Cạm bẫy rình rập tân sinh viên
Một trong những nỗi lo của sinh viên ngoại tỉnh lên Hà Nội trong mùa nhập trường là vấn đề về nhà ở. Khi đối mặt với “cuộc chiến” tìm nhà trọ khốc liệt nhiều tân sinh viên dễ dàng trở thành miếng mồi ngon của các “cò”…
Mùa hoạt động của “cò”
Những ngày này, “cò” nhà trọ xuất hiện khắp nơi tại nhiều cổng trường đại học, cao đẳng mời chào các tân sinh viên chân ướt, chân ráo tìm chỗ ở khi lên Thủ đô học tập.
Vừa dừng xe gần cổng trường Đại học KHXH&NV đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, ngay lập tức một người đàn ông tiến về phía chúng tôi mời chào: “Tìm phòng trọ phải không.Định kiếm phòng giá bao nhiêu? Thời điểm này là hơi khó đấy, muốn thuê phải đặt cọc trước…”.
Thấy chúng tôi có vẻ băn khoăn, anh ta bồi thêm: “Bọn em tìm đúng người rồi đấy. Xung quanh đây nhiều “cò” lắm. Đây là phòng trọ “gia đình” nên giá cả rất hợp lý. Đồng ý anh dẫn đi chỉ mất 100.000 đồng tiền phí đến khi nào tìm được phòng ưng ý thì thôi”. Thậm chí, tại một số bến xe, bến tàu như Giáp Bát, Long Biên, chỉ cần “bắt sóng” đối tượng là sinh viên, ngay lập tức “cò” nhà trọ, thậm chí những người hành nghề “xe ôm” lại gần co kéo: “Đi “xe ôm” không? Anh giới thiệu phòng trọ tốt, giá rẻ cho…”.
Những khu nhà trọ chật chội mà các bạn sinh viên đang ở
Khảo sát quanh khu vực các trường đại học như Bách khoa, Sư phạm Hà Nội, Ngoại ngữ… chúng tôi bắt gặp quảng cáo cho thuê phòng trọ dán khắp nơi. Mặt buồn so, vai khoác ba lô nặng trĩu, mắt ngân ngấn nước, Huỳnh Thanh Tú, tân sinh viên Đại học Ngoại ngữ buồn bã: “Biết tìm phòng trọ ở Thủ đô rất vất vả nên cách đây 3 tuần, em đã cùng bố lên Hà Nội tìm được phòng trọ ưng ý và đặt tiền cọc cho chủ nhà.
Tưởng mọi việc suôn sẻ, vậy mà em mới lên muộn một ngày họ đã bảo cho người khác thuê và nhất định không trả lại em tiền đặt cọc… Ở nơi xa lạ, không người thân, họ hàng, em chẳng biết phải xoay xở thế nào…”. Nhiều bạn sinh viên sau khi bị ăn “quả lừa” đã rút ra chân lý, “cò” luôn đưa sinh viên đến những nơi không thể ở được, khiến họ nản chí, sau đó, lấy luôn khoản tiền đặt cọc từ 100.000-150.000 đồng. Nếu muốn tìm phòng tốt hơn, các bạn sinh viên phải tiếp tục móc hầu bao trả thêm 100.000 đồng thì họ mới dẫn đi tìm phòng tiếp. Và rốt cuộc nhiều bạn mất oan tiền cho “cò” mà chưa chắc đã tìm được phòng trọ…
Hiện không ít “cò” nhà trọ còn dùng thủ đoạn “cháy phòng”, buộc thí sinh và người nhà phải đặt cọc thì mới giữ phòng cho, nhưng sau đó thì biến mất. Hoàng Oanh, quê ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc thở dài: “Em thấy quảng cáo được dán gần cổng trường Đại học Sư phạm Hà Nội “cho thuê phòng trọ, liên hệ số điện thoại 0904…”. Em gọi điện đến số điện thoại này thì được họ cho biết phòng trọ gần trường, điều kiện tốt. Nếu em muốn sẽ có người dẫn đi xem, nhưng phải đặt cọc trước 300.000 đồng. Khi tìm được phòng ưng ý, số tiền đó sẽ trừ vào tiền phòng và trong vòng 1 tuần nếu không có phòng, họ sẽ trả lại một nửa số tiền đã đóng. Tuy vậy, sau khi dẫn em đi xem một số nơi nhưng em không ưng, họ nói để mấy ngày nữa có phòng sẽ gọi lại. Mấy ngày sau, em sốt ruột gọi điện lại thì họ nói chưa có phòng. Hai hôm trước, em gọi đến số máy đó thì không liên lạc được”.
Giá cao, chất lượng kém
Video đang HOT
Tìm được một phòng trọ với giá hợp lý đối với những người có “kinh nghiệm” đã khó, đối với các sinh viên lần đầu ra Hà Nội trọ học càng khó bội phần. Sau nhiều ngày rong ruổi khắp hang cùng, ngõ hẻm đi tìm phòng trọ, Nguyễn Tuấn Anh, quê ở Hải Dương, tân sinh viên của trường Đại học Kiến trúc cho biết vẫn chưa kiếm được một chỗ trọ nào phù hợp. “Lựa chọn mãi, em mới tìm được một căn phòng trọ cấp 4 ở Ngũ Hiệp – Thanh Trì rộng khoảng 14m2, giá 800.000 đồng/tháng.
Nhưng do không tìm được ai ở cùng, một mình thuê cả phòng thì không đủ tiền, nên mấy ngày nay em vẫn đang cố gắng đi tìm chỗ khác…”, Tuấn Anh cho hay.
Theo khảo sát của phóng viên, nếu như năm ngoái giá 1 căn phòng cấp 4, từ 10-12m2, có giá từ 350.000-500.000 đồng/tháng, thì năm nay có giá 600.000 – 800.000 đồng/tháng. Những căn hộ trong các khu tập thể cũ của Hà Nội cũng có giá từ 1-1,5 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, có một thực tế là trong khi giá nhà trọ tăng, chất lượng phòng trọ lại không tương xứng. Nhiều phòng trọ diện tích khá hẹp, mất vệ sinh nhưng lại có giá “trên trời”, nhưng nhiều sinh viên vẫn phải chấp nhận thuê. Nguyễn Hồng Nhung, quê ở Lạng Sơn thở dài: “Cách đây hai tuần bố mẹ em đã nhờ người quen tìm nhà, đặt cọc để em lên Hà Nội là có nhà ở ngay.
Mặc dù giá thuê khá cao, 1,5 triệu đồng/tháng, chưa kể điện nước, nhưng căn phòng em đang ở rất tồi tàn, chỉ rộng khoảng 10m2. Đã vậy, cả khu nhà trọ có tới gần 20 phòng, nhưng chỉ có 1 nhà vệ sinh chung. Em đành ở tạm, chờ đến hết tháng rồi tính tiếp vậy…”.
Tại một khu nhà trọ, gồm 2 dãy nhà cấp 4 ở Thanh Xuân Bắc chúng tôi thấy trong căn phòng rộng hơn 10m2 có tới 3 sinh viên ở chung, 200.000 đồng/tháng/người, chưa kể điện nước. Mặc dù, cảm thấy khá ái ngại cho điều kiện sinh hoạt của các bạn sinh viên ở đây, nhưng chủ nhà trọ này cho biết, với giá thuê 600.000 đồng/phòng/tháng thì như vậy là phù hợp, dù hơi chật chội. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các phòng đã kín chỗ, nhiều phụ huynh và sinh viên đến hỏi thuê trọ, nhưng họ cũng đành phải từ chối.
Trước nhu cầu bức thiết về chỗ ở cho sinh viên mùa nhập trường các trường đại học cũng mở cửa ký túc xá nhưng chỉ đáp ứng một phần nhỏ, phần đông vẫn trông chờ vào phòng trọ của nhà dân. Thậm chí, tại nhiều địa bàn tập trung đông các trường đại học như phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, CAP và các cơ quan đoàn thể đã tổ chức tuyên truyền đến các chủ nhà trọ không bắt chẹt giá, nâng giá đối với sinh viên. Song tình trạng “cò” nhà trọ, ăn chặn tiền đặt cọc của sinh viên vẫn diễn ra phổ biến.
Những chiêu moi tiền của chủ nhà trọ
Hơn 1 tháng nay, các khu vực cho thuê nhà trọ sinh viên quanh các trường đại học lớn tại Hà Nội đã trở nên tấp nập, nhộn nhịp. Sau một tuần lọ mọ khắp hang cùng ngõ hẻm của thành phố, lần theo các địa chỉ rao vặt trên Báo Mua và Bán, Nguyễn Văn Tùng (SV năm nhất, Học viện Bưu chính Viễn thông) mới tìm được một phòng trọ cũ rộng khoảng 8m2 ở làng Phùng Khoang, huyện Từ Liêm.
Tùng chia sẻ, ngay từ khi biết tin đỗ ĐH, gia đình Tùng đã nhờ một số người quen ở Hà Nội tìm giúp nhà trọ song chỉ tìm được phòng có giá cao nên Tùng không có đủ điều kiện chi trả. Do vậy, đến sát ngày khai giảng, Tùng phải đích thân đi tìm nhà. Khi thấy Tùng ngỏ ý muốn thuê, chủ nhà nói thẳng tưng: “Phòng này trước đây cho thuê 1,5 triệu đồng.
Nay giá cả đắt đỏ nên tăng thêm 500.000 đồng nữa, tổng cộng là 2 triệu đồng/tháng nhưng chỉ được tối đa ba người ở. Đồng ý thì đặt cọc, không đồng ý thì… lượn” . Không chỉ có vậy, chủ nhà còn cho biết, giá điện nước cũng sẽ tăng lên từ 20-40% so với năm trước. Cụ thể là giá điện trung bình 5.000-7.000 đồng/kWh, nước từ 25.000 đồng – 30.000 đồng/m3.
Cũng theo Nguyễn Văn Tùng, càng gần khu vực trường giá nhà trọ càng cao. Với những phòng có gác xép, giá còn tăng thêm vài trăm nghìn đồng. Thông thường, ngoài tiền đặt cọc chủ trọ còn yêu cầu sinh viên đóng tiền theo quý, thậm chỉ cả nửa năm học nhằm tránh trường hợp người trọ chỉ ở một thời gian ngắn.
Không chỉ tăng giá vô tội vạ, nhiều chủ trọ còn yêu cầu sinh viên gửi xe ở ngoài (nếu để trong phòng phải trả thêm tiền) đồng thời sẵn sàng đuổi người trọ ra khỏi nhà khi có người khác trả tiền thuê cao hơn. Bạn Vũ Thanh Hoa, ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc, sinh viên ĐH Văn hóa than thở, dù đã nộp tiền đầy đủ hàng tháng nhưng mới chỉ về nghỉ hè được 3 tuần, khi lên đến nơi, Hoa đã được chủ nhà trọ thông báo nhanh chóng thu dọn đồ đạc để họ sửa phòng. Khi Hoa vừa dọn đi khỏi, ngay lập tức phòng đã được cho thuê lại với giá cao hơn 250.000đ/tháng.
Cũng rơi vào trường hợp “dở khóc, dở cười”, Nguyễn Thị Thảo (sinh viên trường ĐH Luật Hà Nội) cho biết: “Dù đã nộp tiền đặt cọc nhưng khi lên nhận phòng em lại được thông báo phòng đã có cháu họ của chủ nhà đến ở. Nếu muốn thuê, em phải đưa thêm cho chủ nhà 150.000 đồng để nhờ người môi giới tìm nhà cho người cháu của bà chủ. Dù rất bực mình nhưng do chưa tìm được chỗ ở khác nên em đành trả thêm tiền. Tìm hiểu những anh chị đang trọ thuê ở đây em mới biết, đó là cách moi tiền các tân sinh viên của chủ nhà”.
Lợi dụng tình trạng khan hiếm nhà trọ không ít chủ nhà trọ còn bắt chẹt sinh viên bằng cách đặt ra những quy định rất phi lý như mỗi tuần mỗi người chỉ được phép giặt đồ 2 lần, nếu giặt quá số lần cho phép sẽ bị phạt tiền, bạn bè hay người thân đến chơi mà ngủ lại qua đêm cũng phải đóng thêm tiền trả “chi phí phát sinh”, hàng tháng phải nộp tiền thông cống đề phòng… mưa ngập, tiền “bảo lãnh trang thiết bị” trong nhà. Dù bức xúc nhưng hầu hết sinh viên đều phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” vì có chuyển đi chỗ khác thì cũng dễ rơi vào tình cảnh “tránh vỏ dưa, gặp vỏ dừa”.
Theo ANTĐ
Cậu SV mồ côi người Jarai khốn khó nơi giảng đường
Dù đã chính thức nhập học trường ĐH Tây Nguyên nhưng Nay Lép rất lo âu khi nghĩ về những tháng ngày sắp tới. Mồ côi cả bố lẫn mẹ khi còn nhỏ, gia đình lại có đến 7 anh em nên cậu tân SV người Jarai không biết trông nhờ vào ai.
Hôm gặp chúng tôi tại Trường ĐH Tây Nguyên, Nay Lép cho biết từ hôm nhập học đến nay, hễ rảnh là em rong ruổi trên các con đường của TP. Buôn Mê Thuột để mong tìm được một công việc làm thêm ổn định kiếm tiền trang trải học tập nhưng vẫn chưa có kết quả. Em cho biết đã đi nhiều nơi, qua nhiều chỗ, đã để lại số điện thoại tại một số cửa hàng, quầy bar, quán cà phê... và các chủ quán đều có lời nhắn rằng, khi nào thiếu người sẽ điện thoại cho em nhưng đến nay em vẫn chưa nhận được lời nhắn nào.
Nay Lép trong căn phòng trọ sau khi nhập học trường ĐH Tây Nguyên.
Nay Lép là người đồng bào dân tộc thiểu số Jarai. Em sinh ra trong một gia đình thuần nông nghèo lại có đến 7 anh em ruột tại buôn Tring, xã Ia Hdreh, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Nay Lép là con thứ năm. Tuổi thơ của cậu SV người Jarai quả thực lắm chông chênh và bất hạnh. Nay Lép kể, khi em còn rất nhỏ, người mẹ thân yêu của em trong một lần lên rẫy cuốc đất bất ngờ bị rắn độc cắn, gia đình lại xa bệnh viện không có điều kiện chữa trị dẫn đến tử vong.
Khoảng 3 năm sau ngày mẹ mất, bố em cũng lâm bệnh mà qua đời, để lại 7 anh em chơ vơ. Gia đình em ruộng rẫy hạn hẹp, tài sản bố mẹ để lại chỉ khoảng hơn 2 sào mè (vừng) với một ít đất trồng mì (sắn) nhưng một năm chỉ thu hoạch được một vụ. Để mưu sinh, năm lớp 8 trong khi bạn bè cùng trang lứa với Lép vô tư đến trường thì cậu học trò người Jarai phải đôn đáo đi cuốc đất thuê phụ giúp các anh chị nuôi các em.
Nay Lép khi còn ở Gia Lai. (Ảnh: CTV)
Thương các em, người chị thứ 2 trong gia đình là H' Chíu vội lấy chồng để lo cho các em còn nhỏ. Người đồng bào Jarai theo chế độ mẫu hệ. Khi chị H' Chíu lấy chồng, chồng chị H' Chíu về gia đình Lép ở rể để cùng làm rẫy, làm mì, làm lúa với anh em Lép và gánh vác một phần trách nhiệm nuôi các em. Thế nhưng cuộc sống khó khăn vẫn khó khăn. Thiếu trước. Thiếu sau. Làm thuê, làm mướn kiếm cái ăn xanh mặt chứ đừng nói đến chuyện học hành.
Chính vì thế, đã không ít lần Lép khóc nức nở khi nghĩ đến thân phận và không dưới 3 lần em có ý định bỏ dở việc học hành. "Trong nhà chẳng có gì ăn cả. Bố mẹ đã mất sớm. Em học chẳng có ai lo cho em nữa đâu!", Lép ứa nước mắt kể về lời đề nghị nghỉ học của chị em - H' Tlanh.
"Nghe vậy em buồn lắm! Muốn đi học mà không biết giãi bày cùng ai. Nghĩ đi, nghĩ lại lời nói của chị H' Tlanh cũng đúng. Ý định nghỉ học một lần nữa lại nhen nhóm lên", Lép nói.
Nay Lép kèm cho các em nhỏ trong buôn học tập. (Ảnh: CTV)
Trước hoàn cảnh của Lép, các thầy cô ở Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) nơi em theo học đã đến nhà thăm hỏi, động viên em rất nhiều. Thế rồi, năm học lớp 11, em được nhận chương trình học bổng "Ngăn dòng bỏ học" mới có điều kiện tiếp tục đến trường. Thời gian học lớp 12, để có tiền đi học thêm, một buổi Lép đến trường, còn một buổi về nhà đi làm rẫy cho bà con trong vùng để kiếm tiền đóng học phí. Nỗ lực của cậu học trò người đồng bào Jarai đã được đền đáp khi em thi đỗ vào ngành Giáo dục thể chất - Trường ĐH Tây Nguyên trong kỳ tuyển sinh năm nay. Vừa qua, Lép được nhận học bổng "Tiếp sức đến trường" 2012 cho tân sinh viên Tây Nguyên.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, thầy Ninh Văn Dậu - GV Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho biết, Nay Lép mồ côi cha mẹ khi còn nhỏ. Gia đình vô cùng khó khăn, một buổi em đi học, một buổi đi làm. Khi học phổ thông, em đã có ý định nghỉ học nhiều lần. Cho nên nhà trường cũng hay miễn giảm các khoản thu cho em, các GV trong trường thường xuyên đến thăm hỏi gia đình, động viên em tiếp tục đến trường.
"Em Lép có năng khiếu thể dục thể thao. Trước ý định bỏ học của em, tôi đã từng nói với Lép, em cố gắng mà học. Vào được đại học, sau này cuộc đời em sẽ khác", thầy Dậu tâm sự.
Viết Hảo
Theo dân trí
Khốn khó cảnh 3 tân sinh viên nghèo sau lũ Cơn "đại hồng thủy" đi qua khiến người dân xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) trắng tay. Sau lũ, người nông dân đã khổ là vậy, nhưng giờ đây ước mơ đi tiếp con đường Đại học của những tân sinh viên nơi đây có nguy cơ bị dừng lại giữa chừng. Hoàn cảnh ba tân sinh viên nghèo: Lê Thị...