Cận cảnh Vietnam Airlines trước thềm được giải cứu
Phương án “giải cứu” Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã chứng khoán HVN) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại cuộc họp đầu tuần qua, trước khi đưa ra trình Quốc hội.
Ảnh Internet
10 tháng, lỗ 13.000 tỷ đồng
2020 có thể nói là năm đại hạn của ngành hàng không. Đại dịch Covid-19 lan ra toàn cầu và lệnh đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội triển khai ở hầu hết các quốc gia trên toàn cầu đã giáng một đòn mạnh vào các hãng hàng không quốc tế. Theo Công ty nghiên cứu dữ liệu hàng không Cirium, đã có 43 hãng hàng không thương mại ngừng hoạt động hoàn toàn hoặc tạm dừng từ tháng 1 năm nay. Công ty này cũng dự báo sẽ có thêm nhiều hãng hàng không tạm ngưng hoạt động hoặc phá sản vào quý cuối năm nay và quý đầu năm sau.
Tại Việt Nam, do đường bay quốc tế chưa mở cửa trở lại, nhu cầu di chuyển nội địa hạn chế, nên kết quả ccủa các hãng hàng không, trong đó có Vietnam Airlines sụt giảm mạnh.
Báo cáo tài chính hợp nhất 9 tháng của Vietnam Airlines ghi nhận doanh thu giảm 56,8% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ đạt 32.410 tỷ đồng, thua lỗ 10.675 tỷ đồng. Riêng công ty mẹ lỗ 10.471 tỷ đồng.
Tiền gửi ngắn hạn của Vietnam Airlines đã giảm mạnh từ 3.579 tỷ đồng về còn 656 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay.
Trong khi đó, theo số liệu lãnh đạo Vietnam Airlines đưa ra tại cuộc họp của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước mới đây, trong 10 tháng, Tổng công ty lỗ tới 13.000 tỷ đồng.
Trước khi đại dịch diễn ra, Vietnam Airlines Group (bao gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) khẳng định vị trí chủ lực tại thị trường nội địa với 51,7% thị phần vận chuyển hành khách. Trong 9 tháng đầu năm, Vietnam Airlines Group đã thực hiện an toàn tuyệt đối 46.700 chuyến bay, vận chuyển gần 11,9 triệu lượt hành khách và 146.000 tấn hàng hoá. Tuy quý III/2020 ghi nhận sự tăng trưởng tích cực về sản lượng vận chuyển hành khách so với quý II, nhưng do các hãng hàng không trong nước tăng tải ồ ạt, đồng thời thực hiện nhiều chương trình kích cầu nhằm thúc đẩy du lịch theo mục tiêu lớn của Chính phủ và thị trường hàng không quốc tế chưa được khai thác trở lại nên hiệu quả trực tiếp cho Vietnam Airlines Group còn ở mức độ rất hạn chế.
Video đang HOT
Tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines trong ngắn hạn dự báo vẫn tiếp tục khó khăn, do đường bay quốc tế khó có thể được mở lại trong bối cảnh dịch bệnh tại châu Âu đang có xu hướng bùng phát trở lại, trong khi 60% doanh thu của Vietnam Airlines đến từ khai thác các đường bay quốc tế.
Chỉ có mảnh đất nội địa để khai thác, các hãng hàng không đang đua nhau cạnh tranh giảm giá bán, kích thích tiêu dùng nên biên lợi nhuận mỏng dần đi.
Ngập trong nợ vay
Nguồn thu sụt giảm mạnh, để cân đối bài toán dòng tiền, một mặt Tổng công ty phải giảm lương, cắt giảm việc làm, mặt khác phải gia tăng nợ vay. Tính đến hết ngày 30/9/2020, nợ phải trả 55.759 tỷ đồng, cao gấp 8,4 lần vốn chủ sở hữu (6.610 tỷ đồng). Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tính đến 30/9 là hơn 11.684 tỷ đồng, tăng 79,5% so với hồi đầu năm, tương đương tăng 5.177 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính dài hạn 27.871 tỷ đồng. Tổng hợp các khoản vay và nợ thuê tài chính của Vietnam Airlines tính đến thời điểm 30/9 là 39.555 tỷ đồng, tăng gần 24% so với hồi đầu năm.
Trong 9 tháng đầu năm 2020, chi phí tài chính mà Vietnam Airlines phải chi trả là 1.386 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí lãi vay hơn 725 tỷ đồng.
Tiền gửi ngắn hạn của Tổng công ty đã giảm mạnh từ 3.579 tỷ đồng về còn 656 tỷ đồng.
Gần đây, lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cho biết, đơn vị này đã xây dựng Đề án Tái cơ cấu Vietnam Airlines và báo cáo Ủy ban Quản lý vốn, báo cáo Chính phủ để đảm bảo tăng vốn là một những giải pháp để thực hiện tái cơ cấu Vietnam Airlines. Các bước chuẩn bị được khẩn trương thực hiện suốt thời gian qua và đến nay, SCIC đã sẵn sàng cho việc đầu tư vào Vietnam Airlines.
Theo nhu cầu tăng vốn mà Vietnam Airlines xây dựng, Tổng công ty có nhu cầu bổ sung hơn 10.000 tỷ đồng thông qua hai nguồn tái cấp vốn và phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ. SCIC sẽ tham gia mua cổ phần phát hành cho cổ đông hiện hữu của Vietnam Airlines.
Dù SCIC cho biết đã sẵn sàng và với tình trạng hoạt động của Vietnam Airlines hiện tại, việc tăng vốn là rất cần kíp, nhưng với quy mô lớn, gói “giải cứu” Vietnam Airlines có được triển khai hay không còn phụ thuộc vào lá phiếu biểu quyết của Quốc hội trong kỳ họp này.
Cạn dần thời gian giải cứu Vietnam Airlines
Việc sớm nhận được gói hỗ trợ từ cổ đông Nhà nước là yếu tố tiên quyết để Vietnam Airlines tiếp tục duy trì dòng tiền cho hoạt động bay trước khi ngành hàng không phục hồi 2-3 năm tới.
Doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vietnam Airlines trong quý III/2020 giảm đến 70% so với cùng kỳ năm ngoái.
Co hẹp dòng tiền
Khoản lỗ hợp nhất lên đến hơn 10.000 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2020, tuy đã chiếm xấp xỉ 74% vốn điều lệ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines), nhưng vẫn chưa phản ánh hết những khó khăn mà hãng hàng không quốc gia đang phải đối diện.
Theo đó, mặc dù đã chủ động áp dụng nhiều giải pháp để ứng phó với ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhưng doanh thu thuần từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của Vietnam Airlines trong quý III/2020 vẫn giảm đến 70% so với cùng kỳ năm ngoái, với vỏn vẹn hơn 7.600 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, tại thời điểm 30/9/2020, tiền gửi ngắn hạn của Vietnam Airlines giảm mạnh từ 3.579 tỷ đồng, xuống còn 656 tỷ đồng, trong khi khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hiện ở mức 11.684 tỷ đồng, gần gấp đôi so với đầu năm. Trên thực tế, nếu không nhờ các giải pháp tiết giảm chi phí khắc khổ và việc giãn, hoãn thanh toán các khoản công nợ, dòng tiền của Vietnam Airlines có thể cạn ngay từ tháng 8/2020.
"Rồi sẽ đến lúc Vietnam Airlines muốn vay thêm cũng không được vì có hạn mức nhất định. Ngoài những khoản nợ được giãn, có những khoản nợ Hãng buộc phải đơn phương chưa trả trong thời điểm này, chấp nhận những rủi ro pháp lý. Chừng nào chưa có được tín hiệu, giải pháp căn cơ thì Vietnam Airlines buộc phải làm như vậy vì không thể để số dư tài khoản doanh nghiệp bằng 0", ông Trần Thanh Hiền, Trưởng ban Tài chính kế toán Vietnam Airlines thông tin.
Ông Hiền cho biết, HĐQT và Ban điều hành của Vietnam Airlines "chưa bao giờ nghĩ đến việc phá sản", nhưng nếu không duy trì được dòng tiền thì chuyện gì cũng có thể xảy ra.
Điều đáng nói là, dù Việt Nam đã kiểm soát tốt Covid-19, nhưng các hãng hàng không vẫn gặp rất nhiều khó khăn do tất cả đường bay quốc tế vẫn chưa được thực hiện, chủ yếu là các chuyến hồi hương và chở hàng hoá. Bên cạnh đó, trên thế giới, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia châu Mỹ, châu Âu dịch bệnh căng thẳng trở lại khiến nhiều nơi phải đóng cửa lần thứ hai, nên chưa thể xác định thời điểm khôi phục hoàn toàn các đường bay quốc tế.
Ngay tại thị trường nội địa, dù sản lượng vận tải hành khách trong tháng 10/2020 đã đạt hơn 60% so với tháng 10/2019, nhưng doanh thu bình quân toàn thị trường vẫn chưa đạt 50%, bởi các hãng hàng không đều thực hiện chủ trương kích cầu du lịch trong nước, đổ tải ồ ạt vào thị trường nội địa khi chưa bay được quốc tế, đồng thời cạnh tranh về giá bán.
Cần bung phao sớm
Mặc dù Bộ GTVT đã triển khai giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp hàng không Việt Nam ứng phó với Covid-19 như miễn thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh tàu bay và giá dịch vụ điều hành bay đi, bay đến đối với các chuyến bay nội địa... Tuy nhiên, khoản hỗ trợ này chưa thấm gì khi so với các gói cứu trợ trị giá hàng chục tỷ USD cho hàng không mà nhiều nước đã áp dụng trong hơn 1 năm qua, cũng như khó khăn mà các hãng bay Việt Nam đang phải đối diện.
Với tư cách là Hãng hàng không quốc gia, với hơn 86% cổ phần do Nhà nước nắm giữ, Vietnam Airlines đã có báo cáo kiến nghị Chính phủ hỗ trợ với tư cách là chủ sở hữu của Hãng, đề nghị vay quy mô tối thiểu ít nhất 4.000 tỷ đồng, lãi suất ưu đãi mức thấp nhất theo chính sách tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước, phù hợp với tình huống hỗ trợ khẩn cấp, thời gian vay tối thiểu là 3 năm và có bảo lãnh của Chính phủ.
Hãng cũng kiến nghị phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn thêm 8.000 tỷ đồng, Nhà nước sử dụng các nguồn vốn nhà nước hoặc giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC)/ doanh nghiệp nhà nước khác mua cổ phần thuộc quyền mua của Nhà nước, quy mô phát hành cân đối với phương án vay để đảm bảo 12.000 tỷ đồng.
"Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các khoản vay từ ngân hàng, phát hành trái phiếu hay bảo lãnh vốn vay từ các tổ chức tín dụng. Nếu được vay và 'bơm tiền', các chính sách của Nhà nước và Hãng sẽ tạo niềm tin đối với nhà đầu tư cao hơn. Hãng không kỳ vọng xin từ ngân sách nhà nước, mà vay sẽ trả", ông Hiền nói.
Hiện một số cơ quan quản lý cũng đã đề nghị Chính phủ bảo lãnh các khoản vay cho doanh nghiệp hàng không, nghiên cứu cơ chế cho SCIC được phép đầu tư vào các doanh nghiệp hàng không theo cơ chế đặc thù và tách bạch với kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh chung của doanh nghiệp.
"Nếu không triển khai sớm, việc giảm quá sâu doanh thu, thiếu hụt dòng tiền chắc chắn làm phá sản doanh nghiệp và hệ lụy xảy ra rất lớn, khi đó có triển khai các biện pháp hỗ trợ chậm cũng khó có thể vực dậy doanh nghiệp, mà ảnh hưởng toàn bộ đến cấu trúc ngành. Đó là chưa kể đến việc các ngân hàng sẽ phải ghi nhận khoản nợ xấu lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng nếu Vietnam Airlines không thể phục hồi", một chuyên gia nhận định.
Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia, hơn nữa, trong hệ sinh thái của Vietnam Airlines có rất nhiều lĩnh vực hoạt động có hiệu quả, không chỉ là vận tải hàng không, mà còn các lĩnh vực phụ trợ khác. Việc giữ và duy trì được các ngành hoạt động này là cần thiết. Bên cạnh đó, Vietnam Airlines có các khoản vay, có bảo lãnh của Chính phủ, bởi vậy, việc can thiệp của Nhà nước vào Vietnam Airlines là hết sức cần thiết và đảm bảo cho chiến lược phát triển của Vietnam Airlines trong 5 năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Chí Thành, Tổng giám đốc SCIC
Điểm danh loạt 'ông lớn' Việt lỗ nặng trăm, nghìn tỷ do dịch Covid-19 Do ảnh hưởng của dịch Covid-10, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam lỗ nặng. Khảo sát với 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2020, Vietnam Report ghi nhận 60% đơn vị sụt giảm doanh thu 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ 2019. Gần 15% trong số đó có doanh thu sụt giảm mạnh. Xét về...