Cấm nhiều tuyến phố phục vụ Quốc tang nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu
Công an Hà Nội tạm cấm nhiều tuyến đường ở trung tâm và khu vực lân cận để phục vụ Quốc tang nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu trong 2 ngày 14-15/8.
Theo kế hoạch, từ 6h ngày 14/8 đến 13h ngày 15/8, các phương tiện (trừ xe làm nhiệm vụ) bị cấm triệt để trên các tuyến đường: Tăng Bạt Hổ, Phạm Đình Hổ, Nguyễn Công Trứ (đoạn từ Trần Thánh Tông đến Lò Đúc), YecXanh, Trần Thánh Tông, Nguyễn Huy Tự, Lê Quý Đôn (đoạn từ Nguyễn Cao đến YecXanh), Nguyễn Cao (đoạn từ Lò Đúc đến Lê Quý Đôn), Hàn Thuyên, Hàng Chuối (đoạn từ Hàn Thuyên đến Nguyễn Công Trứ).
Các tuyến đường hạn chế lưu thông trong khoảng thời gian trên gồm: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Lê Thánh Tông, Lò Đúc, Nguyễn Công Trứ (đoạn từ Lò Đúc đến Phố Huế), Trần Khánh Dư, đê Nguyễn Khoái, đê 401, Ngô Thì Nhậm, Lê Thánh Tông.
Nhiều tuyến đường Hà Nội cấm hoặc hạn chế phương tiện lưu thông trong 2 ngày 14-15/8.
Từ 11h30 đến 15h ngày 15/8, hạn chế phương tiện lưu thông trên tuyến Lê Thánh Tông – Quảng trường Cách mạng Tháng tám – Tràng Tiền – Hàng Khay – Tràng Thi – Điện Biên Phủ – Trần Phú – Kim Mã – Đào Tấn – Nguyễn Khánh Toàn – Nguyễn Văn Huyên (đoạn từ Nguyễn Khánh Toàn – Nguyễn Văn Huyên đến Nguyễn Văn Huyên – Cầu Giấy) – Cầu Giấy – Xuân Thủy – Hồ Tùng Mậu (đoạn từ Xuân Thủy – Hồ Tùng Mậu đến Hồ Tùng Mậu – Nguyễn Cơ Thạch).
Để phục vụ Quốc tang, Công an Hà Nội yêu cầu người dân đến dự Lễ viếng, truy điệu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu gửi ôtô, xe máy trên đường Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Nguyễn Huy Tự và các điểm trông giữ xe ngoài phạm vi hạn chế, tạm cấm.
Đối với các tuyến vành đai, trong thời gian diễn ra Quốc tang, phương tiện từ quốc lộ 5 đi các tỉnh phía Nam theo quốc lộ 1B qua cầu Thanh Trì đi các tỉnh. Phương tiện từ quốc lộ 5 đi các tỉnh phía Bắc đi qua cầu Đông Trù, theo tuyến quốc lộ 2, quốc lộ 3 hoặc cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên.
Ngoài ra, từ 11h30 đến 15h ngày 15/8, phương tiện từ các tỉnh phía Nam đi các tỉnh phía Bắc đến Pháp Vân, vành đai 3 trên cao, di chuyển qua cầu Thanh Trì hoặc vành đai 3 trên cao – Phạm Văn Đồng – Tân Xuân – An Dương Vương – lên cầu Nhật Tân đi các tỉnh và ngược lại.
Phương tiện từ phía tây về trung tâm TP đến quốc lộ 32 đi tỉnh lộ 70 hoặc Đại lộ Thăng Long, Trần Duy Hưng, yêu cầu các phương tiện chủ động điều chỉnh lộ trình, hạn chế đi vào đường Hồ Tùng Mậu – Xuân Thủy – Cầu Giấy.
Lễ viếng nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội, bắt đầu từ 8h ngày 14/8 đến 12h ngày 15/8. Lễ truy điệu tổ chức vào 12h30 cùng ngày tại đây. Lễ an táng lúc 14h ngày 15/8 tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất (TP.HCM) và Hội trường 25B (đường Quang Trung, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá) lễ viếng, lễ truy điệu nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng được tổ chức .
Trong hai ngày Quốc tang (14/8 và 15/8), công sở, nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
Thông cáo đặc biệt: Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu từ trần
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vô cùng thương tiếc báo tin:
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: TTXVN
Đồng chí Lê Khả Phiêu, sinh ngày 27/12/1931, tại xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa; thường trú tại số nhà 7/36/C1 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Tham gia hoạt động cách mạng năm 1947; vào Đảng ngày 19/6/1949. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa VII, khóa VIII; Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị khóa VIII; Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001). Đại biểu Quốc hội khóa IX, khóa X.
Sau một thời gian lâm bệnh, mặc dù đã được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí đã từ trần hồi 2 giờ 52 phút, ngày 07/8/2020 (tức ngày 18 tháng 6 năm Canh Tý), tại nhà riêng, hưởng thọ 89 tuổi.
Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, Đồng chí đã có nhiều đóng góp to lớn đối với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Đồng chí được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
Đồng chí mất đi là một tổn thất to lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Để tỏ lòng tưởng nhớ đồng chí Lê Khả Phiêu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Lê Khả Phiêu với nghi thức Quốc tang.
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
CHỦ TỊCH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
CHÍNH PHỦ NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
TÓM TẮT TIỂU SỬ đồng chí Lê Khả Phiêu - nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam:
Video đang HOT
Đồng chí Lê Khả Phiêu sinh ngày 27/12/1931; quê quán: Xã Đông Khê, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Thường trú tại số nhà 7/36/C1 Lý Nam Đế, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Tham gia hoạt động cách mạng năm 1947; vào Đảng ngày 19/6/1949.
Từ năm 1947 đến năm 1949, Đồng chí dạy bình dân học vụ ở xã. Tháng 6/1949 đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam, phụ trách công tác tuyên truyền, làm Chánh Văn phòng Chi bộ xã.
Từ tháng 5/1950 đến tháng 8/1954, Đồng chí nhập ngũ, làm chiến sĩ, rồi đảm nhiệm các chức vụ Tiểu đội trưởng, Trung đội trưởng, Chính trị viên phó Đại đội, Chính trị viên Đại đội, Trung đoàn 66, Đại đoàn 304.
Từ tháng 9/1954 đến tháng 3/1955, Đồng chí học bổ túc quân chính trung cấp khóa I.
Từ tháng 3/1955 đến tháng 3/1958, Đồng chí lần lượt đảm nhiệm các chức vụ Trưởng Tiểu ban Tổ chức Trung đoàn, Chính trị viên Tiểu đoàn; Phó Chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn 66, Sư đoàn 304.
Tháng 4/1958, Đồng chí là học viên Trường Chính trị trung cao.
Từ tháng 6/1961 đến năm 1966, Đồng chí lần lượt giữ các chức vụ Phó Ban Cán bộ rồi Trưởng Ban Tổ chức, Phòng Chính trị Sư đoàn 304; sau đó làm Phó Chính uỷ rồi Chính uỷ Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Quân khu Hữu Ngạn, Đảng uỷ viên Sư đoàn.
Tháng 7/1967, Đồng chí vào chiến trường Trị Thiên chiến đấu, làm Chính uỷ Trung đoàn 9. Tháng 01/1968, Đồng chí kiêm Trung đoàn trưởng Trung đoàn 9.
Năm 1970, Đồng chí làm Trưởng Phòng Tổ chức Quân khu Trị Thiên.
Từ tháng 10/1971 đến tháng 02/1974, Đồng chí làm Phó Chủ nhiệm chính trị Quân khu Trị Thiên.
Tháng 3/1974, Đồng chí làm Chủ nhiệm chính trị Quân khu Trị Thiên (sau là Quân đoàn 2), Đảng ủy viên Quân đoàn.
Tháng 02/1978, Đồng chí làm Chủ nhiệm chính trị rồi Phó Chính ủy kiêm Chủ nhiệm chính trị Quân khu 9.
Tháng 8/1980, Đồng chí làm Phó Tư lệnh về chính trị kiêm Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9, được bầu vào Thường vụ rồi Phó Bí thư Đảng ủy Quân khu.
Tháng 3/1983, Đồng chí giữ chức Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 9.
Tháng 4/1984, Đồng chí làm Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tư lệnh 719, Đồng chí được thăng quân hàm Thiếu tướng.
Năm 1986, Đồng chí làm Phó Tư lệnh về chính trị kiêm Chủ nhiệm chính trị Bộ Tư lệnh 719, làm Uỷ viên rồi Phó Bí thư Ban cán sự Bộ Tư lệnh 719.
Tháng 6/1988, Đồng chí được thăng quân hàm Trung tướng.
Tháng 8/1988, Đồng chí làm Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam (phụ trách khối tổ chức, cán bộ, bảo vệ).
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII (tháng 6/1991), Đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phân công làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương).
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ ba, khóa VII, Đồng chí được bầu vào Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Tháng 6/1992, Đồng chí được thăng quân hàm Thượng tướng.
Tại Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương khóa VII (tháng 01/1994), Đồng chí được bầu vào Bộ Chính trị.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII (tháng 6/1996), Đồng chí tiếp tục được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị, được cử tham gia Thường vụ Bộ Chính trị, phân công làm Thường trực Bộ Chính trị kiêm Trưởng Ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương.
Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tư, khóa VIII (tháng 12/1997), Đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương).
Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa VII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VII, VIII; Ủy viên Thường vụ, Thường trực Bộ Chính trị khoá VIII; Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001). Đại biểu Quốc hội các khóa IX, X.
Tháng 10/2006, Đồng chí được nghỉ công tác theo chế độ.
Do có nhiều công lao và thành tích xuất sắc đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, Đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế.
DANH SÁCH BAN LỄ TANG đồng chí Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban Lễ tang.
Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng.
Đồng chí Tòng Thị Phóng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.
Đồng chí Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Đồng chí Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an.
Đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Trưởng Bộ phận Thường trực chuyên trách Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Đồng chí Đại tướng Lương Cường, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Đồng chí Phan Đình Trạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương.
Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Đồng chí Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng chí Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Phó Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Đồng chí Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương.
Đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.
Đồng chí Đào Việt Trung, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước.
Đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
Đồng chí Lê Minh Khái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ.
Đồng chí Lê Vĩnh Tân, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ.
Đồng chí Trịnh Văn Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hoá.
Đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Được, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
THÔNG BÁO LỄ VIẾNG, LỄ TRUY ĐIỆU VÀ LỄ AN TÁNG ĐỒNG CHÍ LÊ KHẢ PHIÊU
Tang lễ đồng chí Lê Khả Phiêu được tổ chức theo nghi thức Quốc tang.
Linh cữu đồng chí Lê Khả Phiêu được quàn tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội.
Lễ viếng đồng chí Lê Khả Phiêu được tổ chức tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội bắt đầu từ 8 giờ, ngày 14/8/2020 đến 12 giờ, ngày 15/8/2020.
Lễ truy điệu đồng chí Lê Khả Phiêu tổ chức vào 12 giờ 30 phút, ngày 15/8/2020 tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng lúc 14 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, Hà Nội.
Cùng thời gian này, tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và Hội trường 25B, đường Quang Trung, thành phố Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hoá cũng tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Lê Khả Phiêu.
Đài Truyền hình Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam sẽ tường thuật trực tiếp Lễ viếng, Lễ truy điệu và Lễ an táng đồng chí Lê Khả Phiêu tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Thanh Hóa.
Trong hai ngày Quốc tang (14/8 và 15/8/2020), các công sở, nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí.
BAN LỄ TANG
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu với quê hương Thanh Hóa - Bài 6: Trong trái tim thế hệ trẻ xứ Thanh Đối với thế hệ trẻ xứ Thanh, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu là tấm gương sáng ngời về khát vọng, nỗ lực vươn lên; tinh thần, ý chí, đạo đức cách mạng vững vàng; đức tính giản dị, khiêm nhường, tận tụy và trung liệt cả trong công việc cũng như trong cuộc sống. Anh Trịnh Xuân Phúc, Phó Giám đốc...