“Cần chú ý một số ý kiến từ Hoa Kỳ trong mua ròng ngoại hối”
Với chính sách tiền tệ, những biến động bên ngoài 6 tháng qua được đánh giá ở mức độ “rất khó dự đoán”, còn phía trước có một điểm cần được chú ý.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã mua ròng lượng ngoại tệ lớn, qua đó nâng quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức cao nhất từ trước tới nay.
Ngày 4/7, tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương, một lần nữa những tác động bên ngoài đối với việc điều hành chính sách tiền tệ được nhấn mạnh, đi cùng với một định hướng mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.
Cụ thể, tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính tiền tệ quốc tế, có giải pháp kịp thời, bảo đảm ổn định lãi suất và tỷ giá, thị trường ngoại hối, tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, tạo bước đệm chống chọi với các cú sốc bên ngoài.
“Trong vấn đề này, cần chú ý một số ý kiến từ phía Hoa Kỳ trong mua ròng ngoại hối. Cần duy trì kênh liên lạc thường xuyên với các cơ quan chuyên môn của phía Hoa Kỳ để họ nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, thận trọng”, Cổng thông tin Chính phủ dẫn lưu ý của Thủ tướng tại phiên họp.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã mua ròng lượng ngoại tệ lớn, qua đó nâng quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia lên mức cao nhất từ trước tới nay.
Tuy nhiên, cũng trong nửa đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước và các bộ ngành chức năng đã có nhiều cuộc làm việc với các đầu mối chuyên môn của Mỹ, liên quan đến vấn đề cân đối thương mại giữa hai nước, về điều hành chính sách tỷ giá và can thiệp trên thị trường ngoại hối…
Và vừa qua, Mỹ đã có báo cáo đưa Việt Nam vào danh sách cần giám sát.
Song, trực tiếp có ảnh hưởng đối với việc điều hành chính sách tỷ giá, cũng như làm gián đoạn hoạt động mua ròng ngoại tệ nói trên đến từ những biến động lớn trên thị trường thế giới.
Video đang HOT
Điểm hình như từ đầu tháng 5/2019, Mỹ thực hiện quyết định tăng thuế mới đối với Trung Quốc, và ngược lại từ quốc gia này. Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này tiếp tục leo thang; đồng Nhân dân tệ mất giá mạnh, trong khi đồng USD lên giá… Trong nước, tâm lý thị trường cộng hưởng thêm áp lực đối với tỷ giá USD/VND.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng phát biểu tại phiên họp: “Chúng tôi khẳng định với giải pháp điều hành như vậy cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành và chỉ đạo của Chính phủ chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đặt ra từ đầu năm”.
Phát biểu tại phiên họp trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng thừa nhận: “Có thể nói những biến động trên thị trường quốc tế và khu vực trong 6 tháng đầu năm rất khó dự đoán”.
Tuy nhiên, Thống đốc nhìn lại, Ngân hàng Nhà nước đã có chủ động linh hoạt các giải pháp để ổn định thị trường ngoại tệ và ngoại hối, cũng như có đầy đủ công cụ để kiểm soát sự ổn định tỷ giá, giữ được các cân đối của nền kinh tế.
Sau khi liên tục gia tăng được dự trữ ngoại hối những năm gần đây, cũng như trong 6 tháng đầu năm, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho rằng, tiềm lực đó là cơ sở để các tổ chức tín nhiệm quốc tế vừa qua đã nâng hạng tín nhiệm cho xếp hạng Việt Nam, cũng như nâng hạng tín nhiệm của các tổ chức tín dụng. Và điều này cũng tăng cường tiềm lực, tạo bước đệm để xử lý các tác động bất lợi từ bên ngoài.
Điểm lại, trong 6 tháng đầu năm tỷ giá cơ bản được giữ ổn định; tỷ giá trung tâm điều chỉnh chỉ 1%; tỷ giá thực tế giao dịch giữa các ngân hàng, liên ngân hàng chỉ mới điều chỉnh 0,3 – 0,4%%. Và quan trọng nhất, tất cả các nhu cầu ngoại tệ nền kinh tế đều được đáp ứng đầy đủ, các giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt.
Cùng với ổn định tỷ giá, 6 tháng đầu năm Ngân hàng Nhà nước cũng thành công trong kiểm soát lạm phát cơ bản.
Tại phiên họp trên, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: “Chúng tôi khẳng định với giải pháp điều hành như vậy cùng sự phối hợp chặt chẽ của các bộ ngành và chỉ đạo của Chính phủ chúng ta hoàn toàn có thể kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu đặt ra từ đầu năm”.
Về tín dụng, sau khi có con số tăng trưởng 6,22% tính đến ngày 18/6, Thống đốc cập nhật thêm: 6 tháng đầu năm 2019, tín dụng đã tăng 7,33%, xấp xỉ với mức tăng cùng kỳ năm ngoái.
Lam Giang
Theo m.bizlive.vn
Mỹ bổ sung 5 quốc gia vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ
Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra danh sách 9 quốc gia cần giám sát về chính sách tiền tệ bao gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Italy, Ireland, Singapore, Malaysia và Việt Nam, trong một báo cáo mà bộ này vừa gửi lên Quốc hội Mỹ.
Mỹ bổ sung 5 quốc gia vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ
Trong số 9 nước mà Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách theo dõi, có 4 nước đã có tên trong báo cáo hồi tháng 10 năm ngoái, gồm Trung Quốc, Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc. Còn lại là 5 nước mới được bổ sung, gồm Ireland, Italy, Malaysia, Singapore và Việt Nam.
Trong báo cáo nói trên, Bộ Tài chính Mỹ khẳng định không đối tác thương mại nào của Mỹ, kể cả Trung Quốc, thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, bộ này vẫn kêu gọi Trung Quốc tránh để đồng Nhân dân tệ tiếp tục yếu đi.
Theo tiêu chí quy định đã được điều chỉnh của Mỹ, một đối tác thương mại bị coi là thao túng tiền tệ nếu thặng dư thương mại ít nhất 20 tỷ USD với Mỹ, thặng dư tài khoản vãng lai tương đương ít nhất 2% GDP và thị trường ngoại hối luôn chịu sự chi phối một chiều.
Bộ Tài chính Mỹ cho hay Hàn Quốc chỉ thỏa mãn một trong ba tiêu chí về thao túng tiền tệ và nước này có thể được đưa ra khỏi danh sách trong 6 tháng tới.
Trong khi đó, theo Bloomberg, Việt Nam có nguy cơ đáp ứng cả ba tiêu chí mới của Bộ Tài chính Mỹ về thao túng tiền tệ. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ không gắn mác Việt Nam là thao túng tiền tệ, cơ quan này cho biết Việt Nam thực hiện cả mua vào và bán ra ngoại tệ và việc mua ròng ngoại tệ vì "lý do hợp lý" nhằm tăng dự trữ ngoại hối.
Tại khu vực Đông Nam Á, ngoài Việt Nam còn có Singapore và Malaysia bị đưa vào danh sách theo dõi lần này. Bloomberg trích lời ông Kim Hwan, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Investment & Securities tại Seoul cho biết động thái này của Mỹ là nhằm gây sức ép với Trung Quốc vì 3 nước Việt Nam, Singapore và Malaysia đều có quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc.
Singapore lọt vào danh sách này vì thặng dư tài khoản vãng lai lớn và có mức mua ngoại tệ ròng ít nhất 17 tỷ USD trong năm 2018, tương đương 4,6% GDP, theo Bộ Tài chính Mỹ. Malaysia và Việt Nam đã bị đưa vào danh sách vì có thặng dư thương mại song phương lớn với Mỹ và thặng dư tài khoản vãng lai.
Bộ Tài chính Mỹ cho biết Singapore nên tiến hành cải cách nhằm hạ thấp tỷ lệ tiết kiệm đang ở mức cao và thúc đẩy tiêu thụ nội địa vốn đang ở mức thấp, đồng thời cố gắng đảm bảo tỷ giá hối đoái thực sự phù hợp với nền tảng kinh tế. Cơ quan này cũng hoan nghênh Singapore cam kết báo cáo thêm dữ liệu can thiệp, đồng thời thừa nhận rằng các điều chỉnh tiền tệ là công cụ chính sách tiền tệ chính của nước này.
Ngân hàng trung ương Singapore cho biết trong một tuyên bố rằng, nước này không thao túng tiền tệ vì lợi ích xuất khẩu. Cơ quan tiền tệ Singapore sử dụng tỷ giá hối đoái để đảm bảo sự ổn định về giá và không sử dụng nó để đạt được lợi thế xuất khẩu hoặc đạt thặng dư tài khoản vãng lai.
Malaysia đã được đưa vào danh sách giám sát thao túng tiền tệ vì thặng dư thương mại song phương với Mỹ là 27 tỷ USD vào năm ngoái và thặng dư tài khoản vãng lai là 2,1% GDP. Bộ Tài chính Mỹ lưu ý Malaysia đã can thiệp vào thị trường ngoại tệ theo cả chiều trong quá khứ và bán ròng ngoại tệ, tương đương 3,1% GDP năm ngoái, để chống lại sự mất giá của đồng ringgit.
Ngân hàng trung ương Malaysia cho biết nước này hỗ trợ thương mại tự do và công bằng, đồng thời khẳng định việc bị đưa vào danh sách không có hậu quả đối với nền kinh tế của đất nước. Tỷ giá Ringgit được xác định theo thị trường và không phụ thuộc vào khả năng cạnh tranh xuất khẩu, Ngân hàng Negara Malaysia cho biết trong một tuyên bố.
Theo Bloomberg, các quốc gia bị Mỹ gắn mác thao túng tiền tệ không phải chịu hình phạt ngay lập tức nhưng có thể làm "rung chuyển" thị trường tài chính.
Minh An
Theo Trí Thức Trẻ
NHNN đang nắn tỷ giá trung tâm để làm gì? Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đang duy trì xu hướng ổn định kể từ đầu năm 2019 đến nay, dao động quanh giá mua vào của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ở mức 23.200 đồng/đô la Mỹ. Nguyên nhân là do cung về ngoại tệ hiện đang khá dồi dào khi NHNN đã mua vào được gần 5 tỉ đô...