Cam kết rót 85.000 tỷ đồng, đại gia bất động sản sẽ đổ bộ vào Cần Thơ
19 nhà đầu tư vừa ký cam kết rót vốn đầu tư vào Cần Thơ tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư TP.Cần Thơ 2018 vừa diễn ra, đáng chú ý trong đó hầu hết các dự án đều nhắm đến phát triển cơ sở hạ tầng và bất động sản.
Tại Hội nghị, TP Cần Thơ đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho 10 dự án với tổng vốn đầu tư gần 8.000 tỉ đồng. Các dự án này phần lớn tập trung vào lĩnh vực bất động sản, cơ sở hạ tầng xã hội.
Trong đó, lĩnh vực BĐS gồm: Dự án Khu đô thị mới An Bình (quận Ninh Kiều) của Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hồng Phát; dự án Bệnh viện đa khoa Vinmec Cần Thơ do Công ty cổ phần Bệnh viện đa khoa Quốc tế Vinmec làm chủ đầu tư; dự án ÊEM Cần Thơ Hotel của Công ty cổ phần Du lịch Thiên Minh Hòa Bình; Khu du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng tai xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền do Công ty cổ phần Dầu khí Nam Sông Hậu đầu tư;
Dự án Trung tâm Hội nghị cấp quốc tế và khu vực các công trình đa chức năng, do Công ty cổ phần PQC Convention làm chủ đầu tư; dự án Khu đô thị mới An Bình (khu 3), phường An Bình, quận Ninh Kiều, nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Hồng Phát.
Được biết, hiện TP Cần Thơ đang có 54 dự án mời gọi đầu tư trong giai đoạn tới, trong đó có 44 dự án mời gọi đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp, 10 dự án theo hình thức hợp tác công tư – PPP, BOT – xây dựng, kinh doanh, chuyển giao hoặc BT – xây dựng, chuyển giao hoặc các hình thức khác.
Các dự án tập trung các lĩnh vực: dịch vụ logistics, du lịch, nông nghiệp hiệu quả cao, công nghệ thông tin, bất động sản, kết cấu hạ tầng giao thông vận tải… tổng vốn đầu tư hơn 120.000 tỉ đồng.
Video đang HOT
Riêng lĩnh vực bất động sản (khu nhà ở, văn phòng, thương mại, dịch vụ có 21 dự án như: quần thể đô thị, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại quận Cái Răng, diện tích 1.226ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 7.000 tỉ đồng; Quần thể đô thị, du lịch, nghỉ dưỡng sinh thái tại huyện Phong Điền, diện tích khoảng 334,66ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 4.900 tỉ đồng; Khu đô thị mới phường A Bình, quận Ninh Kiều (khu 1, 3); Khu đô thị mới hai bên đường Võ Văn Kiệt, quận Bình Thủy (khu 1, 2, 3, 4, 5, 9); khu đô thị mới Cồn Khương; đầu tư xây dựng tháp du lịch tại Cồn Cái Khế, quận Ninh Kiều…
Trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông vận tải mời gọi đầu tư theo hình thức PPP hoặc các hình thức khác như: đầu tư xây dựng đường tỉnh 921 (tuyến thẳng từ Thốt Nốt đến cầu Ngã Tư), chiều dài tuyến 10,24km với tổng vốn đầu tư dự kiến 998,89 tỉ đồng; Đầu tư xây dựng đường tỉnh 917, chiều dài tuyến 16,03km, tổng vốn đầu tư dự kiến 1.109,62 tỉ đồng; Dự án xây dựng công trình tuyến nối quốc lộ 91 với đường Nam Sông Hậu (giai đoạn 1) với tổng vốn đầu tư dự kiến 5.000 tỉ đồng…
Lĩnh vực kết cấu hạ tầng văn hóa, thể thao và y tế có dự án hồ bơi trung tâm TP Cần Thơ tại khu liên hợp thể thao Cần Thơ, tổng vốn đầu tư dự kiến 167 tỉ đồng và dự án Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ, quy mô 300 giường có tổng vốn đầu tư dự kiến 798 tỉ đồng (đang vận động tài trợ vốn ODA từ Nhật Bản).
Thời gian qua, để thu hút các nhà đầu tư trên lĩnh vực bất động sản, UBND TP Cần Thơ đã ban hành Quyết định số 1402/QĐ-UBND ngày 4-6-2018 “Về việc phê duyệt Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư khu đô thị mới, khu đô thị thông minh, khu tái định cư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn TP Cần Thơ”.
Theo đó, với quá trình đô thị hóa diễn ra ngày càng nhanh đã tạo áp lực cho khu vực đô thị trung tâm thành phố. Và với việc ban hành Bộ tiêu chí này sẽ giúp thành phố thuận lợi trong sàng lọc nhà đầu tư. Các nhà đầu tư cũng chủ động hơn khi tiếp cận các thông tin về dự án.
Hiện nay, thành phố đã rà soát lại danh mục dự án ưu tiên thu hút đầu tư trên các lĩnh vực bao gồm cả công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, bất động sản. Một số dự án đầu tư của các nhà đầu tư lớn tiếp tục triển khai và đưa vào hoạt động đã tạo diện mạo và tầm vóc mới cho tiến trình phát triển của thành phố.
Chẳng hạn, đầu tháng 6/2018, Tập đoàn Novaland phối hợp với Azerai chính thức khai trương Resort Azerai Cần Thơ tại Cồn Ấu. Đây là dòng khách sạn mang thương hiệu Azerai đầu tiên tại Việt Nam được định vị theo chuẩn “affordable luxury” (chuẩn xa xỉ vừa tầm). Toàn khu nghỉ dưỡng có 30 bungalow với 60 phòng nghỉ và 45 căn biệt thự cao cấp timeshare hứa hẹn sẽ thu hút lượng lớn du khách nước ngoài và góp phần đưa TP Cần Thơ trở thành điểm đến du lịch hàng đầu tại Việt Nam.
Ngoài dự án này còn có một số dự án ngoài khu vực Cồn Ấu sẽ kết nối vào để tạo nên một hệ thống dịch vụ liên hoàn. Hiện nay, khu vực Cồn Ấu còn dự án sân golf đang triển khai giải phóng mặt bằng và triển khai xây dựng trong năm 2018- 2019. Nếu dự án này hoàn thành sẽ hình thành tổ hợp về du lịch thể thao nghỉ dưỡng.
Hay như mới đây, Tập đoàn FLC vừa có đề xuất với lãnh đạo TP Cần Thơ về các dự án dự kiến ưu tiên thực hiện tại đây trong thời gian tới. Theo đó, Tập đoàn FLC đề xuất được thực hiện một số dự án quy mô lớn trên địa bàn các quận Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền. Trong đó, có một dự án khu đô thị tại khu vực này có diện tích gần 1.000ha.
Nam Phong
Theo Trí thức trẻ
Tỉnh Lâm Đồng cho ý kiến gì xung quanh các dự án FLC đang đề xuất đầu tư?
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản kết luận về buổi làm việc của tỉnh với đại diện tập đoàn FLC xung quanh một số dự án quy mô khá lớn mà tập đoàn này đang đề xuất được đầu tư tại tỉnh trong thời gian tới.
Theo đó, thời gian qua tập đoàn FLC đã tìm hiểu một số vị trí tại huyện Đức Trọng và TP Đà Lạt, từ đó đang đề xuất đầu tư 4 dự án lớn tại tỉnh Lâm Đồng.
Đối với dự án khu đô thị Nam sông Đa Nhim tại huyện Đức Trọng, UBND tỉnh Lậm Đồng cho biết đã thống nhất với ý tưởng đề xuất của FLC về khảo sát, nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch và sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư vào khu đất này theo hướng dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp. Quy mô dự án có thể sẽ được mở rộng hơn phạm vi quy hoạch do huyện Đức Trọng xác lập trước đây.
Đối với dự án khu du lịch rộng 150ha tại khu vực hồ Tuyền Lâm (Đà Lạt), UBND tỉnh cho rằng đây là khu đất đã được bồi thường giải phóng mặt bằng nên thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định của Luật Đất đai. Chủ trương của tỉnh hiện nay là cho thuê đất phát triển dự án trả tiền hàng năm đối với toàn bộ các dự án trong khu du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm. Do đó, tỉnh Lâm Đồng đề nghị tập đoàn FLC xây dựng kế hoạch tham gia đấu giá quyền sử dụng đất theo đúng quy định hiện hành.
Đối với 2 dự án nghỉ dưỡng tại khu du lịch hồ Prenn và khu đô thị Liên Khương, tỉnh ủng hộ việc FLC nghiên cứu và lập quy hoạch đầu tư. Tuy nhiên, tại 2 khu đất này trước đó tỉnh đã nhiều lần làm việc với một doanh nghiệp khác là công ty CP Đầu tư và Phát triển TDH Ecoland. Công ty này cũng đang có đề xuất được đầu tư dự án nghỉ dưỡng tại đây, do vậy, tỉnh Lâm Đồng đề nghị tập đoàn FLC tính toán, nghiên cứu lại vị trí đầu tư dự án.
Song song đó, tỉnh Lâm Đồng cũng mong muốn FLC tiến hành nghiên cứu một số dự án khu nông nghiệp công nghệ cao mà địa phương đang ưu tiên kêu gọi đầu tư. Đây cũng là thế mạnh của tập đoàn FLC nên chính quyền địa phương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp khảo sát, nghiên cứu và lập quy hoạch đầu tư.
Nam Phong
Theo Nhịp sống kinh tế
Điểm danh những doanh nghiệp chốt quyền nhận cổ tức/cổ phiếu thưởng tuần này Đáng chú ý có nhiều cái tên được rất nhiều nhà đầu tư quan tâm như Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, Viglacera, Tập đoàn Kido... Tuần mới từ 6/8 đến 10/8/2018 có 25 doanh nghiệp thông báo chốt danh sách cổ đông thực hiện chi trả cổ tức - cổ phiếu thưởng cho cổ đông. Đáng chú ý trong số đó là...