Campuchia hứng chịu đợt nắng nóng khốc liệt
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, Campuchia đang hứng chịu đợt nắng nóng khốc liệt với nhiệt độ cao nhất trong ngày có thể dao động từ 40-42 độ C ở một số khu vực trên phạm vi toàn quốc, giữa cao điểm mùa khô năm 2024.
Ông Chan Yutha, người phát ngôn Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng Campuchia cho biết từ ngày 26-27/4, nhiệt độ cao nhất ở quốc gia Đông Nam Á này có thời điểm lên tới 40-42 độ C, đặc biệt là ở vùng cao nguyên phía Bắc và vùng trung du Tây Bắc. Trong số này, tỉnh Tây Bắc Oddar Meanchey là địa phương ghi nhận nền nhiệt cao nhất trong đợt nắng nóng với nhiệt độ có thể lên đến 42 độ C, trong khi nhiệt độ ở thủ đô Phnom Penh lên tới 40 độ C.
Theo người phát ngôn Bộ Tài nguyên nước và Khí tượng Campuchia, do ảnh hưởng của hiện tượng thời tiết cực đoan El Nino, thời tiết nắng nóng không chỉ xuất hiện ở Campuchia, mà được ghi nhận ở nhiều quốc gia khác trên thế giới, kể cả châu Âu, nhưng châu Á là nơi bị ảnh hưởng nặng nhất.
Video đang HOT
Tại Campuchia, hiện tượng nắng nóng và nhiệt độ thời tiết tăng cao tương đương các khu vực khác, ở mức cao nhất từ 40-42 độ C trong khoảng thời gian từ 12h00 đến 15h00 trong ngày. Tuy nhiên, đợt cao điểm nắng nóng lần này sẽ giảm dần vào cuối tháng 4 và tháng 5, thời điểm vào cuối mùa khô, thường xuất hiện những cơn mưa trái mùa.
Ông Chan Yutha cho biết thêm, trong những năm qua, nhiệt độ Trái Đất đã tăng bình quân từ 0,3-0,5 độ C. Tuy nhiên, năm nay, nhiệt độ đã tăng vọt lên 1,37 độ C, mức rất cao so với mức tăng trung bình hàng năm.
Liên quan hiện tượng nóng lên do biến đổi khí hậu, tại phiên họp nội các hôm 26/4, Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia Samdech Thipadei Hun Manet đã chỉ đạo chính quyền các cấp tiếp tục hướng dẫn người dân nâng cao cảnh giác, đề phòng hỏa hoạn trong mùa khô; đồng thời yêu cầu các tổ công tác hỗ trợ cơ sở phối hợp với chính quyền địa phương quan tâm vấn đề nguồn nước, đảm bảo nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt thường nhật, cũng như nước tưới tiêu phục vụ sản xuất.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Hun Manet cũng yêu cầu các cơ quan bộ, ngành liên quan kiểm tra năng lực cung cấp điện, chuẩn bị cho tình huống thiếu nguồn nước cung cấp cho thủy điện, cũng như hoạt động cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt…
Nhiệt độ toàn cầu tiến gần tới mức tăng giới hạn 1,5 độ C
Năm 2023 là năm nóng nhất trong lịch sử, với nhiệt độ bề mặt Trái Đất tăng ở mức gần với giới hạn 1,5 độ C.
Kết luận trên được các cơ quan theo dõi khí hậu Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 9/1.
Khói bốc lên ngùn ngụt từ đám cháy rừng tại West Kelowna, British Columbia, Canada, ngày 17/8/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo báo cáo của Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus (C3S), biến đổi khí hậu làm gia tăng các đợt nắng nóng, hạn hán, cháy rừng trên khắp hành tinh, khiến nhiệt độ toàn cầu tăng 1,48 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Phó Giám đốc C3S Samantha Burgess thậm chí còn cho biết năm 2023 là năm có tất cả các ngày cao hơn 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và nhiệt độ của năm 2023 có thể vượt quá nhiệt độ của bất kỳ giai đoạn nào trong ít nhất 100.000 năm qua.
Theo các nhà khoa học, mức tăng nhiệt độ trong gần nửa năm 2023 đã vượt 1,5 độ C - mức giới hạn được đưa ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Nếu mức tăng nhiệt vượt quá giới hạn này, tác động của khí hậu sẽ nhiều và nghiêm trọng hơn.
Năm 2023, thế giới đã chứng kiến các đám cháy rừng lớn ở Canada, hạn hán nghiêm trọng ở vùng Sừng châu Phi hoặc Trung Đông, các đợt nắng nóng "như thiêu như đốt" trong mùa Hè ở châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và mùa Đông ấm áp chưa từng thấy ở Australia và Nam Mỹ.
Giáo sư về biến đổi khí hậu thuộc Đại học Reading, ông Ed Hawkins, cho rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan này sẽ tiếp diễn nghiêm trọng hơn cho đến khi con người "quay lưng hẳn" với nhiên liệu hóa thạch và đạt mức phát thải ròng bằng 0". Ông đồng thời cảnh báo con người sẽ vẫn phải gánh chịu hậu quả trong nhiều thế hệ do không hành động ngay hiện nay.
Cũng theo báo cáo của C3S, khoảng thời gian 12 tháng (kết thúc vào tháng 1 hoặc tháng 2/2024), nhiệt độ có thể tăng vượt mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Năm 2023 chứng kiến hình thái thời tiết El Nino xuất hiện trở lại. Các nhà khoa học dự báo tác động của hình thái thời tiết này sẽ đạt đỉnh trong năm 2024, và có thể khiến nhiệt độ ở mức cao kỷ lục trong 7 tháng liên tiếp (từ tháng 6 đến tháng 12).
Mưa lũ ảnh hưởng đến 11 tỉnh tại Campuchia Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, đợt mưa lũ từ trung tuần tháng 9 đến nay đã ảnh hưởng đến 11 tỉnh ở Campuchia, khiến ít nhất 3 người thiệt mạng, gần 2.000 hộ dân đã được sơ tán đến nơi an toàn. Mưa lũ cục bộ trong hơn 3 tuần qua đã gây ngập lụt, làm hư hỏng gần 420 km...