Cán bộ thuế nhận hối lộ gần 13 tỷ đồng để “bảo kê” mua bán hoá đơn trái phép
Các cán bộ thuế đã thực hiện “bảo kê” bằng việc cung cấp các địa chỉ cho các đối tượng mua bán trái phép hóa đơn sử dụng để đăng ký/thay đổi điểm kinh doanh cho công ty “ma”; thông báo trước kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Chi cục Thuế đối với các công ty “ma” để các đối tượng mua bán trái phép hóa đơn chủ động đối phó…
Ngày 29/8, Cục An ninh điều tra Bộ Công an cho biết, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã kết luận điều tra; chuyển hồ sơ đến Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố 55 bị can về các tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”; “Đưa hối lộ”; “Nhận hối lộ”; “Môi giới hối lộ”; “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”…
Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã điều tra làm rõ, triệt phá 5 đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng với số lượng “khủng” diễn ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Theo kết quả điều tra: Từ năm 2018 đến năm 2023, các bị can Bùi Văn Bảo, Trần Văn Thịnh, Bùi Thanh Bình, Phạm Minh Cường, Nguyễn Khắc Điền đã thành lập, sử dụng 167 công ty “ma” để bán trái phép 88.485 hóa đơn giá trị gia tăng với tổng giá trị hàng hóa/dịch vụ ghi trên hóa đơn (chưa bao gồm tiền thuế GTGT) là 13.060.439.510.687 đồng. Các bị can trên đã thỏa thuận, bán hóa đơn cho các đối tượng trung gian/cá nhân/doanh nghiệp có nhu cầu mua hóa đơn với với mức phí từ 0.8% – 4%/tổng giá trị hóa đơn (chưa bao gồm thuế GTGT) và thu lợi bất chính hơn 128 tỷ đồng.
Phương thức, thủ đoạn phạm tội của các bị can trong vụ án này không mới, các đối tượng lợi dụng quy định pháp luật về tạo điều kiện thuận lợi trong việc đăng ký thành lập doanh nghiệp qua đó sử dụng giấy chứng minh nhân dân/căn cước công dân mua từ các tiệm cầm đồ hoặc mua qua mạng để đăng ký thành lập doanh nghiệp; đăng ký phát hành, sử dụng hóa đơn điện tử nhằm thực hiện hành vi mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng.
Hóa đơn điện tử (ảnh minh họa).
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là để che giấu hành vi phạm tội và được thuận lợi mua bán hóa đơn trái phép mà không bị các cơ quan chức năng phát hiện, 5 đối tượng cầm đầu các đường dây mua bán hóa đơn nêu trên đã móc nối, thỏa thuận đưa hối lộ cho Lê Thành Nhân (công chức Chi cục Thuế Khu vực Quận 12 – huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh); Trần Quốc Duy, Nguyễn Anh Tuấn (đều là công chức Chi cục Thuế Khu vực quận 7 – huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh); Vương Quốc Hùng (công chức Chi cục Thuế TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) với mức “phí” từ 0.3% – 0.6%/tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ ghi trên hóa đơn (chưa bao gồm thuế GTGT) mà các doanh nghiệp “ma” đã xuất bán.
Các cán bộ thuế đã thực hiện “bảo kê” như sau: Cung cấp các địa chỉ cho các đối tượng mua bán trái phép hóa đơn sử dụng để đăng ký/thay đổi điểm kinh doanh cho công ty “ma”; thông báo trước kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Chi cục Thuế đối với các công ty “ma” để các đối tượng mua bán trái phép hóa đơn chủ động đối phó; kiểm tra và hướng dẫn các công ty “ma” làm thủ tục tạm ngừng hoặc giải thể nếu bị đưa vào danh sách doanh nghiệp thuộc hệ số “K” (là loại doanh nghiệp có doanh số bán ra cao nhưng không có doanh số mua vào hoặc doanh số mua vào ít, chênh lệch nhiều với doanh số bán ra bị phát hiện bởi hệ thống phần mềm quản lý thuế tập trung); hướng dẫn cách thức để mở lại mã số thuế cho các công ty “ma”; hướng dẫn nội dung để người mua, sử dụng hóa đơn của các công ty “ma” giải trình với Cơ quan Thuế nhằm tránh cho các công ty “ma” bị đưa vào danh sách cảnh báo rủi ro về Thuế và chuyển thông tin cho các Cơ quan điều tra… Tổng cộng, các cán bộ thuế nêu trên đã nhận hối lộ với số tiền gần 13 tỷ đồng.
Video đang HOT
Ngoài ra, trong vụ án, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an còn khởi tố bị can đối với Bùi Thanh Liêm (công chức Chi cục Thuế Khu vực Quận 7 – huyện Nhà Bè, TP Hồ Chí Minh) về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” vì động cơ vụ lợi và động cơ cá nhân khác đã làm trái công vụ, cùng đồng nghiệp thực hiện hành vi “tiếp tay” cho các đối tượng mua bán trái phép hóa đơn.
Hành vi phạm tội của các bị can trong vụ án đã xâm phạm nghiêm trọng đến sự ổn định về kinh tế, chế độ quản lý thuế và đặc biệt ảnh hưởng lớn đến uy tín của các cơ quan quản lý Nhà nước, cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật. Căn cứ kết quả điều tra vụ án, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã có văn bản gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế các tỉnh, TP liên quan để kiến nghị các cơ quan này tăng cường hơn nữa các biện pháp nhằm khắc phục, phòng ngừa tội phạm “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước”; “Trốn thuế”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ”, “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” liên quan lĩnh vực quản lý thuế.
Nhìn lại vụ án khiến Chủ tịch tỉnh An Giang bị bắt
Như ANTĐ thông tin, ngày 25-12, Bộ Công an cho biết, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét đối với ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang để điều tra về tội danh "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Từ trái sang: các bị can Nguyễn Thanh Bình, Trần Anh Thư và Phùng Mỹ Luông
CQĐT xác định: ông Nguyễn Thanh Bình đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, can thiệp, chỉ đạo giúp Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 được cấp phép thăm dò, khai thác, điều chỉnh trữ lượng, công suất và khai thác trái quy định của pháp luật tại mỏ cát xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, gây thiệt hại tài sản Nhà nước.
Trước ông Bình, nhiều nhân vật liên quan đến vụ án đã bị CQĐT khởi tố, tạm giam. Như Phùng Mỹ Luông - Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Mỹ Luông; bị xác định đã thỏa thuận, chi tiền cho Lê Quang Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Công ty Trung Hậu 68 để được khai thác cát, trái phép tại mỏ của Công ty Trung Hậu 68; từ đó, Phùng Mỹ Luông khai thác và bán trái phép 197.112 m3 cát, thu lợi bất chính gần 20 tỷ đồng.
Phùng Mỹ Luông bị CQĐT Bộ Công an khởi tố, tạm giam về tội "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên" quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự.
Một cán bộ cấp cao của tỉnh An Giang liên quan đến vụ án này, là ông Trần Anh Thư - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Ông Thư bị khởi tố điều tra về tội Nhận hối lộ. CQĐT xác định, ông Thư đã chỉ đạo Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh (cũng là bị can trong vụ án) hỗ trợ, tạo điều kiện giúp đỡ cho Công ty cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 được cấp phép thăm dò, khai thác, nâng trữ lượng, công suất khai thác, bỏ qua những sai phạm trong quá trình khai thác tại mỏ cát Mỹ Hiệp & Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang.
Cá nhân ông Thư được nhận tiền và lợi ích vật chất từ Lê Quang Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 khoảng 1,2 tỷ đồng.
Trong "khối" doanh nghiệp, 1 bị can khác là Phạm Quốc Văn - Giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng thương mại Văn Anh. Ông Văn được cho là đã thỏa thuận, chi tiền cho Lê Quang Bình - Chủ tịch HĐTV, Tổng giám đốc Công ty Trung Hậu 68 để được phép khai thác, bán trái phép cát tại mỏ của Công ty Trung Hậu 68. Bước đầu xác định Văn bán trái phép 27.195 m3 cát, thu lợi bất chính gần 2,8 tỷ đồng.
Thông tin đầu tiên về vụ án được Bộ Công an cho biết, đó là trong các ngày 10 và 14-8-2023, CQĐT Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Đưa, nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; In, phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước" xảy ra tại Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 và các đơn vị có liên quan; khởi tố bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét với 18 đối tượng.
Sau thời gian điều tra xác minh làm rõ những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác, kinh doanh cát của Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 tại mỏ cát trên địa bàn xã Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang do Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang cấp phép khai thác, kết quả xác định:
Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 (trụ sở tại: Xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh), do Lê Quang Bình là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc; được UBND tỉnh An Giang cấp phép khai thác tổng khối lượng 1.531.200 mét khối cát để cung cấp cho 4 công trình: Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ; Tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên; Công trình đường kênh Long Điền A-B và Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông.
Lợi dụng Giấy phép khai thác khoáng sản được cấp, Lê Quang Bình đã chỉ đạo nhân viên và thuê các đối tượng liên quan tổ chức khai thác bước đầu xác định là 4.780.894 mét khối cát, vượt trữ lượng được cấp phép trên 3,2 triệu mét khối, có trị giá tạm tính khoảng 253 tỷ đồng, bỏ ngoài sổ sách không khai báo và nộp nghĩa vụ tài chính đối với số cát khai thác vượt giấy phép này.
Để tiêu thụ số cát khai thác trái phép thu lời bất chính, Lê Quang Bình cùng đồng phạm dùng thủ đoạn thông qua các Công ty trung gian do mình thành lập, quản lý mua hóa đơn đầu vào khống hợp thức nguồn gốc cát. Số tiền thu được, Bình sử dụng chi cho một số cán bộ cơ quan chức năng trong đó chi cho Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang.
Căn cứ tài liệu, chứng cứ đã thu thập, ngày 10 và 14/8/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự "Vi phạm quy định về thăm dò, khai thác tài nguyên; Đưa, nhận hối lộ; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; In, phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước" xảy ra tại Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 và các đơn vị có liên quan;
khởi tố bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét với 18 đối tượng về 5 tội danh, gồm: Khởi tố về tội "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên", quy định tại Điều 227 và tội "Đưa hối lộ" quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự, đối với 3 đối tượng: Lê Quang Bình, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc; Võ Truyền Thống, Phó Tổng Giám đốc; và Nguyễn Tấn Lịnh, Giám đốc điều hành mỏ Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68.
Khởi tố về tội "Vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên", quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự, đối với 6 đối tượng: Lê Trọng Hải, Phó Tổng Giám đốc; Hoàng Hải Thụy, Phó Tổng Giám đốc; Trần Anh Tuấn, Giám đốc Dự án và các nhân viên Công ty Cổ phần đầu tư Trung Hậu - Tổng 68 gồm: Nguyễn Minh Thơi, Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Đình Nhân.
Khởi tố về tội "In, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước" quy định tại Điều 203, Bộ luật hình sự, đối với Từ Quãng Xuân, Giám đốc Công ty Phước Xuyên.
Khởi tố về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thành công vụ" quy định tại Điều 356, Bộ luật hình sự, đối với 7 đối tượng: Huỳnh Văn Thái, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang; Trần Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang; các nhân viên Trung tâm Quan trắc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang gồm: Trương Minh Tâm, Thái Thành Quý, Lê Nhựt Trường, Nguyễn Văn Thọ; và Bùi Minh Tuân, lá Phó Giám đốc Công ty Nam Khang, Giám đốc Công ty Việt Khoa.
Khởi tố về tội "Nhận hối lộ" quy định tại Điều 354, Bộ luật hình sự đối với Nguyễn Việt Trí, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đang tập trung điều tra làm rõ tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của các bị can và đối tượng có liên quan để mở rộng điều tra, làm rõ bản chất vụ án, thu hồi triệt để tài sản cho Nhà nước.
Vận chuyển 8,4 tấn quần áo do nước ngoài sản xuất, đã qua sử dụng đi tiêu thụ 8,4 tấn quần áo các loại đã qua sử dụng, do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn, chứng từ hợp pháp kèm theo đang trên đường vận chuyển từ Bắc vào Nam tiêu thụ đã bị Đội QLTT số 1, Cục QLTT tỉnh Phú Yên phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Lô quần áo cũ được vận chuyển từ Bắc vào...