Cần điều chỉnh khung giá đất để giảm trục lợi và trốn thuế
Theo đánh giá, việc điều chỉnh khung giá đất 5 năm/lần là điều cần thiết, nhưng quá trình điều chỉnh phải sát với khung giá thực tế của thị trường để tránh trường hợp trục lợi về đất đai và trốn thuế trong các giao dịch bất động sản (BĐS).
Khung giá chưa sát thực tế
Đến thời điểm hiện tại, việc xây dựng dự thảo điều chỉnh khung giá đất để trình Chính phủ của các địa phương đã hoàn thành. Theo đó, mức tăng cao nhất được áp dụng theo khung quy định là 30%, tại một số tỉnh, TP là nơi có thị trường BĐS phát triển sôi động mức tăng mới được đề xuất còn thấp hơn nhiều so với mức tối đa được quy định.
Cụ thể, mức tăng được đề xuất bình quân là 15% tại Thủ đô Hà Nội, trong khi đó tại TP Hồ Chí Minh mức tăng mới được đề xuất chỉ bằng khoảng 41% giá trị thực tế trên thị trường.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu cho biết, căn cứ theo Nghị định số 44/2014 và Nghị định số 104/2014/NĐ-CP thì giá đất trong “Bảng giá đất” của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phổ biến chỉ bằng khoảng 30 – 50% giá đất thực tế trên thị trường.
Khung giá đất chưa sát với giá thị trường có thể làm tăng tình trạng trục lợi và trốn thuế (Ảnh: Doãn Thành).
“Đây là điểm bất hợp lý vì không đảm bảo được nguyên tắc định giá đất phải phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường và thực tế giá đất tại các địa phương, đặc biệt là tại các TP lớn việc điều chỉnh khung giá đất chưa sát với giá thực tế” – ông Châu cho hay.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc Nhà nước quy định thời hạn điều chỉnh khung giá đất được diễn ra 5 năm/lần chưa thực sự đáp ứng với tốc độ tăng trưởng của thị trường BĐS trong thời gian gần đây.
Video đang HOT
Đơn cử, tại bảng khung giá đất giai đoạn 2015 – 2019 tại TP Hồ Chí Minh, giá đất theo khung giá chỉ bằng khoảng 15% giá của thị trường, giá đất ở một số quận, huyện vẫn còn thấp so với điều kiện cơ sở hạ tầng, kinh tế kỹ thuật; mặt bằng giá đất giữa các quận, huyện chưa đồng đều. Mặc dù, bảng giá đất này được đánh giá là đã cơ bản đáp ứng được với nhu cầu trong công tác quản lý và tạo nguồn thu cho ngân sách.
Tạo điều kiện cho trục lợi và trốn thuế?
Theo GS. TSKH Đặng Hùng Võ, điểm bất hợp lý hiện nay là quy định của Chính phủ về mức tăng giá đất trong từng giai đoạn đang được giới hạn ở một mức độ nhất định. Xuất phát từ việc khung giá đất được điều chỉnh chưa sát với thực tế nên đã xảy ra nhiều vấn đề tiêu cực.
“Tình trạng doanh nghiệp trục lợi và việc trốn thuế tại các giao dịch BĐS xảy ra một cách thường xuyên hơn khi khung giá đất thấp hơn giá thị trường. Tôi đề xuất, bảng khung giá đất phải bằng với giá thị trường, nếu có nhỏ hơn thì chỉ nên nhỏ hơn tối đa 20%” – GS Đặng Hùng Võ nhìn nhận.
Lý giải của GS Đặng Hùng Võ, thông qua kẽ hở này khi tiến hành các giao dịch BĐS, mặc dù giá chuyển nhượng ở mức cao, nhưng khi làm hồ sơ công chứng các chủ sở hữu (bao gồm cả doanh nghiệp) thường để mức thấp nhất, bằng với mức giá của khung quy định, để giảm một phần lớn phần thuế phải đóng cho Nhà nước.
“Cơ quan quản lý lo lắng việc tăng khung giá đất sẽ làm cho giá BĐS tăng, nhưng theo tôi vấn đề này về lâu dài thì không lo ngại. Việc tăng khung giá đất sẽ làm các khoản thuế phải đóng cao hơn, vì vậy việc đầu cơ BĐS sẽ giảm đi do lợi nhuận thấp, về lâu dài việc đầu cơ giảm thì giá của thị trường sẽ bình ổn, thậm chí có thể sẽ giảm” – GS. Đặng Hùng Võ nhận định.
Cùng quan điểm, chuyên gia nghiên cứu thị trường (Hiệp hội BĐS Việt Nam) TS Đoàn Văn Cương cho biết, trên thực tế việc điều chỉnh tăng khung giá đất của Nhà nước không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp, nhưng cứ theo xu thế chung của thị trường các doanh nghiệp vẫn cứ tăng giá bán, không những vậy giá đất theo quy định thấp hơn thị trường còn tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp trục lợi.
“Chính phủ đang thực hiện đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước, trong khi đó nhiều doanh nghiệp có vốn Nhà nước lại được tọa lạc ở những vị trí “đất vàng”. Sau khi cổ phần vẫn được cho thuê mặt bằng đó để kinh doanh, đó là chưa kể việc doanh nghiệp sẵn sàng bỏ tiền ra để mua theo mức giá quy định, sau đó xin chuyển đổi sang kinh doanh BĐS và bán nhà theo giá thị trường” – TS Đoàn Văn Cương phân tích.
Các chuyên gia đều cho rằng, Chính phủ cần phải có sự “cách tân” về việc xây dựng khung bảng giá đất. Theo đó, giá đất theo khung quy định cần phải sát với giá thị trường, nhằm tránh thất thoát nguồn thu ngân sách; đồng thời việc tăng khung giá đất theo thực tế cũng sẽ giúp cho thị trường BĐS được bền vững và minh bạch.
“Việc điều chỉnh khung giá đất có liên quan trực tiếp đến việc thu các loại thuế liên quan đến việc chuyển nhượng BĐS và thu lệ phí trước bạ đất, tăng khung giá đất giúp cho việc thực hiện nghĩa vụ tài chính công bằng, hợp lý hơn. Nhiều ý kiến cho rằng tăng bảng giá đất sẽ càng làm cho người nghèo khó có khả năng mua nhà, nhưng thực tế về lâu dài vấn đề này không thực sự đáng lo ngại, phải tăng giá đất thì mới không có tình trạng trục lợi, đầu cơ.” – Luật sư Nguyễn Hồng Thơm – Hội Luật gia Việt Nam
Theo Kinhtedothi.vn
Khung giá đất mới tại Hà Nội, TP.HCM cao nhất 162 triệu đồng/m2
Nghị định mới vừa được Thủ tướng ký ban hành quy định về khung giá đất áp dụng cho 5 năm tới mức giá tối đa đối với đất ở tại Hà Nội, TP.HCM là 162 triệu đồng/m2.
Nghị định số 96/2019/NĐ-CP vừa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành quy định về khung giá đất mới áp dụng cho giai đoạn 2020-2024 được tính từ ngày 19/12/2019. Nghị định này thay thế cho nghị định số 104/2014/NĐ-CP của Chính phủ về quy định khung giá đất.
Khung giá mới vẫn quy định theo 7 vùng kinh tế với các mức khác nhau.
Cụ thể: Vùng trung du và miền núi phía Bắc gồm các tỉnh: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Bắc Giang và Quảng Ninh. Với vùng kinh tế này, khung giá đất quy định giá đất ở tại đô thị loại 1 đến loại 5 tối thiểu là 50 nghìn đồng/m2, tối đa là 65 triệu đồng/m2.
Khung giá đất áp dụng cho 5 năm tới (2020-2024) mức đất ở tại Hà Nội, TP.HCM giá tối đa là 162 triệu đồng/m2 (Ảnh: Lê Anh Dũng).
Vùng đồng bằng sông Hồng gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và Ninh Bình. Giá đất ở tại khu vực này được quy định với các đô thị đặc biệt , đô thị từ loại 1 đến loại 5 có mức tối thiểu là 120 nghìn đồng/m2, tối đa là 162 triệu đồng/m2.
Vùng Bắc Trung Bộ gồm các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế có khung giá đất ở tại đô thị từ loại 1 đến loại 5 tối thiểu là 40 nghìn đồng/m2, tối đa là 65 triệu đồng/m2.
Vùng duyên hải Nam Trung Bộ gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, với các đô thị từ loại 1 đến loại 5, giá đất ở tại đô thị tối thiểu 50 nghìn đồng/m2, tối đa là 76 triệu đồng/m2.
Vùng Tây Nguyên gồm các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk và Lâm Đồng có khung giá đất ở tại đô thị từ loại 1 đến loại 5 tối thiểu 50 nghìn đồng/m2, tối đa là 48 triệu đồng/m2.
Vùng Đông Nam Bộ gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh và TP.HCM. Giá đất ở tại đô thị vùng này với các đô thị: đặc biệt, từ loại 1 đến loại 5, tối thiểu là 120 nghìn đồng/m2, tối đa 162 triệu đồng/m2.
Vùng đồng bằng sông Cửu Long gồm các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau. Khung giá đất ở tại đô thị vùng này theo loại đô thị từ 1 đến 5, có giá tối thiểu 50 nghìn đồng/m2, tối đa 65 triệu đồng/m2.
Theo nghị định, khung giá đất trên được sử dụng làm căn cứ để UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất tại địa phương.
Nghị định cũng yêu cầu UBND cấp tỉnh căn cứ vào thực tế tại địa phương được quy định mức giá tối đa trong bảng giá, bảng giá đất điều chỉnh cao hơn không quá 20% so với mức giá tăng của cùng loại đất trong khung giá đất.
Theo Hồng Khanh/Vietnamnet
Thống kê đầy đủ để điều hành tốt hơn Báo cáo về kết quả đánh giá lại quy mô GDP giai đoạn 2010-2017 cho thấy quy mô GDP đã tăng bình quân 25,4%/năm. Trong đó, đóng góp vào sự tăng lên này một phần nhờ vào việc bổ sung thông tin của hơn 76.000 DN bị thiếu trong cả nước. Theo lý giải của đại diện Tổng cục Thống kê, việc thiếu...