Cảm ơn Hội An đã ngừng bán vé vào thành phố
Sau rất nhiều phản ứng từ dư luận, TP Hội An đã quyết định ngừng việc thu phí một cách phản cảm, thiếu cơ sở pháp luật và cả văn hóa, một cách thu phí tiềm ẩn những nguy cơ lớn làm du khách từ chối Hội An. Ông Nguyễn Sự – Bí thư Thành ủy Hội An khẳng định chủ trương của việc chống thất thoát nguồn thu từ vé tham quan là đúng, nhưng phương thức thực hiện như vậy là sai. “Không thể để hình ảnh Hội An xấu đi trong mắt du khách chỉ vì một tấm vé. Tất cả cần phải được nghiêm túc chấn chỉnh” – Bí thư Thành ủy Hội An nhấn mạnh.
Khách du lịch luôn bị quyến rũ bởi vẻ đẹp của phố cổ Hội An
Không ai đến với Hội An mà không muốn đóng góp chút ít cho công tác bảo tồn một đô thị cổ hiếm hoi, một di sản thế giới. Ngay cả chúng tôi đã nhiều lần ngồi bên bờ sông Hoài và cầu mong một phép lạ nào đó đổ xuống đây một đống tiền để có thể làm một con đê bê tông tránh cho những ngôi nhà cổ mỗi năm một lần rũ ra trong nước lũ. Hội An là di sản sống, tiền đầu tư tu bổ, tôn tạo, trùng tu để duy trì những ngôi nhà cổ mỗi năm tốn một con số rất lớn mà người dân và ngân sách Nhà nước dành cho việc này là không đủ. Và sự đóng góp của du khách là hợp lý. Tuy nhiên, xin hãy nhớ, Hội An, ngoài là đô thị cổ còn là một khu vực hành chính mà ở đó mọi sinh hoạt của người dân lẫn với du khách. Cũng cần nhớ, khác với một khu du lịch do một hoặc một nhóm nhà đầu tư xây dựng, họ có quyền khoanh lại và bán vé cho ai muốn vào như mọi công viên trên thế giới. Hội An là một thành phố theo đúng nghĩa hành chính của nó, di sản Hội An không phải Ban quản lý di tích Hội An xây dựng mà là lịch sử mấy trăm năm đã đầu tư vào đó gìn giữ cho con cháu một di sản đẹp và dày dặn kinh khủng.
Không ai có quyền thu vé vào thành phố, nhưng có quyền quy định nghĩa vụ tu bổ di tích của 2 triệu du khách mỗi năm đến với Hội An. Nhưng thu thế nào là cả một vấn đề. Dư luận đã chỉ rõ sự vô lý thậm chí nhìn rõ kẽ hở tiêu cực và lãng phí khi bán vé vào thành phố. Vì có người phải mua vé, có người không nên rất có thể người phải mua vé sẽ không phải mua, người không phải mua sẽ phải mua, tùy theo ý thích của người gác cửa, còn tại sao thích thì miễn bàn cho. Vậy là cần một đống người bán vé, một đống người soát vé, một đống người giám sát và một đống người giám sát các đống giám sát ấy nữa. Chưa kể, một thành phố trong rào chắn là một thành phố bị phong tỏa, trong khi đó, Hội An vốn là một di tích mở, nơi mà những giá trị Việt, Chăm, Nhật, Hoa trộn lẫn hòa đồng và cởi mở. Tại sao lại thế? Cần phải xem lại công tác tham mưu để xảy ra cái thử nghiệm kỳ quái này. Cần phải có một người chịu trách nhiệm với sai lầm này.
Đó là nói đi, nhưng cũng cần nói lại. Hơn 20 năm nay, Hội An đã yêu cầu mỗi du khách đóng góp một khoản tiền hỗ trợ bảo tồn di tích và khoản tiền này thường thu qua các công ty du lịch lữ hành, những người đưa khách du lịch đến Hội An. Nhưng kiểm điểm lại, mỗi năm có gần 2 triệu du khách đến với Hội An có sự đóng góp này. Số còn lại, hoặc là bị các công ty lữ hành chiếm mất, hoặc cũng không có cơ chế thu. Nguồn thu từ du lịch mà cụ thể là thông qua bán vé chính là con át chủ bài từ nhiều năm qua trong việc giải bài toán khó khăn mà Hội An đã làm được, đó là “hài hòa bảo tồn và phát triển”. Vật liệu để trùng tu nhà cổ ở Hội An chủ yếu bằng ngói âm dương và gỗ nhóm 1 nên rất đắt tiền. Hội An có chính sách rõ ràng về mức hỗ trợ kinh phí trùng tu từ 30-75%, thậm chí 100% tùy theo mức độ hư hại của di tích và tùy theo vị trí của ngôi nhà. Ngôi nhà ở vị trí sâu trong ngõ, hẻm, nơi người dân không có nhiều nguồn thu từ du lịch sẽ được ưu tiên với mức cao. Vì vậy tìm kiếm một cơ chế thu là đúng.
85% số tiền bán vé sẽ được dùng để phục vụ cho công tác tu bổ, trùng tu di tích, số còn lại dành cho phát triển. Quá hợp lý. Nhưng nên thu như thế nào? Chúng tôi xin nêu một số thành phố có những cách thu rất hay, ví dụ Nha Trang, thu tiền hỗ trợ bảo tồn qua các khách sạn. Du khách ở khách sạn, khách sạn sẽ thu hộ thành phố khoản đó. Đấy là một cách hay. Nhưng Hội An quá gần Đà Nẵng, du khách có thể xuống thăm Hội An và đêm về Đà nẵng, vì vậy việc thu tiền bảo tồn di tích qua khách sạn cũng chỉ là một cách. Lâu dài và căn cơ hơn, Hội An phải phát triển dịch vụ văn hóa, dịch vụ lễ hội, dịch vụ phục vụ khách và tạo ra nguồn thu từ các dịch vụ này. Mấy năm nay, chúng tôi đã thấy Hội An tổ chức nhiều lễ hội, thậm chí mỗi tháng có một lễ hội, rất tiếc, tại sao không bán vé tham dự các lễ hội mà lại bán vé vào thành phố.
Tôi nghĩ với sự năng động của một thành phố di sản, thành phố Hội An sẽ tìm ra những cách phát triển bền vững và hữu hiệu.
Xin cảm ơi, Thành ủy Hội An, chính quyền Hội An đã chấm dứt việc bán vé vào thành phố.
Video đang HOT
Theo ANTD
Phó Chủ tịch Hội An: Không vé tham quan,đừng vào phố cổ!
Ông Trương Văn Bay, Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An trả lời việc du khách và các đoàn lữ hành phẫn nộ chuyện thu phí vào phố cổ.
Tránh việc các công ty lữ hành cho du khách đi chui
Chia sẻ thông tin với Đất Việt, ngày 23/4, trước việc các du khách và các đoàn lữ hành đang lên tiếng phản đối chuyện Hội An tiến hành thu phí vào phố cổ, ông Bay cho rằng: "Trước đây, du khách đi tự do, việc kiểm soát không kĩ, giờ phải kiểm soát bằng cách cứ ai vào phố cổ là phải mua vé, vì thế xảy ra câu chuyện này thôi".
Theo ông Bay, việc thu vé tham quan đã được tổ chức từ 20 năm nay, nhưng sau đánh giá của năm 2013, thì thấy rằng lượng khách đến tham quan Hội An mua vé để đóng góp cho việc trùng tu phố cổ chỉ được 1/3, số lượng người vào khu phố cổ. Vì thế, nghị quyết của HĐND đưa ra để thắt chặt việc quản lý việc du khách đi tham quan khu phố cổ phải mua vé, theo quy chế quản lý tham quan khu phố cổ.
Ông kể: "Có một tình trạng diễn ra, các công ty lữ hành đặt vé rồi sẽ trình vé ra để vào. Còn bây giờ một số các công ty tổ chức các tour, từ Đà Nẵng vào chẳng hạn, sẽ thả khách đó và cho khách đi tự do, thì bây giờ có lấy tiền vé tham quan hay không thì không biết, nhưng họ không có trách nhiệm mua vé cho khách vào khu phố cổ".
Không mua vé thì đừng nên vào phố cổ
Theo chia sẻ của ông, thì năm 2013, Hội An thu được 76,4 tỷ đồng. Việc bán vé tham quan vào khu di sản Hội An đã thực hiện từ tháng 10/1995, theo Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ, sau đó, Hội An tháng 12/1999 được công nhận di sản văn hóa, thì lúc đó cũng nâng cao tiếp tục thực hiện từ đó đến nay, đâu phải bây giờ mới thu.
Còn việc giá vé tăng, thì đã tăng từ năm 2012 từ 90.000đ lên đến 120.000đ. Các công ty làm ăn chân chính đối với Hội An vẫn bình thường, chỉ có 1 số công ty làm ăn không chân chính thì mới bức xúc trước chuyện này.
Đã vào phố cổ là phải mua vé!
Bên cạnh đó, ông khẳng định rõ: "Bây giờ chúng tôi chỉ biết, cứ đưa khách vào khu phố cổ, khu di sản phải mua vé. Nguyên nhân chủ yếu là do các công ty lữ hành làm ăn không chịu mua vé, thu của khách, nhưng thả khách ở đó, không mua vé cho khách để khách ra vào tự do, chúng tôi không quản lý hết được.
Thậm chí, một số đơn vị nói chỉ dẫn khách vào khu vực 1 phố cổ đi ăn thôi để không mua vé nhưng sau đó cũng dắt khách đi lung tung".
Được biết, việc triển khai siết chặt mua vé khi vào phố cổ, đã được Hội An tiến hành từ ngày 16/4, vì vậy, theo ông thì chỉ có các công ty lữ hành làm ăn chui thì mới bất bình trước việc này.
Đến bây giờ muốn đi vào phố cổ thì phải có vé, như vậy sẽ quản lý được 100% du khách đi vào khu phố cổ. Trong đó, bao gồm phí tham quan các điểm, dĩ nhiên có cả tham quan phố cổ.
Còn ông nhấn mạnh: "Nếu không tham quan, thì đừng nên vào phố cổ vì nó dành cho việc tham quan, du lịch của du khách".
Bởi, theo phân tích của ông Bay thì thực ra đi tham quan Hội An cũng phải vào di tích, chứ có nhiều người mang tiếng đi vào Hội An nhưng không biết Hội An là gì, chỉ đi nhìn phố để xem nó ra sao. Như vậy, làm sao biết được quá trình hình thành và phát triển của từng di sản để lại, đúc kết lại tinh thần quá trình giao lưu tiếng văn hóa của Hội An, mấy trăm năm nay nó như thế nào.
Làm sao biết được tổng thể của một khu đô thị cổ, nguyên là một bản thị sầm uất nhất thế kỷ 17, 18.
Sẽ xem xét để điều chỉnh
Trong một diễn biến khác, khi nói về mục đích của việc thu phí thì ông Bay cho rằng: "Chúng tôi sẽ xem lại tình hình như thế nào thì mới có phương án thay đổi, vì chúng tôi mới có triển khai thực hiện được hơn 1 tuần. Mà đặc biệt, chắc chỉ có người đi tự do, đi chui thì giơ mất tiền mua vé thì họ kêu thôi".
Nói về mục đích của việc thu phí vào phố cổ, theo ông thì có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất,nhằm có kinh phí để trùng tu, rồi tôn tạo di sản, cũng như các di sản khác, như di sản ở Cố đô Huế, Phong Nha - Kẻ Bàng đều phải thu vé.
Thứ hai, trước đây, việc quản lý chưa chặt chẽ, nên giờ phải siết chặt lại để không làm thất thoát nguồn thu.
Còn về hậu quả, thì ông Bay cho hay: "Tất nhiên lượng khách mấy ngày qua cũng bị giảm đi, một số đoàn không bán vé vào Hội An nữa, nhưng chuyện đó thì cũng bình thường thôi, họ không đi chỗ này thì đi chỗ khác. Nhưng khách đến tham quan phố cổ thì phải có vé, bởi nếu anh tham quan 1 khu di sản mà không mất phí thì làm sao".
Với số tiền thu được, Hội An chi tiêu theo NQ của HĐND tỉnh, mấy năm trước thì trích 25% dành cho Ủy ban tham quan để tổ chức bộ máy, đầu tư, quảng bá. Vừa rồi nâng lên 30% để đáp ứng đủ cho đội ngũ hơn 100 con người ở đó, còn lại 70% nộp vào ngân sách nhà nước để trùng tu, xây dựng du lịch hạ tầng phố cổ.
"Cái gì cũng phải bình tĩnh, chúng tôi cũng sẽ tiến hành xem xét thái độ để điều chỉnh cho phù hợp", ông cho hay.
Về chủ trương tiến hành thu phí của Hội An, ông Hồ Xuân Tịnh - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Quảng Nam cho hay: "Đương nhiên vấn đề thu phí, tiền dùng để phục vụ cho bảo dưỡng, bảo trì, rồi tu bổ phố cổ là cần thiết, nhưng thu như thế nào cho hợp lý thì việc này cần phải bàn cho kỹ, nếu không nhiều khi "lợi bất cập hại". Bởi vì, theo ông, thu thì có thể tính toán cách thu như thế nào để du khách không có phản ứng việc này, đó mới là chính sách hợp lý. Không nên để câu chuyện, bảo tồn chưa thấy hiệu quả mà lượng khách đã giảm.
Theo ĐVO
Để không bị "chặt chém" trong kỳ nghỉ 30-4 và 1-5 Mặc cho những khó khăn về kinh tế, dịp lễ 30-4 và 1-5 năm nay, lượng khách du lịch cho các tour trong nước cũng như nước ngoài vẫn tăng từ 10-15%. Nhiều công ty lữ hành còn cho biết, đến thời điểm này họ đã phải từ chối khách do các địa điểm du lịch nổi tiếng không còn phòng khách sạn....