“Cần đánh giá lại các công ty tài chính để hạn chế tín dụng đen”
Đại biểu Bùi Văn Phương cho rằng cần phải đưa ra hình thức để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn tín dụng chính thức một cách tốt nhất nhằm tránh rơi vào đường cùng tìm đến tín dụng đen.
Đại biểu Bùi Văn Phương trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội. (Ảnh: PV/Vietnam )
Trong ngày 4-5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng chống tham nhũng năm 2019.
Bên lề Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Bùi Văn Phương cho rằng công tác phòng chống tham nhũng và xử lý nạn tín dụng đen với tinh thần quyết tâm quyết liệt cao, không khoan nhượng, không có vùng cấm đã có tác động lan tỏa.
- Ông đánh giá thế nào về việc đấu tranh phòng chống tội phạm trong thời gian qua của các cơ quan chức năng?
Ông Bùi Văn Phương: Điều rất đáng mừng là việc đấu tranh phòng chống tội phạm trong thời gian qua đã có nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là phòng chống tội phạm trong lĩnh vực ma túy, tín dụng đen và tham nhũng. Ba vấn đề này theo tôi có những kết quả hết sức đáng mừng và cũng được người dân cũng ghi nhận.
Ví dụ như phòng chống tham nhũng với tinh thần quyết liệt, không khoan nhượng, không có vùng cấm cũng như kết quả xử lý trong thời gian qua có tác động lan tỏa rất mạnh.
[Trấn áp tội phạm, đẩy nhanh điều tra và xét xử án kinh tế, tham nhũng]
Có một thời gian dài công tác phòng chống tham nhũng bị lỏng lẻo, đó là do một bộ phận cán bộ đã đứng trên luật pháp. Sau khi các cơ quan chức năng xử lý một loạt vụ việc đã đưa ra bài học rằng trong một Nhà nước pháp quyền không ai được sống ngoài pháp luật. Đây là điều tác động rất lớn.
Trong lĩnh vực tín dụng đen, thời gian vừa qua các cơ quan tư pháp, công an đã bắt giữ rất nhiều vụ việc, đó là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt tội phạm lĩnh vực này “sa lưới.”
Hiện các ngân hàng cho vay từ 8-12% mà các doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong khi tín dụng đen lại cho vay với mức lãi suất rất cao khiến việc kinh doanh không có hiệu quả. Theo tôi đây là kẽ hở lớn.
- Vậy theo ông, giải pháp nào để hạn chế tín dụng đen đang hoành hành?
Ông Bùi Văn Phương: Tôi kiến nghị Nhà nước phải xem xét lại việc cho ra đời hàng loạt công ty tài chính, mặc dù điều kiện kinh doanh của các công ty này là kinh doanh có điều kiện nhưng họ vẫn ngang nhiên dán tờ rơi khắp nơi một cách công khai.
Cũng có người cho rằng xử lý những doanh nghiệp này rất khó vì họ không để lại hồ sơ nhưng theo tôi cơ quan chức năng vẫn nên đi thị sát và với vai trò là người đi vay sẽ biết những công ty này cho vay lãi suất bao nhiêu và bằng những mánh khóe nào. Tôi cho rằng phải tập trung làm mạnh mẽ vấn đề này thì mới giải quyết được triệt để.
Video đang HOT
- Ông đánh giá thế nào về mô hình các công ty cho vay tiêu dùng hiện nay?
Ông Bùi Văn Phương: Hiện nay các công ty cho vay tiêu dùng đang nở rộ mà không thể quản lý được. Theo tôi, Chính phủ nên đánh giá lại mô hình này, đặc biệt là công ty cho vay hỗ trợ tiêu dùng, công ty cho vay hỗ trợ học sinh sinh viên, cho vay cầm đồ… mà bản chất đằng sau là cho vay nặng lãi.
Tôi cũng đề nghị Chính phủ đánh giá lại hiệu quả của mô hình kinh doanh này có thực sự tác động đến phát triển kinh tế xã hội, có đem lại việc làm cho người lao động, có tác động đến tăng trưởng kinh tế hoặc có đóng góp cho ngân sách Nhà nước hay không hay lại là nơi dung dưỡng để cho các hình thức tội phạm ẩn nấp.
Nếu các công ty này không thực sự đem lại hiệu quả về kinh tế, xã hội thì Nhà nước cần phải siết chặt, cần phải đánh giá lại giữa cái được và cái mất để có thể đưa ra một kết luận chính xác.
Mặt nữa, tôi cũng kiến nghị, cần phải đưa ra các hình thức để người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn tín dụng chính thức một cách tốt nhất nhằm tránh rơi vào đường cùng tìm đến tín dụng đen.
- Thưa ông, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo Agribank xây dựng đề án với nguồn vốn 5.000 tỷ đồng, trong đó có hỗ trợ cho vay tín chấp gấp đôi với bình thường. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại việc giải ngân vẫn còn hạn chế, theo ông đây có phải là giải pháp tốt hay không?
Ông Bùi Văn Phương: Tôi cho rằng, đề xuất của Ngân hàng Nhà nước nâng mức tín dụng cho vay tín chấp đối với người dân là hình thức rất phù hợp trong điều kiện hiện nay.
Tuy nhiên, cần phải đánh giá kỹ lại xem các đối tượng này có đúng là những người cần vay để phát triển kinh tế, hỗ trợ học tập hay không hay đây là những thành phần sẽ trở thành mầm mống cho tội phạm? Bởi vì chính hiện tượng trộm cắp, cướp giật cũng từ đây mà ra.
Hiện có một số thanh niên ham chơi, không chịu lao động, chỉ cần nghĩ đến chuyện vay tiền một cách dễ dãi, khi có tiền lại sa đà vào cờ bạc. Vì vậy các ngân hàng nên kiểm soát chặt chẽ vấn đề này để nguồn tín dụng được đến đúng người, đúng việc.
- Xin cảm ơn ông!
Theo Nhóm PV (Vietnam )
Siết giải ngân trực tiếp cho vay tiêu dùng: Thách thức với lĩnh vực còn non trẻ
Theo TS. Đỗ Hoài Linh (Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân), yêu cầu một tỷ lệ giới hạn việc giải ngân trực tiếp cho khách hàng trong tổng dư nợ trong dài hạn là cần thiết. Tuy nhiên, căn cứ để ban hành con số đó là bao nhiêu % thì cần có cơ sở khoa học.
TS. Đỗ Hoài Linh.
Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính tiêu dùng. Trong dự thảo có một số điểm sửa đổi đáng lưu ý:
Đầu tiên, yêu cầu công ty tài chính phải đảm bảo tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay (giải ngân tiền mặt hoặc thông qua tài khoản) không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính.
Thứ hai, công ty tài chính chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay đối với khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt theo quy định nội bộ của công ty tài chính và không có nợ xấu theo kết quả phân loại nhóm nợ của Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam đến thời điểm gần nhất tính từ thời điểm ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng.
Trước nhiều tranh cãi về tác động của quy định mới này đến thị trường cho vay tiêu dùng, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với TS. Đỗ Hoài Linh.
- Thưa TS. Đỗ Hoài Linh, lý do đưa ra việc hạn chế giải ngân trực tiếp trong dự thảo Thông tư 43, đó là việc giải ngân này có rủi ro cao, khó kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay, nên cần hướng đến khách hàng đã vay tại công ty tài chính và có lịch sử trả nợ tốt. Thưa TS, liệu rằng với kiến nghị đưa ra ở trên có thể giải quyết được những lo ngại đang đặt ra?
TS. Đỗ Hoài Linh: Có thể thấy, thực trạng cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính đang hoạt động tại Việt Nam hiện nay là phần lớn sẽ giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay. Tuy nhiên, việc giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay trong thực tế đang phát sinh một số rủi ro.
Do vây, mục tiêu sâu xa hơn của những thay đổi trong dự thảo là muốn hạ nhiệt sự bùng nổ nhanh chóng những rủi ro trong hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng giai đoạn vừa qua, hướng đến phát triển theo chiều sâu, an toàn và bền vững hơn là việc làm đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, nếu "siết chặt" quá theo sẽ khó đạt mục tiêu... Bởi vì, khi đó người tiêu dùng sẽ khó tiếp cận được nguồn vay (nếu so với vay nóng, vay tín dụng phi chính thức), lúc này vô hình trung trở thành "rào cản" cho mục tiêu đã đề ra.
Theo tôi, để dự thảo thực sự phù hợp với thực tiễn, cũng như tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng cho các công ty tài chính, việc tháo gỡ vướng kịp thời những vướng mắc, hướng dẫn triển khai là điều cần thiết.
Có như vậy, mới đạt được mục tiêu đã đề ra; đồng thời, góp phần kiến tạo thị trường cho vay tiêu dùng phát triển lành mạnh, nhất là thúc đẩy các công ty nhỏ, mới gia nhập thị trường phát triển nhanh chóng, ổn định, góp phần đẩy lùi được "tín dụng đen".
- Thưa TS, quy định chặt chẽ về việc giải ngân tiền mặt cho khách hàng sẽ tác động thế nào đến thị trường cho vay tiêu dùng cũng như các công ty tài chính?
Thông qua báo cáo của HSC chúng ta thấy được kỳ hạn của các khoản vay tiền mặt thường là trung hạn, và các khoản vay tài trợ hàng tiêu dùng thường là ngắn hạn. Tỷ trọng cho vay bằng tiền mặt của FE Credit là 80%, HD Saison là khoảng 50% và Home Credit là 40%. Nếu so sánh tỷ lệ yêu cầu trong dự thảo của Ngân hàng Nhà nước là không vượt quá 30% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính thì trong ngắn hạn, đây sẽ là thách thức lớn đối với các công ty tài chính.
Đặc biệt, bối cảnh tỷ trọng sử dụng tiền mặt trong xã hội của chúng ta vẫn ở mức rất cao, do đó, Ngân hàng Nhà nước nên có những hướng dẫn cụ thể về cách thức giảm tỷ lệ này.
Cùng với đó là ban hành một lộ trình để các công ty tài chính có thể giảm từng bước, sao cho các nội dung quản lý Nhà nước gắn được với thực tế, tránh gây khó khăn quá lớn đối với các công ty tài chính tiêu dùng, nhất là khi các công ty trong lĩnh vực này đều khá non trẻ.
Còn về dài hạn, để ban hành con số đó là bao nhiêu % thì cần có cơ sở khoa học bằng nghiên cứu định lượng, dựa trên thực trạng hoạt động của các công ty tài chính hoặc tham khảo từ những quốc gia có đặc điểm tương đồng Việt Nam.
- Khi việc giải ngân trực tiếp cho khách hàng vay bị hạn chế và chỉ được giải ngân cho khách hàng đã và đang vay tại công ty tài chính đó, được đánh giá có lịch sử trả nợ tốt. Liệu quy định này có hạn chế khả năng tiếp cận tập khách hàng mới của công ty tài chính?
Chắc chắn các công ty tài chính sẽ bị ảnh hưởng nặng nề khi việc cho vay tiền mặt chỉ có thể thực hiện với những khách hàng vay có lịch sử tín dụng tốt và không có nợ xấu theo thông tin trên Trung tâm thông tin tín dụng (CIC) tại thời điểm ký hợp đồng cho vay và giải ngân.
Quy định này còn đồng nghĩa với việc các công ty tài chính không được phép giải ngân trực tiếp với những khách hàng mới không có thông tin tín dụng.
Hệ quả là các công ty tài chính sẽ khó mở rộng được khách hàng mới, chỉ được phát triển lượng khách hàng mới thông qua kênh mua bán trả góp, tức là phải thông qua một bên thụ hưởng có vai trò làm cung ứng hàng hóa, dịch vụ. Do đó, theo tôi, số lượng khách hàng của các công ty tài chính có nguy cơ sẽ giảm vì điều kiện cho vay còn liên quan tới cả phần nợ xấu, lịch sử tín dụng...
- Cho vay tiêu dùng từng được kỳ vọng là một giải pháp có thể hạn chế "tín dụng đen". Nhưng với việc hạn chế giải ngân trực tiếp, động thái trên có thể cản trở mục tiêu dùng tín dụng chính thức để đẩy lùi "tín dụng đen" mà chính NHNN đang nỗ lực thúc đẩy, thông qua những giải pháp mà một trong số đó chính là việc thúc đẩy cho vay tiêu dùng của công ty tài chính nhằm đẩy mạnh cho vay tiêu dùng tại các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần hạn chế tình trạng tín dụng đen ở các địa bàn này. Quan điểm của TS về vấn đề này?
Có thể khẳng định, sự mở rộng hoạt động cùng với đó là thủ tục nhanh gọn, hệ thống đại lý khá rộng khiến sự nối dài hoạt động của công ty tài chính thời gian vừa qua khá tốt, giúp người dân có cơ hội tiếp cận vốn vay từ nguồn tín dụng chính thức nhiều hơn, và được kỳ vọng là một giải pháp có thể hạn chế "tín dụng đen".
Tuy nhiên, nhận xét khách quan chúng ta thấy với thị trường 60 triệu dân sống tại nông thôn, vùng sâu, vùng xa thì sự hiện diện của hệ thống tín dụng chính thức vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu, cộng với tâm lý e ngại của người dân khi tiếp xúc với kênh tín dụng chính thức nên "tín dụng đen" vẫn là kênh cung cấp vốn chủ yếu.
Do đó, cần nhiều hơn nữa sự đa dạng của những hình thức tổ chức cung cấp tín dụng để phù hợp với từng phân khúc khách hàng, với mục đích vay vốn và độ rủi ro khác nhau, từ đó mới có thể đẩy lùi được "tín dụng đen".
- Có ý kiến cho rằng nên để thị trường cho vay tiêu dùng vận hành theo cơ chế thị trường chứ không nên đi theo hướng "không quản được thì cấm". Quan điểm của bà như thế nào về vấn đề này?
Chúng ta đang vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường và gia nhập các tổ chức quốc tế nên đúng là rất cần có sự tôn trọng với những điều chỉnh của tự thân thị trường dựa trên những quy luật vốn có của nó như cung - cầu, giá trị, cạnh tranh...
Tuy vậy, ở chừng mực nào đó, không thể thả lỏng thị trường hoàn toàn vì thị trường cũng có những khiếm khuyết nhất định, nên Nhà nước bắt buộc phải có những can thiệp để thị trường phát triển hài hòa, đặc biệt với lĩnh vực ngân hàng khi mà hoạt động liên quan tới "tiền".
Sự quản lý này không chỉ đúng với Việt Nam mà tất cả các nước trên thế giới đều có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý trong lĩnh vực ngân hàng. Do đó, quan điểm của cá nhân tôi là không nên để thị trường cho vay tiêu dùng vận hành hoàn toàn theo cơ chế thị trường mà không có sự quản lý của Nhà nước. Nhưng sự quản lý của Nhà nước cần phải phù hợp.
- Cảm ơn những chia sẻ của TS. Đỗ Hoài Linh!
Nhật Hà
Theo vietnamfinance.vn
Siết giải ngân trực tiếp hay giám sát bằng chuẩn quản trị rủi ro? Dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư số 43/2016/TT-NHNN, trong đó có các quy định về hạn chế giải ngân trực tiếp với công ty tài chính đang gây tranh cãi. Theo các chuyên gia tài chính - ngân hàng, việc kiểm soát rủi ro của các công ty tài chính hoàn toàn có thể thực hiện bằng các biện pháp khác...