Cán bộ ‘bảo kê’ khiến tội phạm hoành hành
Nhận xét về công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, nhiều ý kiến cho rằng, tình trạng tiêu cực, bảo kê của một số cán bộ đã khiến tội phạm ngang nhiên hoành hành.
Ngày 17/9, đại diệ n TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao cùng Bộ Công an, Tư pháp đã trình bày báo cáo thực hiện nghị quyết 37 của Quốc hội (về công tác thi hành án, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2013).
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đánh giá, so với 2012, kết quả phát hiện, xử lý tội phạm chưa tương xứng với tình hình thực tế. Tội phạm tài chính ngân hàng chậm phát hiện, chưa có giải pháp ngăn chặn các hoạt động kiểu xã hội đen, tội phạm ma túy vẫn còn nhiều… Việc phát hiện sai phạm qua tự kiểm tra, thanh tra trong các cơ quan còn thấp.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện. Ảnh: Nguyễn Hưng.
Bên cạnh đó, việc cơ quan chức năng địa phương không phòng ngừa, thiếu quan tâm tới thực trạng trộm cắp trong dân nên dẫn đến nhiều trường hợp người dân tự phát xử lý, gây hậu quả đáng tiếc. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp thẳng thắn chỉ ra hàng loạt nguyên nhân liên quan tới con người, trong đó, “một bộ phận cán bộ có chức quyền có biểu hiện bảo kê, vụ lợi”.
Nhiều năm theo dõi tình hình an ninh, trật tự, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh Nguyễn Kim Khoa đề nghị nhìn nhận, đánh giá sâu hơn về tình trạng các băng nhóm tội pham ở ngay trung tâm đô thị lớn. “Đầu năm nay, ở TP HCM, nhiều băng cướp lộng hành ngang nhiên khiến Bộ Công an phải điều các lực lượng vào. Rồi các vụ bảo kê đánh bạc ở Bắc Ninh, Hòa Bình… hoặc một số vụ liên quan tới dân tộc, tôn giáo mà ở cơ sở thường không giải quyết được, dù cũng có đủ bộ máy”, ông Khoa nói.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì cho rằng, tình trạng bảo kê “thậm chí xảy ra ngay bên cạnh cơ quan chức năng” như: tụ điểm hoạt động mại dâm, ma túy, xây nhà trái phép cạnh trụ sở UBND, công an. Chỉ đến khi cơ quan cấp trên vào cuộc mới vỡ ra.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Luật: “Thời gian qua có hiện tượng Thủ tướng, Phó thủ tướng phải yêu cầu các địa phương báo cáo về các vụ việc nhiều quá. Tại sao khi có yêu cầu của lãnh đạo Chính phủ hay Bộ Công an vào cuộc thì nhân dân mới yên tâm, còn để ở địa phương xử lý thì cử tri cho là chìm xuồng, bao che? Cử tri đặt ra vấn đề tại sao lại như vậy và chúng tôi cho là phải làm rõ”.
Video đang HOT
Đại biểu Đỗ Văn Đương nêu “tình trạng không hành động và thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương”. Đơn cử, vụ chôn thuốc trừ sâu ở Thanh Hóa đáng lẽ có thể khởi tố bắt tạm giam giám đốc để điều tra “nhưng cứ dùng dằng mãi”. Còn đối với án tham nhũng được phát hiện, ông nhận xét, chủ yếu là tham nhũng vặt, hay các vụ án kinh tế không phải được phát hiện bởi công an mà lại qua kiểm toán, thanh tra.
“Trong một phận dân chúng nổi lên hiện tượng tự xử dẫn đến tự thiêu, cầm súng chống lại chính quyền”, ông Đương nói.
Còn theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, lực lượng công an bây giờ được trang bị hiện đại hơn, cán bộ được đào tạo cơ bản hơn, tướng nhiều hơn nhưng “niềm tin so với cách đây 10-20 năm thì giảm sút”. Ông đề nghị đổi mới phương thức hoạt động của lực lượng công an, tăng cường sự kết hợp của các ngành liên quan.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, dù các báo cáo đều nhận định đấu tranh chống tội phạm quyết liệt, có chuyển biến nhưng “thực tế không hề yên ổn”. “Nhiều tội ác vô cùng man rợ, vô cùng xuống cấp về đạo đức nhưng không phải lâu lâu mới có mà gần như liên tục. Ngay cả các lĩnh vực giáo dục, y tế rồi trong quan hệ gia đình, nhà trường, bạn bè đều có cả”, Chủ tịch Quốc hội nói. Theo ông, tội phạm năm 2013 có thể giảm về số lượng nhưng lại tăng về mức độ nghiêm trọng.
Sau khi ghi nhận các ý kiến, các báo cáo liên quan tới lĩnh vực này sẽ được hoàn thiện để trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm.
Theo thống kê, trong năm 2013, lực lượng công an đã triệt phá hàng nghìn băng nhóm xã hội đen, tổ chức đánh bạc; triển khai nhiều chính sách pháp luật phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật… Trong buổi thảo luận, nhiều đại biểu nhắc đến thực trạng trộm chó, người dân tự xử lý. “Tình trạng người dân tự xử lý khiến mạng người giờ không bằng mạng con chó. Thậm chí cha của người trộm chó tới cầu xin cũng không được”, ông Ksor Phước phát biểu. Ông cho rằng, hiện tượng người dân bất chấp luật ngoài vấn đề tuyên truyền, phổ biến pháp luật phải nói đến vai trò của cơ quan công quyền không cương quyết, thiếu công minh trong xử lý. Với việc người dân tự hành xử một cách công khai, chưa nói những vụ người ta chống người thi hành công vụ, vị Chủ tịch Hội đồng dân tộc lo ngại đây sẽ là những vụ việc gây phức tạp cho năm 2014.
Nguyễn Hưng
Theo VNE
Nhà vệ sinh tiền tỷ - rõ ràng tham nhũng, sao vẫn "ỉm" đi?
"Chuyện nhà vệ sinh tiền tỷ ở Quảng Ngãi, đơn giá thực tế rõ ràng thấp hơn nhiều. Vậy là tham nhũng chứ còn gì nhưng sao vụ việc như vậy nếu báo chí không vào cuộc cũng sẽ tiếp tục bị "ỉm" đi?" - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiến đặt câu hỏi.
Ngày 4/9, UB Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể thẩm tra để thẩm tra báo cáo giám sát "việc chấp hành pháp luật trong xử lý tội phạm về tham nhũng và chức vụ" năm nay.
Báo cáo giám sát tiếp tục nêu nhận định tình hình tham nhũng vẫn ở mức phổ biến, nghiêm trọng; tội phạm tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp; nhiều vụ việc chủ yếu chỉ được phát hiện và xử lý từ thông tin trên báo chí hoặc trong dư luận chứ không phải từ các cơ quan kiểm tra, thanh tra...
Không hài lòng với những thông tin, đánh giá đã thành "mô-típ", Phó Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga thắc mắc, thực chất, các vụ tham nhũng lớn đúng là khó để phát hiện vì "tội phạm ẩn", "có trình độ", "thủ đoạn tinh vi, phức tạp"... Nhưng rõ ràng các vụ tham nhũng vặt cũng... đầy đường, chỉ cần chú tâm quan sát hiện tượng, hành vi... ở một vài cơ quan hay giao tiếp với dân là sẽ dễ dàng thấy ngay. Bà Nga dẫn chứng hiện tượng phong bì lót tay trong bệnh viện, tiền "chung chi" cho CSGT... không khó để "mục sở thị".
Không khó để phát hiện tham nhũng vặt kiểu "chung chi" CSGT, phong bì lót tay trong bệnh viện (ảnh minh họa).
Đồng ý hướng đặt vấn đề này, ủy viên thường trực UB Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường rót thêm băn khoăn khi những vụ việc từ nhỏ đến lớn được phát hiện trong những năm qua chủ yếu là do báo chí, dư luận quan tâm, đấu tranh, phát giác. Các vụ việc tham nhũng do nội bộ mỗi cơ quan, đơn vị tự phát hiện hay cơ quan kiểm tra phanh phui rất ít.
"Nguyên nhân do nghiệp vụ phát hiện dấu hiệu tham nhũng có vấn đề, hay do bất cập ở khâu nào? Có sự nể nang nào ở đây không?" - ông Cường đặt câu hỏi.
Bức xúc nối tiếp với phát biểu của Phó Trưởng Đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Nguyễn Văn Hiến (ủy viên UB Tư pháp). Ông Hiến dẫn lại vụ nhà vệ sinh tiền tỷ ở Quảng Ngãi báo chí phản ánh trong kỳ họp Quốc hội đầu năm. Ông Hiến cho biết, sau khi đọc thông tin, ông đã hỏi lại những người bạn làm xây dựng về đơn giá xây dựng hiện tại và rõ ràng thực tế chi phí thực hiện công trình thấp hơn rất nhiều.
Ông Hiến day dứt: "Vậy thì xây nhà vệ sinh tiền tỷ là tham nhũng chứ còn gì nhưng sao vụ việc như vậy nếu báo chí không vào cuộc cũng sẽ tiếp tục bị "ỉm" đi?".
Tiếp tục những nội dung "nhay đi nhay lại", báo cáo giám sát cũng nhấn mạnh, tình trạng nương nhẹ khi xử lý tội phạm tham nhũng. Khi xử án tham nhũng, tòa án vẫn cho bị cáo phạm các tội về kinh tế, chức vụ hưởng mức hình phạt thấp hơn khung hình phạt truy tố. Việc áp dụng nhiều lần các tình tiết giảm nhẹ cũng khiến số bị cáo được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ đang chiếm tỷ lệ cao. Nhiều nơi, việc tuyên án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt chiếm tới 80%, thậm chí có nơi chiếm tỷ lệ cao đến 100%.
Báo cáo giám sát cũng chỉ rõ tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung với các vụ án tham nhũng, chức vụ còn nhiều. Có những vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần mà vẫn chưa thống nhất được tội danh, hình phạt, đường lối xử lý, làm kéo dài thêm quá trình giải quyết. Một số vụ sau khi trả hồ sơ điều tra bổ sung thường được chuyển sang tội danh khác có khung hình phạt nhẹ hơn, hoặc thậm chí là miễn trách nhiệm hình sự, gây bức xúc trong nhân dân.
Cơ quan giám sát cho rằng, đây là biểu hiện của việc xét xử chưa nghiêm minh, chưa phúc đáp được yêu cầu của nhiệm vụ chính trị là phải xử lý thật nghiêm minh với loại tội phạm này... Nhất là trong tình hình tham nhũng đang rất nghiêm trọng, phức tạp như hiện nay.
Ngoài ra, báo cáo cũng đề cập việc có nhiều vụ tuy đủ căn cứ để khởi tố, xử lý hình sự nhưng kết cục vẫn chỉ xử lý kỷ luật hành chính. Đây là dấu hiệu của việc bỏ lọt tội phạm.
Góp ý kiến thêm, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường kể lại, đi giám sát dưới địa phương vừa rồi mới phát hiện ra có những tỉnh như Ninh Bình, 2 năm xử được 9 bị cáo về tội tham nhũng thì 8 người được hưởng án treo. Nhiều vụ tương đối nghiêm trọng song tòa án vẫn vận dụng nhiều tình tiết giảm nhẹ như nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự... để làm cơ sở để cho những người phạm tội được hưởng án treo.
Phó Chủ nhiệm Lê Thị Nga cung cấp thêm số liệu có những tỉnh trong 2 năm xử 3 vụ tham nhũng, và 2 trong số đó là... treo.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cũng bày tỏ bức xúc vì nếu không phải án treo thì các hình thức xử phạt khác cũng tương đối nhẹ nhàng, có phần nương tay. Ông Học chỉ rõ, nhiều vụ việc chỉ xử lý hành chính hoặc nếu có chuyển sang hình sự thì cách xử lý cũng rất nhẹ.
Ngoài ra, ông Học cũng phàn nàn tình trạng "hễ đụng đến án tham nhũng là hồ sơ trả qua, trả lại, có chuyện nể nang, né tránh". Nhiều vụ việc, theo ông Học, diễn biến theo kiểu "đầu khủng long, đuôi... thạch sùng", ban đầu nghiêm trọng, phức tạp mà rồi khi xử lý lại thành đơn giản, nhẹ nhàng.
Báo cáo giám sát thường niên này sẽ được tiếp tục hoàn thiện, trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến vào kỳ họp tới.
P.Thảo
Theo Dantri
Giả xe ôm giăng bẫy hiếp dâm "gái lạc" rồi cướp Thấy chị M. tìm xe ôm, Tâm gọi điện thoại cho đồng bọn thông báo có "gái lạc". Lập tức 3 tên "yêu râu xanh" lập kế hoạch lừa nạn nhân rồi thay nhau làm hại. Các đối tượng giả xe ôm chở nạn nhân đến khu vực vằng người thay nhau thực hiện hành vi đồi bại (Ảnh minh họa) Ngày 15/9,...