Cấm trẻ không được chích ngừa đầy đủ đến trường?
Theo đánh giá của người đứng đầu Cục Y tế dự phòng, trong khi ngành y tế quyết liệt chống dịch thì cộng đồng lại tỏ ra vô cùng thờ ơ. Người trong ngành đã đề cập đến việc cấm trẻ không chích ngừa đầy đủ đến trường ở các nước phát triển như một cách bảo vệ trẻ em cũng như cộng đồng.
Trăm dâu đổ lên đầu… ngành Y tế?
Dịch sởi đang quay lại và gia tăng nhanh ở giai đoạn sớm hơn so với đợt cao điểm dịch cách đây 5 năm. Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cảnh báo, dịch sởi đang diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu, Việt Nam có sự lưu hành rất rộng của chủng vi rút gây bệnh nên nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian tới ở mức báo động.
Dịch sởi bùng phát khiến nhiều trẻ chưa chích ngừa nhiễm bệnh
Tại buổi làm việc với Sở Y tế TPHCM cùng đại diện UBND thành phố và các ban ngành liên quan, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng nhấn mạnh: “Chúng ta đang đối mặt với hiểm họa của dịch sởi ở mức nguy hiểm hơn cả mùa dịch 2014. Khu vực Đông Nam Bộ và TPHCM hiện là tâm điểm của dịch sởi với sự gia tăng nhanh của số ca mắc bệnh”.
“Nguy hiểm hơn, sởi đang tấn công nhóm đối tượng là người lớn chưa được miễn dịch. Ở nhóm bệnh này, biểu hiện của sởi thường không rõ ràng, dễ nhầm với sốt phát ban khác nên khi phát hiện bệnh thì bệnh nhân đã di chuyển khắp nơi, lây bệnh cho rất nhiều người.
Nếu bệnh nhân lên máy bay di chuyển từ Nam ra Bắc thì tốc độ phát tán của sởi tương đương với vận tốc của máy bay nên việc kiểm soát, khống chế bệnh sởi trở nên vô cùng khó khăn”, PGS Đắc Phu cho hay.
Những khẩu hiệu kêu gọi cộng đồng chích ngừa của ngành y tế bị “bỏ ngoài tai”
Người đứng đầu Cục Y tế Dự phòng cũng cho biết, ngay từ khi xuất hiện những ca bệnh đầu tiên, ngành Y tế đã rốt ráo thực hiện các biện pháp tuyên truyền, tổ chức chích ngừa, chích bổ sung, chích vét cho nhóm trẻ dưới 5 tuổi chưa được chích ngừa sởi hoặc chích chưa đủ 2 mũi.
Cấm trẻ chưa tiêm chủng đầy đủ đến trường?
Tuy nhiên, đổi lại sự quyết liệt của ngành y tế là sự thờ ơ trong cộng đồng. Dù nhân viên y tế thường xuyên tuyên truyền vận động, thậm chí đến tận nhà năn nỉ phụ huynh đưa con đi chích ngừa nhưng tỷ lệ chích ngừa cho trẻ vẫn ở mức rất thấp.
“Đến khi dịch bệnh bùng phát thì chẳng ai biết chúng tôi đã cố gắng để làm tất cả những gì có thể mà mọi người đều dồn mọi tội lỗi cho rằng dịch bệnh bùng phát là do ngành y tế yếu kém, thiếu trách nhiệm trong công tác phòng chống dịch bệnh”, ông Phu nói.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho hay: “Sởi lây truyền nhanh và rất nguy hiểm với nhóm trẻ nhỏ nếu xảy ra biến chứng, chúng ta đã phải trả giá bằng cả trăm sinh mạng của bệnh nhi trong mùa dịch 2014. Tuy nhiên, sự thờ ơ của cộng đồng và trào lưu anti vắc xin đang tác động tiêu cực đến độ bao phủ miễn dịch (95% trẻ đến độ tuổi được chích ngừa đầy đủ).
Những bệnh nhi không may mắc sởi, kiệt sức trên giường bệnh
Cũng theo BS Hữu Khanh: “Hiện nay, nhiều nước phát triển đã có quy định nếu trẻ chưa được chích ngừa đầy đủ sẽ bị cấm đến trường. Chích ngừa được xem là điều kiện để trẻ em được đi học, quy định này giúp bảo vệ trẻ em cũng như cộng đồng nói chung tránh được các loại bệnh nguy hiểm đã có vắc xin chủng ngừa.
Đề cập đến “tự do trong chích ngừa”, đại diện Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố, cho biết, với điều kiện dịch tễ tại Việt Nam, trẻ cần được chích ngừa sởi từ lúc 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 chích lúc 18 tháng tuổi.
Tuy nhiên, nhiều trường mầm non quốc tế trên địa bàn thành phố khi được vận động chích ngừa bổ sung vắc xin sởi cho trẻ đã từ chối vì cho rằng học sinh của họ toàn là con nhà có điều kiện nên sẽ chích vắc xin sởi theo khuyến cáo của vắc xin dịch vụ (chích mũi 1 lúc 12 tháng tuổi, mũi 2 lúc 4 tuổi).
Tuy nhiên, tại Việt Nam, trẻ dù chích ngừa hay không chích ngừa cũng vẫn đến lớp bình thường, lỗ hổng miễn dịch từ nhóm trẻ chưa được tiêm chủng là yếu tố nguy cơ rất lớn tạo điều kiện cho dịch bệnh tồn tại và bùng phát”.
Làm việc với UBND quận huyện trong triển khai các giải pháp phòng chống dịch bệnh, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế thành phố, đã đặt vấn đề “có thể cấm những trẻ chưa chích ngừa đến trường được hay không?” Tuy nhiên, giải pháp cấm đến trường để phụ huynh phải thực hiện chích ngừa cho trẻ chưa được pháp luật quy định nên không có cơ sở thực hiện.
BS Trương Hữu Khanh cho rằng, trong bối cảnh dịch sởi và các loại bệnh nguy hiểm đã có vắc xin chủng ngừa thường xuyên đe dọa sức khỏe cộng đồng đặc biệt là nhóm trẻ nhỏ thì việc cấm đến trường đối với những trẻ chưa chích ngừa hoặc chích chưa đầy đủ số mũi theo quy định là giải pháp cần thiết để nâng cao số trẻ được vắc xin, bảo đảm độ bao phủ miễn dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ông Trần Đắc Phu (bên phải) thăm các bệnh nhân mắc sởi điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới
Để chấn chỉnh tình trạng quay lưng, thờ ơ với vắc xin phòng bệnh, PGS Trần Đắc Phu cho rằng thời gian tới phải xem xét trách nhiệm của những bên liên quan từ lĩnh vực y tế đến các cấp chính quyền địa phương, đặc biệt là trách nhiệm của các bậc cha mẹ.
Chích ngừa để bảo vệ sức khỏe cho trẻ đã được pháp luật quy định, tuy nhiên để quy định mang tính pháp lý được thực thi cần phải nghiên cứu, bổ sung các chế tài để xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Vân Sơn
Theo Dân trí
Ông bà "cấm" chích sởi, bé 2 tuổi viêm não nguy kịch
Cô bé 2 tuổi đang trong tình trạng hôn mê, nguy kịch tính mạng vì mắc sởi, biến chứng viêm não. Mẹ bệnh nhi đau đớn cho biết, ông bà của bé không cho cháu chích ngừa vì "tao nuôi cả bầy con, có cần chích đâu".
Ngày 6/12, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1, TPHCM cho hay, tại đây đang điều trị cho một trường hợp mắc sởi trong tình trạng rất nặng. Bệnh nhi là cô bé 2 tuổi, ngụ tại TPHCM, nhập viện với biểu hiện lơ mơ, hôn mê. Qua thăm khám và thực hiện các xét nghiệm kiểm tra, bác sĩ xác định cháu bị biến chứng viêm não do sởi gây ra.
BS Hữu Khanh thăm khám cho bệnh nhi điều trị tại khoa Nhiễm - Thần kinh
"Đây là trường hợp nặng, bệnh nhi đang phải thở máy, nếu qua được giai đoạn nặng cháu có thể phục hồi nhưng ngược lại thì nguy cơ tử vong. Rất ít bệnh nhi bị biến chứng viêm não sau mắc sởi có thể trở lại với cuộc sống bình thường, nếu qua được nguy kịch, đa số trẻ phải đối mặt với các di chứng thần kinh, ảnh hưởng đến trí não, tinh thần, thể chất" - BS Hữu Khanh cho biết.
Cũng theo BS Hữu Khanh: "Qua khai thác bệnh sử, người mẹ của bệnh nhi đau đớn cho biết, sau khi sinh bé chị có đưa đi chích ngừa. Tuy nhiên, chích mấy mũi đầu bé bị hành với biểu hiện sốt, mệt nên ông bà của bé nói khỏi chích với lý do "tao nuôi cả bầy con có cần chích đâu". Cả 2 mũi ngừa sởi khi 9 tháng và 18 tháng bệnh nhi đều chưa được chủng ngừa. Không có kháng thể bảo vệ là nguyên nhân khiến cháu bị nhiễm bệnh khi dịch sởi xuất hiện trong cộng đồng".
Ngoài biến chứng viêm não, bác sĩ cảnh báo trẻ mắc sởi có nguy cơ đối mặt với nhiều biến chứng khác như: viêm tai giữa, viêm phổi, biến chứng đường tiêu hóa. Tất cả các biến chứng nêu trên đều rất nguy hiểm, đe dọa sinh mạng bệnh nhi. Mặt khác, trẻ mắc bệnh sởi có nguy cơ thiếu vitamin A trầm trọng dẫn tới mù lòa.
Chích ngừa là giải pháp hiệu quả để bảo vệ trẻ trước bệnh sởi
Bệnh nhi kém may mắn trên có thể chỉ ca điển hình trong số rất nhiều trẻ chưa được chích ngừa trong cộng đồng phụ huynh quay lưng với vắc xin phòng bệnh. BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế Dự phòng TPHCM chia sẻ: "Khổ tâm nhất là nhân viên trạm y tế, đến tận nhà mời trẻ ra tiêm còn bị mắng chửi te tát, xua như xua tà nữa".
Hiện, nhiều quốc gia đã quy định trẻ đến tuổi đi học phải được chích ngừa đầy đủ, những trường hợp chưa chích ngừa hoặc chích chưa đủ các mũi vắc xin theo quy định sẽ không được nhận vào trường học. Đại diện Trung tâm Y tế Dự phòng cho biết, thành phố cũng mong muốn áp dụng giải pháp trên để tăng hiệu quả phòng bênh trong cộng đồng, nhưng luật chưa quy định nên không thể triển khai.
Dù đã thực hiện những giải pháp tuyên truyền phòng bệnh, tiêm bổ sung vắc xin ngừa sởi nhưng số ca mắc bệnh trên địa bàn thành phố hiện vẫn ở mức cao. Thống kê của Trung tâm Y tế Dự phòng cho thấy, tuần qua tiếp tục có 68 trẻ mắc sởi phải nhập viện điều trị, tổng số trẻ bị sởi tấn công từ đâu năm đến ngày 3/12/2018 đã lên tới 600 ca.
Các Trạm Y tế tại TPHCM đang tổ chức tiêm bổ sung sởi cho trẻ dưới 5 tuổi
Để tránh nguy cơ mắc sởi, trẻ dưới 5 tuổi cần tiêm chủng vắc xin, mũi thứ nhất tiêm khi tròn 9 tháng tuổi, mũi thứ 2 tiêm khi được 18 tháng. Hiện thành phố đang tổ chức tiêm bù vắc xin sởi, phụ huynh có con dưới 5 tuổi cần tự kiểm tra lại tiền sử tiêm vắc xin sởi của trẻ và liên hệ trạm y tế phường xã gần nhất để được tư vấn tiêm chủng trong trường hợp trẻ chưa được tiêm đủ hoặc không nhớ đã tiêm hay chưa.
Bên cạnh nhóm trẻ chích vắc xin sởi trong chương trình tiêm chủng mở rộng, rất nhiều trẻ được phụ huynh cho đi chích ngừa vắc xin dịch vụ, mũi đầu chích khi trẻ được 12 tháng, mũi thứ hai chích khi trẻ được 4 đến 5 tuổi. BS Trương Hữu Khanh cảnh báo: "Với tình hình dịch tễ tại Việt Nam thì vắc xin sởi cần tiêm khi trẻ được 9 tháng tuổi, nhóm trẻ sử dụng vắc xin dịch vụ thời gian chích muộn hơn, thời gian chờ giữa mũi thứ nhất và mũi thứ hai cũng dài hơn nên có nguy cơ bị nhiễm bệnh trước khi chích mũi thứ nhất hoặc bỏ quên mũi chích thứ hai tạo ra lỗ hổng miễn dịch trong cộng đồng.
Để ngăn chặn nguy cơ trên, bác sĩ khuyến cáo những phụ huynh muốn con sử dụng vắc xin dịch vụ cần cho trẻ chích mũi sởi đơn giá khi được 9 tháng tuổi hoặc đưa trẻ đến chương trình tiêm chủng mở rộng để chích mũi sởi lúc 9 tháng sau đó mới theo chích dịch vụ.
Vân Sơn
Theo Dân trí
TP.HCM tiêm vắcxin sởi - rubella cho 300.000 trẻ dưới 5 tuổi Tại TP.HCM, 87% bệnh nhân dưới 2 tuổi mắc bệnh sởi là do chưa được tiêm chủng. Sắp tới TP sẽ tiêm vắcxin sởi - rubella cho trẻ dưới 5 tuổi ở những vùng có nguy cơ cao. ThS.BS Nguyễn Trí Dũng - giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM phát biểu tại hội nghị - Ảnh: X.MAI Thông tin trên...