Cần điều tra bổ sung, làm rõ ai đưa tiền để nâng điểm thi ở Sơn La
Phó bí thư Tỉnh ủy Sơn La nói nếu dùng tiền để nhờ nâng điểm thì phải xử lý tội nhận hối lộ. Luật sư cũng cho rằng cần trả lại hồ sơ vụ án, điều tra bổ sung thêm tội đưa hối lộ.
Ngày 31/5, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về bê bối gian lận thi cử ở Sơn La, ông Nguyễn Đắc Quỳnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy địa phương này khẳng định cơ quan chức năng đã yêu cầu làm rõ thông tin giá nâng điểm trung bình cho mỗi trường hợp là 1 tỷ đồng.
Cần xử lý tội nhận hối lộ
Ông Quỳnh nhấn mạnh nếu chứng minh không có việc đó nhưng có chuyện lợi dụng chức vụ quyền hạn để làm lợi, trục lợi cũng phải xử lý, dù không có tiền.
“Nếu dùng tiền để tác động nâng điểm thì dứt khoát phải xử lý theo tội nhận hối lộ”, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy chỉ rõ.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Sơn La cũng khẳng định việc xử lý cán bộ liên quan gian lận thi cử sẽ không có vùng cấm. Ông nói sẽ xử lý nghiêm minh trên cơ sở căn cứ kết quả điều tra, điều tra đến đâu xử lý đến đó.
Phó giám đốc Sở GDĐT Sơn La Trần Xuân Yến (áo trắng) đứng nghe đại diện cư quan an ninh điều tra đọc quyết định sau vụ bê bối gian lận điểm thi. Ảnh: Hoàng Minh.
Trong kết luận điều tra bổ sung vụ án sửa điểm thi THPT 2018 tại Sơn La, bị can Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên phòng khảo thí) khai thỏa thuận nhận hơn một tỷ đồng để sửa điểm cho 4 thí sinh.
Một số bị can khác khai “giá” nâng điểm cho mỗi thí sinh họ nhận được từ 150 triệu đến 700 triệu đồng. Số tiền này đã được các bị can và người thân tự nguyện nộp cho cơ quan an ninh điều tra.
Tuy nhiên, những người bị tố đưa tiền “chạy điểm” đã phủ nhận. Do không có chứng cứ nên cơ quan công an không đủ căn cứ quy kết việc giao tiền để nhờ sửa điểm.
Video đang HOT
Theo luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp), cơ quan điều tra sẽ phải chứng minh số tiền các bị can tự nguyện nộp là của ai. Trên cơ sở các tài liệu chứng cứ thu thập được, chủ sở hữu khoản tiền đó sẽ được làm rõ mà không cần người đưa tiền phải thừa nhận.
Trong vụ án này, công an đã thu được vật chứng. Ngoài ra còn có lời khai của người nhận tiền. Cơ quan điều tra có thể thu thập chứng cứ về việc giao dịch giữa 2 bên thông qua điện thoại, tin nhắn hoặc ghi âm về nội dung đưa – nhận tiền để sửa điểm.
“Lúc đó sẽ đủ căn cứ để xử lý về tội đưa hay nhận hối lộ mà không cần người đưa tiền thừa nhận”, ông Cường phân tích.
Luật sư chỉ rõ kết luận điều tra cho thấy các chứng cứ khách quan thu thập được đã chứng minh có việc làm sai lệch kết quả thi, có sử dụng tiền bạc hoặc các lợi ích phi vật chất làm động cơ mục đích của việc thay đổi kết quả.
Nên trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung
Về số tiền các bị can khai thỏa thuận cho việc nâng điểm mỗi trường hợp, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng 700 triệu hay một tỷ đồng không quan trọng. Bởi lẽ, hành vi đưa và nhận tiền để nâng điểm thi đã là vi phạm pháp luật.
“Nếu không xử lý về tội đưa hối lộ, nhận hối lộ thì số tiền mà cơ quan điều tra thu giữ được là tiền gì, động cơ mục đích của việc sửa điểm là gì?”, luật sư thắc mắc.
Một trong 8 bị can khai bà ta đã sửa điểm thi cho thí sinh ngay tại phòng làm việc trong Sở GD&ĐT tỉnh. Ảnh: N.H.
Ông Cường nêu quan điểm cho rằng nếu căn cứ kết luận điều tra được ban hành, Cơ quan An ninh điều tra đã xác định có người sửa điểm thi, có người (thí sinh) được sửa điểm, có số điểm và số bài được sửa.
Thậm chí, theo lời khai các bị can thì có cả giá tiền để nâng điểm cho mỗi trường hợp. Vật chứng là số tiền đã ứng trước để sửa điểm.
Do đó, cơ quan chức năng cần làm rõ ai trong số người thân của 44 thí sinh đã đưa tiền? Ai là người chi tiền sửa điểm? Việc xử lý người đưa tiền về tội đưa hối lộ sẽ là căn cứ để truy cứu người đã nhận tiền để sửa điểm về tội nhận hối lộ.
“Tôi cho rằng cơ quan tố tụng cần trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung, làm rõ mục đích của hành vi sửa điểm, xác minh nguồn gốc số tiền đã thu giữ và tìm ra người đưa tiền để xử lý”, luật sư Cường nhận định.
Kết quả điều tra xác định từ 29/6 đến 4/7/2018, được 2 cựu cán bộ công an Sơn La mở cửa sắt rồi đưa chìa khóa, 6 bị can trong hội đồng thi đã mở phòng lấy bài thi trắc nghiệm mang ra ngoài chỉnh sửa để nâng điểm theo nguyện vọng của 44 thí sinh.
Đối với bài thi môn Ngữ văn, một số bị can cấu kết lấy khóa phách rồi cung cấp cho thành viên ban thư ký và tổ chấm tự luận thực hiện việc nâng điểm.
Trong số này, bị can Trần Xuân Yến (cựu Phó giám đốc Sở GDĐT) khai nhận sửa bài thi cho 13 thí sinh, trong đó có 8 trường hợp do ông Hoàng Tiến Đức (Giám đốc Sở GDĐT Sơn La) nhờ nâng điểm.
Khi bị triệu tập, ông Đức khai bản thân được một số lãnh đạo các cơ quan và người quen ngoài xã hội tìm gặp ông để nhờ xem trước kết quả thi cho người thân. Sau đó, Giám đốc Sở chuyển danh sách thí sinh cho cấp dưới xem trước kết quả.
Theo Zing
Phó Bí thư thường trực Sơn La : 'Ai chạy điểm thì nhận đi'
'Khi chỉ đạo xử lý vụ việc, tôi nói rằng đây là chúng tôi đang cứu vớt các đồng chí', Phó Bí thư thường trực Sơn La Nguyễn Đắc Quỳnh thông tin.
Trả lời phỏng vấn báo chí tại Quốc hội, Phó Bí thư thường trực Sơn La Nguyễn Đắc Quỳnh khẳng định sẽ xử lý vụ gian lận thi cử này đến cùng theo đúng pháp luật.
"Khi chỉ đạo xử lý vụ việc, tôi nói rằng đây là chúng tôi đang cứu vớt các đồng chí. Hãy tự giác, tự nhận đi. Sau này, đó có thể là tình tiết giảm nhẹ cho các đồng chí. Nếu ai không nhận, sau này tìm ra được, sẽ chịu trách nhiệm rất là cao. Sơn La không bao che việc này".
Phó Bí thư thường trực Tỉnh uỷ Sơn La.
Ông Quỳnh cũng chia sẻ thẳng với "anh em" rằng làm như thế là ăn cắp cơ hội của người khác. Có những người cũng rất đau khổ, bởi con họ không thêm điểm cũng đỗ và không hiểu vì lý do gì đó, lại đi xin điểm. Con đỗ rồi, lại phải về.
Bố mẹ thương con không đúng cách là tự giết con mình. Nhiều cháu rất tự trọng, không muốn việc gian lận, chính các em ấy lên án bố mẹ, thầy giáo phải đến vỗ về các em ấy.
Ông Nguyễn Đắc Quỳnh khẳng định sự việc gian lận thi cử đến mức phải xử lý kỷ luật hàng loạt lãnh đạo là hết sức đau lòng. "Đau lắm, nhưng không làm không được. Thầy giáo làm thế không được. Thầy giáo đầu tiên phải trung thực đã. Không nói có chuyện tiền nong hay không.
Chỉ riêng việc làm điều đó thôi, đã không đáng làm thầy giáo rồi. Tiền nong lại càng không chấp nhận nổi. Khi anh lấy cơ hội cho con mình không xứng đáng thì anh lấy mất cơ hội của người khác rồi", ông Quỳnh buồn bã.
Phó bí thư thường trực Sơn La cho biết thêm tỉnh cũng đã thay Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019. Ông Lê Hồng Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh sẽ thay ông Thủy Phạm Văn Thủy làm Trưởng ban chỉ đạo thi THPT quốc gia năm 2019.
Lý giải về việc tỉnh chọn ông Thủy, ông Quỳnh cho biết, ban đầu mọi người cho rằng vụ việc liên quan đến anh Thủy chưa rõ ràng, hơn nữa là anh ấy cũng làm quen rồi. Ở tỉnh, mỗi ông Thủy là phó chủ tịch phụ trách văn xã, còn các phó chủ tịch khác rất bận. Nhưng khi dư luận có ý kiến, tỉnh đã thay đổi.
Sơn La là một trong ba địa phương "dính" gian lận thi cử năm 2018. Theo Cơ quan An ninh Điều tra - Công an tỉnh Sơn La, có 44 thí sinh với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi Ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn so với điểm thi công bố trước đây. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn Toán với 9 điểm.
Trong danh sách 44 thí sinh, có tới 12 trường hợp là con em các cán bộ đang công tác trong ngành giáo dục và đào tạo tỉnh này.
DUY THÀNH
Theo VTC
Viện KSND tỉnh Sơn La nói gì về giá chạy điểm 1 tỷ/thí sinh ? Chiều 30/5, tại Hội nghị giao ban báo chí tháng 5, ông Trần Quốc Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La đã có những trao đổi với các cơ quan thông tấn báo chí về thông tin: Giá chạy điểm trung bình 1 tỷ đồng/thí sinh. Phát biểu tại giao ban báo chí chiều nay, ông Trần...