Cảm ơn bố – người làm vườn của con
Vào những ngày cuối năm bố tôi thường mang về rất nhiều chậu hoa lan đủ loại sau những ngày ròng rã săn trên núi.
ảnh minh họa
Bố tôi không phải là người làm vườn nhưng lại có một tình yêu mãnh liệt với hoa lan. Tết năm nào bố cũng cẩn mẫn chăm sóc những chậu lan, cẩn thận treo chúng lên thanh cửa trước hiên, hay đôi khi để dưới tán cây vú sữa mặc cho chúng vui đùa dưới bóng râm. Chậu lan nào đẹp nhât, nở hoa đúng vào dịp Tết được bố ưu ái đặt trên bàn tiếp khách.
Tôi vẫn nhớ. Lúc ấy khi đang chơi quay cùng lũ trẻ trong xóm, chợt thấy bố đem về một chậu hoa lan có bông màu tím-duy nhất chỉ có một bông. Tôi bỏ ngang trò chơi chạy đến bên bố mà xuýt xoa như ngỏ ý rằng “Cho con đi bố!”
Kết quả sau 2 ngày năn nỉ ỉ ôi, khóc có, ăn vạ có, thậm chí đòi bỏ bữa bố đã đồng ý. Bố đưa tôi chậu lan với ánh mắt nghi ngờ nhưng vẫn không quên căn dặn tôi: “Vì đây là giống địa lan kị ánh nắng gắt, chỉ ưa bóng râm. Con đừng để lan dưới ánh nắng quá chiều, nếu không lan sẽ chết đấy”. Tôi khư khư ôm chậu lan vào lòng thật chặt như sợ bố sẽ đòi lại bất cứ lúc nào và dạ một tiếng rõ to: “Con biết rồi ạ”.
Tôi sung sướng đặt chậu hoa ở bệ cửa sổ- nơi mà tôi cho lý tưởng nhất để ngắm. Hằng ngày tôi vẫn không quên cho chúng uống một ít nước để khỏe mạnh. Nếu có nắng gắt tôi sẽ đóng cánh cửa sổ lại chỉ để hở một khe nhỏ. Bố đã dặn như vậy mà.
Có lần, tôi cùng bố xem chương trình gì đấy mà có liên quan đến việc chăm sóc hoa, cây cảnh, đại loại là vậy. Nói cùng xem chứ thực ra lúc tôi đi ngang qua, bố đã gọi tôi lại và bảo xem một chút sẽ có ích trong việc làm vườn. Hai con mắt tôi sáng lên: “Tôi sẽ trở thành người làm vườn giỏi nhất Thế Giới!” Nhất định là vậy. Nghĩ xong, tôi ngoan ngoãn ngồi bên bố và chăm chú nhìn vào màn hình tivi.
Video đang HOT
Tôi nhớ mọi lần làm vườn, bố đều bón phân cho cây. Hôm vừa rồi tôi cũng thấy người ta dạy trên tivi. Phải chăng đó là bí quyết? Xâu chuỗi lại trí nhớ của mình, tôi nhanh chân xuống kho, đảo mắt nhìn xung quanh và nắm một nắm hạt phân thật to trong bao NKK gì đó không rõ rồi chạy về phòng khóa cửa thật chặt như sợ ai phát hiện. Một tay dùng xẻng nhỏ xúc đất qua một bên, tôi cho nắm phân xuống và cán đất lại cho bằng phẳng, không quên thêm một ít nước. Xong việc, tôi nằm xuống giường ngủ một giấc để tự thưởng cho kiến thức làm vườn siêu đẳng của mình. Trong mơ tôi thấy chậu lan nở vô số hoa tím tỏa hương thơm dịu mặc cho bố đứng bên hết lời khen ngợi.
3 ngày sau, chậu lan của tôi có dấu hiệu bất thường, héo rũ hẳn so với hôm trước. Bông hoa màu tím và duy nhất cuối cùng cũng rụng xuống, những chiếc lá héo úa, mệt mỏi dựa vào song cửa sổ. Chậu địa lan trông có vẻ yếu ớt như chịu một cơn đau ghê gớm. Tôi với ngay ly nước thừa trên bàn tưới nhẹ lên thân và cả gốc nhưng vô ích, chậu lan vẫn ủ rũ một cách buồn bã. Không còn cách nào nữa, tôi ôm chậu lan chạy xuống cầu cứu bố, nước mắt sắp chực rơi xuống. Bố nhìn chậu lan trong tay tôi: “Để bố xem!” Kiểm tra một lúc lâu, bố quay lại bảo tôi:
- Không sao đâu con gái yêu, lan chỉ bị cảm giống như mọi lần con bị cảm thôi, uống thuốc là sẽ khỏi.
- Vậy bố cho nó uống thuốc giúp con nhé!
Bố cười, treo lan dưới tán vú sữa rồi bảo:
- Địa lan là một loài hoa khó tính, người chăm sóc phải kiên trì. Nó ưa ẩm, ưa bóng râm nhưng nếu thiếu nước cũng không được. Đặc biệt không bón phân loại chuyên dụng cho hoa màu như NPK cho nó. Đồng thời nếu để lâu dưới ánh nắng gắt thì dù được cung cấp đủ nước cây cũng sẽ chết.
Lúc này tôi mới chợt nhớ đến NKK, à không NPK mới đúng, có lẽ đó là loại phân bố nhắc đến và cũng chính là nguyên nhân khiến lan bệnh. Tôi cúi gằm mặt xuống đất:
- Hôm đó con có cho nó một chút xíu, một chút thôi ạ, là NPK gì gì đó.
Bố cười, xoa đầu tôi. Bố từng nói với tôi rằng muốn trở thành người làm vườn giỏi không phải chỉ có kiến thức là đủ, mà ở đó người làm phải đặt cả tâm huyết và tình cảm vào trong công việc. Cây cối cũng giống như con người, cũng đều là một sinh mạng, phải nâng niu, quí trọng thì nó mới cho lại những bông hoa đẹp ngát hương.
Vài ngày sau bố mang trả tôi chậu địa lan cũ. Trông nó có vẻ tươi hơn như mới trải qua cơn đau thập tử nhất sinh mặc dù lá vẫn chưa xanh hẳn. Nhìn lan đầy sức sống, tôi hạnh phúc cảm ơn bố. Bố dặn theo:
- Để lan ở nơi thoáng gió, chăm từ từ, thỉnh thoảng đưa nó ra ngoài trời đêm nghe con!
- Hoa cũng biết ngắm sao hả bố?
- Đúng rồi đấy. Bố tôi phì cười.
Tôi cẩn trọng đặt chậu lan yêu quý trên bàn đưa tay đùa giỡn với mấy chiếc lá xanh, nhớ lại lời bố nói “Người làm vườn giỏi là người biết gửi yêu thương mình vào trong mỗi chậu hoa”. Và, có lẽ tôi cũng học cách gửi yêu thương vào chậu địa lan này như bố đã từng làm. “Cảm ơn bố nhé, người làm vườn của con ạ!”
Theo Khampha
Váy cưới
Ngày mẹ sinh em trời mưa rất to, mưa mùa đông lạnh và dài lê thê. Chị nhớ mãi con đường lầy lội dẫn đến bệnh viện huyện. Tan học chị ba chân bốn cẳng chạy đến đấy, vì quá háo hức được trông thấy em nên dọc đường cứ ngã bì bõm. Chị nhớ cả nhớ đôi mắt ngơ ngác của em, nhớ bàn tay yếu ớt khẽ chạm vào má chị.
Hôm đó nhà cả nhà mình im lặng lắm, em cũng lặng im, đến khóc em còn chẳng buồn khóc, chỉ mình chị nói cười "mẹ ơi em bé giống con nhỉ? bố ơi đặt tên em là gì?". Bố gượng cười xoa đầu chị, mắt buồn mênh mang, mắt mẹ thì đỏ hoe. Chị đến ôm cổ mẹ thỏ thẻ "mẹ ơi mẹ đẻ đau lắm à", mẹ nước mắt vòng quanh.
Từ ngày có em, đi đâu, gặp ai chị cũng khoe. Một hôm đang nhảy dây ở nhà thằng Tũn, chị lao vào đánh nhau với nó bởi nó dám nói em bị đao. Lúc đấy chị không tài nào hiểu bị đao là bị gì, càng không thấu hết nỗi xót xa khi ai đó nói em mình bị đao, nhưng chị biết đao là một cái gì đó rất ghê gớm, và em không đáng bị gọi như thế. Thằng Tũn bị chị cào xước cánh tay, mẹ nó lôi cả hai đứa sang nhà mình, chửi từ ngoài ngõ chửi vào. Bố chạy ra hỏi chuyện, chị nức nở "thằng Tũn nói em Vy nhà mình bị đao, bố ơi đao là gì hở bố". Mẹ thằng Tũn nghe nói thế thì lí nhí xin lỗi rồi xách tai nó kéo về.
Sau vụ đấy, bố mẹ nói với chị rằng em không giống những đứa trẻ khác, em sinh ra đã mang bệnh nên chị phải thương em, bảo vệ em. Cứ nghĩ đến chuyện em không bình thường như mọi người, thậm chí có thể không biết nhảy dây, không đến trường, chị thấy mất mát và hụt hẫng. Nỗi hụt hẫng ấy nhiều năm sau chị vẫn cảm nhận rõ rệt, như lúc bé tí, ta giật mình tỉnh dậy giữa đêm rồi không còn thấy mẹ mình nằm bên cạnh, gọi mãi, khóc thét mãi, chỉ có bóng đêm bao trùm.
Chuỗi ngày sau đó đối với cả nhà mình thật khó khăn. Em ngày một quấy khóc, người em yếu như sợi bún, mỗi lần có bệnh dịch xuất hiện, hầu như không bệnh nào bỏ quên em. Tuổi thơ của em gắn liền với bệnh viện, thuốc thang, với những đêm mẹ thức trắng dỗ dành, những buổi chiều đi học về chị rơm rớm nhìn em nằm thở mệt nhọc trên giường bệnh. Gần 2 tuổi em mới chập chững biết đi, lên 3 em bập bẹ nói được. Đó là cả một kỳ tích.
Em cười nhiều nhất vào những chiều chị đèo em trên xe đạp, đi thơ thẩn khắp thị trấn. Hai chị em thường ra đến đường ray tàu, hái một giỏ đầy hoa xuyến chi rồi rẽ về trung tâm thương mại, nơi có một tiệm váy cưới to đùng. Mình cứ mải mê ngắm những chiếc váy lộng lẫy đến nỗi thuộc lòng cả vị trí và màu sắc của chúng. Chị thích nhất cái váy trắng treo thứ năm từ ngoài vào, còn em, cái nào em cũng mê. Chị hứa sau này có tiền sẽ mua tặng em thật nhiều váy cưới. Em há hốc mồm nhìn chị rồi cứ cười ngây ngô. Nụ cười hồn nhiên, khờ khạo vì suốt đời không nhìn thấu nhân gian, nụ cười màu nắng nhưng có cả màu tủi thân. Chị vẫn không cắt nghĩa được sắc màu tủi thân ấy bởi chưa bao giờ em nhận ra thiệt thòi của chính mình sao em biết buồn, biết tủi thân?
Có lần ngồi chơi với thằng Út, em sẩy tay đổ nước sôi lên bàn chân nó. Mẹ chạy vào mắng em té tát, mẹ đánh em rõ đau. Chị xót quá quát lại mẹ. Rồi ba mẹ con cùng khóc, mẹ, chị, thằng Út khóc ầm nhà, càng khóc càng thấy đau. Em thì vẫn cười ngơ ngác. Ngày lên xe hoa, chị mặc váy cưới thật đẹp, em vẫn nụ cười không tắt, bàn tay nhỏ của em hết mân mê lớp vải lộng lẫy đến vỗ nhẹ lên hai má chị, em bi bô "đẹp quá, đẹp quá". Sao em không giận chị chưa từng mua váy cưới cho em, không giận mẹ sinh em ra gần 20 tuổi đầu mà vẫn nhỏ bé, yếu ớt, không tài nào mặc vừa bộ váy cưới, sao em không hỏi xem còn tuổi đời nào cho em, còn váy cô dâu nào cho em, còn tương lai nào cho em? Sao em mãi cười ngây ngô như thế? Để chị về nhà chồng còn mang hoài nỗi tủi thân.
Theo VNE
Bạn hay là hạn? Ngày mới cưới mình đã gặp trận cãi vã cũng vì khoản nợ của bạn anh làm lỡ hết cả việc lớn của mình. Anh ta hẹn lần hẹn lữa, rồi kêu hồi này làm ăn khó nên khi nào có mới trả được. Khi đó em đã đành ngậm bồ hòn làm ngọt, em không vui vì tính em đã hứa ngày...