Cạm bẫy buôn người với những cô gái trẻ
Thấy cuộc sống quá nghèo khó và muốn đổi đời nhanh chóng nên nhiều cô gái trẻ ở vùng núi Con Cuông – Nghệ An vô tình rơi vào cạm bẫy của những kẻ buôn người.
Sau cuộc hành trình dài đằng đẵng bị bán làm vợ nơi xa xứ, may mắn có người được giải cứu, có người vẫn biệt tăm biệt tích không hẹn ngày về. Một bài học cay đắng cho những cô gái trẻ nhẹ dạ tin vào lời dụ dỗ ngon ngọt…
Nước mắt ngày về
Tiếp chúng tôi tại trụ sở UBND xã Đôn Phục, huyện Con Cuông là Trưởng Công an xã còn rất trẻ, anh Vi Uy Tín, SN 1985. Anh Tín nhiệt tình và thẳng thắn khi trao đổi với chúng tôi về thực trạng ở địa phương: “Đôn Phục là xã nghèo, có 3.722 nhân khẩu và trên 80% là đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là giao thông đi lại rất khó khăn, hễ trời mưa to là các bản bị chia cắt bởi các con suối, không đi lại được, trình độ dân trí thấp nên người dân hay bị những kẻ xấu lợi dụng, mua chuộc, lừa bán con em sang Trung Quốc”.
Từ đầu năm 2011 đến nay, trên địa bàn xã Đôn Phục đã có khoảng 15 phụ nữ, trẻ em rơi vào diện nghi vấn bị lừa bán sang bên kia biên giới. Riêng đầu năm 2012 đến nay, có 8 nữ sinh nghỉ học, mà theo những người nhà nạn nhân cho biết thì các em đi làm ăn xa, nhưng không cho biết cụ thể là ở đâu. Còn theo nhiều người dân ở đây thì hầu như các em đã bị lừa bán, một số thì tự nguyện đi sau khi gia đình nhận một số tiền kha khá từ các đối tượng lừa đảo.
Qua thông tin mà Trưởng Công an xã Vi Uy Tín cung cấp, chúng tôi chú ý đến trường hợp em Ngân Thị Ứng, 16 tuổi, ở bản Hồng Điện, mới được giải cứu thành công từ Trung Quốc về, và một số trường hợp khác nằm trong diện nghi vấn bị lừa bán tại xã Đôn Phục. Từ Ủy ban xã vào bản Hồng Điện chưa đầy 5km, nhưng rất khó đi. Những con đường ngoằn ngoèo, lầy lội bởi những trận mưa rả rích. Sau hơn một giờ đồng hồ “đánh vật” với quãng đường, chúng tôi mới đặt chân đến nhà em Ứng.
Nhắc đến những ngày tháng bị giam cầm làm vợ cho ông lão xứ người, Ứng vẫn chưa hoàn hồn. Tháng 8-2011, cô bạn cùng xã là Lương Thị Việt, đến rủ đi xuống thành phố Vinh làm giúp việc, công việc đơn giản mà người ta trả nhiều tiền, tưởng thật nên Ứng nghe theo. Hai hôm sau, trời mưa rất to nên bố mẹ Ứng đi làm trên rẫy không về được. Ứng ở nhà một mình thì Việt đến rủ đi. Khi lên đến nhà Việt đã có Lương Thị Nhung và Vi Thị Hà, đợi sẵn ở đó. Ứng bảo đợi bố mẹ đi làm về rồi chào một câu, nhưng hai người này bảo nếu đợi thì không kịp vì xe sắp chạy. Lên xe hai ả này bảo Ứng uống một viên thuốc chống say rồi sau đó ngủ không biết gì. Khi tỉnh dậy Ứng mới biết mình đang ở Trung Quốc.
Gia đình Ngân Thị Ứng vui mừng được đoàn tụ
Video đang HOT
“Ngay sau khi bị lừa bán sang Trung Quốc, họ báo với em là bọn tao đã bán mày cho người ta lấy làm vợ rồi. Em không đồng ý và đòi về nhà thì liền bị mấy người đàn ông xông vào đánh túi bụi và kề dao vào cổ dọa giết, sợ quá nên bọn em đành phải chấp thuận”. Ứng ứa nước mắt nói.
Những ngày đầu bị bán, Ứng còn gặp em Moong Thị Oanh (SN 1997), con ông Moong Văn Sớm, bản Huồi Thợ, xã Hữu Kiệm – Kỳ Sơn, một em tên Huyền và nhiều em khác cũng ở Việt Nam bị lừa bán sang Trung Quốc. Ứng bị bán làm vợ cho một người đàn ông còn nhiều tuổi hơn cả bố mình, mặt mũi ghê rợn và hung dữ. Ngày nào cũng đánh đập vì Ứng luôn chống cự mỗi khi ông ta bắt Ứng lên giường.
Ngày nào Ứng cũng phải làm việc từ sáng tinh mơ cho đến chiều tối mới được nghỉ. Vì bất đồng ngôn ngữ nên sau hơn 7 tháng bị bán sang Trung Quốc, Ứng cũng không biết tên ông ta là gì, và mình đang ở đâu. Có những hôm Công an vào kiểm tra, gia đình nhà chồng lôi Ứng vào rừng trốn hai ba ngày liền mới đưa về nhà.
Từ khi bị bán sang Trung Quốc, điện thoại của Ứng cũng hết tiền, chỉ nhận mà không thể gọi được. Cho đến một hôm có cuộc điện thoại từ số máy lạ, nghe máy thì có cô bảo là nhà báo, hỏi thăm tình hình để giải cứu. Nghe đến đó Ứng mừng rỡ, khóc nức nở. Sau đó không lâu, cơ quan chức năng Việt Nam phối hợp với Cảnh sát Trung Quốc thì Ứng mới được giải cứu về Việt Nam.
Anh Ngân Văn Tư, bố Ứng, rầu rĩ cho biết: “Bữa nó đi nhằm vào ngày lũ lớn nên hai vợ chồng cứ tưởng nó bị nước lũ cuốn đi, sau đó hỏi Nhung và Hà qua điện thoại thì được hai người này báo là đã bán con gái sang Trung Quốc. Tham gia lừa bán Ứng còn có hai người là Vi Văn Sơn và Lang Thị Ngân, ngay hôm đó, tôi liền báo ngay cho Công an xã, huyện để tìm cách cứu con gái”.
“Nhà nghèo, có 4 người con, Ứng là con gái thứ 2, năm nay mới 16 tuổi. Vì gia đình khó khăn nên cháu nó phải bỏ học từ khi mới lên lớp 5. Từ bữa nó về tôi vui mừng lắm. Tôi cũng rất cảm ơn chính quyền rất nhiều trong việc giải cứu con gái”- anh Tư nói thêm.
Những học sinh bỏ học “đi làm ăn”
Trao đổi với chúng tôi, thầy Trần Viết Nam, Phó Hiệu trưởng Trường THCS xã Đôn Phục, huyện Con Cuông, cho biết: “Là một trường vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí thấp. 100% các em học sinh là người dân tộc, lại thường xuyên xảy ra nạn buôn bán trẻ em nên nhà trường, các thầy cô luôn có ý thức, trách nhiệm cao trong việc tuyên truyền, vận động. Có những hôm trời mưa to, các thầy cô trong trường phải lội suối cõng các em về tận nhà. Tuy nhiên, do đời sống khó khăn, nhận thức hạn chế, lại được cho tiền nên nhiều gia đình đành nhắm mắt để con em đi mà không tố cáo”.
Gần đây, có trường hợp em Vi Thị Thíu 15 tuổi, học lớp 9B, người dân tộc Thái, ở bản Hồng Thắng, xã Đôn Phục, con ông Vi Văn Cường và bà Kha Thị Huyền, đã mất tích nhưng không rõ nguyên nhân. Khi chúng tôi tìm tới nhà em Thíu để tìm hiểu thì người nhà cho biết là em đi làm ăn xa. Tuy nhiên, theo một số người dân thì gia đình Thíu đã nhận của bọn buôn người 40 triệu để cho Thíu đi sang Trung Quốc làm…vợ.
Thầy Nam cũng cho biết thêm, đời sống kinh tế đã khó khăn, con đường đến trường của các em còn gian nan hơn. Có nhiều em ở xa, phải thức dậy sớm, nhịn ăn đi bộ đến trường 6 cây số. Ở trường, các em học sinh bỏ học nhiều nhất là học sinh nữ khối lớp 8, lớp 9. Ở độ tuổi này các em có thể lao động và bọn xấu chủ yếu lừa gạt những em còn trẻ để bán sang Trung Quốc làm vợ. Năm 2011, trường có 9 em bỏ học, chưa đầy 5 tháng đầu năm học 2012 tăng thêm 11 trường hợp bỏ học. Tất cả những em học sinh bỏ học các thầy cô đều đến tận gia đình thuyết phục cho các em quay lại trường học tiếp, nhưng họ đều từ chối, quyết cho con cái đi làm ăn, nhưng hỏi đi đâu thì họ đều nói không biết.
Thủ đoạn mà bọn buôn người thường lợi dụng vẫn là những chiêu bài cũ như qua người quen, qua các đầu mối trung gian để tiếp cận nạn nhân. Để đề phòng nạn nhân bỏ trốn, sau khi đã lừa được, bọn chúng sẽ tìm mọi cách cắt đứt liên hệ của các nạn nhân bằng cách quản lý giấy tờ tùy thân, không cho mang theo điện thoại, tiền bạc. Có một số đối tượng trong đường dây buôn người, trước đây là nạn nhân nay cũng trở về tiến hành lừa đảo người khác đem bán kiếm lời.
***
Hiện nay, tình trạng buôn bán người, mà đặc biệt là phụ nữ, trẻ em ở các huyện miền núi phía Tây Nghệ An đang trở thành một vấn nạn nhức nhối. Để xảy ra tình trạng trên phần lớn là do công tác tuyên truyền vận động nâng cao cảnh giác trong nhân dân còn yếu kém. Cuộc sống khó khăn, thiếu công ăn việc làm dẫn đến những thay đổi trong lối suy nghĩ còn hạn chế. Nhờ đó đã tạo kẽ hở cho những kẻ buôn người thừa cơ hội dụ dỗ lừa bán người sang biên giới.
Theo Báo Công Lý
Nể lời chị gái, trở thành kẻ buôn người
Mỗi khi nghĩ tới ngày con gái tròn 3 tuổi, Tính lại run sợ vì biết đó cũng là thời điểm phải vào tù. Chỉ nghĩ đến đó thôi, Tính đã thấy lo cho bản thân và thương hai đứa con nhỏ.
Ngày bị gọi lên cơ quan công an, Lương Thị Tính, SN 1991, ở bản Cốc, xã Sơn A, huyện Văn Chấn (Yên Bái) khóc hết nước mắt vì sợ. Tính không nghĩ việc làm của mình lại sớm bị phát giác như thế. Số tiền công 1,5 triệu đồng vẫn còn nguyên trong túi, dự định tới phiên chợ sẽ mua quần áo cho con cuối cùng đã không thực hiện được.
Tính không xinh xắn nhưng duyên và khỏe mạnh nên cô sớm tìm được một người chồng vừa ý. Gia cảnh nghèo nhưng bù lại hai vợ chồng biết bảo ban nhau nên ngày mùa cũng có thóc để dành. Tính lấy chồng được một thời gian thì sinh liên tiếp hai đứa con một trai, một gái trong đó cháu lớn mới 2 tuổi. Đẻ dày nên Tính phải ở nhà, mọi việc đi nương, hái củi đều do một tay chồng đảm nhiệm, vì thế mà mâm cơm không được đầy đặn như trước. Nhiều lúc thiếu tiền, Tính lại chạy về nhà bố mẹ, vay mượn em trai khi thì gùi gạo, lúc thì bó củi nên tình cảm chị dâu em chồng giữa Tính và Lò Thị Ngường cũng mật thiết hơn. Nhiều lúc rỗi rãi, Tính bế con về nhà chơi, ngồi nói chuyện với Ngường nên biết em dâu mình cũng muốn đi chợ bán hàng nhưng kẹt nỗi không có vốn. Tính bảo Ngường nếu tìm được việc gì kiếm được tiền sẽ rủ Ngường cùng tham gia, khi có tiền sẽ góp vốn cùng Ngường mở một sạp bán hàng ngoài chợ.
Nhà Tính có 3 chị em, Tính là đứng giữa, trên là một chị gái nhưng đã bỏ nhà đi từ mấy năm rồi nên ở nhà chỉ còn Tính và cậu em trai. Tính không nhớ chị gái mình là Lương Thị Mẩy, sinh năm 1989, biến mất như thế nào. Chỉ biết rằng đó là một phiên chợ huyện cách đây 4 năm, hai chị em Tính đi chợ rồi chị em lạc nhau từ đấy. Cả nhà đi tìm không được, đồn đoán rằng có lẽ Mẩy bị lừa bán sang bên kia biên giới nếu không thì bị kẻ nào bắt về làm vợ, không biết đường về nhà cũng nên. Tính chỉ nghĩ thế vì đã 4 năm rồi, từ lúc Tính còn chưa lấy chồng đến khi cô đã 2 con, tin tức về chị gái vẫn mù mịt cho đến một hôm cô đi chợ. Đang mua bán, Tính bỗng giật mình khi thấy có ai đến bên cạnh, hỏi sắp về nhà chưa, nghe giọng nói quen như chị gái mình. Tính ngẩng lên nhìn rồi reo lên sung sướng khi biết đó là người chị gái mất tích bấy lâu.
Xét hỏi đối tượng Lương Thị Mẩy
Hai chị em dẫn nhau về nhà trong sự mừng vui khôn tả của bố mẹ. Mẩy ở lại nhà có 1 đêm, sáng hôm sau đã vội vã đón xe xuống thành phố, nói là đi Lào Cai. Theo lời Mẩy thì sau khi chị em lạc nhau, Mẩy về thành phố Lào Cai xin được một chân bán hàng thuê, từ chỗ làm thuê, giờ Mẩy đã tậu được một gian hàng ở chợ, đang rất cần người trông hàng phụ giúp mình.
Nghe chị gái kể chuyện, nhìn những bộ quần áo chị mặc trên người, Tính thèm lắm, muốn được đi làm giúp chị nhưng Mẩy không đồng ý với lý do Tính đang nuôi con nhỏ, bỏ đi bây giờ không tiện. Mẩy hứa khi nào con Tính có thể ở nhà với bố thì sẽ đưa em gái về phụ việc cho mình còn bây giờ Tính phải giúp Mẩy, tìm hộ một người giúp việc. Rồi Mẩy hứa sẽ trả công cho Tính 3 triệu đồng nếu tìm được người cho Mẩy. Có người, Tính chỉ việc gọi điện cho Mẩy để chị gái về đón, Tính không phải làm gì khác ngoài việc tìm người.
Bỗng dưng có 3 triệu đồng, Tính mơ tưởng đến món tiền ấy và nghĩ ra rất nhiều thứ sẽ mua khi trong túi có tiền. Mẩy đi rồi, ngay hôm sau Tính đến gặp Ngường, kể chuyện được chị gái nhờ tìm người sẽ cho tiền, rủ Ngường cùng tham gia. Vốn vẫn thân thiết với chị chồng nên khi nghe Tính nói thế, Ngường sốt sắng đồng ý tìm người. Cô ta kể chuyện tìm người làm hộ chị chồng và được Hà Thị K., một thiếu nữ cùng bản nhận lời. Cô gái này năm nay mới 15 tuổi, nghỉ học từ lâu, vì bố mẹ ép lấy chồng nên muốn đi làm xa, thấy Ngường bảo thế nên tin tưởng. Sau khi K. nhận lời, Ngường nói lại với Tính và Tính thông báo ngay cho Mẩy. Ngày 28-5-2012, Mẩy về Văn Chấn đón K. đi, giữ đúng lời hứa đưa cho em gái 3 triệu đồng gọi là tiền công giới thiệu. Tính chia cho em dâu một nửa, hẹn Ngưỡng tới phiên chợ cùng đi để mua quần áo cho bọn trẻ, thế nhưng chưa kịp thực hiện thì bị bắt.
Ngày 29-5-2012, sau khi cùng K. đón xe về thành phố Lào Cai, Mẩy nói dối cô gái là sang Trung Quốc đón hàng để đưa đi cùng nhưng khi hai người chuẩn bị vượt biên thì bị phát hiện. Tại đồn biên phòng Hà Khẩu, ban đầu Mẩy khai là cùng K. đi đón hàng về thành phố bán. Cô gái cũng thừa nhận việc được Mẩy rủ qua biên giới đón hàng và nhận mình đã đi cùng Mẩy từ Văn Chân lên với mục đích bán hàng thuê cho Mẩy. Tuy nhiên, khi được hỏi cửa hàng của Mẩy ở đâu thì người phụ nữ này ấp úng không trả lời được, cuối cùng đành thừa nhận đó chỉ là cái cớ để chị ta lừa người.
Theo lời khai của Mẩy thì sau khi lạc em gái ở chợ, Mẩy bị lừa sang Trung Quốc, bán vào động mại dâm. Sau một thời gian làm gái, Mẩy được một người đàn ông sở tại chuộc ra nên sống như vợ chồng với ông ta. Vì chồng của Mẩy cũng có cửa hàng kinh doanh mại dâm nên cô ta đã nghĩ đến chuyện lừa con gái quê mình sang ép bán dâm kiếm lời. Sau khi bàn bạc, được chồng đồng ý, Mẩy về quê gặp em gái, nói dối là mình đang bán quần áo ở Lào Cai để mượn tay em tìm người giúp mình.
Bị triệu tập lên cơ quan Công an, được nghe những lời thú tội của chị gái, cả Tính và Ngường đều khóc vì sợ hãi và ân hận. Chỉ vì cả tin chị gái, hám có món tiền lớn mà cả hai bị bắt về tội buôn người. Do đang nuôi con nhỏ nên Tính được tại ngoại chờ ngày hầu Tòa còn Mẩy và Ngường đều bị tạm giam. Biết việc làm của mình thế nào rồi cũng phải ngồi tù, Tính sợ lắm, cô khóc vùi vừa giận bản thân vừa giận chị gái song nước mắt chẳng thể làm thời gian quay ngược lại để Tính không phạm sai lầm.
Theo Báo Công Lý
Sống "bày đàn" rồi lừa thiếu nữ bán sang Trung Quốc Cái bẫy mà các đối tượng giăng ra xuất phát từ sự dại dột, mải chơi của các em gái trẻ, thích ra nhập nhóm kiểu "bày đàn", tụ tập, sống với nhau ở nhà nghỉ, khách sạn. Phòng Cảnh sát hình sự (PC45) Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối...