Cấm chăn nuôi trong nội thị: Trên có Luật chăn nuôi, dưới cơ sở lại phải ra thêm… luật
Vướng. Đó là điều khiến nhiều địa phương chưa chốt được phương án nghiêm cấm và di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi.
Có đại biểu còn lo lắng nếu không làm được theo quy định của Luật Chăn nuôi – có hiệu lực hơn 5 tháng qua, thì sẽ bị kỷ luật.
Dù đồng tình ủng hộ những quy định mới trong luật, nhưng nhiều đại biểu đã nêu ra những bất cập cũng như vướng mắc khi thực hiện các quy định của Luật Chăn nuôi 2018 – có hiệu lực từ đầu năm 2020. Đặc biệt là quy định nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư; trừ nuôi động vật làm cảnh, nuôi động vật trong phòng thí nghiệm mà không gây ô nhiễm môi trường.
“Các anh ở Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) trình Quốc hội thông qua được Luật Chăn nuôi thì không khác gì bây giờ bọn tôi ở dưới cơ sở ra một luật nữa, đó là cấm chăn nuôi nội thành, nội thị” – ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi thú y TP. Hà Nội nói vì von như vậy tại hội nghị tuyên truyền, phổ biến Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn, diễn ra ngày 14/5.
Quy định nghiêm cấm hành vi chăn nuôi trong nội thành, nội thị sẽ có lộ trình thực hiện trong 5 năm kể từ khi Luật Chăn nuôi có hiệu lực, bắt đầu từ đầu năm 2020
Qua rà soát, đánh giá thực thi quy định cấm này, toàn thành phố có hơn 9.000 hộ chăn nuôi trong tổng số trên 40.000 hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng. Đàn vật nuôi bị ảnh hưởng di dời khoảng 10 triệu con gia cầm (trên tổng số 35 triệu con) và khoảng 100-200 ngàn con lợn (trên tổng số 1,3 triệu con).
Như vậy, tác động của quy định nghiêm cấm này rất lớn, có thể gây xáo trộn, ảnh hưởng sinh kế của gần 25% tổng số hộ chăn nuôi trên địa bàn thành phố Hà Nội. “TP. Hà Nội triển khai quyết liệt quy định cấm chăn nuôi trong nội thành, nội thị nhưng đến nay vẫn chưa ra được. Trong tháng 5 này chúng tôi quyết liệt làm, anh em ở dưới lăn lê bò toài đêm hôm xây dựng, rà soát kỹ các tác động để có đề xuất hợp lý trong việc cấm chăn nuôi trong nội đô, nội thị” – ông Sơn chia sẻ.
Theo ông Sơn, quan trọng nhất để thực hiện quy định nghiêm cấm chăn nuôi trong nội thành, nội thị là chính sách di dời và chính sách chuyển đổi nghề. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn bởi trên Trung ương chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể. Trong khi đó, đơn vị của ông đang cố gắng rà soát để kịp chuẩn bị nội dung Nghị quyết trình HĐND trong kỳ họp vào tháng 7 tới.
Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Lào Cai lo lắng sẽ bị kỷ luật nếu không thông qua được quy định cấm chăn nuôi trong nội thành, nội thị và chính sách hỗ trợ kèm theo.
Video đang HOT
“Nếu Trung ương không có chính sách hỗ trợ chung thì địa phương không thể triển khai được” – ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh Lào Cai khẳng định. Theo ông Uyên, ngay từ quý III/2019, Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Chủ tịch các huyện họp, lấy ý kiến toàn bộ bà con nông dân. Các hộ dân đồng ý di dời, nhưng khó nhất là chính sách hỗ trợ.
“Trong quý 1/2020, 3 lần UBND gửi HĐND tỉnh xin khất, quý IV/2020 phải làm. Tuy nhiên, Sở Tư Pháp nói các chú không làm được đâu. Ban hành một nghị quyết thì phải lượng hóa hết bao nhiêu tiền, phải có một khung chính sách chung hỗ trợ một cơ sở hay một mét vuông bao nhiêu tiền, rồi chính sách về đất đai, dạy nghề cho người ta như thế nào…” – ông Uyên chia sẻ.
Chính tình thế “tiến thoái lưỡng nan” này đã đưa ông Uyên vào thế khó: nếu không thông qua được nghị quyết thì sẽ bị kỷ luật, còn để thông qua được thì ông phải đánh giá được tác động và chỉ rõ nguồn lực hỗ trợ lấy từ đâu.
“Lào Cai vướng, các địa phương có vướng không?” – Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Xuân Dương (Bộ NN&PTNT) hỏi. “Có vướng” – các đại biểu dự hội nghị đồng thanh lên tiếng.
Trước vướng mắc của các địa phương, ông Dương cho rằng Cục Chăn nuôi sẽ báo cáo Bộ NN&PTNT và có văn bản gửi Bộ Tài chính để ban hành chính sách thực hiện di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, lưu ý các lãnh đạo, cán bộ được cử tham dự hội nghị phổ biến Luật Chăn nuôi phải nghiêm túc nghiên cứu, nếu không nắm chắc, đọc kỹ, không tham mưu được cho Sở NN&PTNT, UBND tỉnh thì không phát huy hết vai trò của luật.
Nói về vướng mắc trong chính sách hỗ trợ di dời, Thứ trưởng chia sẻ, trong sâu thẳm ông có ý bảo vệ ngành. Điều 4 Luật Chăn nuôi quy định, trong từng thời kỳ và khả năng của ngân sách nhà nước, nhà nước hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư không được phép chăn nuôi.
Thừa nhận cơ chế chính sách hỗ trợ cơ sở vật chất hay hỗ trợ chuyển nghề… phải ở tầm Chính phủ quyết, nhưng theo ông Tiến, nếu không thòng được quy định nêu trên, việc chuyển hết, đập hết là tự ta đập vào chân ta.
Chúng ta có thói quen khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật ít để ý, không góp ý, nhưng khi áp dụng vào thực tiễn thì các địa phương, doanh nghiệp mới phản ứng. Do đó, đề nghị các đồng chí tập trung kỹ vào các nội dung cốt lõi của Luật Chăn nuôi. Yêu cầu Cục Chăn nuôi tuyên truyền Luật Chăn nuôi dưới nhiều hình thức, trong bối cảnh dịch Covid-19.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến
Tái đàn lợn - tính ngay đến chăn nuôi có kiểm soát
Biện pháp nào để tái đàn lợn bền vững nhằm hạn chế dịch bệnh, đồng thời sản phẩm thịt lợn sau khi tái đàn có thể vượt qua sức ép cạnh tranh từ thịt lợn nhập khẩu, khi cam kết cắt giảm thuế từ các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực trong thời gian tới? Phóng viên đã trao đổi với bà Hạ Thúy Hạnh (ảnh) - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia.
Qua "cú sốc" dịch tả lợn châu Phi, chúng ta rút ra được bài học kinh nghiệm gì, thưa bà?
- Dịch tả lợn châu Phi đã gây ra cú sốc rất lớn đến ngành chăn nuôi, đặc biệt là ngành chăn nuôi lợn. Qua sự việc này, không chỉ các cơ quan quản lý nhà nước mà cả các hộ chăn nuôi đều cho rằng, chăn nuôi có kiểm soát trong đó chăn nuôi an toàn sinh học là rất quan trọng. Đây chính là bài học đầu tiên.
Đàn lợn nuôi tái đàn của nông dân xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế). Ảnh: LÊ THỌ
Một vấn đề quan trọng nữa là khâu giám sát dịch bệnh để kiểm tra tồn dư mầm bệnh trong môi trường, song song với đó là khâu tuyên truyền cho người dân nâng cao nhận thức trong vấn đề chăn nuôi để thường xuyên theo dõi đàn vật nuôi tránh khỏi dịch bệnh.
Một bài học nữa là khâu tổ chức bộ máy giám sát ở các địa phương, đặc biệt là cán bộ thú y, khuyến nông cấp xã giúp cho việc phát hiện bệnh sớm cũng như bao vây dịch để việc phòng, chống được hiệu quả.
Một câu hỏi mà nhiều hộ chăn nuôi hiện nay rất quan tâm, đó là có nên tái đàn lợn hay chưa và biện pháp nào để tái đàn và tăng đàn lợn bền vững?
- Bộ NNPTNT đã có nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương trong việc tổ chức, hướng dẫn người chăn nuôi tái đàn lợn. Người chăn nuôi không nên tái đàn một cách ồ ạt mà nên tái đàn ở các cơ sở chăn nuôi đảm bảo các điều kiện chăn nuôi, đặc biệt là điều kiện về chăn nuôi an toàn sinh học.
Thực tế mầm bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn tồn dư ở trong các môi trường chăn nuôi nên nguy cơ xảy ra dịch bệnh là hoàn toàn có thể, trong khi vaccine cũng như thuốc điều trị là chưa có.
Tuy nhiên, với công tác kiểm tra chặt chẽ của ngành chức năng, dịch tả lợn châu Phi đã nằm trong tầm kiểm soát nên người chăn nuôi lợn có thể tái đàn. Chỉ những hộ, vùng nào chưa có dịch hoặc địa phương, địa bàn có dịch nhưng đã quá 30 ngày chưa xuất hiện thêm ca bệnh thì được tái đàn theo các hướng dẫn của cơ quan thú y.
Một số tỉnh đã bắt đầu tái đàn lợn, vậy theo bà, chúng ta cần có những giải pháp gì để kiểm soát dịch tả lợn châu Phi? Riêng Trung tâm Khuyến nông quốc gia có khuyến cáo gì với người chăn nuôi?
- Để việc tái đàn được đảm bảo, Trung tâm Khuyến nông quốc gia khuyến cáo, chỉ những hộ chăn nuôi đảm bảo chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học thì thực hiện tái đàn. Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã phối hợp với ngành chăn nuôi và các đơn vị thú y tại các địa phương để đào tạo tập huấn những chương trình về an toàn chăn nuôi, an toàn sinh học; trong đó hướng dẫn người chăn nuôi về thiết kế chuồng trại, chăm sóc nuôi dưỡng, vệ sinh thú ý.
Đặc biệt, người chăn nuôi cần làm tốt khâu an toàn sinh học như cách ly, làm sạch, khử trùng. Bộ NNPTNT cũng đã có hướng dẫn cụ thể với các hộ trước khi tái đàn, đó là phải xử lý chuồng trại, tiêu độc khử trùng đạt yêu cầu theo quy định.
Cùng với đó, các hộ chăn nuôi phải mua lợn giống ở những cơ sở có nguồn gốc rõ ràng, có xét nghiệm âm tính với dịch tả lợn châu Phi, được tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine trước khi tiến hành tái đàn. Đồng thời, người chăn nuôi nên tái đàn ở tỷ lệ 10%, sau đó có thể tăng lên để đảm bảo quy mô đàn lợn.
Đặc biệt, khi bắt đầu tái đàn, hộ chăn nuôi cần báo ngay cho cơ quan thú y địa phương và trong quá trình chăn nuôi cần thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm để đảm bảo việc tái đàn lợn được bền vững và hiệu quả.
Từ 1/1/2020, Luật Chăn nuôi chính thức có hiệu lực và có quy định cụ thể về điều kiện chăn nuôi như chuồng trại, vệ sinh thú y, điều kiện về môi trường chăn nuôi. Vì vậy, việc tái đàn lợn cũng cần thực hiện theo những quy định của Luật.
Ngành chăn nuôi nhận diện cơ hội và thách thức từ các Hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA như thế nào, thưa bà?
- Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sẽ mang lại cho Việt Nam rất nhiều cơ hội và thách thức.
Nếu nói về cơ hội thì sản phẩm của ngành chăn nuôi có thể đa dạng và tiếp cận được rất nhiều thị trường, đồng thời cũng là động lực để cho các ngành hàng; trong đó có ngành chăn nuôi phát triển theo đúng yêu cầu của các nhà nhập khẩu.
Còn về thách thức, ngành chăn nuôi cần phải tăng cường liên kết để đảm bảo chất lượng hàng hóa cho người tiêu dùng ở các thị trường khác nhau. Cùng với đó, ngành chăn nuôi cũng cần nâng cao khả năng cạnh tranh, bởi khi thuế ưu đãi từ các hiệp định thương mại được áp dụng thì hàng hóa của các thị trường cũng sẽ vào thị trường nội địa, khi đó hàng hóa của Việt Nam phải đảm bảo có chất lượng tốt hơn, đặc biệt trong vấn đề truy xuất nguồn gốc của hàng hóa. Sản phẩm của ngành chăn nuôi còn phải đảm bảo theo những yêu cầu của các Tổ chức Dịch tễ thế giới (OIE).
Xin cảm ơn bà!
Trần Trung
Dùng phần mềm lên "thực đơn" cho... bò Dựa trên các chỉ số hàm lượng dinh dưỡng của từng loại thức ăn được phần mềm máy tính đưa ra, người nuôi bò tại huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) sẽ trộn thức ăn khoa học để có chất lượng sữa cao hơn so với cách làm truyền thống. Nâng cao chất lượng sữa bò Những ngày đầu năm 2020, phóng viên báo...