Cận cảnh cầu treo “3 không” ở Quảng Nam
Những cây cầu treo được mệnh danh là “3 không”: Không biển báo, không giới hạn tải trọng và cũng không kinh phí duy tu sửa chữa đã tồn tại trong thời gian dài ở các huyện miền núi Quảng Nam. Lãnh đạo tỉnh vừa yêu cầu kiểm tra, báo cáo để sửa chữa.
Tỉnh Quảng Nam vừa thành lập đoàn liên ngành do Sở GTVT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện miền núi trên địa bàn tỉnh tổng kiểm tra, đánh giá tình trạng kỹ thuật cầu treo và đề xuất phương án xử lý hư hỏng.
Toàn tỉnh Quảng Nam có khoảng 162 cầu treo ở 9 huyện miền núi
Trước đó, ngày 27/2, UBND tỉnh Quảng Nam có văn bản yêu cầu tăng cường công tác đảm bảo an toàn giao thông đối với hệ thống cầu treo dân sinh trên địa bàn tỉnh. Địa phương đoàn liên ngành tiến hành tổng kiểm tra rà soát là huyện Đông Giang.
UBND tỉnh yêu cầu các Sở ngành liên quan phối hợp với UBND các huyện tổ chức kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ hệ thống cầu treo dân sinh trên địa bàn. Đồng thời, hướng dẫn các địa phương kiểm tra chất lượng các cầu để có phương án khai thác phù hợp và lắp đặt biển báo quy định tải trọng, lưu lượng người và phương tiện được qua lại.
Hầu hết những câu cầu treo đều đã xuống cấp
UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu UBND các huyện thường xuyên kiểm tra, sửa chữa kịp thời hư hỏng ở các cầu treo đang khai thác sử dụng; quản lý, giám sát chặt chẽ các cầu treo đang xây dựng trên địa bàn để đảm bảo an toàn giao thông.
Tại những nơi có đồng bào dân tộc thiểu số phải có hướng dẫn bằng tiếng dân tộc ở 2 đầu cầu. Đối với những cầu treo hư hỏng, đề nghị chính quyền địa phương quản lý chặt chẽ để đảm bảo an toàn cho người dân. Tuyệt đối nghiêm cấm người dân qua lại trên những cầu treo hư hỏng nặng. Đối với những cầu treo xuống cấp nghiêm trọng, không còn khả năng sửa chữa, yêu cầu các địa phương kiên quyết tháo dỡ để tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra. Kiến nghị UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí sửa chữa.
Được biết, hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khoảng 162 cầu treo ở 9 huyện miền núi, trong đó có 63 cầu tạm do người dân tự xây dựng, không có bản vẽ thiết kế và đang xuống cấp nhưng không được duy tu, bảo dưỡng thường xuyên. 99 cầu treo xây dựng kiên cố thì đã có đến 56 cầu xuống cấp.
Theo báo cáo, trên địa bàn huyện Nam Trà My có 83 cầu treo nhưng có đến 60 cầu tạm, 20 cầu kiên cố đều hư hỏng. Huyện Đông Giang có 18 cầu treo thì có đến 17 cầu đã xuống cấp nhưng chưa được duy tu, sửa chữa.
Một số hình ảnh những cây cầu treo “3 không” trên địa bàn Quảng Nam.
Người dân trong các buôn làng hàng ngày buộc phải đi qua những cây cầu treo không an toàn
Các cây cầu treo đều nhỏ hẹp, hai xe máy không thể đi cùng 1 lúc đi ngược chiều nhau
Video đang HOT
Xuống cấp nặng
Nguy hiểm cho người đi bộ lẫn đi xe
Rất ít những cây cầu treo có chất lượng tốt
Không có cầu treo nào có biển báo về tải trọng
Các cây cầu treo ở Quảng Nam được tài trợ bởi các tổ chức từ thiện, sau khi làm xong được bàn giao cho người dân quản lý
Ván mặt cầu chỗ có chỗ không
Lan can cầu đã hư hỏng
Sau khi kiểm tra, đánh giá, Quảng Nam sẽ có kế hoạch sửa chữa những cây cầu treo này
Theo Dantri
Ám ảnh những 'án tử' treo cổ kỳ bí, dân đập nhà "đi hoang"
Thôn xưa vốn bình yên nhưng những ngày vừa qua bỗng ồn ào, xáo trộn bởi hay tin những "án tử" treo cổ kỳ bí xảy ra trong làng.
Sau khi trong thôn liên tiếp xảy ra những cái chết "bất đắc kỳ tử", nhiều người dân trong làng đã nhẹ dạ chốt tin vào những lời đồn thất thiệt của "thầy phù thủy" (hay "thầy mo") phán đất làng bị "con ma" bắt tội nên phải bỏ làng đi nơi khác mới cơ may thoát chết.
Từ sau tết đến nay, hơn 15 hộ dân người Cơ Tu (trú tại dân cư số 2, thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) đã tự ý đập phá nhà tường xây kiên cố, tháo gỡ nóc nhà bỏ làng dời đến nơi mới cách làng cũ chưa đầy 1km.
Cuộc sống của người dân tổ dân cư số 2, thôn Bút Tưa, xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam xưa nay vốn bình yên nhưng những ngày vừa qua bỗng ồn ào, xáo trộn bởi hay tin những "án tử" treo cổ kỳ bí xảy ra trong làng.
Đi đến đâu cũng bắt gặp không khí tang thương, cảnh đượm buồn bao trùm lấy cả một vùng quê nghèo miền núi Quảng Nam "ập" đến những "phận đời" kém may mắn (những người "bị" treo cổ chết) trong dịp Tết.
Dân đập nhà, bỏ làng "đi hoang"... (!)
Hôm chúng tôi tìm đến chiều giữa tháng 2, ngôi làng "sầm uất" một thuở, nơi định cư gần 50 năm qua của người Cơ Tu nhiều đời qua, nay bỗng chốc trở nên hoang vắng, tiêu điều. Dạo một vòng quanh làng, những ánh mắt thẫn thờ, những bước chân vội vã dời làng muộn sau một ngày tất bật tháo gỡ nhà cửa.
Cái không khí tang thương ấy vẫn còn lẫn lộn trong cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn của người dân nơi đây. Tiếp xúc với nhiều người dân nơi đây, họ vẫn chưa hết bàng hoàng sau những cái chết bí ẩn xảy ra trong làng một năm, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ 2014 vừa qua.
Từ những cái chết theo người dân bí ẩn, họ lại tin vào những lời đồn "ma ám" là làng bị "con ma" bắt tội.
Ngồi tâm sự với chúng tôi, ông ALăng Ch. (50 tuổi) vẫn chưa hết sửng sốt khi phải tận mắt chứng kiến thảm cảnh đau lòng xảy ra với những người dân trong làng vốn hiền lành sau một đêm thức dậy bỗng thấy treo cổ tự tử. "Những ngày vừa qua, cả xã này náo động lắm, người dân ai cũng xôn xao, tấp nập huy động bà con, người thân tháo nhà dời làng. Từ xưa đến nay chưa có khi nào làng náo động như vậy. Đi đâu cũng nghe người ta bàn về chuyện này. Chỉ trong vòng có một tuần mà làng vắng hoe. Dời làng cũ mà gần 50 năm gắn bó cũng thấy luyến tiếc nhưng biết sao chừ..." - anh Ch. cho biết.
Theo thống kê sơ bộ, tính đến thời điểm hiện tại, có 16 hộ dân ở thôn Bút Tưa đã đập phá nhà cửa, tháo gỡ hàng rào cổng ngõ bỏ đi xuống vùng dưới cách đó hơn 1km để tạm định cư trước khi tìm làng mới sau khi 4 người đàn ông của làng bỗng dưng treo cổ tự tử, khiến người dân hoang mang, lo sợ đập phá nhà cửa bỏ đi.
Cuộc sống của người dân đập nhà, bỏ làng đi hoang đang phải sống cảnh màn trời chiếu đất.
Kể từ khi sự việc ấy xảy ra, người dân thôn Bút Tưa và các thôn lân cận, không ai dám đến gần khu vực khu dân cư số 2 (thôn Bút Tưa) một mình vì sợ ma ám. Và cái nỗi ám ảnh ấy cứ kéo dài thêm, cuộc sống của người dân bị đảo lộn, mọi công việc đồng áng, nương rẫy đều bị gián đoạn, ngưng trệ.
Trước những thông tin đồn thổi, người dân Bút Tưa đã lũ lượt bỏ nhà đi. Họ mang theo vài tài sản lớn, rồi dựng chòi tạm bợ ngay gần khu vực tổ dân cư số 1 để ở tạm. Trẻ em, người già cùng chen nhau xin tá túc tại nhà của người thân, hàng xóm lân cận. Những ngôi nhà tạm mà chỉ đơn giản là những túp lều tranh mọc lên với đầy thớ đồ đạc ngỗng ngang, vương vãi khắp nơi. Thậm chí chuồng bò, nhà bếp cũng làm chỗ cư trú tạm thời. Chỗ ở, ăn uống rất thiếu thốn, chuyện chăm sóc sức khoẻ và điều kiện, môi trường sống của những người dân nơi đây đang bị đe doạ. Ruộng vườn bỏ hoang không cày cấy thì nhất định mùa sau sẽ thiếu ăn. Trẻ em phải bỏ dỡ việc học giữa chừng, không được đến trường.
Nhìn những ngôi nhà xây vững chắc mới được xây dựng hàng trăm triệu động bị người dân đập phá không thương tiếc mà không khỏi xót xa chạnh lòng. Hầu hết những ngôi nhà mới ở tổ dân cư số 2, thôn Bút Tưa bị phá đều nằm trong diện quy hoạch, trúng tiền đất bồi thường của dự án thuỷ điện Sông Kôn. Sau khi nhận được "tiền tỷ" đền bù thuỷ điện, họ đã bỏ ra để "lên đời" nhà cửa, phương tiện. Nhưng nhà mới xây xong chưa lâu thì phải ngậm đắng nuốt cay khi một phút chốc nông nỗi "trôi sông".
Theo luật tục hà khắc người Cơ Tu, khi đồng bào bỏ làng đi sẽ không bao giờ trở lại, nghĩa là tỏ vẻ quyết tâm "một đi không trở lại". Nhiều người dân chưa có điều kiện tìm nơi ở mới cũng vón vén tài sản dọn về tá túc trong nhà người thân gần đó. Vì thế, hiện tại, nhiều nhà dân trong và ngoài có rất nhiều gia đình cùng chung sống một nhà.
Tin lời thầy bói phán là làng bị "con ma" bắt tội (?)
Nói về những cái chết dồn dập và bất thường ở làng, nhiều người dân nơi đây cho rằng: Những lời đồn thổi lâu nay của dân làng cũng có căn cứ, vì lâu nay người dân sống nặng chất thần linh, mỗi khi có chuyện gì xảy ra với làng đều cúng thần, tế thần nên tin lời "thầy phù thuỷ", "thầy mo". Chuyện ma quỷ bắt người chết cũng từ đó mà ra.
Những ngôi nhà xây kiên cố giá hàng trăm triệu đồng bị đập phá.
Theo những vị cao niên trong làng cho biết, sở dĩ người dân trong làng "rồng rắn" thi nhau đồng lòng bỏ hoang nhà cửa, đất ở là vì liên tiếp trong thời gian qua trong làng xảy ra nhiều cái chết "bất đắc kỳ tử" khiến lòng dân hoang mang tột độ.
4 người đàn ông bị chết đều cùng một tư thế là treo cổ (mà theo tìm hiểu đa phần là có bệnh thần kinh và buồn chuyện gia đình). Đích thân già làng A Lăng Vân (thôn Bút Tưa) cũng xuống tận nhà người dân để khuyên nhủ là không nên tin vào những lời mê tín dị đoan mà bỏ làng đi. Bỏ đi sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống.
Trước những cái chết dồn dập (đa số tự tử) xảy ra trong làng không lời giải thích, người dân thôn Bút Tưa bắt đầu suy diễn những câu chuyện huyền bí rợn người. Họ tìm đến với "thế giới thần linh" thông qua những "thầy phù thuỷ". Nhiều "thầy phù thuỷ" cùng phán: "làng bị con ma bắt tội". Điều trùng hợp, thôn Bút Tưa nằm giữa đồi núi hoang vu nên chuyện làng bị "ma ám" chưa biết thực hư ra sao nhưng cũng khiến nhiều người càng sợ hãi, hoang mang. Cứ thế những cái chết ngẫu nhiên, trùng hợp cùng với những câu chuyện thêm nếm ấy cứ loang dần, loang dần,...
Một người cán bộ xã bật mí: nghe đâu từ dịp Tết đến nay trong làng có nhiều người chết không rõ nguyên nhân, người dân thấy lo nên mới đi xem và hỏi thầy bói. Thầy bói phán đất làng bị ma ám nếu còn ở lại làng thì trong thời gian tới sẽ có người nữa chết. Sau khi nghe lời phán thế người dân ai không hoảng sợ về bàn nhau đập nhà, bỏ làng. Hiện cơ quan chức năng cũng đang vào cuộc điều xem thầy bói nào đã phán như vậy khiến người dân hoảng sợ dẫn đến bỏ làng và sẽ có hình thức xử lý.
Theo ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang (Quảng Nam) xác nhận sự việc và cho biết, tình trạng này xảy ra sau Tết Nguyên Đán Giáp Ngọ 2014. UBND huyện Đông Giang đã chỉ đạo chính quyền xã cử các đoàn xuống làng vận động, giải thích người dân yên tâm sinh sống, đồng thời cắt cử lực lượng công an, cán bộ xuống ở cùng người dân và dựng chòi canh gác, đề phòng kẻ xấu tuyên truyền. Nhưng người dân nơi đây họ vẫn không quay về nơi ở cũ, rồi nhiều ngôi nhà tiếp tục dời đi."Đây là vấn đề khó khăn nhất hiện nay chưa được giải quyết" - ông Đỗ Tài nhấn mạnh.
Câu chuyện dân đập phá nhà cửa bỏ làng "đi hoang" để tìm làng mới có lẽ không phải là câu chuyện lạ ở vùng núi miền Tây Quảng Nam cách đây 20 năm. Nhưng vào thời gian đó người Cơ Tu bỏ làng cũ đi tìm làng mới là chỉ vì cuộc sống mưu sinh, có bát cơm ăn qua ngày. Tập quán "du canh du cư" của người Cơ Tu xuất phát từ ý niệm sau thời gian cày cấy sản xuất, khi đất đã bạc màu thì người dân tiến hành tìm đất mới tốt hơn. Tuy nhiên, chuyện nghi làng bị "con ma" bắt tội mà bỏ làng đi tìm nơi mới là chuyện lần đầu tiên xảy ra.
Đến thời điểm hiện tại, sau khi lãnh đạo huyện Đông Giang xuống tận cơ sở để thăm hỏi, động viên, trấn an và cam kết giúp 16 hộ dân đập nhà bỏ làng ra đi ổn định cuộc sống đã có vài hộ dân quay về lại làng cũ dựng nhà. Đồng thời, những hộ còn ở lcó ý định dời đi qua lời khuyên nhủ cũng phần nào bớt lo để làm ăn sinh sống.
Theo Dân Việt
Phạt mạnh tay doanh nghiệp vận tải lập "xe dù, bến cóc" Nhằm chấn chỉnh tình trạng các doanh nghiệp vận tải hành khách trên địa bàn tự ý lập "xe dù, bến cóc" đón trả khách không đúng quy định, cơ quan chức năng TP Đà Nẵng đã xử phạt nhiều doanh nghiệp. Ngày 26/2, Sở GTVT TP.Đà Nẵng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thường trực HĐND và UBND thành phố về...