Căn bệnh người Việt mắc nhiều nhất châu Á
Với tần suất sử dụng thuốc lá và ô nhiễm môi trường cao, Việt Nam có số người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cao nhất trong các nước châu Á – Thái Bình Dương.
Đó là nhận định của giáo sư, bác sĩ Trần Văn Ngọc, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ tịch Hội hô hấp TP.HCM. Bác sĩ Ngọc cho biết tỷ lệ mắc bệnh này tại Việt Nam hiện tăng nhanh.
Gánh nặng COPD
Giáo sư Ngọc dẫn ra một thống kê năm 2008 cho thấy cả nước có 6,7% dân số mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Đến năm 2015, con số này tăng lên 9,4%.
COPD là tên của nhóm các bệnh phổi bao gồm: Viêm phế quản mạn, khí phế thủng. Các triệu chứng điển hình của bệnh là khó thở khi gắng sức, ho khạc đàm dai dẳng và thường xuyên nhiễm trùng phổi. Trước đây, COPD chủ yếu gặp ở nam giới, nhưng ngày nay, tỷ lệ mắc bệnh ở cả hai giới gần tương đương nhau do nữ hút thuốc lá gia tăng.
Tại Việt Nam, khảo sát tại 10 tỉnh, thành phố cho thấy số lượng người dưới 16 tuổi mắc COPD là 4,1%. Trong số bệnh nhân mắc COPD, 29% đang dùng thuốc ngừa cơn liên tục. Số người được ghi nhận chưa bao giờ dùng thuốc ngừa cơn là 58%.
“Các đợt kịch phát COPD tạo ra gánh nặng rất lớn cho cả bệnh nhân, gia đình và cơ sở y tế”, bác sĩ Ngọc nhận định.
Người đàn ông mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính phụ thuộc máy thở vì bị teo cơ hô hấp. Ảnh: BSCC.
Đối với bệnh nhân mắc COPD thể nhẹ, đợt điều trị trung bình 7 ngày sẽ tiêu tốn khoảng 416.000 đồng. Đợt ngoại trú trong một tuần, người bệnh mất chi phí khoảng 1,8 triệu đồng. Tuy nhiên, ở thể nặng hơn, với bệnh nhân điều trị nội trú, con số này tăng lên 17 triệu đồng/tuần. Với người mắc COPD tình trạng nặng, chi phí khám, chữa bệnh lên tới 90 triệu đồng/15 ngày.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, một bệnh nhân mắc COPD có thời gian điều trị trung bình là 9,6 ngày, tổng chi phí khoảng 5,5 triệu đồng.
Video đang HOT
Theo ước tính của WHO, khoảng 65 triệu người trên thế giới có triệu chứng COPD từ mức độ trung bình đến nặng.
Năm 2002, COPD là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 5. Các chuyên gia dự đoán đến 2030, vị trí này có thể lên hàng thứ 3 trên toàn thế giới. Tỷ lệ tử vong do COPD dự đoán sẽ tăng hơn 30% trong 10 năm tới. Tỷ lệ này chỉ giảm khi người dân có những hành động khẩn cấp nhằm ngăn chặn yếu tố nguy cơ.
Giáo sư, bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng TP.HCM, cho biết tác nhân chính gây bệnh COPD là hút thuốc lá.
Nguyên nhân là khói thuốc kích thích và gây viêm tại phổi, hình thành nên các xơ sẹo. Qua nhiều năm, tình trạng viêm đưa đến các thay đổi vĩnh viễn ở phổi, gây nên các triệu chứng khó thở, ho và khạc đàm trong bệnh cảnh COPD. Khói, bụi, ô nhiễm không khí và các rối loạn gene cũng có thể dẫn đến COPD nhưng hiếm gặp.
Tỷ lệ người hút thuốc lá ở Việt Nam ở mức cao, khoảng 47,6%. Kết hợp yếu tố ô nhiễm môi trường, COPD trở thành gánh nặng lớn trong số các bệnh lý đường hô hấp.
“Mua thuốc không kê đơn là tự hại chết chính mình”
Giáo sư Lan cho biết điều đáng lo ngại nhất đối với sức khỏe người Việt là thói quen tự mua thuốc khi cảm thấy không khỏe, đặc biệt là có triệu chứng của COPD. Thậm chí, nhiều người mua các thuốc khác nhau ở nhiều cửa hàng, bấp chấp bệnh nặng hay nhẹ. Điều này vô tình khiến bệnh không được chẩn đoán sớm.
Số bệnh nhân mắc COPD tại Việt Nam tăng cao do tỷ lệ hút thuốc lá cao. Ảnh: Einstein.
“Những người mắc COPD thường dùng thuốc mua ở tiệm để cắt cơn. Tuy nhiên, chúng ta phải ngừa cơn chứ không đợi lên cơn rồi mới mua thuốc để cắt. Việc tự ý mua thuốc điều trị không đúng chỉ định như vô tình tự hại chết chính mình”, giáo sư Lan nói.
Ngoài ra, Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng và Miễn dịch lâm sàng TP.HCM lo lắng về tình trạng nhờn thuốc khi tự ý điều trị. Khi đó, người bệnh không còn thuốc để cấp cứu trong trường hợp cần thiết, việc chữa trị của nhân viên y tế gặp nhiều khó khăn hơn.
Theo giáo sư Lan, giải pháp cho vấn đề này không chỉ nằm ở việc giáo dục kiến thức cho người dân mà còn phổ biến đến cả người bán thuốc.
“Tôi biết những dược sĩ rất có tâm, khuyên người mua tìm bác sĩ điều trị. Nhưng cũng không ít người vì lợi nhuận mà bán bất chấp dù biết tình trạng bệnh nhân không thể điều trị bằng thuốc tự kê. Thói quen mua các loại thuốc không phải do bác sĩ chỉ định cực kỳ nguy hại”, giáo sư Lan lo lắng.
Chuyên gia đầu ngành về bệnh lý hô hấp này cũng cảnh báo thêm về tác hại khôn lường của các loại thuốc cắt cơn tạm thời có chứa corticoid.
Bà cho biết thời điểm đầu, các loại này sẽ có tác dụng như “thuốc tiên” vì giúp giảm triệu chứng tức thì. Lâu dài, người bệnh sẽ lệ thuộc hoàn toàn và lập tức lên cơn nếu ngưng thuốc.
Bệnh nhân COPD dùng thuốc chứa corticoid, về lâu dài sẽ có dấu hiệu mặt và các chi trông mập hơn do cơ thể giữ nước, teo cơ, da mỏng, nổi mụn, giảm đề kháng giảm. Khi đó, bệnh nhân dễ mắc lao phổi nhiễm trùng, loãng xương, tiểu đường, cườm mặ, thậm chí ảnh hưởng tâm thần.
Để giảm nhẹ các ảnh hưởng COPD, mỗi người bệnh cần tự biết cách chăm sóc bản thân và nhận sự hỗ trợ từ nhân viên y tế. Khi đó, người bệnh có thể sống lâu hơn, giảm đau, ít lo lắng, chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Đối phó với suy dinh dưỡng ở bệnh nhân phổi tắc nghẽn mạn tính
Bên cạnh các rối loạn về hô hấp, bệnh nhân mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) thường biểu hiện một số rối loạn khác như lo âu, trầm cảm, suy dinh dưỡng...
Người ta nhận thấy khi bệnh COPD càng diễn tiến đến những giai đoạn nặng thì người bệnh càng dễ bị suy dinh dưỡng hơn.
Người bệnh COPD dễ bị suy dinh dưỡng, vì sao?
Suy dinh dưỡng (SDD) là tình trạng khá phổ biến ở bệnh nhân COPD. Nguyên nhân do có sự mất cân bằng giữa cung cấp năng lượng và nhu cầu tiêu hao năng lượng. Người bệnh COPD phải tiêu hao nhiều năng lượng hơn người bình thường vì phải tăng cường hoạt động hô hấp chống lại sự tắc nghẽn phế quản và tình trạng ứ khí trong lồng ngực.
Khi đó, các cơ hô hấp phải hoạt động nhiều hơn, nhịp thở phải tăng nhanh hơn và vì vậy năng lượng cần thiết để thực hiện động tác hô hấp cũng phải tăng nhiều hơn. Mặc dù nhu cầu năng lượng tăng cao nhưng người bệnh COPD lại ăn uống kém vì: Tình trạng ứ khí trong lồng ngực làm cho lồng ngực căng phồng quá mức và ép vào dạ dày làm cho người bệnh rất dễ mệt khi ăn no.
Nhiều người bệnh khó thở nhiều hơn trong khi ăn, vì khi nuốt, người bệnh thường phải ngưng thở trong vài giây. Ở người bình thường, việc ngưng thở ngắn khi nuốt thường không ảnh hưởng gì nhưng ở người bệnh COPD sẽ bị mệt khi ăn và vì vậy thường ăn ít. Hơn nữa, do người bệnh ít đi lại, ít vận động để tránh khó thở nên ít thèm ăn.
Nhiều người bệnh thường xuyên lo lắng quá mức về bệnh tật dẫn đến rối loạn tiêu hóa, thậm chí bị loét dạ dày, ảnh hưởng nhiều đến ăn uống. Do cán cân năng lượng ở bệnh nhân COPD bị mất cân bằng nghiêm trọng nên dễ dẫn đến SDD.
Người bệnh COPD nên bổ sung hoa quả tươi, rau xanh.
Suy dinh dưỡng tác động xấu đến bệnh COPD
SDD làm cho bệnh COPD nặng thêm bởi: SDD làm cho các bắp cơ toàn thân trong đó có cơ hô hấp bị mỏng đi, bị yếu đi không đảm đương nổi hoạt động hô hấp. Các bắp cơ hô hấp rất yếu và dễ mỏi mệt còn phải gắng sức lâu dài để đối phó với tình trạng tắc nghẽn phế quản sẽ trở nên quá tải và người bệnh sẽ khó thở nhiều hơn.
SDD thường hay kèm theo thiếu các chất khoáng cần thiết cho cơ thể và cơ bắp như canxi, magie, phốt pho... nên các bắp cơ thường bị yếu. SDD làm giảm sức đề kháng và cơ thể rất dễ bị nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng hô hấp. Đây chính là một trong những nguyên nhân thường gặp của đợt cấp bệnh COPD.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh COPD
Để hạn chế tình trạng SDD ở bệnh nhân COPD, chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân cần được quan tâm chặt chẽ. Nhu cầu năng lượng tối thiểu hằng ngày cho các bệnh nhân COPD là 40-45 kcalo/kg trọng lượng cơ thể. Năng lượng được cung cấp chủ yếu từ 3 nguồn: chất bột, đạm và chất béo theo tỉ lệ: 50%:15%:35% một ngày.
Hạn chế thực phẩm không có giá trị dinh dưỡng như rượu, bia, cà phê. Ăn 2-4 chén cơm một ngày, ăn đủ đạm, chất béo, việc sử dụng nhiều tinh bột có thể làm tăng CO 2 trong máu. Các chất béo có nguồn gốc từ cá, dầu thực vật có lợi cho bệnh nhân do cung cấp năng lượng cao.
Tăng cường bổ sung các loại vitamin, omega-3, các yếu tố vi lượng như các loại rau, củ, quả, đặc biệt là các thực phẩm có chứa nhiều vitamin A, C, E. Các vitamin này có tác dụng giảm các gốc ôxy hóa do khói thuốc lá và quá trình viêm mạn tính của bệnh tạo ra. Ăn nhiều hoa quả tươi, rau xanh - là những thực phẩm giàu chất xơ giúp quá trình tiêu hóa tốt hơn, hạn chế hấp thu cholesterol.
Ngoài ra, để tăng sức cơ hô hấp (cơ hoành, cơ liên sườn), cần ăn thực phẩm giàu phốt pho, canxi, kali, magiesium như: sữa, hải sản, các loai hạt như đậu phộng, hạt điều, rau má. Không nên ăn các thực phẩm có nhiều muối (đồ hộp, đồ biển, đồ khô, các thực phẩm muối sẵn...).
Người bệnh nên uống trung bình khoảng 2-3 lít nước/ngày để hạn chế táo bón, giúp làm loãng đờm, tạo điều kiện cho ho khạc đờm dễ dàng. Nên ăn chậm, ăn từng miếng nhỏ, chọn thực phẩm mềm, dễ nhai. Nếu khó thở do trướng bụng, mệt, nên ăn 5-6 bữa nhỏ trong ngày, ăn ở tư thế ngồi.
Các bệnh hô hấp khi giao mùa hè - thu phổ biến ai cũng có nguy cơ mắc phải nếu không cẩn thận! Thời tiết giao mùa hè - thu thường có sự thay đổi lớn về độ ẩm và nhiệt độ. Buổi sáng- tối và buổi trưa có sự chênh lệch lớn về nhiệt độ nên có thể gây ra nhiều bệnh hô hấp khi giao mùa, nhất là với những người có sức đề kháng yếu. Có thể không kịp thích ứng, hệ miễn...