“Cầm đồ thuốc độc”: Xóa dần oan nghiệt
Những năm gần đây, đời sống kinh tế, nhận thức của người dân nâng lên cùng với sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng nên số trường hợp nghi ngờ là có “đồ thuốc độc” bị dân làng đánh chết, gây thương tật đã giảm rất nhiều.
Những người đi “giải” độc
Già Phạm Văn Lân (82 tuổi), ở thôn Nước Lang, xã Ba Dinh, huyện Ba Tơ, nhớ lại: “Năm 2008, thằng Phạm Văn Hâm, ở thôn Đồng Dinh đã làm các già làng trong xã phải mệt cái đầu, mỏi cái chân để giải thích cho dân làng.
Chẳng là trước đó đã có xích mích với nhau, nên một lần khi uống rượu say, Hâm cầm một khoanh dây rừng đến nhà Phạm Văn Vát trong thôn doạ rằng mình có “đồ thuốc độc”. Nghe vậy, 8 đứa con trai của Vát lo sợ gia đình bị hại, nên rủ nhau kéo đến nhà Hâm “hỏi tội”.
Cũng may lúc đó có một số người đến nói cho tao nghe, nên kịp thời đến ngăn, rồi nhờ cán bộ, công an thôn, xã và mấy già làng kế bên đến, mời hai bên gia đình nói chuyện mới xong. Nếu không bây giờ thằng Hâm chắc đã bị mấy đứa con thằng Vát đánh chết rồi”.
Ngày còn nắm váy theo mẹ lên nương, bác sĩ Phạm Thị Lệ Thủy, cán bộ Trung tâm Y tế huyện Ba Tơ đã tận mắt chứng kiến việc dân làng đánh chết một người, vì nghi người ấy có “đồ thuốc độc”. Sự việc tuy đã theo thời gian trôi đi nhưng nỗi ám ảnh ấy vẫn đeo bám mãi trong tâm trí đến tận bây giờ. Vì vậy khi lớn lên và trở thành bác sĩ, chị Thủy là một trong những thành viên tích cực nhất tham gia vào giải quyết các trường hợp nghi ngờ “ cầm đồ thuốc độc” ở các bản làng trong huyện.
Chị Thủy kể: Vào tháng 6-2009, Phạm Văn Bình, 20 tuổi, ở thôn Vẩy Ấp, xã Ba Khâm “thấy”: Có con gì chạy lên chạy xuống trong bụng, uống thuốc mãi không khỏi, nên nghi một người già trong làng là ông Phạm Văn Tên đã bỏ “đồ thuốc độc” hại mình.
Sự nghi ngờ ngày một tăng khi gia đình Bình tốn nhiều tiền để tổ chức cúng mà bệnh vẫn không khỏi. Khi đến tận nơi khám và chẩn đoán, biết Bình bị bệnh về dạ dày và tá tràng, bác sĩ Thuỷ đã thuyết phục gia đình đưa Bình xuống bệnh viện để trực tiếp điều trị. Khoảng hai tuần sau thì Bình hết bệnh.
Nhờ can thiệp của công an và chính quyền xã, vợ chồng già Phạm Văn Bắp (phải), ở làng Nước Tên, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ đã trở về sinh sống tại làng
Video đang HOT
Trước lúc xuất viện, khi nghe bác sĩ Thuỷ nhắc lại chuyện đã nghi ngờ già Tên “cầm thuốc độc”, Bình cười và nói: Em sai rồi, mai mốt này có người đau sẽ bảo họ xuống bệnh viện để chữa, chứ không nghi cho người khác bỏ “đồ thuốc độc” như trước nữa đâu.
Lời của người trong cuộc
Theo sự chỉ dẫn của bác sĩ Thủy, chúng tôi tìm đến nhà chị Phạm Thị Hà (33 tuổi), ở khu phố 6, thị trấn Ba Tơ, huyện Ba Tơ vào một ngày đầu tháng Mười. Sau giây phút ngập ngừng, chị Hà chậm rãi: Cuối tháng 7-2009, thấy bụng mình đau quá chị chợt nghĩ lại trước đó, đã có lần xích mích với người láng giềng và bà Phạm Thị Ia doạ là sẽ bỏ “đồ thuốc độc”.
Tìm đến nhà bà Ia bắt bà đưa thuốc giải nhưng bà Ia không đưa, Hà ra tay đánh bà Ia. Khi chính quyền biết chuyện đến giải quyết, đưa Hà đi khám bệnh, phát hiện Hà bị viêm dạ dày, tá tràng và có tiền sử sán lá gan.
Sau khoảng một tháng uống thuốc, bệnh của Phạm Thị Hà đã thuyên giảm rất nhiều. Còn chuyện nghi bà Ia thì sao – tôi hỏi. Chị Hà ôm đứa con trai vào lòng rồi nói nhỏ: Cái chuyện “đồ thuốc độc” đó nó không có đâu.
Có thể nói những năm gần đây, sự nỗ lực trong tuyên truyền, vận động; sự can thiệp kịp thời của cơ quan chức năng, hội, đoàn thể… nên tình trạng nghi kỵ “cầm đồ thuốc độc” và số trường hợp bị đánh chết, thương tật đã giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên để xoá bỏ hoàn toàn tệ nạn này, cần có sự vào cuộc tích cực và quyết liệt của nhiều cấp ngành trong tỉnh.
Theo ước tính của các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 1975-2010, tại các huyện miền núi Quảng Ngãi đã xảy ra không dưới 200 vụ “cầm đồ thuốc độc”, cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Riêng huyện Ba Tơ, ước xảy ra khoảng 90 vụ, với khoảng 120 người bị nghi và có 11 người bị đánh chết.
Theo Dân Việt
Cầm đồ thuốc độc: Nghi là... giết
Một khi đã bị nghi ngờ có "cầm đồ thuốc độc" đại đa số xem như cầm cái chết trong tay, còn may mắn thì bị đánh cho thân tàn ma dại. Sau đó muốn sống yên ổn chỉ còn nước rời bỏ bản làng trốn đi nơi khác...
Người "cầm đồ thuốc độc" làm cho kẻ khác chết thì lâu nay không ai thấy, mà chỉ thấy những ai bị nghi có "đồ thuốc độc" bị dân làng đánh, giết dã man.
Nghi là giết
Vào ngày 25-9-2010, nghi ngờ là người có "đồ thuốc độc", ông Đinh Văn Nên (60 tuổi), ở xóm Kà Tu, thôn Tà Cơm, xã Sơn Thủy, huyện Sơn Hà bị 4 thanh niên cùng xóm, gồm: Đinh Văn Trĩu (31 tuổi), Đinh Văn Tranh (31 tuổi), Đinh Văn Tiên (17 tuổi) và Đinh Văn Hiền (17 tuổi) xông vào dùng gậy đập túi bụi vào đầu, vào người. Đến khi ông Nên nằm gục xuống, cả bọn lấy thuốc rầy đổ lên người ông để "ngụy trang" rồi bỏ đi.
Bốn đối tượng giết già Nên (từ trái sang): Đinh Văn Tranh, Đinh Văn Trĩu, Đinh Văn Hiền và Đinh Văn Tiên
Sáng hôm sau, con ông Nên là Đinh Văn Khăn, đang sinh sống tại huyện Minh Long về thăm nhà mới thấy cha mình nằm chết. Ban đầu do ngửi thấy mùi thuốc diệt rầy, ông Khăn nghĩ cha mình tự tử. Thế nhưng khi Công an huyện Sơn Hà vào cuộc thì sự thật mới được làm sáng tỏ.
Ông Nguyễn Ích Long - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Thủy trầm ngâm: "Việc ông Nên bị người dân trong làng nghi có "đồ thuốc độc" đã xuất hiện từ lâu. Nguyên do là họ thấy ông Nên ngày thì uống rượu, ban đêm đi lang thang và nói lung tung với thái độ không sợ ai cả. Người dân ở đây cho rằng, chỉ những người có "đồ thuốc độc" mới như vậy".
Trước đó, đầu tháng 8-2005 cũng vì nghi anh Phạm Văn Dai ở thôn Đồng Lau, xã Ba Lế, huyện Ba Tơ, có "đồ thuốc độc" nên khi anh sang làng Bãi Lế ăn đám cúng ma đã bị một nhóm thanh niên dùng đá đập chết và kéo xác bỏ xuống sông Liên.
Không chỉ là hàng xóm, láng giềng, nhiều vụ là người thân, anh em nghi có "đồ thuốc độc" cũng bị đánh tơi tả. Ông Đinh Văn Nhoè - Chủ tịch UBND xã Sơn Kỳ, huyện Sơn Hà cho biết: 5/8 thanh niên tham gia đánh chết ông Đinh Hà Roan, 50 tuổi, ở thôn Làng Riềng là cháu kêu nạn nhân bằng chú và cậu ruột.
Tương tự tại xã Ba Trang, huyện Ba Tơ vào khoảng năm 2003, khi bị người làng nghi có "đồ thuốc độc", bà Phạm Thị Rối (54 tuổi), bị đám con cháu trong nhà lôi ra đánh đập một cách tàn nhẫn, rất may chính quyền can thiệp kịp thời. Thế nhưng từ đó bà Rối không dám ở lại làng nữa mà bỏ vào rừng sống thui thủi một mình cho đến khi mất.
"Tiền mất, tật vẫn mang"
Dù sự việc đã trôi qua 5 năm, thế nhưng ông Phạm Văn Chốt (59 tuổi), ở thôn Nước Đang, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ vẫn còn nhớ như in vụ việc đã xảy ra với mình. Đó là vào khoảng đầu tháng 8-2005, bỗng nhiên Phạm Văn Chiến và Phạm Văn Thọ là 2 thanh niên khoẻ mạnh trong làng, bỗng lăn đùng đổ bệnh.
Dù đã chạy chữa nhưng bệnh không dứt, Chiến và Thọ nghi ông Chốt bỏ "đồ thuốc độc" cho mình. Để chắc ăn, Thọ và Chiến bán 1 con trâu đi lấy tiền mời pa dâu (thầy bói), thầy cúng về trừ độc.
Sau khi xem qua một lượt, pa dâu Phạm Văn Bách (Mộ Đức) phán: Thằng Chiến với thằng Thọ muốn hết bệnh thì lo tiền tao cúng giải bệnh cho. Tuy hoàn cảnh khó khăn, nhưng Chiến cũng cố chạy vạy được 2,8 triệu đồng, cùng 800.000 đồng Thọ vay được, cả 2 đưa cho pa dâu Bách. Ngoài 2 nạn nhân trên, pa dâu Bách còn mò đến tận nhà ông Chốt đòi 1 triệu đồng.
Phần lo sợ và cũng muốn chứng minh với dân làng là mình không có "đồ thuốc độc", ông Chốt vội vã mượn đủ số tiền theo yêu cầu. Tiền đã nhận đủ, nhưng pa dâu Bách vẫn không thể chỉ được ra địa điểm có "đồ thuốc độc"; còn bệnh của Thọ và Chiến cũng không thuyên giảm.
Chỉ đến khi công an huyện vào cuộc, Pa dâu Bách mới thú nhận mọi việc. " Nhờ vậy mà nỗi oan có "đồ thuốc độc" mới được giải, nếu không có lẽ giờ đây mình đã bị người dân trong làng đánh chết rồi" - ông Chốt tâm sự.
Đang yên lành thì vào đầu năm 2007, người dân xóm Ruộng Chanh, thôn Làng Rí, xã Sơn Giang, huyện Sơn Hà bỗng nhiên sống trong cảnh dè dặt, lo lắng, nghi kỵ lẫn nhau trước thông tin: Làng đã bị bỏ "đồ thuốc độc", nên phải tìm người để giải độc. Và người được "chọn mặt gửi vàng" chính là thầy cúng Đinh Mắt, vốn lâu nay nổi tiếng khắp làng.
Sau khi xem xong, thầy Mắt hướng dẫn người dân thôn Làng Rí đến mời thầy cúng Đinh Thị Miết, ở thôn Bồ Nung, xã Sơn Linh và cả thầy Chiếc, thầy Thăm... về chỉ nơi giấu "đồ thuốc độc" để đào lên giải độc. Thế là người bán trâu, kẻ bán bò, có người bán cả rẫy keo non... lấy tiền rước thầy về cúng giải độc cho mình. Khi nghe tin, Công an huyện Sơn Hà đã vào cuộc xác minh, điều tra vụ việc.
Theo đó, vào tháng 10-2004, khi Mắt bị đau thần kinh toạ, được ông Đinh Trí (SN 1950), người cùng thôn giới thiệu đến bà Đinh Thị Miết để chữa bệnh, bằng cách xoa bóp, cho uống thuốc nam, với giá 100.000 đồng/tuần. Thế nhưng vài tuần sau, bỗng nhiên thầy Miết "tốt bụng" nói với ông Mắt rằng: Khi nào bớt bệnh sẽ lấy tiền luôn một lần.
Có điều mà ông Mắt không thể ngờ được là thầy Miết đã câu kết với 2 đối tượng Đinh Vì (SN 1930) và Đinh Chiếc, cùng ở xóm Chanh để lừa ông Mắt. Theo đó, 2 đối tượng trên chôn các túi "đồ", gồm: Xương heo, mẻ chén, lông gia súc... vào ruộng, nơi gần mồ mả người thân ông Mắt.
Sau đó, thầy Miết đến và phán rằng: Bị đau do bị "cầm thuốc độc". Thế là ông Mắt rơi vào "bẫy", nhờ thầy Miết tìm "đồ" giải "độc" giùm. Cứ thế mỗi túi đồ được tìm thấy, thầy Miết lấy 100.000 đồng. Tuy nhiên đến lần thứ 6 thì Đinh Vì tự thú và rủ nạn nhân cùng tham gia vào hội của mình.
Không chỉ là hàng xóm láng giềng, mà cả cán bộ, đảng viên, thậm chí người thân trong gia đình, một khi đã bị tình nghi có "đồ thuốc độc" cũng không thoát những trận đòn dã man, mất mạng.
Theo Dân Việt
'Đồ thuốc độc' nơi đại ngàn âm u và những uy lực rợn người Tuy chỉ là "truyền miệng", nhưng "đồ thuốc độc" đã trở thành thứ "thống lĩnh" vô hình đầy uy lực. Người có "đồ thuốc độc" thường có uy quyền, nên dân trong làng phải nghe theo, nếu trái lời sẽ chết. Đại ngàn âm u, huyền bí thế cũng không đáng sợ bằng vấn nạn nghi ngờ có "đồ thuốc độc" hiện hữu...