Cạm bẫy chực chờ người nhập cư lậu
Từ nhiều năm nay, các nhà chức trách Anh đã c ảnh báo về tình trạng “nô lệ thời hiện đại” đối với người nhập cư lậu, trong đó có người Việt, vốn là nạn nhân của những kẻ buôn người.
Một người Việt được giải cứu khỏi một trại trồng cần sa trái phép tại Anh . Ảnh Chụp màn hình The Guardian
Truyền thông Anh đã nhiều lần đưa tin về những vụ việc thương tâm khi hàng trăm người Việt bị đưa lậu sang nước này rồi phải sống trong cảnh bị bóc lột và luôn sợ hãi. Con đường tới với miền đất hứa không trải đầy hoa hồng như lời đường mật của những kẻ buôn người. Lời cảnh tỉnh đã có từ lâu nhưng vẫn còn quá nhiều người nhẹ dạ cả tin.
Mong đổi đời
Theo một báo cáo mới đây được Cao ủy Chống nạn nô lệ độc lập (IASC) của chính phủ Anh công bố, VN là một trong 3 nước có nhiều nạn nhân bị bán sang Anh nhất. Số liệu mà các tổ chức chính phủ và phi chính phủ Anh ghi nhận được cho thấy mỗi năm có hàng trăm người Việt nhập cư lậu vào nước này theo hành trình xuyên quốc gia của đường dây buôn người. Hồi năm 2017, lãnh đạo IASC khi đó là ông Kevin Hyland cho biết việc đưa lậu người vào Anh là một “ngành kinh doanh lớn”. Để quảng cáo, các đường dây buôn người nhắm đến người Việt đã vẽ ra bức tranh về cái gọi là “việc nhẹ lương cao” và “cuộc sống vương giả” khi họ được đưa đến trời Âu.
Lợi dụng sự thiếu hiểu biết và nhẹ dạ cả tin của con mồi, chúng ra các mức giá khác nhau, theo IASC. Nếu chấp nhận bỏ ra 33.000 bảng (gần 1 tỉ đồng), con đường sang Anh sẽ ngắn nhất và ít rủi ro nhất. Với những người chọn mức giá “phổ thông”, từ 10.000 – 20.000 bảng (khoảng 300 – 600 triệu đồng), họ sẽ phải trải qua hành trình kéo dài nhiều tháng “quá cảnh” qua nhiều nước như Nga, CH Czech, Hungary, Đức, CH Ireland và Pháp trước khi vào được Anh.
Những người muốn đổi đời tìm đủ cách xoay xở tiền để được ra nước ngoài, thậm chí vay nặng lãi từ chính những kẻ buôn người. Họ tin rằng một khi sang được Anh làm việc, họ sẽ nhanh chóng trả xong nợ và gửi nhiều tiền về nhà. Một người Việt không được nêu tên chia sẻ với IASC rằng cô được hứa hẹn sẽ có cuộc sống như bà hoàng ở Anh với đồ ăn ngon, quần áo đẹp, công việc nhàn hạ, lương cao. Tin những lời mật ngọt đó, cô nộp 19.000 bảng nhưng thực tế diễn ra không như mong đợi.
Bên cạnh những người tự nguyện còn có nhiều nạn nhân, nhất là trẻ em ở các vùng quê nghèo, bị lừa. Những đứa trẻ này bị bọn buôn người dụ dỗ, thậm chí bắt cóc để đưa đến Anh bằng con đường bất hợp pháp. Reuters từng dẫn lời luật sư Philippa Southwell – người nhận rất nhiều vụ liên quan đến nạn nhân buôn người ở Anh, cho biết bọn tội phạm thường bắt trẻ em Việt ngủ trong thùng xe tải, đi bộ hàng ngàn cây số, băng rừng, vượt biển trong nhiều tháng, thậm chí hàng năm trời để đến Anh.
Nô lệ thời hiện đại
Video đang HOT
Chuyến hành trình vốn đã quá bấp bênh, nhưng khi tới miền đất hứa nhiều người Việt mới “vỡ mộng”, chịu sự bóc lột, thậm chí sống trong cảnh nô lệ thời hiện đại. Các báo cáo của Anh nhiều năm qua nêu rõ người Việt được đưa lậu vào nước này hầu hết làm công việc lao động chân tay như ở tiệm làm móng, trại trồng cần sa và thậm chí cả mại dâm. Theo tờ The Guardian, một nhân viên làm móng cho biết phải lao động từ sáng đến tối cả 7 ngày trong tuần nhưng chỉ được trả 30 bảng/tuần (khoảng 900.000 đồng). Một số người còn không được giữ số tiền ít ỏi đó mà bị những kẻ buôn người trấn lột. Họ phải sống khép kín theo sự sắp xếp của chủ tiệm. Một mặt họ biết mình đến Anh bất hợp pháp nên thay vì cầu cứu thì họ sợ bị cảnh sát phát hiện và chịu đựng sự bóc lột. Mặt khác, một số người còn không nhận ra mình là nạn nhân của những kẻ buôn người vì nghĩ rằng chính họ lựa chọn nên phải trả tiền.
Trong khi đó, nhiều trẻ em bị lừa sang Anh rồi bị ép trông nom vườn cần sa hay “bóng ma” theo cách gọi của những kẻ buôn người. Chúng sống trong sợ hãi, bị cách ly với thế giới bên ngoài và không được trả lương. Một báo cáo từ cuộc điều tra của Trung tâm chống lạm dụng trẻ em và bảo vệ trực tuyến của Anh (CEOP) trước đây cũng đã phanh phui mối liên hệ mật thiết giữa các trang trại cần sa và tiệm làm móng, theo tờ The Sunday Times.
Cũng chính bởi đường dây tội phạm nguy hiểm như vậy nên những trường hợp được giải cứu sợ hãi không dám khai. Thêm vào đó, giới chức trách Anh thường xếp họ vào diện nhập cư lậu và tội phạm thay vì là nạn nhân buôn người nên không có nhiều biện pháp bảo vệ hiệu quả. Các tổ chức hoạt động chỉ ra rằng, nhiều người từng được giải cứu trong nơi trồng cần sa này nhưng không lâu sau lại bị chính những kẻ buôn người đưa vào một nơi trồng cần sa khác.
Theo thanhnien
Chạy trốn khỏi đất nước, dân di cư sống tạm bợ, đánh cược tính mạng mòn mỏi mơ 'miền đất hứa'
Nhiều người nhập cư ở Pháp sống trong tình cảnh cùng cực khi giấc mơ vượt biên sang Anh chưa thành hiện thực.
Salman cùng vợ và 3 đứa con 3 lần vượt biên qua Eo biển Manche vào Anh với hy vọng kiếm tìm cuộc sống mới ở miền đất hứa nhưng bất thành.
Khi thời tiết chuyển biến xấu khiến việc vượt biển tiềm ẩn quá nhiều rủi ro, gia đình Iraq này tính chuyển sang đường bộ.
Salman nói anh hiểu tử thần luôn chực chờ gia đình một khi bước chân vào thùng container kín còn hơn cả quan tài đóng đinh đó. Nhưng giống như những người khác ở trại tạm trú tại Dunkirk, miền Bắc nước Pháp, gia đình Salman không có nhiều lựa chọn.
"Tôi biết là nguy hiểm nhưng còn nguy hiểm hơn nếu ở Iraq. Chúng tôi chỉ muốn tới đó thôi", Salman nói khi đứng bên cạnh chiếc lều của gia đình giữa đồng cỏ ở Dunkirk, Pháp.
Căn lều mà Salman và gia đình trú tạm ở Dunkirk. (Ảnh: Facebook)
Hàng trăm ngưòi khác, trong đó có những người mang theo con nhỏ ở trong tình cảnh tương tự tại trại tạm trú cách thành phố Calais khoảng 50 km. Các nhân viên cứu trợ cho biết mọi chuyện đang trở nên tồi tệ hơn rất nhiều khi các nhà chức trách tăng cường truy quét.
Để tới Anh, những người nhập cư ở đây phải trả một khoảng tiền vào khoảng 10.000 bảng Anh (gần 300 triệu đồng) cho các băng đảng buôn người để băng qua Eo biển Manche hoặc di chuyển bằng xe tải tới Anh.
Các đối tượng buôn người thường được cài cắm ở các khu lán tạm trú, tìm kiếm các con mồi trước khi buông lời dụ dỗ những người tị nạn tuyệt vọng không còn nhiều lựa chọn.
Khi lực lượng chức năng tăng cường truy quét, càng nhiều người sẵn sàng liều mạng để vượt biên sang Anh. Trong 3 tháng qua, 4 người thiệt mạng trong những nỗ lực này.
Theo các số liệu thống kê, mỗi tháng có khoảng 3.000 người tìm cách vượt eo biển Manche để tới Anh. Trong năm 2018, giới chức Pháp, Bỉ ngăn chặn 35.000 trường hợp vượt biên sang xứ sở sương mù.
Salman và gia đình hiện sống tạm bợ ở khu bảo tồn thiên nhiên Grande-Synthe, Dunkirk. Họ không có nước uống và phải lấy nước từ một hồ gần đó.
Các chuyên gia y tế cho biết bệnh tật đang lan tràn khi số người tị nạn chuyển tới khu bảo tồn thiên nhiên này tăng cao do giới chức trục xuất họ khỏi một khu tập thể thao với các điều kiện khá khẩm hơn gần đó.
Kể từ sau khi ông Grande-Synthe lên nắm quyền thị trưởng thành phố, các chính sách với người nhập cư trở nên ngặt nghèo hơn. Hồi tháng 7, ông này từng tuyên bố sẽ áp dụng cách tiếp cận "ít nhân đạo hơn" với người nhập cư.
Người tị nạn phải uống nước lấy từ hồ. (Ảnh: Facebook)
Nhưng nhiều quan chức địa phương phản ứng với cách tiếp mà họ khẳng định là có phần cực đoan quá mức này.
"Chúng tôi chưa bao giờ thấy mọi chuyện tệ đến vậy. Chính quyền chưa bao giờ thực hiện các biện pháp triệt để như vậy. Cảnh sát đến, dỡ lều, để lũ trẻ dưới mưa, ngăn cản các tổ chức cứu trợ phân phát thực phẩm và quần áo. Những người này cần sự giúp đỡ, chúng ta không thể để mặc họ như vậy", ông Dany Wallyn, một thành viên hội đồng lập pháp địa phương nói.
Chloe Lorieux, điều phối viên của Tổ chức Bác sĩ Thế giới, cho biết tình hình ở Dunkirk đang trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Trung bình mỗi ngày tổ chức này điều trị 40-60 trường hợp, gấp đôi so với 6 tuần trước đó.
"Mọi thứ sẽ rất tệ nếu họ không được tiếp cận nguồn nước. Các vết thương sẽ bị nhiễm bẩn, người nhập cư sẽ dễ bị tổn thương hơn và khó để hồi phục", bà Lorieux nói.
Không chỉ bị suy nhược về thể chất, các đợt truy quét cũng khiến người nhập cư suy sụp về tinh thần. Họ kiệt sức và căng thăng, không có thời gian nghỉ ngơi và luôn phải di chuyển. Một số trẻ em có phản ứng tiêu cực như làm đau mình.
Theo bà Maddy Allen, một thành viên của Help Refugees - tổ chức phi chính phủ cung cấp viện trợ nhân đạo và vận động cho người tị nạn trên khắp thế giới, việc thắt chặt các biện pháp an ninh để ngăn người nhập cư trái phép sẽ phản tác dụng đẩy những người tuyệt vọng tìm kiếm những con đường nguy hiểm hơn.
(Nguồn: Independent)
SONG HY
Theo VTC
Chính sách chống nhập cư của EU đã phản tác dụng? Cuộc chiến của Liên minh châu Âu (EU) nhắm vào buôn người chỉ đẩy nhanh chu kỳ của những hành trình tuyệt vọng, khiến chúng trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết. Trong khi đó lại làm giàu cho những kẻ đạp lên giấc mơ về một cuộc sống mới. Hàng quan tài lấp đầy một nhà chứa máy bay ở đảo...