Cần bình đẳng trong kinh doanh vàng
Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cần sửa đổi, bổ sung các điều kiện kinh doanh vàng hợp lý, bình đẳng, từng bước trả lại thị trường vàng cho doanh nghiệp.
Ngày 6-12, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA) cho biết đã hoàn tất dự thảo văn bản góp ý nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, tiếp tục hoàn thiện và sẽ gửi văn bản góp ý đến Ngân hàng Nhà nước ( NHNN) trong vài ngày tới.
Nên giao cho đơn vị độc lập
Dự thảo nghị định mới quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng. Theo VGTA, NHNN là cơ quan quản lý, không có chức năng kinh doanh. Với vị thế độc quyền sản xuất, liệu NHNN có bán vàng miếng ra thị trường hay cất giữ trong kho? Giả sử, NHNN bán ra thì sẽ thực hiện theo kênh phân phối nào, giá nào và ai được mua vàng miếng? Nếu chỉ có một số doanh nghiệp (DN) từng được phép mua vàng miếng tại các phiên đấu thầu vào năm 2013 thì thị trường tiếp tục tình trạng thiếu bình đẳng giữa các đơn vị kinh doanh vàng miếng. Mặt khác, khi NHNN bán vàng, tức cơ quan này trở thành một đơn vị kinh doanh, không phù hợp với quy định pháp luật.
Nếu có chính sách hợp lý, nguồn vàng trong dân sẽ được chuyển hóa thành vốn cho phát triển kinh tế Ảnh: TẤN THẠNH
Vì thế, VGTA đánh giá dự thảo nghị định quy định NHNN độc quyền sản xuất vàng miếng là chưa đủ. Bởi lẽ, trên thế giới, không có NH trung ương nào sản xuất và bán vàng miếng ra thị trường mà thường giao cho một tổ chức độc lập thực hiện. Do đó, để hợp lý hóa độc quyền sản xuất vàng miếng, NHNN cần bổ sung điều khoản sản xuất, phân phối vàng miếng do một đơn vị độc lập, thay mặt NHNN thực hiện và bất cứ DN nào được phép kinh doanh vàng miếng cũng được quyền giao dịch với đơn vị này.
Phân biệt huy động – vay mượn
Theo LS-TS Bùi Quang Tín (Đoàn Luật sư TP HCM), dự thảo nghị định quy định NHNN độc quyền huy động vàng có thể làm cho nhiều người hiểu rằng DN (không phải là NH) vay mượn vàng của người dân cũng là hình thức huy động vàng. Ông Tín cho biết huy động vàng có nhiều hình thức, trong đó có vay mượn. Tuy nhiên, không thể đánh đồng việc huy động vàng với việc DN vay mượn vàng vì đối tượng huy động vàng mà nghị định quy định là NHNN. Còn việc DN vay mượn vàng của người dân là quan hệ dân sự mà Luật DN và Luật Dân sự cho phép, không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị định quản lý kinh doanh vàng.
VGTA cho rằng trên thực tế, DN có vay vàng của người dân để chuyển hóa thành vốn sản xuất – kinh doanh và kiến nghị NHNN cần phân biệt khái niệm huy động và vay mượn vàng để bổ sung vào nghị định mới, nếu không sẽ vô tình đẩy DN vay mượn vàng vào tình thế phạm luật. Còn việc NHNN độc quyền huy động vàng với mục đích chuyển đổi thành vốn đầu tư để phát triển kinh tế – xã hội thì VGTA cho là hợp lý, vì chỉ có nhà nước đứng ra làm việc này người dân mới tin tưởng “chọn mặt gửi vàng”.
Một vấn đề mà cơ quan quản lý thị trường luôn quan ngại là DN vay mượn vàng từ người dân rồi bán để có vốn sản xuất – kinh doanh và nếu chẳng may, giá vàng tăng mạnh như giai đoạn 2011-2012, buộc DN phải mua vàng để trả lại, có thể dẫn đến tình trạng đổ xô mua vàng, ảnh hưởng không tốt đến đến tỉ giá VNĐ/USD, điều hành tiền tệ, tác động tiêu cực đến kinh tế vĩ mô.
Video đang HOT
Thế nhưng, số liệu của VTGA cho thấy giai đoạn 2006-2012, tổng số vàng mà các NH thương mại huy động khoảng 35-40 tấn. Đến năm 2011, NHNN đưa ra lộ trình chấm dứt huy động vàng, đồng thời giá vàng trong và ngoài nước tăng cao khiến hàng loạt NH đổ xô mua vàng để trả lại cho người dân, làm dấy lên làn sóng giá vàng, buộc NHNH phải nhập khẩu vàng để sản xuất vàng miếng can thiệp thị trường, ảnh hưởng đến tỉ giá hối đoái. Riêng 2 năm gần đây, VTGA thống kê số vàng mà DN vay mượn của người khác để làm nguyên liệu sản xuất nữ trang là 750 kg. Từ đó, VTGA cho rằng nếu hằng năm, DN vay mượn vàng người dân vài trăm kg và chẳng may giá vàng tăng, phải mua lại để trả bên cho mượn cũng không đủ lực làm cho người dân “cuốn theo chiều gió” mua vàng.
Cần sửa điều kiện kinh doanh
Theo ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP HCM, nghị định mới quy định NHNN độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu, đồng nghĩa sẽ không có DN nào được phép nhập khẩu loại vàng này. Trong khi đó, nhiều năm qua, DN không biết mua vàng nguyên liệu ở đâu để sản xuất nữ trang, buộc phải mua vàng trôi nổi với giá cao, vô tình tạo điều kiện cho nhập lậu vàng, ảnh hưởng đến mục tiêu ổn định tỉ giá.
Một thành viên VTGA nhận định thời điểm tháng 8-2016, giá vàng thế giới lên 1.380 USD/ounce, cao hơn giá vàng trong nước 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/lượng và kéo dài gần 1 tháng. Thế nhưng, do DN kinh doanh vàng miếng không được phép xuất khẩu nên vàng miếng SJC bị xuất lậu sang các nước lân cận. Còn các DN sản xuất nữ trang tranh thủ thời điểm giá vàng thế giới cao xuất khẩu sản phẩm. Do đó, VTGA khuyến nghị NHNN sớm sửa đổi điều kiện xuất nhập khẩu vàng sao cho phù hợp với diễn biến của thị trường để các DN sản xuất nữ trang thuận lợi trong việc mua nguyên liệu và xuất khẩu sản phẩm.
Một vấn đề khác được VTGA quan tâm là dự thảo nghị định không có điều khoản nào sửa đổi về điều kiện kinh doanh vàng miếng. Hiện nay, theo Nghị định 24, DN có vốn 100 tỉ đồng, nộp thuế 3 năm liên tiếp 500 triệu đồng/năm, mạng lưới hoạt động có 3 chi nhánh hoặc cửa hàng tại các tỉnh, thành phố mới được NHNN cấp phép kinh doanh vàng miếng. Tuy nhiên, khi DN muốn mở thêm điểm kinh doanh vàng miếng thì phải tiếp tục xin phép NHNN là không hợp lý. VTGA cho rằng NHNN đã tạo ra giấy phép con về kinh doanh vàng miếng mà hệ quả của nó là vô tình loại bỏ một số DN kinh doanh vàng miếng khi họ tham gia mở rộng thị trường, người dân thì gặp bất tiện khi giao dịch vàng miếng.
Trong khi đó, nhà nước đang kêu gọi hỗ trợ DN nhỏ, tạo điều kiện bình đẳng trong kinh doanh. Vì thế, VTGA đề xuất cơ quan quản lý bổ sung vào nghị định mới các điều kiện kinh doanh vàng miếng theo hướng giảm thiểu tiêu chí về vốn, mạng lưới…, bỏ giấy phép con, từng bước trả lại thị trường vàng miếng cho DN.
Nên đa dạng hình thức huy động
Theo GS-TS Trần Ngọc Thơ, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, yếu tố quan trọng để chuyển hóa số vàng đang tồn trong dân thành vốn sản xuất – kinh doanh là cần duy trì ổn định kinh tế, giữ vững giá trị VNĐ. Khi đó, tự khắc người dân nhận thức việc nắm giữ vàng sẽ bất lợi.
Tuy nhiên, không ít chuyên gia kinh tế đưa ra ý tưởng nhà nước kêu gọi người dân góp vàng vào các dự án hạ tầng giao thông, bệnh viện, trường học… theo hình thức công tư hợp doanh với tỉ lệ phân chia lợi nhuận hợp lý.
Theo Thy Thơ
Lại kiến nghị thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia
Theo Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, NHNN cần nghiên cứu trình Chính phủ cho thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia vào thời điểm thích hợp để góp phần giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, giảm bớt tình trạng buôn lậu vàng.
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam vừa gửi công văn do ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội báo cáo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ý kiến của Hiệp hội về đánh giá, tổng kết Nghị định 24/NĐ-CP.
Theo đánh giá của Hiệp hội, từ khi Nghị định 24 của Chính phủ và các Thông tư 16, 38 của NHNN có hiệu lực đến nay, thì công tác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh vàng của NHNN đã đạt được kết quả tích cực, góp phần ổn định thị trường vàng trong nước.
Theo đó, thị trường vàng trong nước đã được tổ chức, sắp xếp lại một cách chặt chẽ; không còn những cơn sốt giá vàng miếng như trước đây; đã ngăn chặn được ảnh hưởng của biến động giá vàng đến ổn định kinh tế vĩ mô; vai trò quản lý Nhà nước đối với thị trường vàng được nâng cao; ngăn chặn được tình trạng vàng hóa trong nền kinh tế; vàng miếng không còn được sử dụng làm phương tiện thanh toán.
Đặc biệt, NHNN đã không cho phép các NHTM huy động, cho vay vàng, không cho phép sử dụng vàng làm tài sản có và đưa vào Bảng cân đối tài sản của các NHTM nên đã tạo điều kiện cho thị trường vàng phát triển ổn định và không bị chi phối, điều tiết bởi các nhà tạo lập thị trường là các NHTM...
Theo Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, NHNN cần nghiên cứu trình Chính phủ cho thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia vào thời điểm thích hợp (ảnh minh họa).
Tuy nhiên, nó cũng tạo ra những bất cập và hệ lụy như: Doanh nghiệp chịu nhiều tốn kém, rủi ro và khó khăn cho doanh nghiệp khi chuyển đổi các loại vàng miếng khác sang vàng miếng SJC; Làm gia tăng sự chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế; Tạo ra sự bất cập, rủi ro về chất lượng và pháp lý cho người dân; Tạo giấy phép con cho các doanh nghiệp...
"Do thời điểm năm 2012 thị trường vàng Việt Nam có nhiều bất ổn, tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường, tạo ra các cơn sốt giá vàng thường xuyên xảy ra, nên Nghị định 24 được ban hành vào thời điểm đó là phù hợp và đã phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay sau gần 5 năm, thị trường vàng Việt Nam đã cơ bản ổn định và một số đạo luật mới về đầu tư, kinh doanh đã được ban hành, thì một số quy định tại Nghị định 24 hiện không còn phù hợp với tình hình hiện nay", Chủ tịch Hiệp hội cho hay.
Do đó, theo ông Long, việc nghiên cứu sửa đổi Nghị định 24 là rất cần thiết để tạo điều kiện thị trường vàng Việt Nam phát triển bền vững và ổn định theo định hướng của Chính phủ và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trên cơ sở tổng kết, đánh giá Nghị định 24 và những văn bản hướng dẫn có liên quan, Hiệp hội đề nghị Thống đốc NHNN cần trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 24 với tầm nhìn chiến lược dài hạn, tổng thể để phát triển thị trường vàng Việt Nam theo hướng hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo quy định của Luật đầu tư 2014, hiện chỉ có 03 ngành nghề kinh doanh vàng có điều kiện, bao gồm: "Kinh doanh mua, bán vàng miếng", "Sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng", "Sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ". Do đó, Hiệp hội đề nghị bãi bỏ quy định cấp giấy phép đối với các hoạt động sau:
Thứ nhất, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ; tạm nhập khẩu vàng nguyên liệu để gia công vàng trang sức, mỹ nghệ để tái xuất khẩu.
Thứ hai, nhập khẩu vàng nguyên liệu đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.
Thứ ba, đối với việc đăng ký bổ sung địa điểm kinh doanh vàng miếng và thay đổi địa điểm kinh doanh vàng miếng, thì doanh nghiệp chỉ cần thông báo cho NHNN là phù hợp, nhằm tránh tạo ra giấy phép con không cần thiết, gây tốn kém về thời gian, chi phí và mất cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp.
Thứ tư, cần làm rõ các hoạt động kinh doanh vàng thuộc "hoạt động kinh doanh vàng khác" nhằm tránh tạo ra kẽ hở và tạo ra cơ chế xin cho không cần thiết.
Thứ năm, hiện nay thị trường vàng Việt Nam đã cơ bản ổn định nên kính đề nghị NHNN nghiên cứu trình Chính phủ cho thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia vào thời điểm thích hợp để góp phần giảm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế, giảm bớt tình trạng buôn lậu vàng; đồng thời góp phần huy động vàng trong dân để đầu tư phát triển kinh tế của đất nước.
Thứ sáu, về quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ, cần quy định quản lý cả hoạt động sản xuất và lưu thông sản phẩm trên thị trường.
Thứ bảy, Sửa đổi Thông tư số 33/2011/TT-NHNN ngày 8/10/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 13/2010/TT-NHNN ngày 20/5/2010 quy định các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng để cho phép các doanh nghiệp kinh doanh vàng được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Thứ tám, đề nghị NHNN tổ chức buổi Tọa đàm với Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam và các doanh nghiệp kinh doanh vàng để có những đánh giá cụ thể hơn về những quy định của Nghị định 24 và các văn bản pháp luật có liên quan, cũng như quá trình áp dụng các văn bản pháp lý này trong thời gian qua để trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 24 cho phù hợp với tình hình hiện nay và thông lệ quốc tế.
An Hạ
Theo Dantri
Bán vàng kém chất lượng: Phạt ai? Nhiều tiệm vàng lúng túng khi thực hiện các quy định về kinh doanh vàng. Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đang đẩy mạnh cuộc thanh tra liên ngành về sản xuất, kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ (vàng nhẫn, dây chuyền, lắc tay, kiềng...) trên cả nước. Tính đến tháng 9/2016, trên cả nước có 43 tỉnh, thành đã thanh...