Campuchia dành ưu đãi đặc biệt cho hàng hoá Việt Nam
Theo thỏa thuận mà Việt Nam và Campuchia vừa ký, Campuchia sẽ dành cho nhiều mặt hàng Việt Nam những ưu đãi đặc biệt, cao hơn mức Campuchia cam kết với các nước ASEAN khác.
Sáng nay (26/10), bên lề Hội nghị cấp cao ACMECS lần thứ 7, CLMV lần thứ 8 và Diễn đàn Kinh tế Thế giới về khu vực Mekong, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Thương mại Campuchia PAN Sorasak đã ký Bản Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương giữa hai chính phủ, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Campuchia Hun Sen cùng đông đảo lãnh đạo Bộ, ngành Việt Nam và Campuchia.
Lễ khai mạc Hội nghị cấp cao Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS) lần thứ 7, Hội nghị cấp cao Hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV) lần thứ 8 tại Hà Nội (Ảnh: Mạnh Thắng)
Thông qua những ưu đãi mà hai nước dành cho nhau trong Bản thỏa thuận, các doanh nghiệp của mỗi nước sẽ có thêm cơ hội để tiếp cận thị trường của nhau. Đặc biệt, các ưu đãi mà Campuchia dành cho Việt Nam là những ưu đãi đặc biệt mà Campuchia chỉ dành cho Việt Nam, cao hơn cả ưu đãi mà Campuchia cam kết với các nước thành viên ASEAN khác. Do đó, sẽ tạo điều kiện cho hàng hóa của Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao hơn so với hàng hóa của các nước khác trên thị trường Campuchia.
Theo thỏa thuận này, Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% áp dụng đối với 29 mặt hàng khi nhập khẩu vào thị trường Campuchia gồm sữa và kem, tinh bột sắn, sản phẩm thịt, chế phẩm từ gạo, bánh kẹo, sơn, sản phẩm nhựa, giấy, gốm sứ, sắt thép và sản phẩm sắt thép.
Ngược lại, việc dành ưu đãi thuế suất thuế nhập khẩu 0% cho 39 mặt hàng của Campuchia, phần lớn là nông sản nguyên liệu gồm thịt, phụ phẩm tươi sống, chanh, thóc gạo, bánh gato, lá thuốc lá nguyên liệu (theo hạn ngạch), sản phẩm nhựa, sách vở, vải dệt, xe đạp sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có nguồn nguyên liệu để thực hiện các hợp đồng xuất khẩu sang các nước khác.
Video đang HOT
Thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam – Campuchia được dự báo sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai nước, bao gồm thương mại hàng nông sản, thủy sản và sản phẩm công nghiệp với mục tiêu cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là người dân sinh sống ở khu vực biên giới, và đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của mỗi nước, trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi.
Bên cạnh đó, việc ký Bản Thỏa thuận cũng sẽ góp phần triển khai Tuyên bố chung giữa Việt Nam và Campuchia nhân chuyến thăm Campuchia vào tháng 6 năm nay của Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhằm phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai nước đạt mục tiêu 5 tỷ USD trong thời gian tới.
Nam Hằng
Theo Dantri
"Cú hích" cắt giảm thuế cho hàng hóa vào EU
Ông Remco Gaanderse - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp châu Âu (EuroCham), Trưởng đại diện văn phòng ING Bank tại Hà Nội cho biết, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ mang lại mức cắt giảm thuế đáng kể trong các lĩnh vực máy móc và thiết bị ứng dụng, dược phẩm, ngành công nghiệp ô tô.
Ngày 2/12/2015, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Bộ trưởng Bộ Công Thương và Cao ủy thương mại EU đã ký tuyên bố về việc chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (Hiệp định EVFTA). Theo đó, EVFTA được xem là Hiệp định toàn diện, chất lượng cao và cân bằng về lợi ích cho cả Việt Nam và EU.
Với những cam kết đạt được, dự kiến Hiệp định EVFTA sẽ đem lại lợi ích cho người dân và doanh nghiệp của hai bên trên nhiều phương diện. Các lợi ích chính có thể kể đến là mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh, khuyến khích môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn, thúc đẩy luồng vốn đầu tư từ hai bên, đặc biệt là nguồn vốn chất lượng cao của EU và Việt Nam. Các cam kết liên quan đến đầu tư, tự do hóa thương mại dịch vụ, mua sắm của Chính phủ, bảo hộ sở hữu trí tuệ... cũng sẽ mở ra cơ hội cho cả hai bên tiếp cận thị trường của nhau.
Ô tô nguyên chiếc nhập khẩu từ EU sẽ được miễn thuế sau 10 năm kể từ Hiệp định EVFTA có hiệu lực (Ảnh minh họa)
Để đạt được mục tiêu trên, hiện nay, Việt Nam và EU đang tiến hành rà soát pháp lý và chuẩn bị cho việc ký kết, phê chuẩn Hiệp định.
Nhận định về Hiệp định này, ông Remco Gaanderse - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp châu Âu (EuroCham), Trưởng đại diện văn phòng ING Bank tại Hà Nội cho biết, Hiệp định EVFTA sẽ mang lại mức giảm thuế đáng kể từ Việt Nam và EU.
Theo đó, EU cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Đồng thời, Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam.
Xóa bỏ thuế quan sau 7 năm đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Riêng đối với hàng EU xuất sang Việt Nam cũng sẽ được xóa bỏ 91,8% số dòng thuế, tương đương 97,1% kim ngạch.
Sau 10 năm sau khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cũng cam kết xóa bỏ thuế quan 98,3% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam,
Cụ thể, trong lĩnh vực máy móc và thiết bị ứng dụng, hầu hết tất cả các mặt hàng xuất khẩu từ châu Âu sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi EVFTA có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại sẽ được miễn thuế sau 5 năm kể từ ngày EVFTA có hiệu lực.
Đối với mặt hàng dược phẩm, khoảng hơn một nửa các dòng sản phẩm trong lĩnh vực này sẽ được miễn thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực, số còn lại sau 7 năm kể từ ngày có hiệu lực.
Ngành công nghiệp ô tô: bộ phận, linh kiện ô tô miễn thuế sau 7 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực. Ô tô nguyên chiếc sau 10 năm (riêng ô tô động cơ lớn sẽ được miễn sau 9 năm) kể từ ngày Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Rượu vang và rượu mạnh sẽ được miễn thuế sau 7 năm. Các thực phẩm như sản phẩm từ sữa sẽ được miễn thuế sau 5 năm; thịt lợn đông lạnh sẽ được miễn thuế sau 7 năm...
Bên cạnh cam kết về thuế nhập khẩu, Việt Nam và EU cũng cam kết không đánh thuế với hàng hóa khi xuất khẩu từ bên này sang bên kia, trừ một số bảo lưu của Việt Nam, chủ yếu là khoáng sản. Lý do của việc đưa ra cam kết này là hầu hết các nước trên thế giới coi việc đánh thuế xuất khẩu là một loại trợ cấp xuất khẩu gián tiếp, vì sẽ làm tăng chi phí đầu vào cho nhà sản xuất ở nước nhập khẩu, dẫn đến giảm sức cạnh tranh so với nhà sản xuất ở những nước sẵn có nguồn nguyên liệu đầu vào này.
Yến Nhi
Theo_VnMedia
Thương mại điện tử Việt Nam đạt doanh thu 4 tỉ USD Theo Báo cáo Thương mại điện tử 2015 của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), doanh thu bán hàng qua hình thức thương mại điện tử tại Việt Nam trong năm 2015 đạt 4,1 tỉ USD, tăng 37% so với năm 2014 và chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ...