Cận cảnh gói thầu A5 thuộc cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi dính sai phạm
Không chỉ xuất hiện “ổ gà, ổ trâu” sau khi thông xe, dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi còn bị cơ quan thanh tra phát hiện gói thầu gần 1.400 tỷ đồng có nhiều sai phạm.
Theo hồ sơ, ngày 16.7.2014, Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) ký hợp đồng kinh tế với Công ty Posco thực hiện gói thầu xây lắp số A5 (Km 131 700 và Km 131 500 – Km 139 204) với giá trị hợp đồng gần 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó Công ty Posco không tổ chức thi công mà ký các hợp đồng với các nhà thầu phụ để thực hiện dự án. Trong hình là vòng xoay vào trạm thu phí xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) nằm bên tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Tháng 4.2017, đoàn thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải lập biên bản Công ty Posco Engineering & Construction Co., Ltd (Công ty Posco) thực hiện gói thầu A5, dự án xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (nguồn vốn WB).
Trong báo cáo kết quả khảo sát địa chất bổ sung phần thi công cầu Trà Khúc trên tuyến cao tốc, đơn vị thực hiện là Công ty CP Thành Tân An không ký xác nhận trong hồ sơ báo cáo này.
Theo kết luận của đoàn thanh tra, hồ sơ khảo sát, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công gói thầu A5 từ đoạn Km 124 700 đến Km 139 204 trải dọc các huyện Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành và TP Quảng Ngãi. Ban đầu Posco ký hợp đồng với Liên danh Thiên An và Vinaconex với giá trị hợp đồng trên 597 tỷ đồng. Trong lúc đơn vị thi công hạng mục khoan cọc nhồi để xây ba cây cầu thuộc gói thầu A5, Posco có văn bản yêu cầu Liên danh nhà thầu này dừng thi công do không đủ năng lực. Sau đó, Posco chuyển sang ký hợp đồng với 16 công ty để thực hiện dự án.
Đoàn thanh tra chỉ ra sai phạm ở cầu Trà Khúc là tính sai khối lượng thép thanh L05 trong dầm biên. Trong khi đó, nhiều cây cầu khác thuộc gói thầu A5 cũng bị tính sai khối lượng cốt thép dầm so với thiết kế kỹ thuật ban đầu. Theo kết luận thanh tra, hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công hạng mục xử lý nền đất yếu gói thầu A5 chưa được chủ đầu tư ký xác nhận trong từng trang bản vẽ theo quy định.
Bản vẽ mặt cắt ngang chi tiết công tác mặt đường, khối lượng nhựa dính bám không tính riêng cho từng lớp mà tổng hợp cho cả ba lớp hoặc hai lớp. Bản vẽ thi công không tính khối lượng đất đắp chọn lọc mà tính gộp chung với khối lượng đắp đất thông thường là không phù hợp. Trong hình là mặt đường cao tốc đoạn giáp ranh giữa TP Quảng Ngãi và xã Tịnh Hà (huyện Sơn Tịnh).
Kết luận thanh tra chỉ rõ phần đệm dải phân cách không tương ứng với hồ sơ thiết kế kỹ thuật và không thống nhất với các gói thầu đã triển khai thi công. Trong hình là lưới chắn hành lang bảo vệ tuyến cao tốc nằm ngả nghiêng.
Video đang HOT
Cũng theo kết luận thanh tra, việc thi công đắp nền đoạn Km 124 700 đến Km 128 610 thuộc gói thầu A5 tuyến cao tốc có một số sai phạm.
Cụ thể, từ đầu tháng 8.2015, tư vấn giám sát cho phép thay đổi biện pháp đắp nền đường từ đất sang cát, kết hợp sử dụng đắp bao. Việc thay đổi vật liệu này chưa có sự chấp thuận của chủ đầu tư và chưa thiết kế bản vẽ thi công điều chỉnh.
Từ Km 90 trở vào, gần các vách núi, đất đá vẫn còn ngổn ngang, có nguy cơ xói lở trong mùa mưa bão.
Người đi xe máy vẫn chạy lên trên cao tốc.
Ngày 16.10, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), ký ban hành quyết định thanh tra đột xuất việc quản lý, thực hiện, khai thác dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi.
Theo quyết định trên, đoàn thanh tra gồm 5 thành viên, do ông Trần Ngọc Bảo, Phó chánh Thanh tra Bộ GTVT, làm trưởng đoàn. Từ 16.10, các thành viên sẽ tiến hành thanh tra việc quản lý, thực hiện, khai thác dự án 34.500 tỷ.
Theo Nhóm phóng viên (Zing)
Cao tốc 34.000 tỷ đầy ổ gà: 4 năm đi tố sai phạm của lão nông
Hình ảnh, tư liệu tố cáo các sai phạm trong việc thi công tại gói thầu A3 của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, ông Phạm Tấn Lực đã gửi từ 4 năm nay đến các cơ quan chức năng, nhưng chưa một lần nhận được phản hồi.
Gần 4 năm nay, trên công trường thi công cao tốc Đà Nẵng - Quãng Ngãi luôn xuất hiện bóng dáng lão nông Phạm Tấn Lực (SN 1959, trú xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi). Hằng ngày, trực ở cao tốc, chứng kiến những sai phạm trong quá trình thi công, ông viết đơn gửi đến các cơ quan chức năng.
4 năm gom sai phạm
Ôm đống hồ sơ, hình ảnh, đơn từ tố cáo về những sai phạm của nhà thầu thi công cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, ông cắt nghĩa lần lượt các chi tiết sai phạm.
Hàng trăm hình ảnh, lá thư về sai phạm mà ông Lực thu thập trong 4 năm
Ông nói, gần 4 năm qua ông phát hiện nhiều sai phạm trong quá trình thi công của nhà thầu công ty công trình giao thông tỉnh Giang Tô (TQ) thi công 10,6 km (từ Km99 500 - Km110 100), đoạn qua địa phận huyện Bình Sơn.
Từ việc gian dối diễn ra hằng ngày trên công trường, đất phân hóa không đưa vào bãi thải mà đưa thẳng lên làm đường cao tốc, hay việc các cống bị hư hỏng, không đảm bảo chất lượng vẫn được đưa vào công trường...
Cụ thể, năm 2015 tại mỏ số 14 của công ty Thiện Phát đã thí nghiệm nhiều lần chất lượng đất ở đây không đạt chuẩn để đưa lên cao tốc, nhưng tư vấn giám sát và người của chủ đầu tư là Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho đào đổ ra khỏi công trường.
Bản vẽ chứng minh sai phạm trong thi công tại cống bi tại Km106 630 mà ông Lực được kỹ sư tại cao tốc cung cấp
Sau đó 1 năm thì lại nói là mỏ này đạt chuẩn và cho sử dụng hết khối lượng trong giấy phép 123.500m3, mang đắp lên Km106 800 (thuộc khu vực Bàu Sen).
Trong quá trình thi công, nhà thầu TQ mua đất trái phép lòng hồ Hố Dọc của công ty Lý Tuấn đưa vào sử dụng lớp k98 tại Km103 300, Km104 500, Km104 800 và Km106 300 thì lại nói mua đất tại mỏ số 14.
Ngoài ra, việc thi công gói thầu A3 của nhà thầu Giang Tô phải cần đến 1,6 triệu m3 đất để hoàn thành mặt đường, nhưng nhà thầu chỉ sử dụng khoảng 1 triệu m3 đất. Tại Km106 630, nhà thầu đã sử dụng vật liệu không đảm bảo chất lượng, lấy đất sình lầy (đất này được lấy trong quá trình đào mố cầu) để đắp lên cao tốc.
Tại khu vực Bầu Sen của gói thầu A3, phải bóc tách đất với khối lượng khoảng 300.000m3, quy hoạch đổ ở 3 bãi thải đất gần trường Tiểu học xã Bình Long (huyện Bình Sơn) nhưng đến nay không có đất bóc tách phong hóa đổ ở bất cứ đâu...
Chứng kiến việc thi công tại tắc trách, qua loa, vật liệu không đảm bảo, ôngi đã chụp ảnh phản ánh với nhà thầu để lập biên bản, sau đó điện thoại đơn vị giám sát lên làm việc.
Mỏ đất 14 không đảm bảo chất lượng, mà nhà thầu Giang Tô vẫn đưa vào thi công cao tốc
Chưa 1 lần nhận phản hồi
Nói về cơ duyên 4 năm đi giám sát cao tốc, lão nông cho hay, tháng 4/2014, ông xin làm bảo vệ của công ty Giang Tô, nhưng làm được một thời gian thì phát hiện sai phạm trong thi công.
"Ban đầu, tôi góp ý cho các kỹ sư về việc sử dụng chất liệu không đảm bảo, vì tôi cũng từng làm xây dựng nên biết, nhưng không ai quan tâm. Có lần tôi nhờ phiên dịch trình bày với chủ thầu người TQ, nhưng ông cũng không quan tâm", ông Lực kể lại.
Sau đó ông xin nghỉ việc lên giám sát cao tốc. Khi thấy việc làm của ông Lực là hợp lý, nhiều công nhân làm tại cao tốc đã gọi điện, nhắn tin khi phát hiện sai phạm, để ông lên chụp ảnh, ghi nhận để về viết đơn thư gửi đến các cơ quan chức năng.
"Khi viết đơn chỉ có tôi ký, rồi các công nhân thấy đúng cũng ký theo, vì họ hiểu rõ về công việc nhất. Hàng trăm lá thư, hình ảnh, tư liệu tố cáo các sai phạm trong việc thi công tại gói thầu A3 của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tôi đã gửi trong 4 năm nay đến các cơ quan chức năng, nhưng chưa một lần tôi nhận được phản hồi", ông kể.
Trong 4 năm, ông và gia đình đã bị một số người lạ mặt đến nhà đe nẹt yêu cầu dừng tố cáo sai phạm.
"Có người tìm đến vợ tôi, ngỏ ý hàng tháng đưa 5-6 triệu đồng, để tôi không lên cao tốc nhưng bất thành. Có lần tôi nhận được cuộc gọi hăm dọa nhưng tôi vẫn tiếp tục công việc vì nghĩ việc mình làm đúng", ông Lực nói.
Giám đốc Sở GTVT tình Quảng Ngãi: Sẽ tra lại văn thư
Trao đổi với VietNamNet chiều qua, Giám đốc Sở TN&MT tinh Quảng Ngãi Đỗ Minh Hải cho biết, trước đó Sở có nhận được đơn tố của ông Phạm Tấn Lực xung quanh việc nhà thầu lấy đất không đúng quy định lên làm nền cao tốc.
"Tuy nhiên, đây là lĩnh vực không thuộc phạm vi Sở quản lý mà thuộc Sở GTVT. Sau đó, Sở GTVT đã có đi kiểm tra", ông Hải thông tin.
Theo Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Ngãi Hà Hoàng Việt Phương, ông không nhớ rõ có nhận đơn thư của người dân này hay không, có đợt ông có nghe và cho anh em đi kiểm tra.
"Trong phạm vi của chúng tôi, chưa kết luận được phản ánh của người dân đã đúng hay không" - ông Phương nói.
Vẫn theo ông Phương, việc đơn phản ánh của ông Lực có đến Sở GTVT hay không thì phải tra lại văn thư vì việc từ năm 2015. Xét về việc tiếp nhận đơn phản ánh của người dân một cách trung thực khách quan thì đó là điều đáng quý và đáng ghi nhận.
Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do VEC là chủ đầu tư. Dự án có tổng chiều dài 139km, tổng mức đầu tư 34.500 tỷ đồng, được chia ra 13 gói thầu.
Gói thầu A3 được VEC ký hợp đồng với công ty công trình giao thông tỉnh Giang Tô, có giá trị 1.362,6 tỷ đồng, với chiều dài 10,6 km.
Lê Bằng
Theo VNN
Mới khai thác, cao tốc 34.000 tỷ lởm chởm 'ổ gà - ổ trâu' Sau vài trận mưa lớn, cao tốc trị giá 34.000 tỷ Đà Nẵng - Quảng Ngãi bị sụt lún, xuất hiện "ổ gà, ổ trâu". Chiều 8/10, trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cho biết đã nắm được thông tin về việc cao tốc Đà Nẵng...