Cận cảnh ‘lò mổ’ thùng phuy… chết người
Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội, việc tái sử dụng thùng phuy để đựng nước sạch, thực phẩm đang rất phổ biến. Điều đáng nói, đa phần các thùng phuy này vốn để đựng hóa chất công nghiệp độc hại, có thể dẫn đến mất mạng, nếu sử dụng lâu dài.
Thâm nhập chợ “mổ” thùng phuy
Trong vai người cần mua thùng phi cỡ lớn để chứa nước lọc, PV báo Người Đưa Tin tìm đến khu vực chợ Mai Lĩnh (phường Đồng Mai – Hà Đông – Hà Nội) và được người bán chào đón hồ hởi. Bà chủ này cho biết, hàng của bà là hàng loại 1, chất lượng rất tốt, bền, sử dụng lâu dài mà không sợ hoen rỉ, cần mua bao nhiêu cũng có.
Theo quan sát của PV, tại đây có đến hàng trăm chiếc thùng phuy được xếp chồng lên nhau. Mỗi chiếc thùng phuy loại 200l được bán với giá 200.000 đồng/chiếc, có nguồn gốc xuất xứ chủ yếu từ Trung Quốc và Nhật Bản. Bà chủ này cho biết, sau khi mua thùng về, chỉ việc rửa qua là có thể sử dụng được ngay vì chúng đã được “tẩy trang” sạch sẽ rồi.
Bên cạnh đó, chúng tôi quan sát thấy, rất nhiều chiếc thùng phuy mới được chở về, chưa qua tẩy rửa. Đến gần quan sát, ngay lập tức chúng tôi thấy đau đầu, chóng mặt vì mùi nồng nặc, khó thở, giống như mùi thuốc tẩy bốc ra. Quan sát bên trong thùng, PV thấy có những mảng ố vàng dày đặc, bám chặt. Một số thùng bên ngoài vẫn còn nguyên nhãn mác cảnh báo nguy hiểm (có lẽ do mới được đưa về người bán chưa kịp bóc ra).
Khi chúng tôi tỏ vẻ khó chịu, hoài nghi không biết mức độ an toàn khi sử dụng các loại thùng này, bà chủ trấn an: “Đó là một số thùng vốn để đựng hóa chất, phải qua tẩy rửa mới sử dụng. Tẩy rửa sạch sẽ rồi thì dùng vô tư, người ta vẫn dùng đầy mà có bị làm sao đâu. Cẩn thận hơn nữa thì về, anh chị rửa lại bằng xà phòng hoặc ngâm giấm”. Khi được hỏi về phương pháp tẩy rửa sạch sẽ các loại hóa chất này, bà chủ nghi ngại: “Anh chị đi mua hàng hay đi rà soát vậy? Người bán hàng nào chẳng có phương pháp riêng!”.
Tái chế thùng phuy đựng hóa chất độc hại rất nguy hiểm cho sức khỏe người sử dụng.
Sau cuộc nói chuyện, trao đổi giá cả với bà chủ, chúng tôi lân la hỏi chuyện nhân công làm thuê xung quanh và được biết, đây vốn là các thùng chứa hóa chất tẩy rửa dùng trong các nhà máy sản xuất giày, dệt, nhuộm… được loại thải sau khi sử dụng xong. Sau khi thu mua từ nhiều mối khác nhau, các thùng phuy được tập kết tại đây. Bà chủ thuê người về cắt nắp để bán, những cái cũ quá không dùng được nữa thì tháo rời ra để sử dụng vào việc khác.
Video đang HOT
Chị Hương – một người bán nước gần khu vực đó – chia sẻ: “Nghề “mổ” thùng phuy ở đây đã xuất hiện từ rất lâu. Ban đầu, chỉ một hai hộ thu mua thùng phuy phế liệu rồi gia công, tân trang thủ công, bán ra thị trường. Sau đó, thấy lợi nhuận cao nên giờ người ta đua nhau mở xưởng, thuê hàng chục nhân công về làm với quy mô lớn. Mọi người cứ ham rẻ rồi đua nhau mua các loại thùng phuy này sử dụng. Chúng tôi ở đây chẳng ai dùng cả”. Nói về bí quyết tẩy rửa thùng phuy, chị Hương cho biết: “Họ không tẩy rửa bằng các biện pháp thông thường như họ nói đâu, cũng phải dùng hóa chất cả. Họ thường súc, ngâm trong xút ăn da (NaOH), đợi cho bay hết mùi rồi mới bán ra thị trường.
Với việc ngâm qua nhiều loại hóa chất như vậy, sử dụng các thùng phi này tiềm ẩn rất nhiều nguy hại với sức khỏe người sử dụng.
Đe dọa tính mạng người dùng
Thực tế, nhiều gia đình khi mua thùng phuy về sử dụng đã gặp phải những nguy hiểm trông thấy rõ. Chị Mai (Cầu Giấy- Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi cũng từng mua thùng phuy về để dùng thay thế cho bể lọc nước do giá thành rẻ và cũng rất tiện lợi trong việc di chuyển. Khi đi mua, tôi cũng ngửi thấy mùi rất nồng nặc, khó chịu (nghi ngờ là mùi hóa chất,) nhưng người bán khẳng định là không độc hại nên tôi cũng yên tâm hơn. Sau khi mua về dùng, được một thời gian, các thành viên trong gia đình bắt đầu bị mẩn ngứa, mọc những nốt đỏ, mọng nước. Ban đầu, tôi nghĩ là do nguồn nước, nhưng hàng xóm xung quanh không ai bị như vậy, tôi nghi ngờ là do sử dụng nước từ thùng phuy. Sau đó, tôi ngưng sử dụng thùng phuy tái chế, đến nay không ai bị sao cả”.
Trao đổi với PV về vấn đề tái sử dụng thùng phuy đựng hóa chất độc hại, Giáo sư Trần Hồng Côn (khoa Hóa, trường đại học Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội) cho biết: Do trình độ hiểu biết và mức độ sống còn thấp nên nhiều người dân vẫn mua các thùng phuy đã qua sử dụng về để làm thùng đựng nước, thực phẩm.
Nhưng điều này là không nên, rất nguy hiểm. Các loại thùng này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại, không thể nói trước được, dù không phát bệnh hay ngộ độc ngay lập tức nhưng sẽ tích lũy, ngấm dần vào cơ thể trong thời gian dài, gây nên những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dùng: Nhẹ thì gây kích ứng, sưng, viêm khi tiếp xúc với da hoặc gây các bệnh về phổi, gan thận, đường tiết niệu…; nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến các bệnh ung thư, đột biến gen, thậm chí là tử vong. Đặc biệt, với hóa chất hữu cơ, xà phòng không thể tẩy sạch những hóa chất này, do khả năng thẩm thấu cao nên tồn dư của nó vẫn còn trong thùng phuy, khi sử dụng sẽ dẫn đến tác hại khôn lường.
Theo quy định của ngành Tài nguyên và Môi trường, tất cả thùng phuy chứa dung môi công nghiệp, hóa chất, thuốc trừ sâu đều được liệt vào danh mục chất thải nguy hại, đòi hỏi quy trình quản lý, xử lý nghiêm ngặt. Việc tái sử dụng các loại sản phẩm này phải được cấp phép hành nghề rõ ràng. Đồng thời, không phải bao bì, thùng phuy đựng hóa chất nào cũng có thể tái sử dụng được. Bởi vậy, người bán và người mua cũng phải có những nhận thức đầy đủ nhất để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Minh Hồng
Theo_Người Đưa Tin
Cặp vợ chồng có 14 người con sống gần nghĩa địa ở Hà Nội
Không có điều gì chắc chắn rằng sẽ không có sự xuất hiện của đứa con thứ 15, bởi chị Hải không hề có ý định đi làm "kế hoạch", lý do đơn giản - như chị bảo: "Bận".
Bữa cơm đạm bạc của cả gia đình
Nằm giữa ao đồng cùng bãi nghĩa địa là một căn lều chắp vá từ những mảnh ghép của bao tải, bạt xanh và vài tấm gỗ. Đây là tổ ấm của cặp vợ chồng có tới 14 người con giữa thủ đô.
Gia đình "kỷ lục"
Gia đình anh Ngô Doãn Năm và chị Đặng Thị Hải có địa chỉ tại tổ dân phố số 2 thôn Cổ Bản, phường Đồng Mai, quận Hà Đông, Hà Nội. Mang tiếng là ở phố, nhưng căn lều làm nơi trú chân cho cả gia đình nằm tách biệt so với con đường lớn dẫn vào trong thôn.
Gia đình anh chị quá nghèo, nghèo đến độ không dám ở nơi đông người. Kỷ lục nghèo nhất thôn gia đình chị Hải đã giữ cả vài chục năm nay. Rồi gia đình anh cũng nhận "kỷ lục" gia đình đông con nhất thủ đô.
Ngày 21/12/2013, chị Hải đã sinh đứa con thứ 14 và đứa trẻ này bị đẻ rơi trên triền đê khi chị còn đang mải mê... cắt cỏ. Túp lều của anh chị tạm bợ, hoang sơ và rách nát đến cùng cực. Cả gia đình chỉ nằm trên 2 tấm phản ghép lại chừng chưa đầy 10m2 với vài cái chăn bông đã cũ.
Cái nghèo cái khổ hiện rõ trên từng khuôn mặt nhem nhuốc, xanh xao của những đứa trẻ thiếu đi bàn tay chăm sóc của cha mẹ. Bởi mẹ chúng còn phải lăn lội kiếm ăn cho gia đình từng bữa và bận... đẻ, còn bố thì ốm đau quanh năm, bệnh tật như quấn vào người.
Không "kế hoạch" vì... bận!
Tiếp xúc với vợ chồng anh Năm, chị Hải, không có điều gì chắc chắn rằng sẽ không có sự xuất hiện của đứa con thứ 15, bởi chị Hải không hề có ý định đi làm "kế hoạch", lý do đơn giản - như chị bảo: "Bận".
Vì sinh quá nhiều con, đất đai chỉ là ao cá và mảnh đất đủ dựng túp lều, anh Năm lại đau ốm quanh năm, nên một tay chị Hải túi bụi gánh vác kinh tế và chăm lo cho 14 người con. Hiện chị Hải đã có một người con trai và hai người con gái lập gia đình. Người con trai cả là người học cao nhất trong gia đình, nhưng đến lớp 11 cũng phải dừng.
Sau khi lập gia đình, anh con trai này bị bệnh tràn dịch màng phổi, đau ốm quanh năm, cuộc sống đói khổ, cũng chẳng giúp gì cho bố mẹ. Cô con gái tên Ngô Thị Hà lấy chồng được một thời gian lại quay về túp lều sống chung với bố mẹ và các em vì vợ chồng không hạnh phúc. Thêm vào đó, người con trai thứ tư bị tai nạn mấy năm nay, nên dù đã lớn cũng không làm gì giúp gia đình được, lại cũng thường xuyên đau ốm, thuốc thang.
Ngoài con trai cả học đến lớp 11, các con chị Hải chưa ai học qua cấp THCS, hiện có 6 cháu đang theo học, nhưng do không có giấy khai sinh và thất lạc hộ khẩu nên việc học hành bị gián đoạn. Nhà đông con, đói ăn là chuyện thường xuyên bởi cả gia đình 16 miệng ăn chỉ trông chờ vào ao cá chưa đầy 1 hécta nhưng không có vốn đầu tư nên thu nhập chẳng được bao nhiêu.
Chị Hải tâm sự: "Làm ra đã khó mà còn lại mất mát đủ đường. Xung quanh nhà toàn ao với nước nên dễ bị mất trộm lắm, làm cả vụ mà thu được vài chục cân cá. Có con gà, con chó nuôi được thì cũng mất đằng nọ đằng kia. Khổ lắm!".
Vợ chồng chị Năm vẫn tâm niệm rằng: "Mình không có của nhưng mình có con, đó cũng là lộc trời. Tôi chưa bao giờ hối hận vì đã sinh nhiều con, mỗi đứa con là một món quà, có chăng tôi hận mình không có đủ sức để lo cho các con có cuộc sống no đủ như những đứa trẻ khác", chị Hải chia sẻ.
Gia đình chị Hải cũng nhận được đề nghị để cho những vợ chồng hiếm muộn nhận những đứa con của anh chị làm con nuôi, bớt đi gánh nặng phần nào cho gia đình và để số phận những đứa trẻ được đổi thay, thế nhưng anh chị đã từ chối thẳng thừng.
Cái triết lý "con mình rứt ruột đẻ ra, phải yêu thương và nuôi dưỡng" là điều khiến anh chị Năm - Hải không bị lung lay trước rất nhiều điều kiện tốt để "bán" con.
Theo Xahoi
Ước mơ giản dị của người mẹ đông con nhất Thủ đô Nhà chị hoàn cảnh khó khăn, nay đây mai đó, đêm về là chợp mắt chút, rồi sáng sớm hôm sau lại đi luôn, nên không có thời gian, và cũng không đủ hiểu biết để dùng các biện pháp tránh thai... Ở cuối làng Cổ Bản, phường Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội, phía rìa đồng, có một túp lều xiêu vẹo...