Campuchia phạt nặng trường hợp vi phạm quy định phòng dịch
Ngày 15/3, hàng loạt tỉnh tại Campuchia đã áp đặt biện pháp hạn chế đi lại trên các tuyến quốc lộ và tỉnh lộ, đặc biệt ở những khu vực giáp ranh giữa các tỉnh.
Trong khi đó, những quy định mới về đeo khẩu trang và thực hiện giãn cách xã hội tại các địa điểm do Bộ Y tế Campuchia chỉ định được áp dụng triệt để kèm theo các mức phạt rất nặng những đối tượng vi phạm.
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, chính quyền các tỉnh như Tbong Khmum và Siem Reap đã thiết lập các chốt kiểm soát để kiểm tra, truy vết những trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 liên quan đến “sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2″. Những trường hợp không trong diện nghi vấn sẽ được kiểm tra sức khỏe và qua lại bình thường. Việc áp dụng hạn chế đi lại được thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ Campuchia.
Tại Tbong Khmum, chính quyền tỉnh yêu cầu người dân đến từ Phnom Penh và những điểm nóng của dịch COVID-19 thực hiện cách ly trong 14 ngày. Trong khi đó, tại tỉnh Siem Reap, chính quyền đã chỉ đạo lực lượng chức năng thành lập chốt kiểm soát trên đường thủy và 6 trục đường bộ chính dẫn vào tỉnh này để phòng nguy cơ lây nhiễm. Với những người đến từ những tỉnh, thành có nguy cơ cao như Phnom Penh, Prey Veng và Preah Sihanouk, tỉnh Siem Reap yêu cầu thực hiện cách ly và xét nghiệm.
Phát biểu với báo giới ngày 14/3, người phát ngôn Bộ Nội vụ Campuchia – Tướng Khieu Sopheak, cho biết các tỉnh được tự áp dụng biện pháp phòng dịch riêng, tùy thuộc tình hình và những khó khăn ở địa phương.
Theo nghị định do Thủ tướng Hun Sen ký ngày 12/3 về hướng dẫn thi hành Luật phòng chống dịch COVID-19 và bệnh truyền nhiễm, những trường hợp không tuân thủ quy định về đeo khẩu trang và giãn cách xã hội có thể bị phạt từ 50 USD đến 250 USD. Trường hợp chủ doanh nghiệp, mức phạt được áp dụng nặng hơn ở mức từ 100 USD đến 1.250 USD.
Sáng 15/3, Bộ Y tế Campuchia công bố thêm 20 ca mắc mới COVID-19. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia là 1.325 ca, trong đó có 1 ca tử vong.
* Ngày 14/3, một khách sạn được sử dụng làm nơi cách ly ở bang Queensland của Australia đã bị phong tỏa sau khi kết quả giải trình tự gene cho thấy nguy cơ lây lan dịch COVID-19 từ những người trở về từ nước ngoài.
Tuần trước, một bác sĩ ở Queensland đã có kết quả xét nghiệm dương tính với biến thể virus SARS-CoV-2 từ Anh sau khi điều trị cho hai bệnh nhân nhập viện trong thời gian cách ly tại khách sạn trên. Một người khác cách ly tại khách sạn trên cũng có kết quả dương tính với biến thể này.
Video đang HOT
Giới chức y tế bang Queensland cho biết kết quả giải trình tự gene đã cho thấy khả năng lây lan dịch COVID-19 tại khách sạn. Hiện tất cả nhân viên khách sạn đã được xét nghiệm và cho kết quả âm tính.
Trong ngày 15/3, bang Queensland ghi nhận 6 ca mắc mới COVID-19 là trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, song không có trường hợp nào ở khách sạn nói trên.
Tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới ngày 14/3
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30 phút ngày 14/3 (giờ Việt Nam), trên thế giới có tổng cộng 120.156.687 ca mắc COVID-19 và 2.661.393 ca tử vong. Số ca được điều trị khỏi là 96.682.605 ca.
Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới với 30.043.662 ca mắc và 546.605 ca tử vong. Xếp sau Mỹ là Brazil với 11.439.250 ca mắc và 277.216 ca tử vong và Ấn Độ với 11.359.048 ca mắc và 158.642 ca tử vong.
Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở Brasilia, Brazil, ngày 11/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Trong 24 giờ qua, trên toàn thế giới có thêm 102.375 ca mắc mới, trong đó phần lớn là các nước châu Âu (64.069 ca). Ba Lan là nước có số ca nhiễm mới cao nhất tại châu Âu trong ngày 14/3, với 17.259 trường hợp. Hiện tổng số ca mắc và tử vong tại nước này lần lượt là 1.906.632 và 47.178 trường hợp.
Cùng ngày, Nga thông báo ghi nhận thêm 10.083 ca mắc COVID-19. Đây là lần đầu tiên số ca mắc mới trong ngày tại Nga vượt hơn 10.000 người kể từ ngày 8/3. Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 395 ca tử vong. Như vậy, tính đến nay, nước này có tới hơn 4,39 triệu ca nhiễm, trong đó có 92.090 ca không qua khỏi.
Đáng chú ý, với 1.905 ca nhiễm mới, số ca nhiễm tại thủ đô Moskva của Nga đã vượt 1 triệu ca, lên mức 1.000.394 ca. Tuy nhiên, trên thực tế, số ca nhiễm tại thủ đô Moskva đã giảm dần kể từ khi chính quyền thành phố này bắt đầu chương trình tiêm chủng hàng loạt hồi đầu tháng 12/2020. Do đó, nhiều hạn chế cũng đã được nới lỏng hoặc dỡ bỏ tại Moskva.
Trong khi đó, cùng ngày, Chính phủ Pháp cho biết có kế hoạch sơ tán khoảng 100 bệnh nhân mắc COVID-19 khỏi các khoa hồi sức tích cực ở khu vực Paris trong tuần này do các bệnh viện tại đây đang nỗ lực để đối phó với các ca nhiễm mới gia tăng đột biến.
Thông qua việc chuyển các bệnh nhân nặng tới các vùng ít phải chịu sức ép dịch bệnh hơn, nhà chức trách hy vọng sẽ tránh được nguy cơ phải áp đặt biện pháp phong tỏa đối với khoảng 12 triệu người xung quanh khu vực thủ đô. Người phát ngôn Chính phủ Pháp, ông Gabriel Attal, khẳng định nhà chức trách đang nỗ lực làm mọi việc để không phải đưa ra các biện pháp khó khăn và ngặt nghèo hơn.
Tuy nhiên, chính phủ sẽ vẫn phải đưa ra quyết định nếu cần thiết. Trong số gần 4.100 bệnh nhân mắc COVID-19 đang được chăm sóc tích cực trên toàn quốc, có tới khoảng 1.100 bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện ở khu vực thủ đô Paris. Hiện lệnh giới nghiêm bắt đầu từ 18h00 vẫn đang được duy trì trên toàn nước Pháp, trong khi các nhà hàng, quán cà phê, rạp chiếu phim, nhà hát và các trung tâm thương mại lớn đã phải đóng cửa.
Số ca nhiễm mới tại Pháp đã tăng dần trong những tuần gần đây. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận gần 30.000 ca nhiễm mới và 174 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong lên lần lượt là 4.045.319 và 90.315 trường hợp.
Nhân viên y tế chuẩn bị tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Dronero, Italy ngày 13/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cho rằng dù số ca nhiễm mới tại nước này vẫn tăng đều đặn song việc tiến hành chương trình tiêm chủng trên phạm vi cả nước cũng như siết chặt các biện pháp hạn chế có thể khiến số ca nhiễm mới bắt đầu giảm dần vào cuối mùa Xuân này. Số ca nhiễm mới tại Italy trong tuần trước đã tăng thêm 10% so với tuần trước đó.
Ông Speranza thừa nhận tình hình sẽ không hề dễ dàng trong những tuần tiếp theo khi biến thể mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Anh hiện chiếm tới 54% tổng số ca nhiễm tại nước này.
Dịch bệnh hiện đang diễn biến phức tạp tại châu Á. Trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận thêm 4.714 ca nhiễm và 97 ca tử vong. Hiện tổng số ca nhiễm và tử vong tại quốc gia Đông Nam Á này lần lượt là 1.419.455 và 38.426. Indonesia là nước có số ca nhiễm và tử vong cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Cùng ngày, với 4.899 ca nhiễm mới và 63 ca tử vong, tổng số ca nhiễm và tử vong tại Philippines đã lên lần lượt là 621.498 và 12.829. Trong những tuần gần đây, Philippines đã hứng chịu làn sóng lây nhiễm mới dịch COVID-19, giống như trong tháng 7-8/2020, khi số ca nhiễm mới liên tục đạt đỉnh. Trước tình hình trên, giới chức nước này khuyến cáo các chính quyền địa phương tăng cường các nỗ lực truy vết COVID-19.
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Bangkok, Thái Lan ngày 26/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Thái Lan cũng đã ghi nhận thêm 170 ca mắc, chủ yếu thông qua việc xét nghiệm chủ động. Trong số các ca mắc mới, có tới 156 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Riêng tại tỉnh Samut Sakhon và thủ đô Bangkok là 136 ca. Đặc biệt, có tới 90 ca mắc đến từ khu chợ đông người ở quận Bang Khae của Bangkok. Khu chợ này đã phải đóng cửa do hàng chục người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 thông qua hình thức xét nghiệm chủ động từ ngày 13/3. Tính đến nay, Thái Lan có tổng cộng 26.927 ca mắc, trong đó có 86 ca không qua khỏi.
Tại Campuchia, "sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2" dẫn đến đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ 3 tại Campuchia đã làm lây lan virus SARS-CoV-2 ra 10 tỉnh, thành. Trong 24 giờ qua, Campuchia đã có thêm 41 ca mắc mới, trong đó có 28 ca tại tỉnh Kandal, sát thủ đô Phnom Penh.
Cùng ngày, Bộ Y tế Campuchia đã ra thông cáo báo chí về vụ 1 bệnh nhân người nước này mắc COVID-19 tử vong vì tim mạch. Tổng số ca mắc COVID-19 tại Campuchia hiện là 1.305 người, trong đó có 647 người bình phục và 1 người tử vong.
Hành khách tại sân bay Haneda ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 27/12/2020. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Do lo ngại nguy cơ lây lan dịch COVID-19, Nhật Bản đang cân nhắc việc giới hạn số lượng khán giả đến các địa điểm thi đấu Olympics Tokyo 2020 xuống 50% sức chứa. Theo báo Sankei, các địa điểm thi đấu lớn có thể bị giới hạn dưới 20.000 khán giả. Tuy nhiên nếu tình hình đại dịch cải thiện, có thể sẽ có nhiều người được phép tới xem trực tiếp hơn. Ban tổ chức Olympics của Nhật Bản sẽ thông báo quyết định trong tháng 4 tới và tuân thủ các quy định phòng chống dịch trong nước.
Cũng trong ngày 14/3, Bộ Y tế Iran cảnh báo nguy cơ lây lan dịch bệnh có thể gia tăng trở lại trong dịp lễ Năm mới Nowruz, bắt đầu vào ngày 20/3. Người phát ngôn Bộ Y tế và Giáo dục Y tế Iran, bà Sima Sadat Lari, cho biết trong bối cảnh việc tuân thủ các quy trình hướng dẫn y tế đang ở mức thấp nhất trong vòng 4 tháng qua, và các trường hợp nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đang ngày một gia tăng, việc đi lại và tụ tập trong dịp lễ Nowruz sẽ là cảnh báo nghiêm trọng đối với làn sóng dịch bệnh mới.
Bà Lari đề nghị người dân tuân thủ các nguyên tắc vệ sinh, tránh đi lại không cần thiết và tụ tập để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh mới. Trong 24 giờ qua, Iran có thêm 7.593 ca mắc COVID-19 và 88 ca tử vong, đưa tổng số ca mắc và tử vong ở quốc gia Trung Đông này lên lần lượt là 1.746.953 và 61.230.
Liên quan đến vấn đề vaccine, Italy cho biết nước này đặt mục tiêu đến cuối tháng 9/2021 tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho ít nhất 80% dân số. Italy tăng tốc chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 sau khi xuất hiện chỉ trích về tiến độ chậm chạp tại một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh ở châu Âu.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Lisbon, Bồ Đào Nha, ngày 18/2/2021. Ảnh: THX/TTXVN
Tại Bồ Đào Nha, đảo Corvo với dân số chỉ khoảng 400 người đã tiêm chủng ngừa COVID-19 cho hầu hết người dân và sẽ sớm đạt được miễn dịch cộng đồng. Theo bác sĩ duy nhất trên đảo Corvo - ông Antonio Salgado, một bộ phận lớn người dân trên đảo có thể sẽ trở nên miễn dịch với COVID-19 vào cuối tháng này và người dân trên đảo có thể an tâm hơn. Hiện số người đã tiêm vaccine tương đương 85% dân số trên đảo và 95% số người đủ điều kiện tiêm chủng.
Miễn dịch cộng đồng là một hình thức bảo vệ gián tiếp chống bệnh truyền nhiễm khi một tỷ lệ lớn dân cư đã trở nên miễn dịch, tạo ra một lớp bảo vệ cho những người không miễn dịch, ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Giới chuyên gia cho rằng miễn dịch cộng đồng có thể đạt được khi 50-70% dân số được tiêm chủng.
Virus SARS-CoV-2 tiếp tục lan nhanh trong cộng đồng ở Campuchia "Sự cố cộng đồng ngày 20/2" dẫn đến đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ ba tại Campuchia đã làm lây lan virus SARS-CoV-2 ra 10 tỉnh, thành. Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN Sáng 14/3, Campuchia công bố thêm 41 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc liên quan đến sự...