Cận cảnh tên lửa Mỹ tố của Triều Tiên và được Nga sử dụng tấn công Ukraine
Trong khi Thống đốc Kharkov nói rằng khu vực này này đã bị tấn công bởi tên lửa do Nga bắn, nhưng không phải do Nga sản xuất, Nhà Trắng cáo buộc Triều Tiên gần đây đã cung cấp cho Nga tên lửa đạn đạo và bệ phóng để sử dụng trong xung đột với Ukraine.
Hiện trường và mảnh vỡ tên lửa do Nga sử dụng tấn công tỉnh Kharkov ngày 2/1/2024. Ảnh cắt từ clip của hãng tin Reuters.
Ngày 5/1, Thống đốc khu vực Kharkov cho biết vào cuối tháng 12/2023 và đầu tháng 1/2024, tỉnh này đã bị tấn công bởi tên lửa được sản xuất bên ngoài Liên bang Nga.
Trước đó vào hôm 4/1, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby cáo buộc Triều Tiên gần đây đã cung cấp cho Nga tên lửa đạn đạo và bệ phóng để sử dụng trong cuộc chiến với Ukraine.
Theo hãng tin Reuters, ông Kirby đưa ra cáo buộc trên dựa trên thông tin tình báo mới được giải mật.
Ông Kirby nói: “Thông tin của chúng tôi chỉ ra rằng CHDCND Triều Tiên gần đây đã cung cấp cho Nga các bệ phóng tên lửa đạn đạo và một số tên lửa đạn đạo”.
Trong những ngày gần đây, các lực lượng Nga đã phóng ít nhất một trong số các tên lửa đạn đạo của Triều Tiên vào Ukraine và dường như tên lửa đã rơi xuống một bãi đất trống.
Video đang HOT
Ông cũng nói với các phóng viên rằng Mỹ sẽ đưa vấn đề này ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ông Kirby gọi việc Triều Tiên chuyển vũ khí cho Nga là hành vi leo thang đáng kể và đáng lo ngại, đồng thời cho biết Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với những người hỗ trợ các thỏa thuận vũ khí này.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, D.C., ngày 13/2/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, Reuters đã có được đoạn video quay lại hậu quả của cuộc không kích của Nga vào thủ phủ Kharkov ngày 2/1, trong đó có hình ảnh một tên lửa rơi xuống gần trung tâm Kharkov, để lại một hố sâu và các mảnh vỡ tên lửa.
Sau khi xem đoạn video do Reuters cung cấp Joost Oliemans, một nhà nghiên cứu và chuyên gia người Hà Lan về quân sự Triều Tiên, cho biết phần còn lại của quả tên lửa rơi xuống gần trung tâm Kharkov trông giống như đến từ Triều Tiên.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố của mình các công tố viên khu vực Kharkov chỉ nói rằng họ đang tiến hành một cuộc điều tra về quốc gia xuất xứ của 3 tên lửa được Nga sử dụng để tấn công thủ phủ tỉnh Kharkov hôm 2/1 mà không nêu tên Triều Tiên.
Lực lượng không quân Ukraine cũng cho biết họ chưa thể xác nhận quốc gia sản xuất tên lửa được Nga sử dụng để tấn công thủ phủ tỉnh Kharkov hôm 2/1.
Theo Reuters, Triều Tiên đã bị Liên hợp quốc cấm vận vũ khí kể từ khi nước này thử bom hạt nhân lần đầu tiên vào năm 2006.
Các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc – được thông qua với sự ủng hộ của Nga – cấm các nước buôn bán vũ khí hoặc thiết bị quân sự khác với Triều Tiên.
Vào tháng 11/2023, chính quyền Hàn Quốc cho biết Triều Tiên có thể đã cung cấp tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) cho Nga như một phần của thỏa thuận vũ khí lớn hơn, bao gồm cả việc cung cấp tên lửa chống tăng, tên lửa phòng không, đạn pháo, đạn cối và súng trường.
Trước đó, truyền thông Nhật Bản đưa tin rằng Triều Tiên đã vận chuyển đạn dược, bao gồm cả đạn pháo, tới Nga bằng tàu hỏa.
Tuy nhiên, Triều Tiên đã nhiều lần lên tiếng bác bỏ thông tin nêu trên, nhấn mạnh Triều Tiên vẫn không thay đổi lập trường nguyên tắc của mình về vấn đề giao dịch vũ khí với Nga, điều chưa bao giờ xảy ra.
Ngày 23/12/2023, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao nước này gọi cáo buộc Triều Tiên cung cấp đạn dược cho Nga là vô căn cứ.
Về phía Nga, theo Reuters ngày 5/1, Điện Kremlin không trả lời yêu cầu bình luận về khẳng định của Mỹ rằng Nga đã bắn tên lửa đạn đạo tầm ngắn do Triều Tiên cung cấp vào Ukraine.
Trước đó, trong bản tin phát đi ngày 5/9/2023, Reuters cho biết khi được yêu cầu xác nhận thông tin cho rằng Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Vladimir Putin có kế hoạch thảo luận về việc cung cấp vũ khí cho Moskva, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã từ chối bình luận.
Mỹ kêu gọi Triều Tiên kiềm chế và trở lại đàm phán
Chính phủ Mỹ kêu gọi Triều Tiên kiềm chế tiếp diễn các hành động gây căng thẳng và quay lại đối thoại sau khi quân đội Triều Tiên ngày 5/1 đã nã loạt đạn pháo vào vùng biển ngoài khơi bờ biển phía Tây của Hàn Quốc gần Đường giới hạn phía Bắc (NLL).
Người dân tại Incheon, Hàn Quốc theo dõi bản tin truyền hình về cuộc diễn tập bắn đạn pháo của Triều Tiên ngày 5/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, hãng tin Yonhap dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói rõ: "Chúng tôi kêu gọi Triều Tiên kiềm chế các hành động gây mất ổn định hơn nữa và quay trở lại hoạt động ngoại giao". Ông Miller nhấn mạnh Mỹ "không có ý định thù địch" với Triều Tiên và Bình Nhưỡng cần tham gia vào các cuộc thảo luận thực chất về xác định cách thức "quản lý rủi ro quân sự và kiến tạo hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên".
Cũng theo lời ông Miller, Mỹ sẽ tiếp tục phối hợp với Hàn Quốc và các đồng minh để giải quyết các thách thức ở khu vực trong thời gian tới.
Những tuyên bố trên được đưa ra sau khi Triều Tiên bắn khoảng 200 quả đạn pháo vào vùng biển gần đường ranh giới NLL gần các đảo Yeonpyeong và Baengnyeong của Hàn Quốc vào sáng 5/1. Bộ chỉ huy quân sự Hàn Quốc cho biết tất cả các đạn pháo không gây thiệt hại gì cho dân thường và quân đội nước này nhưng Hàn Quốc đã phải phát lệnh sơ tán khẩn cấp dân thường trên 2 hòn đảo. Quân đội Hàn Quốc cũng đã tổ chức ngay các cuộc tập trận bắn đạn thật trên các đảo biên giới sau động thái của Triều Tiên.
Căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên gia tăng trong suốt gần 2 năm qua với việc hai bên liên tục tiến hành các hành động "ăn miếng, trả miếng". Chính phủ đương nhiệm của Tổng thống Yoon Suk-yeol sau khi lên nắm quyền đã chủ trương đối phó cứng rắn với Triều Tiên và tăng cường liên minh với Mỹ, Nhật Bản. Hàn Quốc đã hủy bỏ một phần Thỏa thuận quân sự liên Triều ký ngày 19/9/2018 về giảm thiểu căng thẳng ở khu vực giới tuyến chung để phản đối vụ phóng vệ tinh do thám quân sự của Bình Nhưỡng. Đáp lại, Triều Tiên tuyên bố hủy bỏ hoàn toàn thỏa thuận này.
Đường giới hạn phía Bắc (NLL) được Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc (UNC) thiết lập năm 1953 trong các cuộc đàm phán đình chiến dẫn đến lệnh ngừng bắn trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).
Triều Tiên sẽ phóng vệ tinh dẫn đường cho 'đòn tấn công siêu mạnh' Triều Tiên cho biết sẽ phóng thêm các vệ tinh trinh sát trong tương lai để thu thập thông tin và dẫn đường cho một cuộc tấn công nếu cần thiết. Hãng thông tấn Triều Tiên KCNA ngày 9/12 đưa tin, Bình Nhưỡng quyết tâm phóng thêm các vệ tinh trinh sát trong tương lai. Các vệ tinh này sẽ được mô phỏng...