‘Cạm bẫy’ khi truy tìm ca siêu lây nhiễm
Việc xác định ca siêu lây nhiễm có thể giúp ngăn chặn đại dịch, nhưng cũng có thể là hành động “phí công” làm bỏ sót nhiều nguồn bệnh khác.
“Siêu lây nhiễm” được định nghĩa một cách không chính thức là những người lây nhiễm cho quá nhiều người khác, có thể là do đặc điểm di truyền, thói quen xã hội hoặc đơn giản là có mặt sai vị trí và thời điểm.
Những người mang virus có khả năng lây truyền cao như vậy chính là tâm điểm của cái gọi là sự kiện “siêu lây nhiễm”, nơi có thể biến thành các ổ dịch, theo giới nghiên cứu. Những người này cũng trở thành nhân tố quan trọng để tìm cách xác định các sự kiện siêu lây nhiễm hoặc để ngăn những tình huống như vậy xảy ra.
Ngược lại, việc xác định những người bị lây virus nhưng khó có khả năng lây nhiễm cho người khác cũng quan trọng không kém.
Xe cứu thương xếp hàng bên ngoài Bệnh viện Brookdale ở Brooklyn, New York hôm 10/4. Ảnh: NYTimes.
Việc phân biệt giữa nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao và thấp có thể tạo ra sự khác biệt lớn về việc kiểm soát một ổ dịch nhanh và dễ dàng ra sao, theo Jon Zelner, nhà dịch tễ học tại Đại học Michigan. Nếu người mang virus là siêu lây nhiễm, việc theo dõi lịch sử tiếp xúc của người này là điều cực kỳ quan trọng. Nhưng ngược lại, vì một lý do nào đó mà người này không làm lây virus cho người khác, việc theo dõi lịch sử tiếp xúc là phí công.
“Phần khó khăn là chúng tôi không biết họ là ai”, Zelner nói.
Martina Morris, giáo sư danh dự về thống kê và xã hội học tại Đại học Washington, nhận định có hai yếu tố trong vấn đề này. “Để có thể truyền bệnh, cần có mối liên kết giữa những người nhiễm bệnh”, cô nói nhưng thêm rằng yếu tố này đúng nhưng chưa đủ. Theo Morris, yếu tố thứ hai đóng vai trò quan trọng không kém là mức độ lây nhiễm của một người.
“Chúng tôi gần như chưa bao giờ có những dữ liệu độc lập về hai yếu tố đó”, cô chia sẻ.
Morris chỉ ra rằng rất dễ để quy kết nhầm trách nhiệm cho một cá nhân là “siêu lây nhiễm” và khiến người đó trở thành đối tượng bị dư luận tấn công, trong khi họ không liên quan tới sự lây lan đó.
“Nếu bạn là người đầu tiên trong một căn phòng đông đúc bị nhiễm virus và đó là một căn bệnh dễ lây, bạn sẽ bị gán mác ’siêu lây nhiễm’. Bất kỳ ai trong căn phòng đó đều có cũng đều có thể là người siêu lây nhiễm. Bạn chỉ là người đầu tiên bị phát hiện”, Morris cho biết.
Tuy nhiên, có những tình huống mà một vài cá nhân là nguyên nhân gây ra những đợt bùng phát dịch lớn. Với Covid-19, hiện vẫn chưa rõ liệu những “mầm bệnh thầm lặng”, hay người không biết mình mang virus, có nằm trong nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao hay không, theo tiến sĩ Thomas Frieden, cựu giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) và giám đốc điều hành sáng kiến Resolve to Save Lives của tổ chức Vital Strategies. Ông thêm rằng nhiều khả năng những sự kiện siêu lây nhiễm có thể liên quan tới những người có triệu chứng dai dẳng nhưng chưa ốm tới mức phải ở nhà cách ly.
Họ cũng có thể liên quan tới những người phán tán một lượng virus nhiều bất thường, một yếu tố không chắc chắn rằng nó có thể là do lượng virus khác nhau trong giọt nước bắn ra khi người bệnh ho hay trong chất thải của họ.
Tiến sĩ Frieden nhận định dù nguyên nhân là gì, các biện pháp bảo vệ sức khỏe cộng đồng, như tránh tụ tập và cái mà ông gọi là “quy tắc lịch sự khi ho” có thể giúp ngăn chặn một sự kiện siêu lây nhiễm.
Video đang HOT
Nhân viên y tế khử trùng rạp chiếu phim ở Seoul sau khi dịch MERS bùng phát năm 2015. Ảnh: Reuters.
Lịch sử y khoa từng ghi nhận nhiều câu chuyện về siêu lây nhiễm trong các đợt bùng phát dịch lao, sởi và nhiều bệnh khác. Một trong những ví dụ về người siêu lây nhiễm là nữ đầu bếp Mary Mallon, hay còn được gọi là “Mary Thương hàn”, vì đã lây bệnh thương hàn cho hơn 50 người ở Mỹ trong những năm đầu thế kỷ 20. Bản thân bà không bị ốm và không xuất hiện triệu chứng, nhưng đã trở thành người âm thầm lây lan bệnh.
Các sự kiện siêu lây nhiễm cũng đóng vai trò quan trọng trong việc bùng phát hai đợt dịch khác là SARS và MERS.
“Trong đợt dịch MERS bùng phát ở Hàn Quốc, gần 75% số ca nhiễm đều có mối liên quan tới ba người mang virus, với mức độ lây nhiễm khác nhau”, George F. Gao, nhà miễn dịch học và virus học tại Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc ở Bắc Kinh, viết trong một bài đăng gần đây.
MERS bùng phát ở Hàn Quốc năm 2015 khi một người đàn ông 68 tuổi bị nhiễm virus sau chuyến đi tới Trung Đông. Ông này trở về Hàn Quốc và nhiễm bệnh cho 29 người, hai trong số này tiếp tục lây nhiễm cho 106 người khác, trong khi tổng số ca nhiễm MERS ở quốc gia này vào thời điểm đó là 166.
Khi dịch SARS bùng phát năm 2003, người nhiễm đầu tiên ở Hong Kong đã lây cho ít nhất 125 người khác. Một số sự kiện siêu lây nhiễm khác có liên quan tới 180 người trong một khu chung cư ở Hong Kong và 22 người khác trên một chuyến bay từ Hong Kong tới Bắc Kinh.
Trong đợt dịch Ebola bùng phát ở châu Phi giai đoạn 2014-2016, 61% số ca nhiễm có liên quan tới 3% người mang virus.
Các sự kiện siêu lây nhiễm cũng dẫn đến sự bùng phát của nhiều ổ dịch Covid-19. Một sự kiện xảy ra cuối tháng 2 khi 175 nhân viên công ty công nghệ sinh học Biogen tham gia hội nghị ở khách sạn Marriott Long Wharf ở Boston. Ít nhất một người trong số họ đã nhiễm nCoV. Hai tuần sau, 75% trong số 108 cư dân Massachusetts nhiễm nCoV có liên quan tới Biogen. Covid-19 tiếp tục lan rộng từ đó tới nhiều bang khác và nhiều cư dân khác ở Massachusetts.
“Tại sao là hội nghị đó? Tại thời điểm đó có nhiều hội nghị diễn ra bởi khi đó chưa có hướng dẫn về cách biệt cộng đồng. Có điều gì đó đã xảy ra với sự kiện này”, tiến sĩ Eric Topol, giám đốc viện nghiên cứu dịch thuật Scripps ở San Diego, nói.
Sau đó là bữa tiệc sinh nhật ngày 12/3 ở Westport, bang Connecticut với khoảng 50 người tham dự và nửa số đó nhiễm nCoV. Tốc độ lây lan của ổ dịch này nhanh tới mức giới chức y tế phải từ bỏ việc truy tìm lịch sử tiếp xúc.
Tại một đám tang ngày 29/2 ở Albany, bang Georgia, một người nào đó trong 200 người tới viếng đã vô tình làm lây lan nCoV. Tại điểm nóng Covid-19 tại nhà tù hạt Cook, bang Illinois, ít nhất 400 người đã bị nhiễm.
Nhưng ngược lại, có những người nhiễm bệnh dường như không lây virus cho người khác. Trong đợt bùng phát dịch MERS ở Hàn Quốc, 89% người nhiễm không làm lây lan bệnh.
Còn đối với đại dịch Covid-19, cặp vợ chồng ở Illinois là ví dụ điển hình của việc không lây lan virus. Ngày 23/1, người vợ trở về từ Vũ Hán trở thành ca nhiễm nCoV đầu tiên được xác nhận ở bang này. Ngày 30/1, chồng cô bị nhiễm và trở thành ca lây nhiễm từ người qua người đầu tiên ở Mỹ. Cả hai đều bị bệnh nặng và phải nhập viện điều trị, nhưng đã bình phục và xuất viện sau đó. Giới chức y tế bang đã truy vết và phát hiện 372 người, trong đó có 195 nhân viên y tế, từng tiếp xúc với họ, nhưng không ai trong số này bị nhiễm.
Sân chơi ở Westport, Connecticut bị đóng cửa sau bữa tiệc sinh nhật siêu lây nhiễm hồi tháng 3. Ảnh: NYTimes.
Tiến sĩ Jennifer Layden, giám đốc Cơ quan Y tế cộng đồng Chicago, cho biết trường hợp không lây lan này làm nổi lên một số câu hỏi. Cặp vợ chồng bị nhiễm nCoV này đã tiếp xúc với những người kia ở đâu? Họ có hắt hơi và ho không? Mức độ tiếp xúc gần ra sao? Liệu có phải những người từng tiếp xúc với họ đơn giản là có khả năng ít bị nhiễm bệnh?
Zelner cho rằng giới chức y tế có thể “rơi vào bẫy” khi mải miết tìm kiếm những ca siêu lây nhiễm. Ông cho rằng, khi giới chức chỉ chạy đi tìm kiếm người bị gán trách nhiệm làm bùng phát ổ dịch, họ đã bỏ sót nhiều nguồn lây nhiễm bệnh khác. Zelner cũng tin rằng có những hậu quả không nhỏ về mặt xã hội xoay quanh những câu chuyện về người siêu lây nhiễm.
“Bản chất của xã hội hiện nay là chúng ta đặc biệt quan tâm tới thảm họa. Và một cái gì đó như câu chuyện về xác sống chính là cách tốt nhất để làm điều đó. Đó là câu chuyện có tầm ảnh hưởng rất lớn”, Samuel K. Roberts, nhà lịch sử y khoa ở Columbia, cho hay.
Ông cho rằng công chúng không cần phải biết về người siêu lây nhiễm hay bệnh nhân số 0. “Điều quan trọng hơn là chúng ta phải bảo vệ mình như thế nào? Tìm kiếm bệnh nhân số 0 không giúp ích được gì cả. Nó chỉ gieo rắc nỗi sợ hãi cho những người khác”, Roberts khẳng định.
Thanh Tâm
Thiên đường nghỉ dưỡng thành cơn ác mộng 'siêu lây nhiễm' virus corona
Khu resort trượt tuyết Ischgl tại Áo là địa điểm ưa thích của giới thượng lưu. Nơi đây đã trở thành một ổ dịch Covid-19 \'siêu lây nhiễm\' đến 6 quốc gia châu Âu khác.
Khu resort Ischgl tọa lạc tại vùng núi thuộc bang Tyrol, Áo. Khu nghỉ dưỡng hào nhoáng này nằm cách ngôi làng Ischgl - nơi sinh sống của hơn 1.500 cư dân - khoảng 2,8 km.
Các du khách sẽ lên địa điểm vui chơi bằng cáp treo. Khu nghỉ dưỡng là một phần của Silvretta Arena, mạng lưới trượt tuyết rộng lớn nằm tại biên giới Thụy Sĩ - Áo.
Vào mùa đông, nơi này thu hút khoảng 500.000 du khách từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm nhiều nhân vật nổi tiếng như như người mẫu Paris Hilton, siêu mẫu Naomi Campbell, và cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton. Trung bình, mỗi chiếc giường ngủ tại khu resort đem lại doanh thu lên đến 12.000 USD/năm.
Bên cạnh môn trượt tuyết, nhiều người đến Ischgl còn với mục đích tham gia vào những bữa tiệc tùng hào nhoáng, hòa mình vào các vũ trường nhộn nhịp, và thưởng thức món ăn tại những nhà hàng có ngôi sao Michelin danh giá của ngành ẩm thực.
Các buổi biểu diễn âm nhạc tại đây thường thu hút lượng người khổng lồ.
Ischgl có thể là thiên đường nghỉ dưỡng mùa đông cho nhiều du khách giàu có. Nhưng năm nay, theo tạp chí Der Spiegel của Đức, nó trở thành cơn ác mộng khi lây lan virus corona đến 6 quốc gia châu Âu khác ngoài Áo, bao gồm Đức, Iceland, Anh, Na Uy, Đan Mạch, và Ireland.
Theo Reuters, khu resort là nguồn gốc cho ổ dịch Covid-19 lớn nhất tại Áo. Tính đến đầu tháng 4/2020, Ischgl và các khu vực lân cận ghi nhận hơn 600 trường hợp dương tính với nCoV.
Vào ngày 4/3, chính quyền Iceland đã cảnh báo các nhà chức trách Áo rằng một nhóm công dân của họ đã bị nhiễm nCoV sau chuyến du lịch đến Ischgl. Đáp lại, quan chức Áo phủ nhận khả năng lây lan dịch bệnh tại bang Tyrol.
Đến hôm 7/3, một nhân viên pha chế tại quán bar Kitzloch nổi tiếng tại Ischgl có kết quả dương tính với virus. Tuy nhiên, quan chức Áo phải đợi đến ngày 9/3 để đóng cửa quán bar và 13/3 để ngưng mọi hoạt động của khu resort.
Chính quyền bang Tyrol hiện phải đối mặt với một vụ kiện từ các du khách vì đã không xử lý tốt sự bùng phát virus corona ở khu nghỉ dưỡng.
Thậm chí, các nhà chức trách ở đây còn bị điều tra hình sự khi có cáo buộc cho rằng khu resort Ischgl cố tình che giấu trường hợp nhiễm nCoV vào đầu tháng 2/2020.
Tính đến ngày 24/3, 298 ca nhiễm ở Đan Mạch và 892 ca nhiễm ở Na Uy được xác định xuất phát từ nơi nghỉ mát xa hoa này.
Minh Đức
Ảnh: Business Insider
Mỹ lần đầu tiên ghi nhận tình trạng thảm họa đồng thời ở tất cả các bang Lần đầu tiên trong lịch sử, 50 bang của Mỹ và thủ đô Washington D.C được đặt dưới tình trạng thảm họa cùng lúc do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Xe cấp cứu bên ngoài bệnh viện Brookdale ở Brooklyn, New York, ngày 10/4. Ảnh: New York Times Theo trang web chuyên về thống kê worldometers.info, tính đến 8h30' ngày 12/4 (giờ Việt...