Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ?
‘Kinh doanh dịch vụ đòi nợ’ nằm trong 12 ngành nghề được đề xuất đưa vào danh mục cấm theo dự thảo luật Đầu tư sửa đổi.
Cơ quan chức năng đang xem xét cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ, do nhiều công ty đòi nợ thuê hành xử kiểu xã hội đen trấn áp con nợ Ảnh: Công Nguyên – Kim Quy – Nguyên Bảo
Dịch vụ có nhiều biến tướng
Theo Bộ Kế hoạch – Đầu tư, dự án luật Đầu tư sửa đổi lần này bỏ 12 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; sửa 19 ngành, nghề và bổ sung 6 ngành, nghề để phù hợp với thực tiễn quản lý nhà nước. Trong số này, ban soạn thảo bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Cơ quan soạn thảo giải thích, việc cấm đầu tư kinh doanh để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với dịch vụ này, hạn chế tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động đòi nợ thuê gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự.
Nếu đưa dịch vụ đòi nợ vào cấm thì cần phải có lộ trình cho các doanh nghiệp đã có giấy phép hoạt động trước đây để từng bước tiến tới ngưng hoạt động, chuyển đổi mô hình Luật sư Nguyễn Văn Đức
Trên thực tế, nhiều dịch vụ đòi nợ thuê đã hành xử theo kiểu trấn áp con nợ. Điển hình trong tháng 7 vừa qua, ông chủ quán phở Hòa tại TP.HCM nhiều lần trình báo công an nhờ can thiệp vì quán liên tục bị người lạ tạt sơn, mắm tôm, nhớt, khủng bố tinh thần bắt ông phải trả nợ thay cho em rể là ông Trần Anh Tuấn. Trong đó có nhóm người thuộc Công ty TNHH DV thu hồi nợ Đại Hải (ấp 6, xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn) đã có gửi thông báo, giấy giới thiệu đến địa chỉ quán phở Hòa tìm ông Tuấn đòi nợ theo giấy ủy quyền của người tên Võ Thanh Sang.
Một vụ đòi nợ thuê xảy ra trên địa bàn Q.1, TP.HCM Ảnh: Kim Quy
Trong điều tra sau đó, Công an TP.HCM nhận xét đa số các công ty đòi nợ thuêmặc dù được các cơ quan chức năng cấp phép, khi đi vào hoạt động thì không thực hiện đúng chức năng theo quy định, khi đi đòi nợ lại dùng những người không nằm trong danh sách đăng ký… Chính những người này chủ động đe dọa, uy hiếp người thân của người mượn nợ để ép trả nợ thay.
Trước đó, trong tháng 10.2018, bà L.T.T.H (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) gửi đơn đến tòa soạn Báo Thanh Niên “cầu cứu” về việc nhân viên của Công ty TNHH thu hồi nợ T.H (Q.10, TP.HCM) kéo đến đòi nợ gây thiệt hại cho bà trong kinh doanh. Công ty này theo ủy quyền đến đòi nợ em ruột chủ nhà (bà H. đang thuê nhà bán cà phê, rửa xe), và dù không có con nợ ở nhà nhưng nhóm người của công ty này nhiều lần ngang nhiên đến cúp nước, cúp điện, kéo rào không cho khách vào rửa xe, uống cà phê ở quán của bà H. Nhóm người này còn đe dọa rạch mặt, tạt a xít nữ quản lý của quán bà H. khiến cô này hoảng sợ, nghỉ việc. Quán cà phê của bà H. liên tục bị tạt sơn và mắm tôm…
UBND TP.HCM đã nhiều lần kiến nghị cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Trong văn bản mới nhất gửi Bộ Tài chính cuối tuần qua, UBND TP.HCM nhận định việc cho phép hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ vô tình là kẽ hở để một số đối tượng (hoạt động đòi nợ thuê, xã hội đen…) lợi dụng núp bóng đầu tư qua hình thức cấu kết giữa công ty tài chính, công ty đòi nợ và các đối tượng hình sự, các băng nhóm tại địa phương, gây hệ quả phức tạp về an ninh trật tự. Theo UBND TP.HCM, nếu không đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục ngành nghề cấm kinh doanh, Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ sửa đổi và bổ sung Nghị định 104/2007 về kinh doanh dịch vụ đòi nợ, trong đó quy định cụ thể cơ quan thẩm quyền xử phạt, chế tài xử phạt và quy trình đòi nợ đối với khách nợ.
Video đang HOT
Cấm là không bảo vệ người cho vay
TS Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng trước khi bàn đến việc cấm hay không cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì cơ quan soạn thảo luật phải công bố đánh giá được những điều được và chưa được cụ thể hơn. Bởi những hành vi như khủng bố, đe dọa, côn đồ… đều vi phạm hình sự.
“Không việc gì phải cấm mà cần thiết lập khung pháp lý cho mối quan hệ người cho vay và người đi vay. Hợp đồng và nghĩa vụ cả hai bên thế nào, nếu không trả nợ được thì vì lý do gì, cơ chế bảo vệ bên cho vay thế nào… Ngay chính công ty đòi nợ phải có khung pháp lý để họ vin vào đó làm công cụ thực thi nhiệm vụ của mình. Khung pháp lý này phù hợp với nền kinh tế thị trường, hiệu quả và bảo vệ lợi ích hai bên và phù hợp quy ước quy chuẩn xã hội hiện nay”.TS Vũ Đình Ánh
Nếu xử lý đúng quy định thì cùng với việc tuyên án về hình sự, tòa cũng có thể xử kèm theo đề nghị rút giấy phép kinh doanh. “Trên thực tế nếu các hành vi vi phạm xảy ra mà không xử lý nghiêm thì trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý. Việc xử lý nghiêm sẽ giúp loại bỏ được các hoạt động sai phạm, lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh nói chung. Nếu chưa xem xét tất cả những hoạt động liên quan mà đưa vào cấm hoạt động thì chưa ổn”, TS Trần Du Lịch nói.
Quán cà phê của bà H. (ở Q.Bình Thạnh) bị một nhóm đòi nợ đến tạt sơn dù bà không hề nợ nần gìẢnh: Nạn nhân cung cấp
TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Kinh tế giá cả (Bộ Tài chính) cũng cho rằng, đề xuất bổ sung ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh là cách làm “trám lỗ hổng pháp lý” trong quản lý.
Theo ông, hoạt động vay nợ tại VN trong cơ chế hội nhập, nhu cầu mở rộng sản xuất kinh doanh của DN là rất lớn. Hoạt động vay nợ theo định chế chính thức không đủ để đáp ứng nhu cầu cho tất cả, nên mới phát sinh vay phi chính thức, tức là vay nợ ở bên ngoài các tổ chức tín dụng. Từ đó, phát sinh câu chuyện vay và không trả nợ được. Cá nhân, tổ chức cho vay, không đòi được nợ thường phải nhờ qua một đơn vị trung gian. Nếu hệ thống pháp lý VN đầy đủ và giải quyết vấn đề đòi nợ nhanh gọn, chi phí vừa phải, thời gian không kéo dài, không phát sinh gì nhiều… chắc chắn không cần thêm hoạt động đòi nợ thuê.
Bị nhóm giang hồ đòi nợ khóa trái cửa, gia đình nạn nhân (ở Q.Bình Tân) phải nhờ lực lượng chức năng mở khóa Ảnh: CTV
Thế nên, VN phát sinh thêm công ty đòi nợ thuê thực tế không có gì đáng ngạc nhiên, bởi bản chất của tài chính là phải “cậy nhờ” bên thứ 3 để bảo đảm lợi ích và quyền lợi cho bên cho vay và bên vay. Cấm hoạt động đòi nợ thuê là để bảo vệ con nợ chứ không bảo vệ người cho vay. Bên cạnh đó, hoạt động đòi nợ thuê mới manh nha vài năm trở lại đây, có thể liên quan vấn đề pháp lý, đến những quy ước xã hội, nhưng nó có nhu cầu thực sự và bảo đảm yếu tố bình đẳng cho hai bên. Có bên thứ 3 đòi nợ thuê thì nền tài chính mới vận hành được.
Thúc đẩy đòi nợ qua tòa
Đưa ra ý kiến về đề xuất này, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế T.Ư, nhận định nhu cầu của người dân về dịch vụ đòi nợ vẫn có. Vì vậy nếu cấm hoàn toàn cũng sẽ không phù hợp thực tế và làm nảy sinh những hoạt động chui. Thay vì cấm, nên đưa ra thêm các quy định khắt khe để siết chặt dịch vụ đòi nợ như nâng cao vốn pháp định khi thành lập DN so với quy định chỉ ở mức 2 tỉ đồng như hiện nay. Đồng thời quy định rõ về trách nhiệm giám sát, tạo công cụ cho cơ quan quản lý kiểm tra xử phạt. Đặc biệt đưa ra trách nhiệm cụ thể về tài chính, hành chính và cả hình sự với người đứng đầu DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty luật Kinh Luân (TP.HCM) nhận xét, nếu người dân đòi nợ thông qua việc kiện ra tòa thì thủ tục rất phức tạp, thời gian kéo dài nhiều năm. Thậm chí đến khi tòa xử xong, chủ nợ cầm bản án trong tay thì cũng không thu được nợ vì con nợ đã tẩu tán tài sản, thay đổi chỗ ở… Chính vì vậy, niềm tin của người dân về việc khởi kiện và thu hồi nợ thông qua tòa án hiện rất thấp. Điều này khiến họ tìm đến các dịch vụ đòi nợ thuê dù đôi khi chấp nhận phải chi trả đến 50% khoản nợ được thu hồi. Do đó luật sư Đức cho rằng cần tăng cường công tác xét xử, giảm thiểu các thủ tục đối với các vụ tranh chấp, đòi nợ nếu bằng chứng đã rõ để tăng niềm tin cho người dân vào tòa án. Từ đó người dân sẽ không chọn các dịch vụ bên ngoài với phí cao và dễ gặp rắc rối vì các hoạt động vi phạm…
“Nếu đưa dịch vụ đòi nợ vào cấm thì cần phải có lộ trình cho các DN đã có giấy phép hoạt động trước đây để từng bước tiến tới ngưng hoạt động, chuyển đổi mô hình. Các hệ lụy liên quan cần phải được xem xét cụ thể hơn”, luật sư Nguyễn Văn Đức nói.
Theo thanhnien
Ổ nhóm cho vay "cắt cổ" ở TT-Huế: Phạm cả tội giao cấu với trẻ em
Cơ quan công an làm rõ thủ đoạn của ổ nhóm hoạt động "tín dụng đen" cho vay với lãi suất cắt cổ ở Thừa Thiên - Huế.
Liên quan đến vụ bắt giữ 5 đối tượng trong đường dây cho vay với lãi suất "cắt cổ", ngày 29/8, theo tin từ Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, cơ quan điều tra đã làm rõ thủ đoạn của ổ nhóm hoạt động "tín dụng đen".
Theo đó, để thực hiện hoạt động cho vay nặng lãi, đối tượng cầm đầu Nguyễn Đắc Hải Anh (SN 1999, trú tại TP.Hà Nội, tạm trú phòng 210, tòa nhà CT2, chung cư Aranya, phường Xuân Phú, TP.Huế) sử dụng mạng xã hội Facebook và Zalo để quảng cáo cho vay tiền. Các bài viết trên mạng xã hội của đối tượng này quảng cáo việc cho vay tiền với thủ tục đơn giản, nhanh gọn.
Các đối tượng được Hải Anh thu nạp để cho vay lãi suất "cắt cổ" ở Huế.
Bên cạnh đó, Nguyễn Đắc Hải Anh còn chỉ đạo các đối tượng đàn em Võ Bá Đạt (SN 1996), Nguyễn Tiến Đại (SN 1998), Đàm Quang Trung (SN 1999) cùng trú tại TP.Hà Nội và Nguyễn Đức Giang (SN 1998, trú tại tỉnh Bắc Giang) in tờ rơi quảng cáo cho vay tiền rồi đi rải ở các tuyến đường, dán lên tường, cột điện tại các vị trí đông người nhìn thấy trên địa bàn tỉnh.
Mỗi đối tượng đàn em được Nguyễn Đắc Hải Anh giao phụ trách từng địa bàn cụ thể, đảm nhận từ rải, dán tờ rơi cho đến thực hiện các thủ tục cho vay. Các đối tượng này cũng có trách nhiệm thẩm định khả năng trả nợ của người vay, cũng như việc đòi nợ.
Công an lấy lời khai đối tượng Nguyễn Đắc Hải Anh.
Những người dân vay tiền đến hạn chưa có khả năng trả nợ sẽ bị các đối tượng uy hiếp, đe dọa tính mạng nhằm khiến con nợ sợ hãi để đòi tiền. Đặc biệt, ổ nhóm này còn sẵn sàng sử dụng hung khí gây thương tích và cưỡng đoạt tải sản của con nợ.
Do các đối tượng trong băng nhóm này hoạt động rất tinh vi, luôn có sự liên kết ngầm giữa các cá nhân, đồng thời lợi dụng những sơ hở trong hệ thống pháp luật để hoạt động... nên việc điều tra gặp nhiều khó khăn.
Trong quá trình điều tra, cơ quan công an còn phát hiện ngoài cho vay nặng lãi, ổ nhóm này còn thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác như trộm cắp xe máy, giao cấu với trẻ em...
Theo Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế, thời gian qua, đã có 4 nhóm 28 đối tượng hoạt động "tín dụng đen" ở tỉnh bị triệt phá. Qua rà soát, hiện có 21 nhóm/114 đối tượng ngoại tỉnh đến địa phương lưu trú để hoạt động cho vay nặng lãi.
Trong thời gian tới, công an tỉnh và công an các đơn vị, địa phương sẽ tăng cường truy quét, xử lý các ổ nhóm này.
Hung khí được băng nhóm của Hải Anh sử dụng để hoạt động cho vay nặng lãi và đòi nợ.
Như tin đã đưa, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa triệt phá đường dây cho vay nặng lãi trên địa bàn tỉnh, bắt giữ Nguyễn Đắc Hải Anh, Võ Bá Đạt, Nguyễn Tiến Đại, Đàm Quang Trung và Nguyễn Đức Giang theo Điều 201 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Nguyễn Đắc Hải Anh là đối tượng cầm đầu ổ nhóm cho vay nặng lãi tại Thừa Thiên - Huế và rất manh động. Hải Anh thu nhận 4 đối tượng Đạt, Đại, Trung, Giang làm đàn em và cùng thuê trọ tại số 61/3 đường Dương Văn An, TP.Huế để hoạt động bảo kê, đòi nợ và cho vay nặng lãi trên địa bàn Thừa Thiên - Huế.
Khám xét khẩn cấp chỗ ở của 5 đối tượng trên, công an thu giữ số tiền hơn 100 triệu đồng, 4 thùng đựng sổ sách, tài liệu liên quan đến việc cho vay tiền, 2 con dao, 2 dùi sắt, 1 khẩu súng nhựa được các đối tượng dùng để đe dọa đòi nợ và 1 xe máy trộm cắp.
Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận, trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến nay, có hơn 950 lượt người đến vay với tổng số tiền cho vay hơn 11 tỷ đồng, lãi suất cho vay từ 180%/năm đến hơn 200%/năm. Qua đó, các đối tượng đã thu lợi bất chính số tiền lãi hơn 1,8 tỷ đồng.
Toàn bộ số tiền nhóm Hải Anh hoạt động "tín dụng đen" đều do một số đối tượng khác ở Hà Nội và TP.HCM "rót" vào và giao cho Anh trực tiếp quản lý, điều hành.
Theo Danviet
Đánh người, đập phá tài sản trước, đòi nợ sau Hiện nay, tình trạng cho vay nặng lãi, đòi nợ theo kiểu xã hội đen đã ảnh hưởng xấu tình hình ANTT tại một số địa phương. Trước thực trạng trên, CA các địa phương đã tăng cường áp dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, triệt xóa nhiều băng nhóm cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, tín dụng đen hoạt động như chiếc...