Cảm ơn Tổ quốc!
Trước diễn biến phức tạp về tình hình dịch Covid-19 bùng phát, lây lan ở Châu Âu, nhiều gia đình tại Đà Nẵng có con em đang du học nước ngoài đã gọi con về nước.
Ngay khi về đến sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, các em được chở đến khu cách ly theo quy định. Trò chuyện với phóng viên Báo Công an TP Đà Nẵng tất cả du học sinh đang được cách ly tập trung và phụ huynh đều hài lòng về cách phục vụ, chăm sóc của đội ngũ nhân viên, tình nguyện viên các khu cách ly tập trung miễn phí.
Chỗ ở, thức ăn hàng ngày được con gái cập nhật thường xuyên cho chị T.M xem với các món ăn được thay đổi theo từng bữa.
Hỗ trợ 37.500 du học sinh Việt Nam đang theo học tại Hàn Quốc
Anh Võ Đình Nam (cán bộ ĐH Đà Nẵng), hiện là nghiên cứu sinh ngành Khoa học máy tính, trường ĐH Chung-Ang (Seoul), Ủy viên Ban thư ký Hội Sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc (VSAK)- cho biết: hiện tại có hơn 37.500 du học sinh Việt Nam đang theo học tại nước này. Kể từ ngày Hàn Quốc bùng phát dịch Covid-19, những SV tham gia ban chấp hành Chi hội SV tại các trường Đại học, Cao đẳng đã nhanh chóng cập nhật, nắm bắt tình hình sức khỏe, sinh hoạt của các hội viên. Cũng theo anh Nam, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc cũng đã thiết lập đường dây nóng bảo hộ công dân, nhằm tạo sự yên tâm cũng như có thể giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến bảo hộ công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Hàn.
Theo thông tin từ VSAK, những ngày qua Hội đã kêu gọi các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp của Hàn giúp đỡ SV Việt Nam đang học tập tại Hàn. Hiện 5000 lọ gel rửa tay sát khuẩn trị giá 19,5 triệu won (gần 400 triệu đồng) đã được chuyển đến 6.053 SV trong tâm dịch là các tỉnh Deagu, Gyeongsan. Ngoài ra, SV ở các vùng tâm dịch cũng nhận được sự hỗ trợ nhu yếu phẩm từ chùa Viên Ngộ (Hàn Quốc) như: gạo, rau, mì gói…
Công Khanh
Cảm nhận của người trong cuộc!
Sáng 20-3, qua chị Nguyễn Kim Thúy (trú Đà Nẵng), tôi đã liên hệ được với cô con gái N.T.T.H (26 tuổi), du học Thạc sĩ ngành Tài chính kinh tế tại bang Saschen-Atony (Đức), vừa về Việt Nam ngày 18-3, đang được cách lý tại Trung tâm giáo dục Quốc Phòng tỉnh Bình Dương.
T.H cho biết, cô sang Đức du học được 2 năm và thuê phòng trọ ở một mình. Vào những ngày dịch bùng phát tại Đức, cô đang ở Berlin học thêm, ở chung phòng thuê trọ với một số bạn SV Việt Nam khác. “Vào thời điểm dịch bùng phát, nước Đức cho HS-SV kéo dài thời gian nghỉ đến 20-4. Lúc đó, tôi lại đang ở Berlin, lại ở chung phòng với các bạn khác. Vì thế, gia đình cũng như bản thân muốn về Việt Nam cho an toàn”- T.H chia sẻ. Ngay khi máy bay vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 18-3, cô đã được chở về nơi cách ly tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng ở Bình Dương.
Khi được hỏi về điều kiện cũng như công tác phục vụ ở đây thế nào, cô vui vẻ cho biết: “Tôi không biết ở những khu cách ly khác thì như thế nào, nhưng tại nơi tôi được cách ly thì chúng tôi được đo thân nhiệt mỗi ngày. Ngày đầu tiên, mọi chuyện có vẻ như chưa được đi vào nề nếp, nên chưa được ổn cho lắm. Tuy nhiên, tôi nghĩ, đây cũng là điều bình thường. Còn những ngày sau thì rất ổn! Nhân viên phục vụ và các tình nguyện viên nhiệt tình. Thức ăn ngon và có nhiều món để mình lựa chọn. Hàng ngày, có lực lượng đi thu gom vệ sinh các phòng từ 3-4 lần (tùy theo ca-P.V). Mỗi người được phát khẩu trang hàng ngày… Nhờ ý thức của mỗi cá nhân được cách ly nên việc vệ sinh môi trường nơi đây rất sạch sẽ”.
“Mẹ nhắn tin ủng hộ tiền Nhà nước nuôi con đi!”
Chị T.M (Q. Cẩm Lệ, đề nghị viết tắt tên) cho biết, con gái chị du học ở Anh từ năm lớp 12, hiện đang học thạc sĩ chuyên ngành Tài chính kế toán tại trường Bath University, cách London 300km. Khi dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng ở Châu Âu, chị rất lo lắng nên gọi con về nước. Lúc đầu con gái không chịu, nói sẽ tự cách ly ở ký túc xá, nhưng sau đó nghe lời cha mẹ. Con gái chị về tới sân bay Tân Sơn Nhất vào ngày 19-3 và thực hiện cách ly tại Trường Quân sự thuộc Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp (đóng tại TP Sa Đéc).
Cho tôi xem thông tin hai mẹ con liên lạc với nhau, chị T.M cho biết rất vui vì con mình hiểu được những nỗ lực mà nhân dân và Nhà nước đã làm trong cuộc phòng chống đại dịch này. “Ngày đầu cháu chưa quen với điều kiện cơ sở vật chất ở nơi tập trung. Đây cũng là điều dễ hiểu. Riêng thức ăn thì ngay ngày đầu tiên cháu nói “ăn hết suất” và thường xuyên cập nhật hình ảnh suất ăn, khẩu phần ăn được thay đổi món cho mẹ xem. Cháu còn cho biết, ăn xong không phải rửa khay vì đã có mấy chú bộ đội rửa rồi. Cháu còn nói với mẹ rằng, “mẹ nhắn tin ủng hộ tiền Nhà nước nuôi con đi, con ở tận 14 ngày. Mẹ ủng hộ kha khá vào nha. Nhà nước cũng chi bộn tiền cho riêng bản thân con rồi!”, chị nói.
Chị T.M cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã rất quyết liệt trong công tác phòng chống dịch Covid-19. Chị còn góp ý về việc cách ly đối với những người từ nước ngoài về. Theo chị, sắp tới đây, khi lượng du học sinh ở nước ngoài về nước đông, sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài quá tải sẽ đổ về sân bay quốc tế Đà Nẵng. Vì thế, Đà Nẵng cũng nên tiến hành cách mà Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã làm đó là cho người từ nước ngoài về chọn lựa phương thức cách ly: Một là cách ly miễn phí, hai là cách ly theo dịch vụ. Đối với cách ly dịch vụ, nên khảo sát các khách sạn từ 1 đến 5 sao và để cho người từ nước ngoài về tự lựa chọn ngay khi vừa lên chuyến bay về nước. Với cách làm này, không chỉ giải quyết được vấn đề “giải cứu” cho các khách sạn đã, đang có nguy cơ đóng cửa, vừa giải quyết được vấn đề cách ly theo nhu cầu, để dành kinh phí cho công tác phòng chống dịch bệnh nhất là cho những lực lượng làm công tác ở tuyến đầu, đối mặt với nhiều hiểm nguy như ngành y tế, lực lượng vũ trang…
Xin được kết thúc bài viết này bằng lời tâm sự của chị Nguyễn Kim Thúy- phụ huynh cháu T.H- chia sẻ cảm xúc trên trang Facebook cá nhân: “…72 tiếng đồng hồ trôi qua dài như 365 ngày. Con đã hạ cánh an toàn về đến Việt Nam sau 14 giờ bay, thực hiện cách ly đúng theo quy định. Dù phải chờ đợi rất lâu ở sân bay, dù phải sống trong khu cách ly có những bất tiện nhất định. Tổ quốc đã giang rộng cánh tay với tất cả người con của mình, không từ chối một ai. Chính phủ Việt Nam đã có những chỉ đạo sát sao, những người thực thi nhiệm vụ đã làm rất tốt, rất nghiêm. Điều này mình thật sự cảm nhận được với một phút tại sân bay nhận hành lý mang về cho con và lần tiếp tế cho con tại khu cách ly. Bình yên đã đến với gia đình sau 72 tiếng đồng hồ bất an… Cầu mong thế giới được bình an”.
Video đang HOT
Phan Thủy
Hành trình "chạy trốn đại dịch" căng thẳng của nữ du học sinh Đức
Cảm thấy bất an trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Đức, nữ du học sinh quyết định bắt chuyến bay để hồi hương. "Ở Việt Nam, mình cảm thấy an toàn" - nữ du học sinh nói.
Khu cách ly tập trung trong Trường Quân sự Quân khu 7.
Trở về hay ở lại?
Sau nhiều ngày được cách ly tập trung ở Trường Quân sự Quân khu 7, thuộc phường Trung Mỹ Tây (quận 12, TPHCM), Hoàng Lương Mai Hương (SN 1992, quê Nha Trang) vẫn chưa thôi "ám ảnh" khi nhớ lại hành trình trở về Việt Nam tránh dịch Covid-19 đang bùng phát tại châu Âu.
Mai Hương hiện đang du học tại Đức, lớp đào tạo thạc sĩ, sống tại thành phố Duisburg cùng với 5 người bạn trong kí túc xá.
Hồi đầu tháng 3/2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Đức, thành phố nơi Mai Hương đang sinh sống bỗng trở thành "tâm dịch".
"Mình theo dõi từ hồi dịch bệnh xuất hiện ở Trung Quốc, rồi qua Hàn Quốc. Lúc đó mình không lo lắm. Khi bắt đầu bùng lên ở Ý, rồi đến Đức khiến mình cảm thấy bất an" - nữ du học sinh kể.
Rồi sau đó, lần lượt 5 người bạn cùng phòng với Mai Hương trở về nước, hoặc đi đến ở với người thân tại Đức, chỉ còn lại một mình cô.
Trong khi đó, Mai Hương chưa thể nói thạo tiếng Đức, cũng chưa quen với môi trường sinh sống bên này. Ở Đức, người nào có triệu chứng của bệnh cúm như ho, sốt... sẽ không uống thuốc mà bổ sung vitamin kết hợp với tập thể dục để tự khỏi bệnh.
Hình ảnh nữ du học sinh chụp lưu niệm khi ở nước Đức hồi tháng 10/2019 (Ảnh do nhân vật cung cấp).
"Người châu Á lo xa, còn người Đức cảm thấy bình thường trước dịch bệnh. Họ khá là tự tin vào y tế của nước mình và họ nghĩ họ khỏe, sẽ vượt qua được dịch bệnh.
Với mình thì đây là loại virus mới, mình không đủ tự tin có sức đề kháng như họ. Nếu bị cách ly bên này, mình không tự xoay sở được" - Mai Hương nói và cho biết, lúc đó cô bắt đầu cảm thấy lo lắng.
Ý nghĩ trở về Việt Nam xuất hiện trong cô. Mới đầu, khi nghe tin Mai Hương muốn trở về, chính người thân trong gia đình đã thuyết phục cô ở lại vì tin tưởng nền y tế ở đây.
Trước lời khuyên từ gia đình cùng nỗi lo có thể mang bệnh dịch về nhà, Mai Hương đã quyết định ở lại Đức. Nhưng bất ngờ, ngày 13/3, bố mẹ Mai Hương hối thúc cô về nước.
2 ngày trước khi bay, Mai Hương đi mua bình xịt khuẩn, khăn giấy cùng những trang bị bảo vệ bản thân trên máy bay. Riêng khẩu trang thì không thể mua được.
"Tất cả khẩu trang ở Đức được ưu tiên cho y tế. Mình lên trường gặp 1 bạn nữ người Trung Quốc. Cô ấy cũng chỉ còn 1 chiếc khẩu trang duy nhất. Sau đó, cô ấy đã xin được 1 chiếc khẩu trang cho mình" - Mai Hương kể.
Thay đổi lộ trình ở phút chót
Khoảng 11h sáng 15/3, nữ du học sinh có mặt tại sân bay ở Đức, bắt đầu hành trình hồi hương giữa đại dịch.
Nữ du học sinh (thứ 2, bên trái) chụp hình cùng nhóm bạn tại Đức (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Theo lộ trình dự kiến, cô sẽ bay từ Đức, quá cảnh tại Singapore sau đó bay thẳng về Việt Nam, xuống Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM).
Nhưng tại sân bay, khi trao đổi với một nam nhân viên ở quầy làm thủ tục, cô nhận được thông báo, hết ngày 15/3, mọi chuyến bay từ Singapore đến Việt Nam đều sẽ tạm dừng. Nếu tiếp tục bay đến Singapore, cô sợ sẽ mắc kẹt lại đó.
Nam nhân viên này hướng dẫn cô quay trở lại kí túc xá hoặc tìm gặp nhân viên khác để được tư vấn nếu vẫn muốn rời khỏi Đức.
"Cảm giác lúc đó rất hụt hẫng vì mình không chắc bay sang Singapore có kịp làm thủ tục để về Việt Nam không? Mình vừa lo lắng, vừa thất vọng, sợ không còn cơ hội để về nước" - du học sinh nhớ lại.
Sau đó Mai Hương tự trấn an bản thân, đi tìm sự giúp đỡ. Một nhân viên khác cho biết sẽ giúp được cô trở về Việt Nam nhưng lộ trình di chuyển của cô sẽ thay đổi. Theo đó Hương phải bay qua Amsterdam (Hà Lan), bay tiếp sang Bangkok (Thái Lan) rồi từ đây sẽ bay về TPHCM.
Chưa từng đi Amsterdam, sợ khi đến Hà Lan có thể gặp tình huống tương tự ở Đức hoặc Singapore,... bao nhiêu nỗi lo bủa vây nhưng Hương "phó mặc cho số phận", tin tưởng vào lời tư vấn.
"Con bắt đầu di chuyển rồi nhé. Con sẽ bay qua Hà Lan, đến Thái Lan rồi về Việt Nam. Nếu điện thoại kết nối được mạng ở các sân bay kế tiếp, con sẽ nhắn tin" - Mai Hương nhắn về cho gia đình trước khi lên chuyến bay tới Amsterdam.
Bay đến Hà Lan, cô không bị kiểm tra sức khỏe. Sân bay rất đông người nhưng chỉ có một số ít người đeo khẩu trang.
Ngày 16/3, Mai Hương đáp chuyến bay xuống Bangkok. Khi nhập cảnh vào Thái Lan, cô được đo thân nhiệt và tiến hành khai báo y tế...
Trước khuyến cáo của chuyên gia y tế về nguy cơ lây nhiễm virus ở sân bay cùng những thủ tục kiểm tra sức khỏe tại Thái Lan khiến Mai Hương thấy yên tâm hơn.
Khi lên máy bay của hãng hàng không Thái, Mai Hương cùng các hành khách được tổ bay hướng dẫn ngồi cách xa nhau, yêu cầu hạn chế tiếp xúc và luôn luôn đeo khẩu trang.
"Cả tổ bay đều đeo khẩu trang. Trước khi lên máy bay, mọi người đều phải rửa tay bằng nước sát trùng. Những việc này chưa xuất hiện ở sân bay các nước châu Âu" - cô cho hay.
Cuối cùng, sau hơn 30 giờ đồng hồ di chuyển, "chạy dịch" đầy căng thẳng, nữ du học sinh đã đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 19h ngày 16/3.
"Kết thúc hành trình về nước đầy gian khó, về đến Việt Nam mình thở phào nhẹ nhõm. Trong bối cảnh dịch bệnh, được trở về an toàn với quê hương là một điều may mắn" - Mai Hương chia sẻ.
Mai Hương cùng nhân viên y tế tại khu cách ly (Ảnh do nhân vật cung cấp).
"Ở Việt Nam, mình cảm thấy an toàn"
Mai Hương được tổ bay thông báo tất cả những người mới nhập cảnh sẽ phải cách ly tập trung trong 14 ngày. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhân viên hải quan sẽ thu lại hộ chiếu và tờ khai y tế của tất cả mọi người.
Sau đó, cả đoàn ra lấy hành lý ký gửi và tập trung tại 1 chỗ, chờ lên xe ô tô đến khu cách ly. Trong lúc chờ lên xe, mọi người được nhận lại giấy tờ.
"Các anh chị ở sân bay đã có sẵn một danh sách. Những ai cùng trở về từ châu Âu được tập hợp lại để cùng đưa đi cách ly" - Mai Hương tiếp tục kể.
Tối muộn ngày 16/3, nữ du học sinh có mặt tại Trường Quân sự Quân khu 7. Sau khi được phổ biến về nội quy trong khu cách ly, cô được các chiến sĩ bộ đội phụ bê hành lý, chỉ dẫn về phòng.
Cô ở cùng 2 bạn nữ, 1 người vừa trở về từ Đức, người còn lại ở Anh. Ngay sau đó Mai Hương nhắn tin thông báo tin mừng cho gia đình.
Bữa cơm trong khu cách ly (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Hàng ngày, trong khu cách ly, Mai Hương cũng như tất cả mọi người được kiểm tra sức khỏe, đo nhiệt độ 2 lần, được cấp phát 2 chiếc khẩu trang y tế để thay.
"Những ngày vừa qua, mình thấy dễ chịu khi sống và sinh hoạt tại đây. Mình thấy vui vì về được Việt Nam, cảm giác an toàn. Mấy anh, chị ở đây rất tốt, rất quan tâm mọi người. Họ còn hỏi có ai đang ăn chay không để làm riêng đồ chay. Nghe câu đó khiến mình cảm động vì họ đang lo cho tất cả mọi người đã rất vất vả, nhưng vẫn để ý đến những điều nhỏ nhặt nhất" - Mai Hương tâm sự.
Chia sẻ về hành động trở về Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát kinh hoàng tại Đức và châu Âu, Mai Hương cho rằng "mình đã làm đúng". Cô thấy yên tâm vì đã được ở gần gia đình.
"Khi trở về, mình cũng không muốn sẽ trở thành gánh nặng cho đất nước. Hiện tại sức khỏe của mình vẫn rất ổn. Nhưng nếu mắc bệnh ở đây, mình sẽ được đưa vào bệnh viện chữa trị, được chăm sóc tốt. Chuyến bay về nước vừa rồi của mình thật sự căng thẳng nhưng là một chuyến bay may mắn" - nữ du học sinh thổ lộ.
Nguyễn Trường
Du học sinh Việt Nam cần "hết sức cân nhắc" việc về nước tránh dịch Covid-19 Trong thông báo gần đây gửi công dân Việt Nam đang học tập, nghiên cứu tại nước ngoài, Bộ GD-ĐT khuyến cáo các em cần hết sức cân nhắc việc về Việt Nam tránh dịch Covid-19 trong bối cảnh đi lại khó khăn như hiện nay. Công dân Việt Nam từ khắp nơi trên thế giới về nước để tránh dịch Covid-19 -...