Cảm động thầy Hiệu trưởng xin gạo cho học sinh vùng cao
- Thầy Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú – Tiểu học Nậm Manh, tỉnh Lai Châu xin gạo nuôi học sinh vì gia đình các em quá khó khăn.
Trường phổ thông dân tộc bán trú – Tiểu học Nậm Manh đóng ở địa bàn xã Nậm Manh, huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu.
Xã Nậm Manh cách trung tâm huyện Nậm Nhùn khoảng 10 cây số. Dân cư đa số là người dân tộc Mông và Khơ Mú, sống rải rác ở 5 bản (Nậm Manh, Nậm Nàn, Nậm Pồ, Huổi Chát, Huổi Héo) với 10 điểm nhóm nhỏ lẻ.
Học sinh dân tộc Mông (Ảnh: Phạm Quốc Bảo)
Thầy Phạm Quốc Bảo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, học sinh nơi đây 100% đều là con em đồng bào Mông.
Người dân vùng này sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước, năng suất thu hoạch cũng rất thấp. Bởi vậy kinh tế của đại đa số hộ dân trong xã rất khó khăn và thiếu thốn.
Hầu hết học sinh đều thuộc gia đình có thu nhập vào diện hộ nghèo và cận nghèo. Cha mẹ không có điều kiện chăm sóc chu đáo cho con cái.
Thầy Bảo thông tin, năm học 2019-2020, nhà trường có 19 lớp với 455 học sinh. Trong đó có 251 em từ lớp 2 đến lớp 5 của các điểm lẻ về học tại trung tâm trường.
Học sinh ở cách trường từ 4 đến 30 cây số nên các em phải ăn ở nội trú, cuối tuần hoặc cuối tháng mới về thăm gia đình.
Lốp xe ô-tô cũ giúp học sinh vùng cao vui chơi giải trí (Ảnh: Nguyễn Thị Hường)
Nói về lí do thầy cô xin gạo cho học sinh, thầy Bảo chia sẻ:
“Do từ năm 2017 xã ra khỏi vùng 3, chỉ còn 2 bản thuộc vùng 3 nên hiện tại chỉ có 48 học sinh (thuộc bản vùng 3) được hưởng chế độ bán trú theo Nghị định 116 (được cấp gạo và tiền ăn hàng tháng). 203 em còn lại đã ra khỏi vùng 3 nên không được hưởng chế độ.
Từ tháng 1/2019, học sinh ở nội trú không thuộc vùng 3 chỉ được tỉnh hỗ trợ tiền, không được hỗ trợ gạo nên nhà trường phải đi xin cho các em ăn”.
Video đang HOT
Thầy Bảo nói rằng, học kì 1 của năm học này, học sinh đã có đủ gạo để ăn. Nhưng qua học kì 2, nhà trường cần 9.774 kg gạo (230 học sinh x 0,4 kg x 30 ngày x 4 tháng) để nuôi các em.
Ngoài nhu cầu về gạo, nhà trường cũng cần xây thêm một bếp ăn bán trú (65m vuông). Hiện tại nhà trường dùng tạm bếp ăn cũ đã xuống cấp nhiều, và chắc chắn không thể sử dụng cho thời gian tới.
“Nhà trường kính mong các cơ quan, đơn vị, các mạnh thường quân, các nhà hảo tâm hết sức giúp đỡ”, thầy Hiệu trưởng kêu gọi.
Thư kêu gọi của thầy Hiệu trưởng Phạm Quốc Bảo (Ảnh: Nguyễn Thị Hường)
Chia sẻ thêm về hoàn cảnh học sinh, cô Nguyễn Thị Hường, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú – Tiểu học Nậm Manh kể:
“Người dân nơi này sinh nhiều con, có gia đình đến 5, 6 đứa đi học nên không đủ gạo đóng cho nhà trường.
Trước đây thầy cô chúng tôi phải rất vất vả đi vận động học sinh theo học, nay tình hình cũng đỡ hơn nhiều”.
Cô Hường nói thêm, thầy cô ngoài việc dạy văn hóa còn phụ giúp chia nhóm, chia cơm cho học sinh trong mỗi bữa ăn.
Bên cạnh đó, thầy cô cũng hướng dẫn học sinh vệ sinh trường lớp, nơi ăn chốn ở, khu sinh hoạt và trực buổi trưa, buổi tối vào lúc các em ngủ.
Thầy cô làm việc bằng cả tấm lòng, vì từ lúc trường ra khỏi vùng 3 thì giáo viên không còn được hưởng chế độ phụ cấp.
“Giáo viên trường tôi ai dạy ở bản thì ở lại tại bản cuối tuần mới về nhà. Ai dạy trung tâm thì thuê nhà ở, có người thì mượn phòng cũ của thủy điện ở cách trường 10 đến 12 cây số. Chúng tôi cũng ăn uống tự túc”, cô Hường tâm sự.
Học sinh vùng cao rất thiếu thốn nơi vui chơi giải trí sau những giờ học. Chính vì vậy, thời gian rảnh thầy cô đi xin lốp xe ô-tô cũ mang về tạo thêm sân chơi cho các em.
Những chiếc lốp xe ô-tô phế thải trông thô và xấu xí, nhưng qua bàn tay khéo léo của thầy cô, nó được quét sơn nhiều màu trông rất bắt mắt, ngộ nghĩnh.
Cũng từ chiếc lốp, học sinh được chơi trò bập bênh, chơi đu quay và thỏa sức leo trèo rất vui nhộn.
“Năm tới, học sinh sẽ ở bản lẻ học vì hết được hỗ trợ. Chúng tôi cũng khó lòng nuôi nỗi các em vì thiếu gạo…”, thầy Hiệu trưởng ngậm ngùi.
Cao Nguyên
Theo giaoduc.net.vn
Ở Mèo Vạc, gạo ăn cho học sinh mập mờ suốt một thời gian dài
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, ngành giáo dục Hà Giang đã phát hiện ra rất nhiều mập mờ trong việc cung cấp gạo ăn cho học sinh hưởng chính sách
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được thông tin ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Giang vừa tiến hành thanh tra, kiểm tra đối với trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn (huyện Mèo Vạc).
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, ở trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn đã có nhiều khuất tất trong việc chi trả chế độ chính sách cho học sinh vùng miền núi khó khăn.
Trường Giàng Chu Phìn cách Trung tâm huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang 6 km, với 800 hộ phần lớn là người dân tộc Mông.
Từ nhiều năm nay, học sinh đi học người dân tộc Mông đi học có chế độ chính sách của nhà nước, trong đó có việc cấp phát gạo ăn.
Thế nhưng, thời gian gần đây tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn có nhiều sai phạm liên quan đến chế độ chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Giàng Chu Phìn có nhiều khuất tất trong việc chi trả chế độ chính sách cho học sinh. Ảnh: minh họa (khai giảng năm học 2015 - 2016)
Cụ thể, theo văn bản Số: 1220 /KL-SGDĐT, đã chỉ ra hàng loạt các vấn đề tại trường, trong đó có việc nhà trường đã chưa thực hiện đúng hướng dẫn việc sử dụng gạo ăn cuối năm học cũ sang đầu năm học mới.
Theo đó, số gạo tồn kho trong kho của trường Giàng Chu Phìn không đúng với thực tế báo cáo, trong đó, tại sổ theo dõi gạo ăn hàng ngày năm học 2018-2019 tính đến ngày 28/5/2019 số gạo tồn 1.639 kg.
Tuy nhiên, số gạo này đã được thủ kho báo đã trả hết cho học sinh vào cuối năm học 2018 - 2019 nhưng bảng phát không ghi ngày tháng năm phát và số gạo phát được cho là 1.489kg.
Đến năm học 2019-2020 nhà trường đi vay 1.400 kg (tại nhà Chế Lạc - huyện Mèo Vạc) để cho học sinh ăn từ 19/8 đến 2/9.
Cũng theo số liệu từ văn bản của Thanh tra, từ 3/9 nhà trường đã nhập 8.250 kg.
Hồ sơ theo dõi gạo của trường đã không thể hiện số gạo còn lại của cuối năm học 2018 - 2019 để chuyền sang đầu năm học 2019 - 2020.
Không chỉ vậy, đoàn thanh tra cũng đã phát hiện số gạo tồn kho tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn không đúng so với thực tế báo cáo.
Cụ thể, đoàn thanh tra đã chỉ rõ số gạo nấu ăn từ ngày 19/8 đến 22/10 là 5.222 kg.
Đã phát trả cho học sinh số gạo là 3.080 kg.
Thủ kho báo đã trả gạo cho nhà Chế Lạc (nhà cung cấp gạo tại Mèo Vạc - pv) 1.400 kg trong khi đó Hiệu trưởng lại báo cáo là chưa trả.
Theo số liệu báo cáo của trường Giàng Chu Phìn là số gạo trong kho là - 1.532 kg (Trong đó thực tế gạo trong kho hiện còn 1.480 kg).
Nếu không có thanh tra, kiểm ra thì số gạo này sẽ đi đâu. Phải chăng có hiện tượng bán gạo chính sách ra ngoài?
Tuy đã chỉ ra những sai phạm tại trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Giàng Chu Phìn, tuy nhiên, trong phần yêu cầu và kiến nghị giải của Đoàn thanh tra của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang không hề nhắc tới trách nhiệm của cá nhân nào.
Trong phần yêu cầu và kiến nghị của thanh tra có đến 13 nội dung nhưng không có bất kỳ một phần nào nhắc đến việc khắc phục và chấn chỉnh việc thực hiện chế độ chính sách tại trường.
Đặc biệt, đối với cá nhân bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Giàng Chu Phìn cũng được "bỏ qua" trong kết luận thanh tra.
Bên cạnh đó, việc quản lý hoạt động chuyên môn của trường Giàng Chu Phìn cũng được đoàn thanh tra chỉ ra rất nhiều sai phạm như Biên bản sinh hoạt tổ chuyên môn không đảm bảo theo quy định 2 lần/tháng.
Nội dung biên bản họp sơ sài; Việc xây dựng Kế hoạch của tổ chưa rõ các nội dung về công tác chuyên môn theo đặc thù; Biên bản tổ, không có nội dung sinh hoạt chuyên môn theo nghiên cứu bài học và chưa có nội dung điều chỉnh trong dạy học. Tổ chức chuyên đề chưa có nội dung và không xác nhận, kiểm tra của Ban giám hiệu....
Chất lượng dạy và học tại trường Giàng Chu Phìn cũng đặt ra rất nhiều câu hỏi khi tỷ lệ học sinh chưa đảm bảo chuẩn kiến thức các môn Toán, Tiếng Việt theo các bài khảo sát của đoàn thanh tra còn cao (chưa thực hiện được kỹ năng làm toán), các bài kiểm tra không có khối lượng kiến thức về lịch sử địa phương...
Theo giaoduc
Nhầm tưởng sâm quý Ngọc Linh, dòng người đổ vào vườn quốc gia săn lùng Hàng trăm người dân tộc Mông ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk và Đắk Nông đã xâm nhập trái phép Vườn Quốc gia Bidoup-Núi Bà và một số vùng rừng lân cận để săn lùng loại cây mà họ tưởng đó là sâm Ngọc Linh. Một đoàn người tìm sâm bị chặn lại ở cửa rừng Vườn quốc gia Ngày 21/11, nguồn...