không có quy định so sánh giữa hai tội để xem tội nào nặng hơn nhưng các hướng dẫn của liên ngành thì quy định rất rõ là việc so sánh giữa hai tội không căn cứ vào khoản mà phải căn cứ vào mức hình phạt cao nhất. VKS truy tố khoản nào là quyền của VKS nhưng tòa có thể xét xử bị cáo về khoản có khung hình phạt cao hơn, thậm chí BLTTHS 2015 còn cho phép tòa xét xử bị cáo về tội danh nặng hơn tội danh mà VKS truy tố. Bây giờ VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu truy tố bị cáo khoản 2 nhưng TAND TP Vũng Tàu thấy phải áp dụng khoản 3 Điều 149 BLHS 2015 thì sao? Chẳng lẽ lúc đó phải hoãn phiên tòa để chuyển vụ án lên TAND tỉnh cho đúng thẩm quyền? Về kết luận giám định đối với Thảo cũng cần phải xem xét lại. Một người bị tâm thần như kết luận giám định chỉ có thể là người thực hành chứ khó có thể là người chủ mưu, tổ chức. Đã bị tâm thần mà còn biết thuê người khác theo dõi gia đình tình địch, nhiều lần lên kế hoạch hại con của tình địch trong một thời gian dài, trong thời gian đó vẫn công tác, làm việc bình thường thì thực tiễn chưa xảy ra bao giờ. Vì vậy, tôi cho rằng TAND TP Vũng Tàu nên trả hồ sơ vụ án cho VKSND tỉnh để yêu cầu giám định tâm thần lại đối với Thảo và truy tố ra TAND tỉnh xét xử sơ thẩm. Ông Đinh Văn Quế, nguyên Chánh Tòa Hình sự TAND Tối cao
Theo Pháp luật TP.HCM
Nữ giám đốc thuê người truyền HIV cho con tình địch
Nữ giám đốc chi nhánh một công ty thuê người cố ý truyền HIV cho trẻ nhưng được đình chỉ điều tra với lý do "bị bệnh trầm cảm có triệu chứng loạn thần" khi gây án...
Hiện trường phía cổng trường mầm non ở phường 8, TP Vũng Tàu, nơi cháu H. bị chích kim tiêm có máu của người bị nhiễm HIV. Ảnh: Song Nguyễn
Ngày 29-11, ông Vũ Xuân Rồng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết viện này đã chuyển hồ sơ vụ án cố ý truyền HIV cho người khác đến TAND TP Vũng Tàu để tòa này xét xử sơ thẩm. VKSND TP Vũng Tàu cũng được VKS tỉnh ủy quyền để giữ quyền công tố tại tòa.
Vụ án này đáng chú ý không chỉ ở tính chất độc ác của hành vi mà còn ở chỗ Đào Thị Thu Thảo (giám đốc chi nhánh của một công ty) người chủ mưu được thoát tội nhờ giấy chứng nhận bị tâm thần.
Thuê người lên kế hoạch hại trẻ
Theo cáo trạng, đầu năm 2014, Thảo nhận được nhiều tin nhắn nặc danh cho biết bạn trai của bà có quan hệ tình cảm và có con chung với bà NTL ở TP Vũng Tàu.
Thảo thuê Lê Trung Linh (giám đốc một công ty thám tử) theo dõi gia đình bà L. với giá 20 triệu đồng trong vòng một tháng. Linh gửi nhiều thông tin bằng đường bưu điện cho Thảo, trong đó có hình ảnh của cháu H. (sn 2013, con bà L.). Sau đó, Thảo thuê Linh lấy mẫu tóc và móng tay của cháu H. để xét nghiệm ADN với giá 20 triệu đồng. Linh đóng giả làm nhân viên tiếp thị sữa và lấy được mẫu giám định.
Đến tháng 4-2015, Thảo có ý định hại cháu H. nên đã hẹn gặp Linh để lên phương án bắt cóc cháu H. bỏ vào chùa với giá 240 triệu đồng (Thảo đã chuyển tiền qua tài khoản). Linh rủ thêm một người tên Tâm (không rõ lai lịch) nhưng sau đó Tâm không thực hiện mà bỏ đi đâu không rõ.
Nhẫn tâm, độc ác
Khoảng một tháng sau, Thảo hẹn Linh và Huỳnh Văn Thế (do Linh rủ) đến TP.HCM bàn kế hoạch lấy máu của người nhiễm HIV chích vào người cháu H. Thảo cho Linh biết ngày 1-6-2015 công ty bà L. có tổ chức liên hoan cho các cháu thiếu nhi và chuẩn bị hai bộ quần áo thú bông để lẻn vào tiếp cận chích máu có HIV vào cháu bé. Thế đến quận 4 mua một xi lanh máu của một người nhiễm HIV với giá 1 triệu đồng rồi cùng Linh chạy xe máy xuống Vũng Tàu. Tuy nhiên, hôm đó cháu H. không đến buổi liên hoan.
Mấy ngày sau, Thảo gọi điện thoại cho Linh và Thế tiếp tục mua máu nhiễm HIV để thực hiện kế hoạch. Sáng sớm 9-6-2015, Linh và Thế lại mua máu nhiễm HIV và chạy xe máy từ TP.HCM xuống Vũng Tàu, đến tận trường mầm non nơi cháu H. học. Linh dựng xe ở ngoài đường còn Thế mang kim tiêm đứng ở cổng chờ.
Khi thấy gia đình đưa cháu H. đi học thì Thế áp sát chích máu có HIV vào chân phải cháu H. rồi chạy ra xe để cả hai cùng tẩu thoát. Gây án xong, Linh gọi điện thoại báo cáo, Thảo yêu cầu chuyển kim tiêm cho mình xem. Kiểm tra xong, Thảo chuyển khoản trả cho Linh 120 triệu đồng như giao kèo.
Cháu H. được gia đình đưa đi bệnh viện tiêm thuốc chống phơi nhiễm HIV và điều trị kịp thời nên may mắn không mắc bệnh.
Đến tháng 4-2016, Thảo, Linh và Thế bị công an bắt và khởi tố về tội cố ý lây truyền HIV cho người khác, riêng Thế còn bị khởi tố tội cưỡng đoạt tài sản (xem box).
Người chủ mưu được đình chỉ
tháng 6-2016, theo đề nghị của trại tạm giam Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và của gia đình Thảo, CQĐT công an tỉnh này đã ra quyết định trưng cầu giám định tâm thần đối với Thảo.
Ngày 3-8, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa có kết luận giám định pháp y tâm thần với kết luận như sau: "Về y học: Trước, trong và sau khi gây án đương sự bị bệnh trầm cảm nặng có triệu chứng loạn thần. Hiện nay đương sự bị bệnh giai đoạn trầm cảm vừa. Về năng lực nhận thức và điều khiển hành vi: Tại thời điểm gây án và hiện nay đương sự không có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi".
Ngay hôm sau, ngày 4-8, VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ra quyết định đình chỉ điều tra bị can và áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với Thảo.
"VKS chưa nhận được kết luận bà Thảo đã khỏi bệnh"
hiện nay trên trang web của công ty chủ quản của Thảo vẫn đăng lời giới thiệu, hình ảnh và chức vụ của Thảo là giám đốc một chi nhánh của công ty này.
Ngày 29-11, trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Vũ Xuân Rồng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (người ký cáo trạng và quyết định đình chỉ bị can đối với Thảo), cho biết Thảo có kết luận của hội đồng giám định về tâm thần nên VKS đình chỉ điều tra theo luật định.
Trả lời câu hỏi cơ quan nào giám sát việc chữa bệnh của Thảo, ông Rồng nói: "Luật không quy định VKS phải giám sát theo dõi quá trình chữa bệnh bắt buộc dù chúng tôi là nơi ra quyết định đi chữa bệnh, nếu có chức năng đó nữa thì làm sao xuể...".
Cũng theo ông Rồng, nếu sau khi bị bắt và trong quá trình điều tra có kết luận bị can bị bệnh thì sẽ phải tạm đình chỉ để đi chữa bệnh, nếu chữa khỏi bệnh thì sẽ bị phục hồi điều tra. Còn trường hợp bị bệnh trước và trong khi gây án như Thảo thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Do đó nếu quá trình chữa bệnh bắt buộc có chữa khỏi thì đương sự cũng không bị xem xét trách nhiệm hình sự lại.
"Nếu bà Thảo đã chữa khỏi bệnh thì hội đồng giám định tâm thần cũng phải có kết luận là đã khỏi, họ phải gửi kết luận này cho VKS đề nghị đình chỉ quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh ban đầu. Lúc này VKS sẽ hủy bỏ quyết định cũ và giao người đã khỏi bệnh cho CQĐT để cơ quan này bàn giao cho gia đình đương sự. Trong vụ này thì VKS chưa nhận được kết luận thể hiện bà Thảo khỏi bệnh" - ông Rồng nói.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ án có diễn biến mới.
TAND TP Vũng Tàu sẽ xử sơ thẩm Theo ông Vũ Xuân Rồng, Phó Viện trưởng VKSND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, VKS tỉnh đã chuyển hồ sơ vụ án cho TAND TP Vũng Tàu để tòa này xét xử sơ thẩm. Lý do là ban đầu các bị can bị truy tố về tội cố ý truyền HIV cho người khác theo khoản 2 Điều 118 BLHS 1999 có khung hình phạt đến chung thân nên Công an TP Vũng Tàu đã chuyển vụ án lên cho cơ quan tố tụng cấp tỉnh. Tuy nhiên, khung hình phạt của tội danh này theo khoản 2 Điều 149 BLHS 2015 chỉ có mức án 7-15 năm tù. Vì thế sau khi ra cáo trạng, VKS tỉnh thấy phải chuyển ngược hồ sơ cho TAND TP Vũng Tàu xét xử theo thẩm quyền. Theo ông Rồng, đây là quy định có lợi cho người phạm tội nên được quyền áp dụng BLHS 2015. Một người "ăn mảnh" nên cả bọn bị bắt Cũng theo cáo trạng, riêng Thế còn bị truy tố thêm về tội cưỡng đoạt tài sản của bà L. Theo đó, sau khi biết nhiều thông tin về gia đình bà L., ngày 3-4-2016 Thế viết thư tay với nội dung báo cho bà L. biết có người tiếp tục muốn hại cháu H., đến nhà gửi cho bà L. Vì lo sợ nên bà L. liên hệ với Thế qua điện thoại, Thế nhắn tin yêu cầu bà đưa 150 triệu đồng thì sẽ giúp bà dàn xếp xong. Theo hẹn, tối 5-4, bà L. mang tiền đến Trung tâm thương mại TP Bà Rịa đưa trước cho Thế 10,6 triệu đồng và 200 USD thì bị bắt quả tang. Sau đó Thế, Linh và Thảo bị khởi tố, bắt tạm giam như đã nói. Chặn đường định cướp tài sản quá trình điều tra, Linh còn khai vào tháng 4-2014, Thảo thuê Linh chặn đường bà L. để lấy thùng carton đựng tiền mà bà L. chở từ công ty về nhà. Linh rủ thêm Thế, Tâm cùng một số người khác (chưa rõ nhân thân, lai lịch) chặn đường bà L. Tuy nhiên, khi nhóm người này ép sát xe bà L. nhằm mục đích lấy thùng carton trên xe thì bà L. phát hiện nên chạy vào quán nước gần đó tri hô. Do vậy, những người này đã bỏ đi. Sau khi xảy ra, bà L. không báo cho CQĐT; Tâm và các đối tượng khác đã bỏ trốn. Thế khai trước đó Linh nói cho Thế biết là thùng carton chỉ chứa tài liệu nên theo VKS, chưa đủ cơ sở để xử lý hình sự cả hai về hành vi này; CQĐT đang tiếp tục điều tra làm rõ để xử lý theo quy định.
Theo Pháp luật TP.HCM
Tiền T&A Ogilvy tài trợ khảo sát nước mắm từ đâu? Theo lãnh đạo một công ty truyền thông lớn tại TP.HCM, việc T&A Ogilvy tài trợ cho chương trình khảo sát của Vinastas nhiều khả năng nhằm phục vụ cho chiến dịch của khách hàng. Chiều 29/11, tại cuộc họp báo Chính phủ, Bộ Công Thương cho biết khảo sát nước mắm của Vinastas được thực hiện dưới sự tài trợ của Công...