Cận cảnh bức tranh doanh nghiệp trước thềm 2016
Thông tin được các nhà đầu tư chờ đợi nhất dịp cuối năm không nằm ngoài kết quả doanh thu, lợi nhuận của các DN cũng như kế hoạch kinh doanh trong năm mới.
Năm 2015, Tập đoàn FPT dự kiến về đích kế hoạch lợi nhuận, sau vài năm lỗi hẹn
Dù thị trường có chút uể oải trước lễ Giáng sinh, nhưng những tin tốt của DN vẫn được phản ánh vào giao dịch cổ phiếu trên sàn.
Những điểm sáng trên bức tranh lợi nhuận 2015
Tin về kết quả lợi nhuận của CTCP Vicostone (VCS) xuất hiện trên thị trường vào cuối giờ chiều ngày 23/12 có thể tạo ra sự tiếc nuối cho không ít nhà đầu tư đã bán cổ phiếu trước đó, bởi kết quả kinh doanh của DN thực sự tích cực.
Trao đổi với ĐTCK, lãnh đạo VCS cho biết, năm 2015, Công ty dự kiến đạt doanh thu 2.611 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 466 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch lợi nhuận đề ra. Cụ thể, ĐHCĐ VCS đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 2.674 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 311 tỷ đồng, tăng lần lượt 26% và 18,9% so với năm 2014.
Thông lệ trong các lần công bố thông tin trước, kết quả kinh doanh cuối cùng tại VCS thường cao hơn con số dự kiến, đây là DN khá kín tiếng, bởi vậy thông tin này đã nhanh chóng được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Trong phiên giao dịch mở cửa sáng hôm sau (24/12), VCS đã tăng kịch trần, đạt 72.000 đồng/cổ phiếu, dư mua giá trần hơn nửa triệu đơn vị. Đây là cổ phiếu có sắc tím hiếm hoi trên sàn HNX.
Có thể có nhiều lý do đem lại kết quả tích cực trên, nhưng nếu nhìn vào báo cáo tài chính hợp nhất quý III/2015 của VCS, sẽ thấy một thông tin đáng chú ý. Đó là chi phí tài chính quý III của VCS là 60,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lên tới 248,5 tỷ đồng. Việc giảm mạnh chi phí tài chính xuất phát từ việc VCS không còn phải gánh công ty con là StyleStone.
Ở quy mô lớn hơn rất nhiều, năm 2015, theo lời một lãnh đạo FPT, tập đoàn này chắc chắn sẽ về đích kế hoạch năm, sau mấy năm lỗi hẹn. 11 tháng đầu năm nay, FPT ghi nhận doanh thu hợp nhất 35.886 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ, đạt 103% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 2.437 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ, đạt 97% kế hoạch. Lãi cơ bản trên cổ phiếu đạt 4.020 đồng, tăng 7% so với cùng kỳ.
Các khối hoạt động chính như công nghệ, viễn thông, phân phối – bán lẻ đều có mức tăng trưởng khá tích cực, với nhiều lĩnh vực đạt 2 con số. Đặc biệt, doanh thu từ thị trường nước ngoài của FPT tăng 35% so với cùng kỳ, đạt 4.154 tỷ đồng, cho thấy định hướng chiến lược của Tập đoàn đang được thực thi tốt và trở thành động lực tăng trưởng mới.
Chỉ còn vài ngày nữa là kết thúc năm tài chính 2015, do đó, thông tin kết quả kinh doanh năm của các DN cũng xuất hiện dày đặc hơn. Như đã thành quy luật, phần lớn DN công bố thông tin sớm đều là những DN đạt kết quả khả quan. Ngay trong ngành dầu khí, không phải DN nào cũng chịu tác động xấu từ biến động sụt giảm mạnh của giá dầu.
Video đang HOT
Cụ thể, năm nay, Tổng CTCP Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVX) dự kiến đạt doanh thu hơn 8.300 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch; lợi nhuận sau thuế ước đạt hơn 140 tỷ đồng, đạt 250% kế hoạch (56 tỷ đồng). PVX cho biết, tiến độ xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đạt 61,49%, sản lượng đạt hơn 8.200 tỷ đồng, doanh thu ước đạt gần 7.200 tỷ đồng.
Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 1 đã hoàn thành thi công các hạng mục. PVX vừa thực hiện bàn giao hạng mục nạo vét BoQ1, BoQ2 Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn, hạng mục bờ kè Dự án Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, Âu tàu Rạch Chanh và Trung tâm điều khiển Âu Tàu, Văn phòng Viện Dầu khí phía Nam, gói thầu Building 3B Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Hay Tổng CTCP Khoan và dịch vụ khoan Dầu khí (PVD) ước đạt lợi nhuận trên 1.700 tỷ đồng, vượt trên 13% so với kế hoạch, Tổng CTCP Kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS) ước vượt tối thiểu 25% so với kế hoạch lợi nhuận năm.
Chia sẻ với ĐTCK, ông Nguyễn Đức Đạt, Kế toán trưởng CTCP Kết cấu kim loại và lắp máy Dầu khí (PXS) cho biết, nhiều khả năng, năm nay, Công ty sẽ vượt 10% kế hoạch lợi nhuận, ước đạt trên 140 tỷ đồng. Trong đó, Công ty ghi nhận lợi nhuận từ một số dự án như Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện Thái Bình 2…
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT CTCP Sơn Hà (SHI) cho biết, dự kiến trong năm 2015, Công ty đạt lợi nhuận sau thuế khoảng 78 tỷ đồng, vượt 20% so với kế hoạch.
Mua tương lai doanh nghiệp
Với nhà đầu tư, kết quả kinh doanh tốt trong năm 2015 là một chỉ báo để củng cố nhận định của bản thân vào DN đúng hay sai, mà không tác động đáng kể đến hoạt động tích lũy cổ phiếu thời điểm này. Bởi vậy, kế hoạch kinh doanh 2016 và khả năng thực hiện được những con số dự kiến mới là thông tin quan trọng.
Năm tới, VCS đặt kế hoạch doanh thu 3.265 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 590 tỷ đồng. Với kế hoạch doanh thu khá tham vọng, tăng trưởng tới 26% so với năm 2015, VCS sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Từ những quý cuối năm 2015, Công ty đã từng bước mở rộng thị trường bằng việc mở thêm các cơ sở bán hàng tại Mỹ và Canada.
Kinh nghiệm cho thấy, tăng trưởng doanh thu là một mũi tiến công, quan trọng không kém là DN phải quản trị tốt các yếu tố đầu vào, có các kịch bản ứng phó với những biến động trên thị trường và có đội ngũ nhân sự để thực thi những chiến lược mới.
Những điểm này, theo ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO Group), sẽ quyết định hiệu quả kinh doanh của DN. Đại công trường của CEO là các dự án tại Phú Quốc với khá nhiều đặc thù về các yếu tố như khí hậu, nhân công… Nếu thiếu kinh nghiệm triển khai dự án tại đây, DN khó đảm bảo tiến độ dự án, để từ đó triển khai kế hoạch bán hàng phù hợp với cung – cầu thị trường.
Trong kế hoạch 2016, CEO dự kiến doanh thu hợp nhất đạt 1.500 – 1.600 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 20% doanh thu. Tính đến cuối tháng 11/2015, C.E.O đã hoàn thành kế hoạch doanh thu và lợi nhuận cả năm đã được ĐHCĐ thông qua lần lượt là 1.000 tỷ đồng và 167 tỷ đồng.
Với nhận định nhu cầu các sản phẩm bồn nước, bình nước nóng tại các vùng nông thôn sẽ gia tăng trong thời gian tới, ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT SHI cho biết, Công ty đang tập trung xây dựng nhà máy mới tại Nghệ An để thuận lợi hơn trong tiếp cận thị trường miền Trung.
Đồng thời, SHI cũng tập trung di dời nhà máy Phùng, Đan Phượng do nhà máy này đã hoạt động hết công suất. Đây là nhà máy sản xuất ống thép, hàng dân dụng, gia dụng, bình nước nóng, một phần bồn nước cũng được sản xuất tại đây. Mục tiêu của SHI trong năm 2016, doanh thu và lợi nhuận sẽ đạt mức tăng trưởng khoảng 20%.
CTCP Licogi 13 (LIG) đã lên kế hoạch kinh doanh năm 2016 với doanh thu 1.300 tỷ đồng, tương đương năm 2015, lợi nhuận trước thuế hợp nhất tối thiểu 62 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với năm 2015 và tỷ lệ cổ tức tối thiểu 10%.
Trong quý II/2016, LIG sẽ thực hiện Dự án Khu nhà ở quanh chợ Tây Đằng (Ba Vì) với tổng mức đầu tư 374 tỷ đồng. Dự án này dự kiến mang lại tỷ suất lợi nhuận 18% trên doanh thu cho LIG.
Nếu như những DN bất động sản, xây dựng, ngành hàng tiêu dùng, dệt may… lạc quan vào triển vọng kinh doanh năm 2016, khi nền kinh tế khởi sắc hơn và được hưởng lợi từ hội nhập thì các DN nhóm ngành dầu khí lại dè dặt đặt kế hoạch 2016. Giá dầu thô xuống gần 30 USD/thùng đang là một áp lực lớn với nhiều DN ngành dầu khí như GAS, PVD, PVS…
Với PVX, năm 2016, Tổng công ty đặt chỉ tiêu giá trị sản xuất – kinh doanh đạt 9.500 tỷ đồng, tổng doanh thu 8.600 tỷ đồng, nhưng “để ngỏ” kế hoạch lợi nhuận. Mục tiêu của PXS, theo ông Đạt, cũng chỉ là “duy trì được hiệu quả kinh doanh như những năm vừa qua”.
Đối với những DN mà lợi nhuận phụ thuộc rất lớn vào biến động của tỷ giá, do có vốn vay lớn bằng ngoại tệ như các DN nhiệt điện, xi măng thì lợi nhuận năm 2016 là một “ẩn số”. Lãnh đạo CTCP Nhiệt điện Phả Lại cho biết, tỷ giá đồng yên trong năm 2016 rất khó tiên lượng, nên Công ty cân nhắc rất kỹ khi đưa ra kế hoạch kinh doanh cho năm tới.
Để hạn chế biến động rủi ro tỷ giá, một số DN đã tính đến việc chuyển các khoản vay từ đồng ngoại tệ sang VND. Ông Đỗ Việt Anh, Chủ tịch HĐQT Tổng CTCP Vận tải Dầu khí Việt Nam (PVT), DN đã chuyển nhiều khoản vay từ USD thành VND trong ba năm trở lại đây, nên khoản vay bằng ngoại tệ đã giảm từ 250 triệu USD (năm 2011) xuống còn khoảng 100 triệu USD. Về kế hoạch 2016, PVT đang cân nhắc đặt mục tiêu lợi nhuận hơn 400 tỷ đồng, bằng với kế hoạch kinh doanh năm 2015 nhưng thấp hơn mức thực hiện (PVT ước đạt 500 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất trong năm 2015).
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Công ty chứng khoán trước áp lực về đích
Không suôn sẻ trong quý III khi TTCK suy giảm thanh khoản, khối CTCK kỳ vọng TTCK sẽ sáng lên vào quý IV để về được đích kế hoạch kinh doanh cả năm. Tuy nhiên, thực tế, bài toán cán đích lợi nhuận 2015 ngày càng thách thức với khối doanh nghiệp này.
Áp lực về đích
Ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc CTCK ACBS cho biết, nhiều khả năng ACBS chỉ hoàn thành 65 - 70% kế hoạch lợi nhuận năm 2015 (năm 2015, ACBS đặt mục tiêu 245 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế), do doanh thu từ hoạt động môi giới, hoạt động đầu tư chứng khoán giảm sút so với năm ngoái, trong khi một số chi phí như chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng.
Trong năm 2015, ACBS đã thực hiện kế hoạch cải tổ toàn diện từ các mảng kinh doanh như môi giới khách hàng cá nhân, môi giới khách hàng tổ chức, tư vấn tài chính doanh nghiệp, đến mảng vận hành và cả quản lý nguồn vốn, đưa toàn bộ hệ thống vận hành ở mức tối ưu, nên Công ty dự kiến trong năm 2016 sẽ đạt được kết quả tốt hơn. Dù có thể sẽ không hoàn thành kế hoạch năm 2015, nhưng so với mặt bằng lợi nhuận chung của khối CTCK thì con số lợi nhuận của ACBS đã đạt được vẫn nằm trong nhóm dẫn đầu.
Thị trường năm 2015 biến động thất thường và "xấu" hơn dự báo của nhiều CTCK, khiến phần lớn DN ngành này vẫn lao đao với trích lập, với lỗ vốn. Chỉ có vài CTCK thực sự bứt lên.
Một CTCK lớn khác, VCBS đặt mục tiêu khá tham vọng: lợi nhuận 120 tỷ đồng cho năm 2015. Tuy nhiên, theo ông Vũ Quang Đông, Giám đốc CTCK Vietcombank (VCBS), do TTCK trong năm không mấy thuận lợi, đồng thời Công ty phải trích lập dự phòng các khoản đầu tư dài hạn, nên VCBS dự kiến đạt lợi nhuận khoảng 95 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 80% kế hoạch. Trong tháng cuối cùng của năm 2015, theo ông Đông, chưa thấy những yếu tố hỗ trợ cho đà tăng bền vững của TTCK, nên chờ đợi sự đột biến trong kết quả hoạt động của khối CTCK là rất khó. Tuy nhiên, sang năm 2016, lãnh đạo VCBS cho rằng, diễn biến TTCK sẽ tích cực hơn và đó chính là cơ hội để các CTCK ghi nhận lợi nhuận tốt hơn.
Những cái tên có thể chạm mốc kế hoạch
Dù cũng nhận định diễn biến thị trường từ nay đến cuối năm không có biến động lớn, đồng nghĩa với việc lợi nhuận quý IV/2015 của nhóm CTCK khó có thể đạt được con số đột biến, nhưng nhiều CTCK vẫn tin tưởng vào sự hoàn thành kế hoạch kinh doanh.
Theo ông Khổng Phan Đức, Tổng giám đốc CTCK Vietinbank (VietinbankSC),biến động của TTCK có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của khối CTCK, tuy nhiên với VietinbankSC, bản thân Công ty không bị chi phối quá nhiều bởi sự lên xuống của các chỉ số. Tổng giám đốc VietinbankSC cho rằng, khả năng hoàn thành kế hoạch 85 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế là trong tầm kiểm soát của Công ty. Tại VietinbankSC, mảng doanh thu tăng mạnh nhất đến từ hoạt động tư vấn tài chính doanh nghiệp, đây cũng là mảng đóng góp tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của Công ty, với 45%.
Tại CTCK Bảo Việt (BVSC), ngay từ đầu năm, Công ty đã định hướng hoạt động kinh doanh tập trung vào các mảng dịch vụ mang lại sự ổn định trong hiệu quả kinh doanh. BVSC ước tính sẽ đạt 120 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2015, dù thị trường không thuận. Đây cũng là kế hoạch lợi nhuận đã được ĐHCĐ BVSC thông qua.
Ám ảnh trích lập dự phòng, tạo lỗ
Biến động bất thường của TTCK trong thời gian qua đã buộc nhiều CTCK phải ghi nhận các khoản dự phòng giảm giá chứng khoán, điều này làm giảm lợi nhuận tức thời. Hai CTCK lỗ do trích lập dự phòng được nhắc nhiều nhất trong năm nay là CTCK Kim Long (KLS) và CTCK Ngân hàng Nông nghiệp (Agriseco), với dự báo, hai công ty này tiếp tục ghi nhận lỗ trong năm 2015.
Quý III/2015, Agriseco (AGR) ghi nhận doanh thu 46,55 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2014 và Công ty lỗ hơn 26 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9/2015, số dư trích lập dự phòng rủi ro phải thu khách hàng của AGR tăng lên 363 tỷ đồng và lỗ 39,06 tỷ đồng.
Để hoàn thành kế hoạch 10 tỷ đồng lợi nhuận mà ĐHCĐ AGR mới thông qua, AGR phải đạt 50 tỷ đồng lợi nhuận trong quý IV/2015, trong khi Công ty đang phải "gánh" khoản trích lập dự phòng đối với cổ phiếu GPBank với mức trích lập lên đến 230 tỷ đồng. Thực tế này cho thấy, AGR nghiêng về kịch bản lỗ trong năm 2015, chứ khó có "phép màu" nào giúp Công ty có lãi được.
Đối với CTCK Kim Long (KLS), Công ty ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm sụt giảm 36% khi chỉ đạt hơn 123 tỷ đồng và lỗ 45,9 tỷ đồng. Trong đó, riêng quý III/2015, KLS lỗ 45,4 tỷ đồng, trong đó riêng khoản trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán lên tới 87 tỷ đồng. Dù chưa có con số cụ thể, nhưng chắc chắn cả năm, KLS khó ghi nhận con số dương về lợi nhuận...
Thị trường năm 2015 biến động thất thường và "xấu" hơn dự báo của nhiều CTCK, khiến phần lớn DN ngành này vẫn lao đao với trích lập, với lỗ vốn. Chỉ có vài CTCK thực sự bứt lên.
Hải Vân
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Đại gia dính đòn, vỡ mộng tỷ USD Có những diễn biến bất lợi mới khiến nhiều DN lớn trong nước không thể ngờ tới khi lên kế hoạch kinh doanh. Tuy nhiên, những biến động xấu nhất lại mới chỉ vừa mới xảy ra, báo hiệu những khó khăn còn ở phía trước. Lợi nhuận sụt giảm, thua lỗ cận kề Thủy sản Minh Phú (MPC) công bố kết quả...