Cam gì quấn nilon ngập chợ Hà Nội?
Mặc dù hết mùa đã gần hai tháng nay, song, cam sành Hà Giang, Tuyên Quang vẫn được bày bán đầy chợ ở Hà Nội khiến nhiều bà nội trợ không khỏi nghi ngờ: liệu đó có thực sự là cam Hà Giang? Liệu cam này có được bảo quản theo phương pháp an toàn?
Cam Hà Giang bảo quản bằng túi nilon?
Mới đây, trên facebook cá nhân M.H. có đăng tải hình ảnh chụp lại cảnh những quả cam sành Hà Giang được bọc kín trong túi nilon, thực hiện tại một cơ sở buôn bán lớn với hàng tấn cam kèm thông tin: “Mọi người bây giờ đừng mua cam Hà Giang nhé. Cam ủ thuốc đang được bóc nilon ra để bày bán đây này. Nhìn thấy tận mắt và sợ luôn nhé”.
Thông tin này lập tức được lan truyền rộng rãi trên các mạng xã hội, khiến người dân hoang mang.
Trên thực tế, theo ghi nhận của PV VietNamNet, thời điểm hiện tại dù không được bày bán nhiều như chính vụ, nhưng tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, loại cam sành Hà Giang hay Tuyên Quang vẫn được bán nhiều. Giá của loại cam này sau Tết là 25.000 – 30.000 đồng/kg, giờ tiểu thương cho biết “cam chín muộn, sắp hết hàng”, nên giá đã tăng lên 40.000 – 45.000 đồng/kg, gấp đôi, gấp ba thời điểm chính vụ.
Hình ảnh cam sành Hà Giang được bọc túi nilon cùng chất bảo quản độc hại được lan truyền trên mạng xã hội
Khi người mua hỏi nguồn gốc, hầu hết tiểu thương đều nhất mực khẳng định giờ mới vào cuối vụ cam Hà Giang, Tuyên Quang nên họ dễ dàng nhập được loại cam này từ chợ đầu mối về bán.
“Ngày nào tôi chẳng bán cam sành Hà Giang tại chợ này. Nhưng, giờ chỉ bán được khoảng 2 tạ/ngày vì không có nhiều hàng nữa”, chị Tâm – tiểu thương bán hoa quả tại chợ Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội) nói. Chính vụ, mỗi ngày chị bán tới cả nửa tấn cam.
Khi hỏi về loại cam Hà Giang bọc ni lông để bảo quản, chị Tâm liền hỏi lại: “ Sao cô biết được? Nhưng cô đừng có mua loại cam đó ăn. Nhà vườn họ bọc vậy để bảo quản cho cam tươi lâu thêm vài tháng đó, độc hại chết”.
Chị Tâm nói chị chỉ biết hai loại cam, một là cam sành tươi (thỉnh thoảng, trên cuống của quả cam vẫn có lá tươi xanh) còn một loại được bọc túi để bảo quản. “Nếu để ý thì biết ngay loại cam đã được bảo quản. Ví như nhìn quả cam hơi héo, thấy mềm mềm, ăn có vị ngọt hơn quả cam tươi, mùi cũng lạ lạ chứ không được thơm ngon như cam vừa mới hái trên cây xuống”.
Video đang HOT
Cam Hà Giang, Tuyên Quang đã hết mùa nhưng vẫn được bày bán tràn lan tại các chợ ở Hà Nội
Cam Hà Giang, Tuyên Quang đã hết mùa
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đức Vịnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Hà Giang, khẳng định, trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện không còn cam sành để bán.
Theo ông Vịnh, diện tích trồng cam tại Hà Giang hiện khoảng 5.000ha, sản lượng thu hoạch hàng năm khoảng 13.000 tấn. Đến tháng 10 âm lịch là cam sành vào vụ, bắt đầu cho thu hoạch. Đến tháng 1 âm lịch năm sau thì hết mùa.
Ông Vịnh cho biết, đặc điểm của cam sành Hà Giang là vỏ hơi vàng cánh rán, đôi chỗ còn hơi xỉn màu mốc. Bổ cam ra bên trong có hạt, ăn có vị ngọt, mùi thơm.
Song, đề cập đến thông tin cam sành Hà Giang được bọc kín trong túi nilon kèm thuốc để giữ cho cam tươi lâu vài tháng, ông Vịnh cam kết: “Trên Hà Giang không có chuyện đó. Tất cả cam sau khi thu hái đều được bán tươi cho thương lái ngay tại vườn”.
Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Tuyên Quang, cũng khẳng định, cam sành Tuyên Quang đã hết vụ khoảng tháng rưỡi nay. “Thời điểm thu hoạch rộ nhất là cuối tháng 12 âm lịch, đầu tháng hai là chính thức hết vụ”, ông Cường nói.
Theo chuyên gia, bảo quản cam theo truyền thống không cần dùng tới hóa chất có thể giữ cam tươi thêm 1 tháng rưỡi
Tuy nhiên, ông Cường cũng tiết lộ, vào mùa thu hoạch rộ, cam nhiều, giá lại rẻ, người trồng cam muốn để đến lúc cuối vụ bán với giá cao. Khi đó, họ thường bảo quản bằng cách truyền thống là vùi cam trong cát ẩm, trước khi vùi thì bôi vôi vào cuống quả cam. Làm theo cách này có thể giữ cam tươi thêm hơn 1 tháng nữa.
“Ở địa phương, bà con vẫn làm theo cách này chứ không dùng hóa chất để bảo quản”. Riêng chuyện bọc cam trong túi nilon có hóa chất, ông Cường cho hay ông chưa thấy các nhà vườn áp dụng kiểu làm đó.
Ông Nguyễn Năng Nhượng, Phó Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, nói thêm, để bảo quản cam tươi, người dân thường áp dụng theo hai cách.
Thứ nhất, bọc cam trong màng nilon rồi để trong điều kiện nhiệt độ mát (8-12 độ C) thì thời gian bảo quản sẽ kéo dài thêm khoảng tháng rưỡi nữa. Tuy nhiên, phương pháp này khá tốn kém nên không mấy ai áp dụng.
Thứ hai, người trồng thường đào hầm, bỏ cam xuống dưới đó (có thể bọc túi nilon hoặc không), sau đó lấp cát ẩm lên trên. Làm theo phương pháp này vừa dễ, chi phí lại rẻ mà cam vẫn có thể tươi ngon tới 40-50 ngày, ông Nhượng nói.
Theo Như Băng (Vietnamnet)
Tận thu cam non xuất đi Trung Quốc
Thời gian gần đây, nhiều thương lái ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mua nông sản "lạ" như: hoa thanh long, cau non, ốc bươu vàng... Mới đây họ còn lùng mua cả cam sành còn non rồi xắt mỏng, phơi khô bán sang Trung Quốc.
Hiện tại, nhiều thương lái ở khu vực ĐBSCL tổ chức thu mua cam non sau đó mướn nhân công xắt nhỏ, phơi khô rồi xuất bán sang thị trường Trung Quốc. Cách thu mua đáng ngờ này lại được nhiều nông dân hưởng ứng vì hái cam tỉa thưa, cam rụng cũng bán có giá 2.000 đồng/kg.
Nông dân Nguyễn Văn Thanh, ngụ xã Hòa Ân (Cầu Kè, Trà Vinh) cho biết: "Vườn cam nhà tôi 4 công do xử lý vụ nghịch nên phải cắt bỏ hết tất cả các quả non. Bình thường những quả non này sẽ bỏ đi nhưng thời gian gần đây thương lái thu gom nên tôi gom lại bán được hơn 100 kg kiếm tiền mua phân bón".
Theo ông Thanh, thương lái thu mua nhưng không biết chở đi đâu và với mục đích gì. Có người nói đem làm nhang muỗi, trần bì trong thuốc bắc, xuất sang Trung Quốc...
Cam non đủ kích cỡ được thương lái thu mua về xắt mỏng, phơi khô rồi xuất đi Trung Quốc
Nhờ mua cam non mà ông Nguyễn Văn Tồn, ngụ xã Hòa Tân (Cầu Kè, Trà Vinh) được thương lái ở địa phương mướn xắt cam non với giá 500 đồng/kg. Ông Tồn cho biết: "Ngày nào không có việc làm tôi đến xắt cam non kiếm cũng được vài chục ngàn đồng. Mùa này nhiều nông dân bán cam non nhưng chủ yếu là cam rụng và cam tỉa thưa để xử lý cho ra trái ở vụ nghịch".
Ông Tồn được thuê xắt cam non với giá 500 đồng/kg
Ông Nguyễn Văn Tráng, Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Cầu Kè (Trà Vinh) cho biết: "Gần đây một số nông dân trồng cam trên địa bàn có bán cam non cho các thương lái thu gom, xắt mỏng rồi cung ứng cho các nơi. Tuy nhiên, hầu hết là cam rụng, cam nông dân cắt để nuôi những trái đẹp, lớn hơn... Trước đây nông dân không sử dụng thường cắt rồi bỏ tại gốc còn giờ được tận thu bán cho thương lái".
Tại các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long gần đây cũng xuất hiện thương lái thu mua cam non. Ông Võ Châu Nhu, ngụ xã Phú Hữu (Châu Thành, Hậu Giang) cho biết: "Việc thương lái thu mua cam non xuất hiện trên địa bàn gần 1 tháng nay, gia đình tôi trồng 3 công cam sành gần đây tỉa thưa được 2 đợt bán gần 100 kg cho chủ vựa rồi sau đó họ chuyển đi đâu không ai biết". Theo ông nhu, giá bán cam non hơi thấp nhưng nếu không bán thì cũng để tại gốc vì vụ nào nông dân cũng phải cắt bỏ bớt.
Sân phơi cam non xắt mỏng tại huyện Trà Ôn (Vĩnh Long)
Dọc theo Quốc lộ 54 thuộc địa bàn xã Thuận Thới, Vĩnh Xuân (Trà Ôn, Vĩnh Long) có rất nhiều hộ trưng bảng thu mua cam non, cam khô. Tất cả cam nhỏ bằng ngón chân cái đến cổ tay mà nông dân gọi làm cam lở đều được thương lái thu mua với giá 2.000 đồng/kg. Một thương lái thu mua cam non cho biết: "Tôi mua cam non giá 2.000 đồng/kg sau đó đem về mướn nhân công xắt mỏng với giá 500 đồng/kg rồi phơi khô suốt 3 nắng để bán cho thương lái lớn trên TP Hồ Chí Minh với giá 12.000 đồng/kg. Mỗi ngày tôi thu mua khoảng 2 tấn cam non từ các nhà vườn để cung ứng cho các đầu nậu nghe nói họ xuất sang thị trường Trung Quốc".
Những quả cam bé xíu cũng được mua với giá 2.000 đồng/kg
Ông Ôn Thanh Ngân, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Trà Ôn cho biết: "Việc thương lái thu mua cam non xuất hiện lâu nay ở địa bàn nhưng chủ yếu là cam rụng và cam nông dân cắt bỏ để xử lý ra trái vụ nghịch nên không ảnh hưởng tới năng suất. Một số thương lái cho rằng phơi khô để làm trần bì trong thuốc bắc".
Trưng bảng mua cam non, cam khô tại huyện Trà ôn (Vĩnh Long)
Việc thu mua cam non giúp nông dân tận thu từ những thứ trước đây xem như bỏ đi nhưng người dân nghi ngờ cách thu mua "lạ đời" của thương lái Trung Quốc. Một số nông dân cho rằng, nếu không thận trọng sẽ nhận lấy hậu quả như nhiều loại nông sản khác đã từng "dính bẫy" thương lái Trung Quốc.
Minh Giang
Theo Dantri