Cảm xúc từ họp báo cây xanh: Hy vọng bất ngờ và thất vọng
Cuộc họp báo chiều qua tại trụ sở UBND TP Hà Nội khiến người ta trải qua nhiều cảm xúc từ hào hứng hy vọng rồi bất ngờ và sau đó là thất vọng.
Đến với cuộc họp, các nhà báo – phóng viên mang bao niềm hy vọng, hào hứng… bởi cách đó vài tiếng đồng hồ Chủ Tịch UBND TP Hà Nội đã có thông báo về việc dừng chặt cây.
Là những người tiếp xúc với người dân vì vậy hiểu rất rõ mong muốn và thắc mắc của người dân, nhiều phóng viên được người dân gửi gắm câu hỏi đến lãnh đạo TP nhân buổi họp. Thay dư luận, thay người dân (những người không có cơ hội đến dự họp) gửi đến lãnh đạo TP Hà Nội những thắc mắc chính đáng.
Người dân Thủ đô cho rằng không nên đi vào chi tiết quá
“nên tính chuyện trồng cây gì và nuôi con gì”.
Khi lãnh đạo Hà Nội lần lượt phát biểu xong. Đến lượt phóng viên, cả trăm cánh tay dơ lên…đến câu thứ 21 dường như không muốn cuộc họp chỉ có hỏi mà không có trả lời các phóng viên, nhà báo đặt tay xuống. Dù biết chắc trong số đó vẫn còn rất nhiều câu hỏi nữa đang dự định cất lời.
Thế nhưng hụt hẫng, bởi sau 21 câu hỏi, ông Phó Chủ tịch diễn giải một mạch với những phát biểu (hùng hồn): “Việc thực hiện thu hồi gỗ, củi mục, cây đánh chuyển, thanh lý, tất cả các cơ quan chức năng của TP đều phải thực hiện đúng theo quy định của pháp luật.
Các nhà báo sẽ xuống trực tiếp các cơ quan của TP và tôi đề nghị ngày hôm nay các đơn vị chức năng của TP phải công khai minh bạch những nội dung của các cơ quan báo đài đã nêu hôm nay và mời các cơ quan báo đài đến trực tiếp những vị trí để cây, nơi đánh vườn ươm, nơi có củi mục để có cơ sở để báo chí đưa thông tin tới nhân dân, TP Hà Nội không bao giờ có một cái gì khuất tất, mờ ám trong việc này và thực hiện đúng quy định.”
“Tôi đề nghị các cơ quan chức năng của TP trả lời đầy đủ, cung cấp đầy đủ những nội dung mà các cơ quan báo chí đã hỏi. Chúng tôi sẽ giao cho các cơ quan chức năng thông tin trả lời một cách đầy đủ, chính xác. Nếu các đơn vị nào không đầy đủ phải chịu trách nhiệm trước TP, trước Chủ tịch TP.”
Những tưởng sau những phát biểu đó, những người đến họp sẽ được nghe những trả lời thỏa đáng thì cuộc họp lại kết thúc trong sự ngỡ ngàng. Phải chăng 21 câu hỏi đó quá khó có lời đáp như công trình toán học?
Hoặc như nhà báo Nguyễn Việt Chiến chia sẻ sau cuộc họp của rằng, với hơn 20 câu hỏi nhận được từ phóng viên trong cuộc họp báo, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó chủ tịch Thành phố có lẽ phải cần sự tham mưu của các ban ngành bên dưới mới có câu trả lời chính xác. Nhưng nếu nói về tính thời sự, có thể thấy “các câu hỏi đã không được trả lời”.
Bất ngờ nhất trong cuộc họp là việc ông Hùng cho biết việc chặt cây là từ sự nôn nóng của nhà tài trợ cũng khiến dư luận không khỏi tò mò. Phải chăng nhà tài trợ có quyền quyết định, hay một tâm thư xúc động nên phải quyết định vội vàng?
Theo ông Hùng kinh phí chặt hạ cây xanh trên các tuyến phố được thực hiện bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, trong đó, Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng đã huy động 30.000 đồng từ mỗi nhân viên, Công an TP.Hà Nội vận động mỗi cán bộ đóng 15.000 – 20.000 đồng. Song, ông Hùng không tiết lộ tổng kinh phí xã hội hóa là bao nhiêu.
Video đang HOT
“Trong sự việc này, chúng tôi khẳng định không có bất cứ lợi ích nhóm nào hay tiêu cực gì ở đây. Sự đóng góp của các tổ chức xã hội là tấm lòng hảo tâm rất quý”, ông Hùng nói. Câu trả lời chưa có nhưng chắc chắn sau câu nói này của vị Phó Chủ tịch TP Hà Nội sẽ có nhiều câu hỏi khác mà dư luận đặt ra?
Một bất ngờ nữa là khi các phóng viên đặt câu hỏi, một người cho hay là người dân thủ đô có trình độ về môi trường, xây dựng xuất hiện tại hội trường. Những tưởng người dân ấy sẽ thay mặt cho bao nhiêu người dân thủ đô khác gửi những câu hỏi đến lãnh đạo thành phố thì phát biểu của người dân thủ đô này xung quanh ý nói các phóng viên không nên đi vào chi tiết quá “nên tính chuyện trồng cây gì và nuôi con gì”.
Việc chặt hà hàng loạt cây xanh trên các tuyến phố tại Thủ đô khiến dư luận phản đối, theo lãnh đạo Hà Nội việc chặt cây xanh đã được người dân ủng hộ – “Hầu hết nhân dân khu vực thay thế cây đồng thuận, ủng hộ” công văn của Hà nội phát đi ngày 18/3, được nhiều báo đài đăng tải. Thế nhưng những ngày qua có thể hiểu rõ những người dân có ủng hộ việc xóa bóng mát, thậm chí là chặt lá phổi xanh của họ hay không. Việc chặt cây được ủng hộ như thế nào hẳn lãnh đạo Hà Nội cũng rõ.
Cũng theo UBND Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 120.000 cây xanh bóng mát, với khoảng 70 loài được trồng trên gần 3.000 km đường đô thị, tỉnh lộ, quốc lộ. Các cây cổ thụ được trồng từ thời Pháp thuộc đã xuất hiện hiện tượng sâu mục, dễ đổ gãy trong mùa mưa bão. Trên một số tuyến đường tồn tại cây lâm nghiệp không phải cây đô thị (như cây keo)… Đây là cơ sở để Sở Xây dựng đề xuất chặt hạ, thay thế 6.700 cây xanh. Nhưng thực tế trên một số tuyến phố gần như cả hàng cây bị xóa sổ “nếu không được dừng” chẳng lẽ toàn bộ số đó đều cong nghiêng, sâu mọt…..?
Cuộc họp báo kết thúc khiến các nhà báo, phóng viên bất ngờ.
Vài giờ sau đó Uỷ ban Nhân dân Thành phố (UBND) Hà Nội ban hành công văn, giao Sở Xây dựng trả lời các câu hỏi của các phóng viên.
Công văn nên rõ, tại cuộc họp ngày 20/3 của UBND Thành phố với cơ quan thông tin, tuyên truyền, đã có 21 nhà báo nêu câu hỏi chi tiết về việc tổ chức thực hiện việc cải tạo, thay thế cây xanh trong thời gian qua.
Để giải đáp, làm rõ những vấn đề các cơ quan báo chí quan tâm, UBND Thành phố giao Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo tổng hợp, có văn bản trả lời công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng trước ngày 25/3/2015.
Hy vọng, câu trả lời tới đây của những người có trách nhiệm trong vụ việc sẽ làm thỏa đáng lòng dân.
PV Báo Người Đưa Tin
Theo_Người Đưa Tin
Sẽ ra mắt bộ phim tài liệu "6.700 người vì 6.700 cây xanh"
"6.700 người vì 6.700 cây xanh" sẽ là tên của bộ phim tài liệu do CLB Điện ảnh kiến trúc thực hiện nói về việc Hà Nội trồng lại 6.700 cây xanh trên các con phố.
Trước việc hàng nghìn cây xanh của Thủ đô sẽ bị chặt hạ trong năm 2015 theo đề án cải tạo thay thế cây xanh của Sở Xây dựng Hà Nội trình thành phố, KTS Nguyễn Hoàng Phương - thành viên Câu lạc bộ Điện ảnh kiến trúc đã đứng lên kêu gọi mọi người đóng góp hình ảnh, clip do chính họ chụp và quay lại để thực hiện một bộ phim tài liệu "6.700 người vì 6.700 cây xanh". Để hiểu hơn về mục đích và ý nghĩa của bộ phim này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn KTS Nguyễn Hoàng Phương về bộ phim này.
Anh có thể cho biết, ý tưởng xây dựng bộ phim tài liệu "6.700 người vì 6.700 cây xanh" được xuất phát từ đâu?
Câu chuyện bắt đầu từ sáng thứ 2 (16/3) khi nhà báo Trần Đăng Tuấn có viết lên trang cá nhân của ông một bức thư ngỏ gửi Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về quyết định hạ chặt 6.700 cây xanh trên các tuyến phố Thủ đô. Bức thư sau đó được chia sẻ rất nhiều và tôi có đọc được.
KTS Nguyễn Hoàng Phương - thành viên Câu lạc bộ Điện ảnh kiến trúc đã đứng lên kêu gọi mọi người đóng góp hình ảnh, clip do chính họ chụp và quay lại để thực hiện một bộ phim tài liệu "6.700 người vì 6.700 cây xanh".
Vấn đề được đề cập đến trong bức thư đã khiến tôi suy nghĩ và bị lôi cuốn. Sau đó, tôi đã nói chuyện, bàn luận cùng những thành viên của CLB Điện ảnh kiến trúc về điều này và nghĩ đã đến lúc cần phải làm một việc gì đó. Và một ý tưởng bật ra, chúng tôi quyết định sẽ làm một bộ phim tài liệu về câu chuyện này.
Trước đó hai tuần, CLB Điện ảnh kiến trúc của chúng tôi cũng đã trình chiếu một bộ phim về quy hoạch đô thị ở nước Đức và nó mang lại ấn tượng rất lớn với mọi người trong việc bảo vệ môi trường trong thành phố như thế nào. Câu chuyện ở nước Đức kia cũng có nhiều nét giống với việc đang xảy ra đối với những cây xanh tại Hà Nội nên tất cả đều nhất trí với ý tưởng về bộ phim.
Vậy cái tên "6.700 người vì 6.700 cây xanh" nó mang ý nghĩa như thế nào?
Sau khi bàn bạc, tham khảo và được tư vấn, tất cả chúng tôi đều nghĩ đây là một cái tên thú vị cho bộ phim, bởi nó nói lên được cách ứng xử của người dân Thủ đô với câu chuyện này như thế nào. Một câu chuyện hoàn toàn khách quan theo đúng thời gian biểu xảy ra từ ngày khi bắt đầu cho tới khi việc được kết thúc.
Và điều đặc biệt, đây sẽ là một bộ phim do hàng nghìn người làm chứ không gì riêng của chúng tôi. Tất cả những người gửi hình ảnh, clip, thông tin đều được coi là thành viên của đoàn làm phim.
Hình ảnh trang fanpage trên Facebook mang tên của bộ phim "6.700 người vì 6.700 cây xanh" của nhóm
Hiện tại, công việc thu thập tư liệu xây dựng bộ phim đã được anh và mọi người thực hiện như thế nào?
Bộ phim sẽ cần rất nhiều hình ảnh ở những mốc thời gian khác nhau: hình ảnh hàng cây, con phố trước khi bị chặt hạ, rồi lúc bị chặt, sau khi chặt... nên nếu chỉ mình chúng tôi làm thì có lẽ không kịp và không đủ. Nên tôi và các thành viên CLB đã lập một fanpage trên Facebook mang tên của bộ phim "6.700 người vì 6.700 cây xanh" để kêu gọi mọi người gửi hình ảnh, clip do chính họ tự thực hiện để giúp xây dựng bộ phim.
Ngoài ra, chúng tôi dự kiến sẽ phỏng vấn thêm các nhà làm phim tư liệu, nhà văn hóa, nhà lịch sử, kiến trúc sư, những ai đang sống ở Hà Nội có một kỉ niệm hay tình yêu đối với Hà Nội... để bộ phim được sâu sắc và ý nghĩa hơn. Đặc biệt, chúng tôi có được sự cố vấn của đạo diễn nổi tiếng của điện ảnh Việt Nam - Đặng Nhật Minh.
Khi được mời làm cố vấn cho bộ phim tài liệu "6.700 người vì 6.700 cây xanh" tôi liền đồng ý bởi đây là ý tưởng rất hay và ý nghĩa. Đạo diễn Đặng Nhật Minh
Đây là một vấn đề đang gây nhiều bức xúc cho người dân ở Hà Nội. Việc chặt hạ để thay thế 6.700 cây xanh khác là điều không có gì để biện minh. Tôi đã đọc khá nhiều lời giải thích của những người có trách nhiệm rằng, đây là những cây không nên trồng ở Hà Nội, nguy hiểm, sâu mọt... Nhưng cần phải hiểu rằng những cái cây đó là một phần lịch sử của thành phố, một phần ký ức của những người từng sống và lớn lên ở Hà Nội. Vì vậy, không thể nào biện minh bằng lí do gì mà xóa đi những ký ức đó được. Nó là một phần số phận của thành phố, gắn liền với thành phố, như một phần lịch sử của thành phố. Cho nên chúng ta phải trân trọng và giữ gìn nó.
Cùng với đó, qua những hình ảnh, ý kiến của mọi người đóng góp chúng tôi sẽ chỉnh sửa và hoàn tất kịch bản rồi tiến hành dựng phim khi đủ tư liệu. Dự kiến, bộ phim sẽ kéo dài 1 tiếng. Tuy nhiên, cũng có thể thêm tập 2, tập 3... tùy theo diễn biến của câu chuyện xảy ra.
Vậy, trong quá trình thu thập tư liệu qua cộng đồng mạng xã hội anh và các thành viên CLB có gặp khó khăn nào không?
Đến thời điểm này thì chúng tôi có thể nói là chưa có khó khăn nào cả. Sau 24 giờ được lập, trang fanpage "6.700 người vì 6.700 cây xanh" đã có khoảng 3.000 người tham gia. Mỗi một phút chúng tôi lại nhận được phim và hình ảnh của mọi người gửi về. Đó là một tín hiệu mà tôi thấy rất vui. Thú vị nhất đó là có thể đo được mức phản ứng của một người dân bình thường trước một sự kiện.
Các cây bị đốn đa số là hoa sữa trên phố Nguyễn Chí Thanh (Ảnh: Quang Trung).
Một thuận lợi khác, chúng tôi đang có hàng nghìn người cùng nghĩ và làm. Khi chúng tôi bàn luận về ý tưởng và cách xây dựng bộ phim thì đã có hàng nghìn "quay phim" đang giúp ghi lại những hình ảnh chân thực nhất và đóng góp những ý tưởng về kịch bản.
Qua bộ phim anh muốn gửi gắm thông điệp gì tới khán giả?
Bộ phim sẽ không phải là một lời phán xét xem vấn đề này đúng hay sai. Bởi việc này còn phải đợi các nhà khoa học, nhà báo, luật sư, cơ quan có thẩm quyền vào cuộc để xem là đề án này có gì sai hay đúng, sai ở đâu, đúng ở đâu... Tuy nhiên, qua bộ phim của chúng tôi muốn nói đến một câu chuyện khác, đó là trách nhiệm của từng người dân sống trong đô thị nên hành động như thế nào khi gặp phải những việc như thế. Sức mạnh của người dân có tác động như thế nào đối với truyền thông và cách phản hồi của các cấp lãnh đạo trước nhưng việc người dân không đồng tình.
Cảm ơn KTS Nguyễn Hoàng Phương.
Bộ phim sẽ là một tư liệu, một bài học nhằm mục đích để sau này khi mọi người xem lại sẽ biết được rằng TP Hà Nội đã từng có một đề án được triển khai như thế, từng một thời như vậy và rút ra được bài học để nó không bị lặp lại nữa - Nhà báo Lê Việt Hà người sáng lập CLB Điện ảnh kiến trúc và đồng hành cùng ý tưởng thực hiện bộ phim tài liệu "6.700 người vì 6.700 cây xanh".
Theo Huy Phương - Thùy Chi
VOV
"Hà Nội nên rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thay thế 6.700 cây xanh" Trước những thông tin trái chiều của dư luận xung quanh việc UBND TP Hà Nội cho thay thế 6.700 cây xanh, nữ đại biểu Quốc hội Hà Nội Bùi Thị An cho rằng, Hà Nội nên rút kinh nghiệm, sát sao hơn nữa trong việc lắng nghe ý kiến của người dân sau vụ việc này. PV: Chủ trương thay thế 6.700...