Căn cước công dân không thể thay giấy khai sinh
Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết giấy khai sinh có giá trị toàn cầu, còn thẻ căn cước công dân chỉ là giấy thông hành đi lại trong nước.
- Luật căn cước quy định cấp thẻ căn cước cho trẻ em dưới 14 tuổi, còn luật hộ tịch vẫn muốn duy trì giấy khai sinh, quan điểm của Bộ trưởng như thế nào?
- Quan điểm của Chính phủ là đề nghị cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi đăng ký khai sinh, sau đó cấp thẻ căn cước công dân. Hai dự án luật này có điểm giống nhau là bảo đảm quyền đăng ký khai sinh của trẻ, nhưng khác nhau ở vật chứa bên ngoài: sự kiện đăng ký khai sinh theo luật Hộ tịch thì nằm ở giấy khai sinh, còn theo luật Căn cước công dân thì nằm ở căn cước công dân.
Chính phủ đề nghị Quốc hội cho chỉnh lý Dự án luật đăng ký hộ tịch theo hướng cấp giấy khai sinh cho trẻ em khi sinh ra dựa trên nhiều căn cứ. Thứ nhất, việc cấp giấy khai sinh để chứng nhận sự kiện ra đời của trẻ em, kể cả trẻ là người nước ngoài sinh ra tại Việt Nam. Hầu hết các nước trên thế giới vẫn cấp giấy khai sinh.
Thứ 2, đối với Việt Nam thì giấy khai sinh đã trở thành truyền thống, được duy trì đến ngày hôm nay. Giấy khai sinh còn có giá trị toàn cầu, ra nước ngoài vẫn có giá trị, trong khi đó, căn cước công dân thì không có giá trị toàn cầu, mà chỉ có giá trị đối với công dân Việt Nam, là giấy thông hành đi lại trong nước. Trong dự thảo có mở ra hướng đi lại trong cộng đồng ASEAN, nhưng cũng chỉ trong cộng đồng hẹp, không có tính chất toàn cầu.
Ngoài ra, căn cước công dân không thể hiện được nhận dạng của trẻ em trước 14 tuổi. Vì vậy, nó không phù hợp với định nghĩa thế nào là căn cước ở trong dự thảo Luật Căn cước công dân. Việc cấp căn cước công dân cho trẻ em sinh ra, đến 14 tuổi lại thay thì chắc sẽ tốn kém hơn bởi sản xuất ra một căn cước công dân tốn kém hơn một giấy khai sinh. Chính vì vậy, Chính phủ rất nhất quán trong việc đề nghị với Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong việc xem xét hai dự án luật, các đại biểu thảo luận nên thực hiện theo phương án nào.
Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường.
Video đang HOT
- Vẫn cấp giấy khai sinh cho trẻ dưới 14 tuổi, nhưng làm thế nào để việc này không trở thành một thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân?
- Thực ra thì giấy khai sinh cho trẻ em trước khi đủ 14 tuổi cũng là giấy thông hành. Trẻ em dưới 14 tuổi khi cần việc gì chỉ cần giấy khai sinh, nhưng khi đủ 18 tuổi thì chỉ cần trình thẻ căn cước công dân. Hiện nay ta chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân, chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch thống nhất nên có rất nhiều sự trùng lặp về thủ thủ tục hành chính, bắt người dân phải kê khai rất nhiều, chúng ta đang hướng tới mục tiêu thống nhất dữ liệu để giảm phiền hà cho người dân.
Mỗi người khi sinh ra phải có giấy khai sinh, hệ thống đăng ký hộ tịch này sẽ theo dõi con người ta đến cuối đời. Cơ sở dữ liệu hộ tịch này sẽ kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để bảo đảm cung cấp những trường thông tin. Về cơ bản, dự án luật Hộ tịch và dự án luật Căn cước công dân có mối liên hệ với nhau, như vậy sẽ làm giảm tốn kém.
- Trường hợp người dân muốn thay đổi tên thì liên hệ với cơ quan nào?
- Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Chính phủ giao cho Bộ Công an quản lý, trong cơ sở dữ liệu dân cư sẽ phân ra đâu là cở sở dữ liệu căn cước công dân như dấu vân tay, nhóm máu… Từ đó, có thể phát triển thêm một nhánh bên Bộ tư pháp là cơ sở dữ liệu quốc gia về lý lịch. Còn cơ sở dữ liệu quốc gia về hộ tịch thì ghi nhận những biến động về hộ tịch của một con người. Vì vậy, nếu người dân muốn thay tên đệm thì phải đến cơ quan hộ tịch. Sau khi làm việc, dữ liệu được cập nhập vào hệ thống dữ liệu hộ tịch quốc gia.
- Kinh phí làm thẻ căn cước công dân được tính toán như thế nào, thưa ông?
- Tôi không biết được chi phí để làm thẻ căn cước công dân hết bao nhiêu bởi đây là nguồn vốn ODA của Hungary với chi phí 10 triệu Euro. Tuy nhiên lĩnh vực này hoàn toàn có thể xã hội hoá được. Ví dụ như một doanh nghiệp có thể đóng góp để xây dựng dữ liệu, sau đó có thể thu phí những ai muốn truy cập – tất nhiên là truy cập trong phạm vi cho phép, không phải là những bí mật cá nhân.
Dù chương trình này có tốn kém đi chăng nữa thì cũng hoàn toàn xứng đáng vì đó là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm giấy tờ công dân.
Hoàng Thuỳ ghi
Theo VNE
Sẽ không phải làm giấy khai sinh cho trẻ từ tháng 7/2015
Dự kiến từ đầu tháng 7/2015, Bộ Công an làm thẻ căn cước công dân trên toàn quốc. Khi thẻ căn cước được áp dụng sẽ thay thế chứng minh thư nhân dân, trẻ em không phải làm giấy khai sinh.
Ủy ban Thường vụ Quốc Hội vừa cho ý kiến về Luật Căn cước công dân. Theo dự kiến của Bộ Công an, quy định này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2015. Đối với CMND đã cấp trước ngày này mà vẫn còn thời hạn thì vẫn có giá trị sử dụng. Những nơi chưa có điều kiện cấp thẻ căn cước thì tiếp tục cấp đổi CMND theo quy định hiện hành.
Thẻ căn cước công dân dự kiến được cấp từ năm 2015
Theo Bộ Công an thẻ Căn cước công dân làgiấy tờ tùy thân có giá trị chứng nhận căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan có thẩm quyền cấp từ cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Dự thảo Luật quy định nội dung thẻ Căn cước công dân phản ánh thông tin cơ bản về công dân phục vụ cho việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ của công dân nhưng vẫn bảo đảm giữ bí mật đời tư cá nhân.
Nếu như trước đây, số Chứng minh nhân dân sẽ thay đổi khi công dân thay đổi nơi thường trú từ tỉnh này sang tỉnh khác nên rất khó quản lý và có thể lặp lại ở người khác, thì nay dự thảo Luật quy định theo hướng số định danh cá nhân được sử dụng làm số thẻ Căn cước công dân; trường hợp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân thì số thẻ Căn cước công dân vẫn giữ đúng theo số định danh cá nhân đã cấp.
Dự thảo Luật quy định theo hướng: Đối với thẻ của người dưới 15 tuổi thì hạn sử dụng là từ khi cấp đến khi người đó đủ 14 tuổi; đối với thẻ của người từ 15 tuổi đến dưới 25 tuổi thì hạn sử dụng là 10 năm, kể từ ngày cấp; đối với thẻ của người từ đủ 25 tuổi đến dưới 70 tuổi thì hạn sử dụng là 15 năm, kể từ ngày cấp. Riêng đối với người từ 70 tuổi trở lên thì không xác định hạn sử dụng của thẻ.
Về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho rằng trẻ dưới 14 tuổi nhận dạng chưa ổn định, chưa phải chịu trách nhiệm hình sự và các giao dịch đều cần cha mẹ vì vậy việc cấp thẻ riêng cho độ tuổi dưới 14 là chưa hợp lý. Do vậy, Thứ trưởng Bộ tư pháp nghiêng về việc làm giấy khai sinh cho trẻ mới sinh ra. "Đăng ký khai sinh là quyền của trẻ em được quy định trong pháp luật. Nếu cấp thẻ căn cước thay giấy khai sinh cho trẻ em lại phải thêm các thủ tục cấp thẻ tại cơ quan có thẩm quyền", ông Tụng nói.
Đề cập đến vấn đề giấy khai sinh, trước đó, Bộ trưởng Bộ tư Pháp Hà Hùng Cường cho rằng, cần duy trì như hiện hành. Vì gấy khai sinh đã thành truyền thống, là gốc của mọi vấn đề liên quan đến thông tin cá nhân. Giấy khai sinh sẽ đi theo suốt đời người, đối với trẻ nhỏ nó như một loại giấy thông hành.
Chủ nhiệm ủy ban giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi cho rằng cấp căn cước hay giấy khai sinh cho trẻ dưới 14 tuổi cũng chỉ là tên gọi mà thực chất nó là một. Ông Thi đề nghị trẻ em trước 15 tuổi nên gọi theo giấy khai sinh cho truyền thống.
Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, giấy khai sinh hiện nay kéo theo nhiều phức tạp như người dân phải làm đủ kiểu để bảo vệ, khi giao dịch hành chính thì phải đi in, đóng dấu... Vì vậy, bà Ngân đồng tình phương án khi chào đời công dân được cấp thẻ căn cước. "Khi sinh ra thủ tục này phải nói rõ giảm được bao nhiêu loại giấy tờ cá nhân, cung cấp rõ cho các đại biểu thấy", bà Ngân nói.
Ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, nếu cả Luật hộ tịch và Luật căn cước công dân nếu được thông qua sẽ là môt bước đột phá trong quản lý dân cư. Cũng theo ông Lý nên cấp thẻ căn cước cho trẻ ngay từ khi mới ra đời để phù hợp với công ước quốc tế. Và khi có thẻ căn cước rồi thì giấy khai sinh không còn phù hợp.
Trước ý kiến trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn kết lại: Phần lớn ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình phương án Luật Căn cước công dân nên cấp cho trẻ ngay khi chào đời. Do vậy, ông Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo theo hướng trên để thẻ căn cước thay thế các giấy tờ khác.
Quang Phong
Theo Dantri
Bộ trưởng Tư pháp: Giấy khai sinh có giá trị toàn cầu "Giấy khai sinh có giá trị toàn cầu, mang ra nước ngoài vẫn có giá trị, còn thẻ căn cước công dân chỉ có giá trị trong nước là giấy thông hành khi đi lại" - Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nói bên hành lang Quốc hội chiều ngày 27/10. Dư luận suốt thời gian qua vẫn băn khoăn, nghi hoặc...